Vài nét New York City

Ngày đăng: 8/04/2013 07:38:47 Sáng/ ý kiến phản hồi (1)

         Khoảng vài tháng đầu định cư ở New Jersey, gia đình Lúa có mấy đứa em cùng bạn cùng thuyền, ở cùng quê nhưng về định cư với người anh ruột ở New York. Một ngày trời đẹp, tụi nó ngồi hơn 80 miles trên xe bus lò mò xuống thăm. Nhớ thời còn ở Ấp 5 chưa quá hai năm trước đó, trường hợp khách đến nhà như vầy thì Lúa tức tốc sai thằng con trai lớn chạy u đến tiệm, xách cái chai đong đầy một lít Hòa Hiệp đi lêu lêu qua gần khắp xóm. Mới ở đây có mấy bữa mà chuyện kêu con nít đi mua rượu hình như đã xưa từ lâu lắm. Cho dù có ở kế bên tiệm rượu thì thằng nhỏ vị thành niên nầy cũng vô phương mua được bia rượu, hoặc là hàng nhẹ tênh như thuốc lá và vé số tại xứ Cờ Hoa. Lúa cầm xâu chìa khóa của chiếc xe cà tàng định đi lượm vài thùng lon nhôm Budweiser đem về để mấy anh em thoả tình “tữu phùng tri kỷ”. Cả hai thằng em cùng đồng thanh kinh ngạc “Anh có bằng lái rồi hả”. Lúa tui còn ngạc nhiên hơn khi nghe tụi nó, “Ở thành phố New York xe cộ chạy chóng mặt kinh hồn, đến bây giờ tụi em chưa dám tập chạy xe để thi lấy bằng lái”.

         Vài năm sau, cái điều kinh hồn theo như lời hai đứa em nói hôm nào có dịp trỗi dậy khi Lúa có dịp phải đi lên New York bằng xe. Chưa đi đến đâu mà bị các anh bạn ở đây lâu đời, liên thủ gia cố thêm ám ảnh, “Mầy lên đó phải chạy bạo mới được. Trong luồng xe đông lở có cọ quẹt trầy má xệp mủi, xước hông hay mốp đít sơ sơ thì chạy luôn, không ai nằm vạ như ở chỗ mình, thiên hạ bị nghẹt cứng đường chưỡi chết”. Câu chuyện Tư Ếch sắp đi Sài-Gòn trở nên sôi nổi hào hứng khi mấy anh góp ý hăng say. “Mầy đừng lái vô Downtown Manhattan, vùng đó khó kiếm chỗ đậu xe ngoài lộ, lớ ngớ đậu nhầm chỗ cấm, họ câu xe đi mất tiêu thì khổ. Lũi vô mấy parking lot ở đất vàng đó cả ngày,  nó charge mầy tưa tả. Còn đậu ngắn hạn thì rẻ lắm cũng mười mấy đô cho nửa giờ đầu tiên và cứ nửa giờ tiếp theo rẻ hơn mà tính tới”. Có anh thì kinh tế thiết thực hơn, “Theo anh thì em lựa mấy bãi đậu xe mênh mông miễn phí bên bờ sông phía New Jersey. Bãi đậu nào cũng có tuyến xe lửa ngầm qua New York, vé xe lửa rẻ hơn tiền qua cầu nếu đi bằng xe nhỏ. Qua bển trổ lên trạm nào gần nơi mình muốn, đi loanh quanh ở downtown bằng taxi nhanh rẻ hơn tự lái tìm chỗ đậu, mà khỏi phải lội bộ thêm vài trăm thước mới đúng nơi mình muốn”.

        Cũng giống như bao nhiêu thành phố lớn khác trên thế giới, New York city với những cao ốc kề vai ken khít hai bên những đại lộ đông đúc xe cộ, những đoàn người hối hả di chuyển ngược xuôi trên những vĩa hè thênh thang mà có đoạn tưởng chừng như đang chìm đắm trong không gian khép kín ở những con hẽm nhỏ và sâu hun hút.

        New York city là thành phố lớn nhất của Tiểu bang New York, nhưng khi người ta nói đến hai từ New York là nghĩ ngay đến một thành phố có nhiều địa danh nổi tiếng nên hầu như quên tuốt nó cũng có người mẹ ruột cùng tên. Và nó còn một tên riêng nữa là thành phố không bao giờ ngủ, mặc dù thành phố nầy có hàng ngàn khách sạn lớn bé, cở thượng vàng cho vương thân quốc thích đến hạ bạc cho dân “ba lô” du lịch bình dân. Tất cả giường ngủ đều êm ái tiện nghi, sẵn sàng giúp người ta yên lòng nhắm mắt, hưởng nhiều mộng đẹp.

        Nói đến New York, người ta liên tưởng đến Tòa nhà Liên Hợp Quốc, một cơ quan của cộng đồng quốc tế có Hội đồng trong muc đích thực thi tôn chỉ tôn trọng quyền tự quyết các dân tộc, các quyền cơ bản của con người.  và các Ủy ban chuyên biệt cùng chung tay ra sức mưu cầu giúp cho mọi người được sống trong môi trường văn minh tiến bộ, bảo tồn văn hóa, bình đẳng tự do, ấm no lành mạnh, chia sẻ hòa bình hạnh phúc trên hành tinh tươi đẹp nầy. Người ta cũng không thể xem thường những trung tâm tài chánh quyền lực, tập trung những chuyên gia kinh tế tài chánh giỏi nhất khắp thế giới hội tụ về đây để tranh thủ và bảo vệ lợi lộc cho công ty hoặc quốc gia của họ. Và một biểu tượng tiêu biểu của NY vâ niềm tự hào của dân Mỹ, từ lâu được mọi người biết đến là pho tượng Nữ thần Tự do, quà tặng do nhân dân Pháp thiết kế sống động và đầy ý nghĩa. Pho tượng được khánh thành ngày 28 tháng 10 năm 1886. Từ những ngày đầu, bà đứng đưa cao cây đuốc trên một hòn đảo nhỏ ở cửa sông Hudson, vẻ mặt thánh thiện chào mừng đoàn người di dân từ Âu châu, ngay trước ngõ vào những bến cảng mênh mông và bận rộn. 

 

        Không phải bỗng nhiên cao hứng mà người Pháp vẻ kiểu pho tượng vỏ đồng phóng tác theo hình ảnh nữ thần tự do trong truyền thuyết La Mã xa xưa. Ý tưởng bắt đầu bởi kiến trúc sư người Pháp Frederic Bartholdi, ông ta rất vất vả tìm kiếm một hình tượng xứng đáng tiêu biểu kỷ niệm ngày độc lập Hoa Kỳ 4-7-1776, chia sẻ kết quả mà nước Pháp đã hậu thuẩn người Mỹ mạnh dạn tuyên bố độc lập, mở màn cuộc chiến tranh Cách mạng đánh đuổi quân Anh. Và để vinh danh chính phủ và nhân dân tiến bộ Mỹ trong sự kiện giải phóng gần 4 triệu nô lệ trên đất nước sau gần trăm năm lập quốc, từ 1862 đến 1865. Thời kỳ mà những ông chủ nông nô còn mê say giấc mộng làm ra sản phẩm thật nhiều để giàu có, xem sinh mạng người nô lệ da màu như cỏ rác. Những nguời da trắng tự hào là văn minh nầy không biết hay muốn ngủ quên, nên chưa ai phát động trào lưu phổ biến tư tưởng về nhân quyền, dù bên trời Âu châu đã từng nổ ra cuộc cách mạng dân chủ lừng danh, 1789-1799, chống lại chuyên quyền quân chủ thâm căn cố đế. 

        Phần cốt thép khung sườn bên trong tượng đồng do kỷ sư cha đẻ tháp Eiffel vẻ kiểu. Nhiều tay thợ Pháp trứ danh gò dập điêu khắc vỏ hình hài pho tượng bằng đồng dát cho từng khúc cắt ngang riêng biệt thân tượng. Số đo trên bản vẻ của kiến trúc sư Bartholdi dự trù khi hoàn tất, bắt đầu từ bàn chân trần của bà đang đạp trên một khúc xích xiềng nô lệ gãy vụn, đến đầu ngọn đuốc ý nghỉa khai phóng được nắm chặt trong bàn tay phải đưa cao, sẽ đo được 46 mét. Xong xuôi công trình trong sự khó khăn từ ngày đầu vận động, và sự quyên góp của hàng trăm ngàn người Pháp yêu mến tự do. Họ dỡ từng đoạn tượng xuống xà lan, chọn lựa thời tiết xuôi thuận vượt Đại tây dương, họ ráp lại an vị nữ thần nầy trên môt bệ chân bằng bê tông có chiều cao tương đương pho tượng, do người Mỹ xây dựng cùng một lúc với bên làm tượng

       Thông thường như trước kia thì mặt sau những tấm huy chương đều có phía sần sùi, pho tượng Nữ thần Tự do cũng không ngoại lệ. “Hữu xạ tự nhiên hương”. Hãy để những ánh mắt của đám con cháu những di dân đến đây từ trăm năm trước, nói lên lòng ngưỡng mộ vị nữ thần đã chào đón, dung chứa bao che cha ông và chính họ, những ngày xưa thân ái, hôm nay và mãi mãi.

Một Lúa

 

20350:Một đường phố ở khu Manhattan, NY.

 

 

 

20365

The Big Piano.  Bạn đi bộ vòng vòng các khu phố NY city, muốn chơi piano bằng chân cho đở mỏi chân, xin tự nhiên.

 

 

20373

Nghệ thuật gắn những mẫu lắp ghép trò chơi bằng plastic “Lego”. Tại shop Lego ở NY nầy, bạn có thể mua từng hộp nhỏ chừng vài chuc miếng cở trung bình mỗi mẫu bằng con

( Người viết xin đuợc dành ra một phần bài viết để kính tặng hai anh Nguyễn Thế Thăng và Đinh Kim Phúc )

20330

Công trường Thời đại (Times square, NYC). Nơi thiết đặt quả cầu lăng kính, quả cầu rơi cho việc đếm ngược phút cuối cùng năm cũ để gặp những giây đầu tiên năm mới. Những quả cầu nầy có lịch sử từ năm 1907. Nhưng đến đầu năm 2000, mọi người trên thế giới theo dõi những giây đếm ngược của hàng trăm ngàn người đang phấn khích trong lạnh lẽo của bầu trời đêm New York, chào đón khoảnh khắc ngàn năm có một, chào đón thiên niên kỷ mới. Cùng hy vọng một tương lai tươi sáng và cảm thông giữa các dân tộc, thông qua sự bùng nổ truyền thông.domino, dành cho trẻ em gắn những mẫu mã đơn giản. Muốn có anh chàng Batman hay tay Master Chief- một nhân vật trong các games Halo, chắc là phải nhờ người bán lường cho vài giạ mẫu Lego .

20364: Master Chief

Có 1 bình luận về Vài nét New York City

  1. Một Lúa nói:

    Chào các bạn,

    Vì chuyên viên sắp chữ bản in làm lộn các chú thích ảnh minh họa, mong bạn đọc thông cảm bỏ qua

    Một Lúa

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác