Lá Thư Úc Châu Tháng 3
Ngày 29-3-13, gần cuối tháng 3, Minh Ngọc (MN)mới nhớ là “quên” chưa gởi Report báo cáo tình hình thời sự Úc Châu đến các anh chị. Lý do là vì MN lo lu bu dọn nhà, chưa an cư lạc nghiệp, nên không làm gì được ráo trọi. Mong quý anh chị niệm tình thứ lỗi. Xin cám ơn! Lá thư này xin được đề cập đến 2 phần sau đây : Chính trường Úc Châu với Nữ Thủ Tướng Julia Gillard và cuộc bầu cử tháng 9 sắp tới và Lễ Phục Sinh năm 2013 . Chính trường Úc Châu như Minh Ngọc đã đề cập đến trong Lá Thư tháng 2 vừa qua. Cuộc bầu cử tháng 9 sắp tới, sẽ quyết định ai là Thủ Tướng Úc sau khi kết quả bầu cử được công bố. Khác với Hoa Kỳ, chỉ có 2 liên danh do 2 đảng Cộng Hoà và Dân Chủ đưa người ra tranh cử trong kỳ bầu cử tháng 11 năm ngoái là đương kim Tổng Thống Obama và ứng cử viên Mit Romney.
Còn bên Úc, đảng nào đạt nhiều ghế trong Quốc Hội, hoặc liên minh được với mấy đảng khác về phe mình để đạt được đa số quá bán, thì sẽ trở thành Thủ Tướng Úc. Do đó, người dân Úc không bầu Thủ Tướng bằng lá phiếu trực tiếp, mà chỉ lựa chọn các dân biểu thuộc các chính đảng ra ứng cử mà thôi. Hiện nay, tại Úc có 2 đảng lớn là Đảng Tự Do và Đảng Lao Động, ngoài ra còn có 1 số đảng thuộc phe thiểu số khác nữa. Dĩ nhiên, như mọi cuộc tranh cử ở các nước thuộc khối tư bản, hai bên tranh cử sẽ đưa ra những đề tài để tranh luận và đưa ra những giải pháp, xem đảng nào giải quyết vấn đề tốt đẹp nhất. Sau đây là những đề tài chính :
A. Công nhận hôn nhân đồng tính: Xin nhấn mạnh, nhiều người vẫn còn lẫn lộn với chữ “đồng tình luyến ái” (đồng tính = cùng phái tính, như nam lấy nam- nữ lấy nữ), còn đồng tình là “ưng thuận”, không bị ép buộc. Vấn đề này cũng đã được đưa ra tranh cãi tại Hoa Kỳ và được thông qua bằng luật. Tại Úc vấn đề này sẽ được đưa lên Tối Cao Pháp Viện quyết định.
Thu Nguyệt đứng cạnh thủ tướng Úc
B. Vấn đề công nhận thổ dân trong Hiến Pháp Úc: Như MN đã trình bày trong lá thư Úc Châu đầu tiên, thổ dân hay dân bản địa, là những cư dân đầu tiên trên lục địa Úc Châu, từ khởi thuỷ, trước khi người da trắng từ Âu Châu như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đức v.v. sang khai thác và lập nghiệp tại Úc. Khi đắc cử năm 2010, bà đương kim Thủ Tướng Úc là Julia Gillard đã hứa với Đảng Xanh (Green Party ) là sẽ đưa vấn đề này ra Trưng Cầu Dân Ý (TCDY) Tuy nhiên, các lãnh tụ thổ dân lại nghĩ khác, nếu có 1 cuộc TCDY, thì chắc chắn họ sẽ bị thất bại vì là thiểu số vẫn còn sống đời bộ lạc. Trước đây, hàng mấy chục năm về trước, đã có 1 chiến dịch “bắt cóc” con cuả các thổ dân, đưa vào các trại tập trung, để cho ăn học và giáo hoá văn minh Tây Phương, hầu cải thiện nếp sống thổ dân các thế hệ tương lai. Sau đó, chính phủ Úc đã phải ngỏ lời xin lỗi các thổ dân vì hành động này, dù chính phủ có thiện ý.
Nay, sự công nhận này có được đưa vào Hiến Pháp hay không, điều này cũng không làm thay đổi thực trạng hiện tại của thổ dân là bao nhiêu.
C. Vấn đề Nan Y Tử Quyền: Vấn đề này luôn luôn được nhắc nhở. Số là theo cuộc thăm dò năm 2011 của Auspoll, có đến 76% người Úc đồng ý là đối với những người mắc bịnh nan y vào giai đoạn cuối khi không còn có thể chữa trị được thì nên cho phép tự kết thúc cuộc sống mà không vi phạm pháp luật, tỉ như ta vẫn nói, sống mà đau khổ bệnh hoạn dằn vặt thế này thì “chết sướng hơn”. Đây cũng là 1 đề tài đang chờ cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc, vì tại tiểu bang Nam Úc, một dự luật tương tự đã được đưa ra đệ trình đến 5 lần, mà vẫn không được Quốc Hội thông qua!!!
D. Đạo Luật Nhân Quyền về Liên Bang: Có 1 điều lạ lùng là, Úc là 1 trong các quốc gia có nền văn minh cao mà trong Hiến Pháp không ghi 1 điều khoản nào đề cập đến những quyền căn bản của con người.Tuy thế nhân phẩm và nhân quyền người dân Úc vẫn được tôn trọng tới nơi tới chốn, khác với nhiều nước khác, dù có ghi rõ quyền làm người trong Hiến Pháp, nhưng nhà cầm quyền tha hồ mà vi phạm một cách thô bạo!!
Các Nhà Hành Pháp và Lập Pháp Úc trước đây lập luận rằng họ đã có Luật Truyền Thống Úc là đủ bảo đảm quyền “con người “ của Úc, không cần ghi thêm gì nữa cho rắc rối. Tuy nhiên, nhiều người lập luận rằng, nếu có đạo luật về “nhân quyền”, sẽ giúp bảo vệ những người tỵ nạn, đã và đang trên đường tiến đến Úc châu, khỏi bị những đối xử bất công, và giúp bảo vệ những thành phần cô thế nhất trong xã hội.
E. Vấn đề Ngày Quốc Khánh, Lá cờ Liên Bang Úc và Thể Chế Cộng Hoà:
Hiện vẫn còn nhiều tranh cãi về các vấn đề nêu trên như:1. Nên chọn ngày nào làm ngày Quốc Khánh: Ngày đầu tiên người Anh đăt chân lên Úc châu (đang áp dụng là 26-1 hàng năm), Ngày thành lập Liên Bang Úc 1/1 hay Anzac Day 25-4 ( khi có Đệ II Thế Chiến), quân đội Úc tham chiến ở Thổ Nhĩ Kỳ..v.v..
2.-Vấn đề Quốc Kỳ Úc: Như các nước trong Khối Liên Hiệp Anh, một góc lá cờ đều có Quốc Kỳ Anh như Úc, Tân Tây Lan .v..v..Nhiều người cho đó còn là 1 sự lệ thuộc, chưa thực sự thoát khỏi Mẫu Quốc Anh. Nhưng trong cuộc thăm dò ý dân năm 2010 của hãng Galaxy Poll, cho thấy rằng chỉ có 27% dân chúng Úc tán thành việc bỏ lá cờ Vương Quốc Anh trên góc lá cờ Úc. Bởi vì việc thay đổi này, sẽ dính dáng đến vấn đề thay đổi thể chế từ Quân Chủ Lập Hiến qua chế độ Cộng Hoà với 1 Tổng Thống do dân trực tiếp bầu ra hay do Quốc Hội bầu ra với 2/3 đa số phiếu.
Hiện cả 2 đảng cầm quyền và đối lập đang ráo riết tranh thủ nhân tâm về các vấn đề trên.
2. Chuyện Mùa Chúa PHỤC SINH: Tháng 12, MN đã có dịp đề cập đến lễ mừng Thiên Chúa Giáng Sinh, nay tháng 3/ 2013, MN lại xin luận bàn về Ngày Lễ Thiên Chúa Phục Sinh. Lễ này, nguyên từ tiếng Pháp là Lễ Pâques, Anh Ngữ = EASTER… đánh dấu cuộc tử nạn của Chuá Jesus trên đường Cứu Chuộc Nhân Loại, và sau đó Phục Sinh (Sống Lại). Như MN đã trình bày trước đây :Thay vì nhận thấy nhân loại triền miên sa vào con đường tội lỗi, với cuộc sống ngày một sa đoạ, gây chiến tranh thù hận đâm chém, giết hại lẫn nhau, và thay vì tạo cơn Hồng Thuỷ khác, xoá sạch thế giới này để tạo một thế giới khác, thì Thiên Chúa Cha đã sai Thiên Chúa Con xuống Trần Gian, mang kiếp con người, qua sự đầu thai của Đức Trinh Nữ Maria, bằng phép Mầu Nhiệm của Chúa Thánh Linh…Do đó mà ta có Ngày Noel-Christmas- 25/12 hàng năm. Sau đó Chúa Cha đã để cho Chúa Con bị người Do Thái hành hạ đánh đập, gây nhục hình, phỉ nhổ, treo trên Cây Thập Tự Giá, cho đến chết, để Chết Thay cho Nhân Loại, vì vậy Chúa Jesus mới được gọi là Chúa Cứu Thế.
Tuy nhiên cái chết của Chuá không dừng lại ở đó, mà sau 3 ngày, Ngài đã Sống Lại ( PHỤC SINH) và trở về Thiên Quốc.
* Cuộc đời Chuá Cứu Thế: Sau khi lớn lên, Ngài bắt đầu cuộc đời rao giảng Tin Mừng và thu thập 12 Thánh Tông Đồ, để họ nối tiếp công cuộc truyền giáo của Ngài. Có 2 giai thoại mà MN rất thích thú về Cuộc Đời Chuá Cứu Thế, xin kể hầu các bạn nghe :
a. Lịch sử câu nói :”Của Xêzar, hãy trả lại cho Xêzar”. Đó là người Do Thái muốn bắt bẻ, kiếm cớ với Chuá để đem người đi hành hình, đóng đinh trên Thập Tự Giá, họ mới đến đặt câu hỏi với Ngài như sau:” Thưa Thày, chúng ta có nên đóng thuế cho Người La Mã không? ( nhà cầm quyền thời bấy giờ). Gặp câu hóc buá này Chúa sẽ bí, vì trả lời YES, tức là cộng tác với Nhà Cầm quyền, thì sẽ bị Người Do Thái – dân bị trị -rẻ rúng, còn trả lời NO, họ sẽ có cớ bắt Ngài đem giao nạp cho Vua La Mã, vì tuyên truyền chống lại Chính Phủ. Chúa Jêsus mới bình tĩnh bảo họ rằng “Hãy đưa ta xem 1 đồng tiền La Mã” Họ bèn đưa cho Ngài. Ngài chỉ hình Vua in trên đó và hỏi họ: “Hình này là hình Ai ?” Họ đáp” Vua Xêzar”, Chúa trả lời: “Vậy thì cái gì của Xêzar, hãy trả lại cho Xêzar, cái gì của Thiên Chúa (phần linh hồn ) hãy trả lại Thiên Chúa. Xong, dân Do Thái không còn lý do gì để tranh cãi nữa.
b. Chuyện người phụ nữ tội lỗi bị kết án- ném đá cho đến chết: Người ta đem đến cho Chúa Jesus người phụ nữ phạm tội ngoại tình, mà theo luật thời bấy giờ, và ngay cả ngày nay tại các nước Hồi giáo vẫn còn đang áp dụng, họ hỏi Chúa là có nên ném đá cho người này chết không? Chuá trả lời NO thì không đúng luật, mà trả lời YES thì mang tiếng về huà đám đông, mang tội sát nhân.
Chúa mới phán 1 câu : “ Ai trong các Ông thấy là mình chưa hề bao giờ phạm bất cứ 1 tội lỗi gì thì hãy ném đá người đàn bà này trước” Nói xong, Chúa điềm nhiên, ngồi xuống đất, lấy tay vẽ vu vơ trên cát, không nhìn vào đám đông đang bu xung quanh. Mục đích của Người là lờ họ đi, để cho họ đừng quê 1 cục. Một lát sau, Người nhìn lên, thì không còn ai đứng đó cả, chỉ còn người phụ nữ bị kết án đang ngồi ủ rũ 1 nơi, Chúa lại gần và bảo bà: “ Hỡi con, tội của Con đã được tha, hãy đứng dậy đi về và đừng bao giờ tái phạm nữa”
Chúng ta thấy 1 câu ca dao VN thường được nhắc tới như sau :
“ Chân mình thì lấm mê mê
Lại cầm bó đưốc đi rê chân người..”
Nhiều người tội lỗi đầy mình, không lo xét xử mình trước, mà chỉ lo chăm chú phán xét , kết án người khác!!! Có nhiều người hay hiểu lầm là cứ vô Đạo Chúa, rồi tha hồ phạm tội, sau đó đi xưng tội với ông Cha Nhà Thờ, sẽ được tha tội là xong. Thực ra, sau khi thú tội với Linh Mục, Ông Cha sẽ bảo, con đã lấy của người ta 500 hay 1.000 thì hãy tìm cách khéo léo đem trả lại cho người ta, lúc đó tội mới được tha, còn những tội hình sự khác, phải quyết tâm xa lánh , từ bỏ, ăn năn tội, đền tội, hưá không tái phạm, thì tội mới được tha.
Lễ này được mừng ở các nước Âu , Á, Úc, Hoa Kỳ, Châu Mỹ La Tinh, nơi Đạo Thiên Chúa được rao giảng. Nếu biểu hiện của Ngày Noel là cây thông Giáng Sinh hay Ông Già Noel phát quà cho các em bé, thì biểu hiện Lễ Easter- Phục Sinh- là 1 chú gà con mới nở bước từ trong quả trứng ra, mang ý nghĩa 1 cuộc đời mới, Con Người Xa Lánh Tội Lỗi, Trong Sạch, Tinh Tuyền. Do đó mà trong dịp này, các cửa hàng, shop bên Úc hay bày bán các Quả Trứng làm bằng Chocolate, trang hoàng sặc sỡ, gọi là EASTER Eggs.
Trong tinh thần đó, MN xin tạm dừng ở đây. Chúc các ACE nhiều sức khỏe, vạn sự như ý…LUCKY & HAPPY !!!
Minh Ngọc
Hi
Sư tỷ Thu Nguyệt còn giữ được tấm hình chụp với anh chàng Thổ Dân đang ngồi thổi kèn đizơriđu xin tiền khách qua đường ở trước Cảng Sydney Harbour.!!Hôm đó MN cũng có chụp mà lạc đâu mất rồi…Nếu có TN gởi lại cho MN nhé..Thanks
Đang tính email SOS nhắc bạn MN về lá thư Úc châu đó.
MN mến, TN sẽ tìm hình và gởi cho MN nhé! Chúc bạn luôn vui khỏe.