Nông dân “tài tử”
Nước Mỹ còn được số ít người đôi khi gọi nôm na là Hiệp chũng quốc Hoa Kỳ, tuy không đúng với ý nghĩa ban đầu nhưng không phải chẳng có lý do. Đó là cô bác hàm ý về những người Âu châu đầu tiên, đa số là di dân về tôn giáo từ nước Anh, họ bồng bế chống chèo vượt Đại Tây dương đến cắm dùi sinh cơ lập nghiệp trên miền Tân Thế giới, vùng đất hoang sơ của dân da đỏ bản địa. Theo năm tháng dân số sinh sôi nảy nở, người da trắng họp quần xã hội, thành lập quốc gia và tiếp tục truyền thống chấp nhận dân nhập cư từ các châu lục khác ngay từ những ngày đầu lập quốc mãi đến bây giờ. Bên cạnh những văn hóa văn minh đa chũng tộc, món hay vật lạ tứ xứ hội tụ.
Đất nước mới mẻ nầy còn có điểm đặc biệt là cây cối, rau quả hoa lá khắp mọi nơi trên trái đất được di dân mang từ quê cũ đến gieo trồng trên vùng đất quê hương thứ hai mầu mỡ. Chiếm một phần diện tích châu lục bắc Mỹ, Hoa Kỳ có hình thể địa lý trãi ra trên một phần đất có bề ngang theo chiều đông tây trung bình phỏng định 4 ngàn km, chiều bắc nam trung bình khoảng 2.000 km. Chịu ảnh hưởng khí hậu Thái bình dương ở bờ tây, khí hậu Đại tây dương ở bờ đông. Những tiểu bang vùng đông nam bị ảnh hưởng không nhỏ khí hậu vùng biển Caribbean. Phía bắc thì bị cái lạnh khắc nghiệt từ Canada tràn xuống lúc mùa đông và phía nam thì hưởng cái nóng rát da khô đanh từ Mexico thốc lên trong những tháng hè. Bởi ảnh hưởng môi trường “gần đâu xâu đó” mà nước Mỹ có những vùng thời tiết khác nhau. Cũng do khí hậu quốc gia có đủ từng vùng đặc trưng lạnh nóng, thổ nhưỡng khác nhau và có nơi 4 mùa rõ rệt, nên ngoại trừ thực vật bản địa, hàng năm nhập cư thêm các loại thực vật của thế giới. Và chúng hầu như tìm được môi trường thích hợp châm rể lớn lên đúng theo thói quen từ cố quốc. Trên toàn nước Mỹ hiện nay, người ta ghi nhận có 17.000 loại thực vật sinh sống trên phần đất châu lục và 2 tiểu bang nằm rời là Alaska và Hawaii. Chỉ riêng California, nhờ thời tiết ôn hòa nên có hơn 5.000 loại thực vật. Trong đó có những loại cây cổ thụ sống và vẫn mạnh giỏi cả ngàn năm nay như họ redwood, sequoia là một trong vài giống cây có thân to và cao nhất thế giới, đang được sự chăm sóc và bảo vệ trong những khu lâm viên quốc gia.
Năm 1875 tại một công ty chuyên bán cây trồng ở Tiểu bang Oregon, người ta ghép lai giống thành công một loại cây anh đào (cherry). Kết quả cho ra một loại anh đào trái sai to hơn những cây chị em cùng họ, nhưng có hạt nhỏ lại, thịt trái ngọt cứng dòn, giữ được lâu và dễ chuyển vận. Nhờ những ưu điểm tiện lợi, chẳng bao lâu giống cây mới nầy được trồng đại trà trên những vùng đất và thời tiết thích hợp trên toàn nước Mỹ và môt phần nhỏ ở Canada. Trong những vùng thích ứng đó có Tiểu bang New Jersey, còn có biệt danh Garden State – chuyên canh rau quả.
Trong một lần đi hái trái anh đào một vườn gần nơi cư ngụ, người viết có dịp nghe người ta nhắc đúng y chuyện đó. Chủ vườn thuyết trình về lịch sử cây anh đào được lai tạo 138 năm trước. Tuy không đích xác bao nhiêu người đã góp công vào phát minh đó. Nhưng người ta dùng tên một anh chàng người Hoa di dân từng làm đốc công lâu năm tại công ty giống cây trồng, từng nhúng tay vào đề án lai tạo, để đặt cho giống cây mới đó. Mấy năm sau, anh chàng Ah Bing về thăm Trung quốc đúng vào thời điểm nước nầy ban hành bộ luật cấm chỉ xuất khẩu lao động năm 1882. Người ta áp dụng luôn cho những cựu mộ phu, vì thế ông không thể trở lại Mỹ. Nhưng tên của ông được gắn liền vào một giống cây trái anh đào nổi tiếng từ lúc nó mới xuất hiện cho đến bây giờ, đó là giống Bing cherry.
Sau những lần “ngưỡng mộ” những trái anh đào ngon ngọt dòn tan trong miệng. Một Lúa tôi quyết định mua một cây Bing cherry về trồng trên sân sau của nhà mình. Công ty bán cây cho biết hoa cây Bing không thể tự thụ phấn, vì thế mà mình phải mua thêm một cây Tartarian cherry, cả hai cùng cần thụ phấn chéo ngay chóc yêu cầu phối ngẫu. “Cặp đôi hoàn hảo” nầy được săn sóc kỷ nên rất mau lớn. Sau ba năm thì chúng trổ những bông trắng có cánh ửng hồng đầu đời. Lúc nầy Lúa tôi hiểu ra có một sự trục trặc mơ hồ nào đó. Bởi vì hai cây cherry chị em bạn dì nầy không trổ bông một lượt. Cây nầy ra bông mỏi mòn tàn tạ sắc hương, chờ cánh bướm xuân mang tin vui hoài chẳng thấy, cuối cùng thì những cánh hoa đành khô héo rụng rơi. Đến khi cây kia trổ bông thì người thương mà Thượng đế ấn định cho mình để hoàn thành thiên chức truyền bá giống nòi cũng lạnh lùng tuyệt hậu từ khuya. Cuối cùng thì cả hai cây tuy đứng gần nhau mà tình như xa vạn dậm, cùng ôm nỗi sầu cành không phất phơ chiếc lá.
Có năm cả hai cây ra bông một lượt thì cùng kết trái sai oằn trái ngon ngọt như của người ta, trổ bông so le chồng mí thì cây sau đậu trái nhiều hơn cây trước. Hai cây trổ bông trước sau cách nhau thì mỗi cây ráng được vài trái loe hoe ốm tong như có bịnh hay thiếu sót một chất gì độc đáo của thiên nhiên.
Trong muộn màng Lúa tui hiểu ra. Những nông trại trồng cherry chuyên nghiệp có hàng ngàn cây, người ta biết cách phân bổ nhu cầu thụ phấn chéo. Nhờ quá nhiều cây nên không lo khoảng cây trổ bông thiếu vắng, họ có nuôi những đàn ong mật lúc vào mùa nên tăng hiệu quả thụ phấn từ vườn của họ và những vườn lân cận.
Còn hai cây cherry lẻ loi vườn sau của Lúa, bỏ thì thấy thương, còn vương thì cũng tội.
bài và ảnh Một Lúa
Một nhánh Bing cherry
Trẻ em, cháu của Lúa cũng có thể hái trái cherry
Nhà kính (greenhouse) dựng tạm thời nơi sân sau của Lúa như vầy cũng phải tốn nửa tháng lương kể luôn việc nhịn luôn cà phê, xôi sáng. Hàng tháng phải trả thêm 50-70 chục đô cho điện máy sưỡi liên tục trong mùa đông. Mục đích chỉ để bảo vệ màu xanh cho những cây nhiệt đới quê mùa đồng nội như cam quýt, mận, ổi, chùm ruột, lá cách, cát lồi v…v.
Vườn sau nhà của một người Việt thân thuộc của Lúa ở Tampa, Florida. Nhờ khí hậu ôn hòa nên vùng nầy cây trái nhiệt đới sống quanh năm tươi tốt.
Một cảnh trong Longwood Gardens, tiểu bang Pennsylvania. Mua vé để thưởng thức 4 km vuông vườn hoa cây cảnh, vui cùng vẻ đẹp thiên nhiên.
Anh nông dân “tài tử” thân mến. Đọc bài viết của anh, vừa khâm phục vừa ghen tị. Khâm phục vì anh còn là thợ xây dựng “tài tử” nữa, nhà kiếng anh cất “xịn ” ghê và mấy cây cherries sai trái quá. Ghen tị vì cách đây mấy năm, bão giựt xập nhà kiếng (cất gần rào không sát nhà như của anh) chưa có tiền và thì giờ cất lại. Cherries có 2 cây, stella tự thụ phấn được, và rainier thì không. Năm rồi ông John tỉa cành nhiều quá, cây rainier chết ngủm củ tỏi. Cây nầy mua hết gần 100 đô, trồng được 2 năm, hic hic.
Chào Phương Nga,
Sau nầy tui mua cây ăn trái, đều chọn loại lưỡng tính “Self-fertile” cho khỏi nhức đầu kiếm bồ cho nó. Làm greenhouse như kiểu của Lúa dễ ợt PN ơi. Nhà tui có khoảng khuyết nên mình tự làm theo diện tích thực tế. Phươnng Nga muốn làm rời sau vườn thì nên order một greenhouse tiền chế rất đẹp.
Cám ơn Phương Nga, Một Lúa.