LƯƠNG MINH- NGƯỜI MÊ SÁCH, MÊ CHỮ
Có lẽ Lương Minh là người mê sách nhất trong những nhà báo mà tôi từng biết. Anh không những mê sách và còn trân quý chữ nghĩa. Có lẽ vì lý do đó mà anh em chúng tôi có duyên quen biết nhau. Rất tình cờ, có lần tôi dạo một vòng trên mạng chợt bắt gặp bài viết của mình (trên trang tongphuochiep-vinhlong.com) về thể loại phê bình văn học viết về chân dung một nhà văn là bạn bè với Lương Minh. Tôi tò mò đi vào Website đó để xem và đọc các bài viết trên đó. Tôi nhận thấy trang báo trình bày đẹp, nội dung nhân văn, người chủ bút rất tâm huyết trong việc tuyển chọn, trình bày và kết nối giữa bạn viết và bạn đọc trong trang nhà, ngoài ra còn mở rộng giao lưu để tăng phần phong phú và đa dạng cho phần văn học nghệ thuật. Từ đó tôi bắt đầu gửi bài cộng tác. Anh em bạn hữu đều là những tín đồ của văn chương, yêu thích chữ nghĩa nên kết nối fb để cùng làm việc với nhau. Qua hỏi thăm địa chỉ nhận sách để có thể tặng sách cho anh. Hóa ra nhà con gái anh lại ở gần nhà con trai tôi. Vì vậy, khi anh muốn gửi sách cho tôi, chỉ cần anh mang lên để ở nhà con gái, tôi sẽ tới nhận và ngược lại, tôi tặng sách cho anh cũng gửi ở nhà của cháu.
Thời gian sau khi tôi nghiền ngẫm xong hai cuốn: Đời Chợ – Chợ tỉnh Chợ quê, tôi đã viết một bài nhận định qua góc nhìn của tôi về hai tác phẩm này. Đó là một công trình mà hai nhà báo đã cất công đi từng chợ bất kể ban ngày hay ban đêm, có những chợ không ngủ, họ làm việc xuyên đêm thì anh chị cũng phải đi tới tận nơi, quan sát hoạt động của từng chợ thu thập tư liệu, ảnh chụp thực tế, sinh động để viết. Thời gian hàng năm trời mới đi hết tất cả các chợ truyền thống ở TP HCM và các tỉnh lân cận và còn mở rộng ra những nơi mà bước chân hai nhà báo Lương Minh & Các Ngọc từng ghé qua.
Anh em làm việc với nhau qua fb, Email như vậy cũng khá lâu. Vài năm sau tôi mới có dịp gặp mặt anh ngoài đời qua các dịp ra mắt sách của Quán Văn, Sông Quê,…hay cà phê Du Miên mừng sinh nhật bà xã của anh Đỗ Trí. Tôi thường nói vui mà cũng rất thật với bạn bè. Đối với tôi, ai có vợ hay đã có bồ thì mình cứ tầm nhìn xa trên 10 km cho chắc ăn. Khỏi phải hiểu nhầm, văng mảnh mệt!
Vì vậy anh bảo khi nào có dịp mời Bích Hà về Hóc Môn, dự ra mắt tập san Giác Đạo hay cà phê với nhóm bạn anh mà tôi cũng chưa có dịp. Thôi cứ hẹn vậy đã và ghi nhận với lời cảm ơn trước, vừa chưa có lịch cụ thể lại làm biếng đi cà phê không ai bằng và chẳng lẽ từ đây đến cuối đời bận suốt sao?
Hôm trước anh nhắn tôi là sắp xuât bản một cuốn sách về du lịch và bè bạn có nhận định chút về văn chương, chữ nghĩa và các giai thoại ngoài đời vậy mà vui. Ngoài đời thấy anh hiền như ông Phật đất mà thân hình như ông hộ pháp, nhìn dáng người, thấy to con phốp pháp phương phi vậy chứ mặt hiền khô, không biết anh theo tôn giáo nào nhưng tôi có cảm giác anh giống con nhà Phật. Đặc biệt là anh mê sách ghê lắm! Nghe em gái anh bảo là ngay từ nhỏ đã mê sách, ăn rồi cứ chúi mũi vào đọc sách không à! Gia đình ba mẹ cũng có buôn bán làm lụng nhưng anh chẳng phụ được gì vì mãi đọc sách. Như vậy anh cũng may mắn được gia đình tạo điều kiện cho ăn học và thỏa sức với thú sưu tầm sách. Tôi tưởng tượng với một người mê sách như anh, có lẽ nhà anh bây giờ chất sách từ trong ra ngoài kín chỗ. Sách hồi trẻ ở nhà ba mẹ thì để lại cho em gái, khi anh bắt đầu đi học đại học. Khi đi làm, kiếm được tiền là anh dành mua sách phần lớn. Ai tặng sách cho anh thì anh mừng lắm! Sau này có gia đình anh lại gầy dựng những tủ sách mới. Có lần anh băn khoăn:
– Sau này không biết mình trăm tuổi thì để tủ sách lại cho ai?
– Thì anh để trong thư viện nhà thờ của gia đình, lưu lại cho con cháu.
– Ở Sài Gòn rất hiếm có nhà thờ gia đình.
Đó cũng là một băn khoăn lớn không chỉ riêng anh Lương Minh mà cho những người mê sách, trong đó có tôi cả một đời nhặt nhạnh sưu tầm sách, mong rằng con cháu đời sau cũng yêu quý sách và chung tay giữ gìn di sản tinh thần của các thế hệ trước.
Thế hệ người viết như Lương Minh và bạn bè văn thi hữu chúng tôi thì cũng đã vào tuổi nghỉ hưu. Dẫu biết rằng quỹ thời gian phía trước không còn nhiều bằng quãng thời gian mình đã đi qua. Nhưng còn chừng nào vẫn tiếp tục say mê với con chữ, và dành thời gian cho hoạt động văn học nghệ thuật chừng đó. Nhà nước cho nghỉ những vẫn sống với sở thích và đam mê viết lách có lẽ không bao giờ vơi cạn. Với phương châm tự đặt ra là: Còn sống thì còn viết!
Chúc anh Lương Minh luôn bình an, sức khỏe hạnh phúc, nhiều năng lượng làm việc và sáng tạo.
Saigon, ngay 26/7/2025