ĐỌC “LÁ THƯ TRONG VỎ ỐC”CỦA HỒ VIỆT KHUÊ

Ngày đăng: 25/07/2025 09:36:18 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Tập truyện thiếu nhi chọn lọc của nhà văn Hồ Việt Khuê là cả một thế giới đủ cảnh ngộ, màu sắc, tiếng nói, được nhìn, cảm nhận và đánh giá qua con mắt của tuổi nhỏ.

Truyện Ở biển là một trường hợp cho thấy tay nghề điêu luyện của anh trong công việc viết cho các em. Tác phẩm đưa người đọc đến với biển, cuộc sống của những con người mưu sinh trên biển, mơ ước đổi đời của những người không may mắn, gặp liên tiếp nghịch cảnh. Nhưng chừng đó câu chuyện của làng biển Tú Lâm hay trong gia đình các em Hồng, Thu với những trang mô tả kỳ khu về công việc mưu sinh của người lao động biển chưa phải là trọng tâm của câu chuyện. Ở biển là nỗi niềm của con người trước những thịnh nộ của thiên nhiên, là tình người trong hoạn nạn, tất cả được khám phá, cảm nhận qua con mắt tuổi nhỏ nên tự nhiên, thường bất ngờ và giàu chất thơ.

Dù đa dạng đến đâu về đề tài, cốt truyện và bối cảnh nhưng thế giới tuổi thơ trong văn chương Hồ Việt Khuê có một nét chung là sự trong trẻo. Trước hết, sự trong trẻo toát lên từ tính chân phác và thơ mộng của cảnh vật được miêu tả. Truyện ngắn Đêm ở nhà bà ngoại rất Bình Thuận từ khung cảnh, hiện thực cuộc sống và cũng êm ái, thơ mộng, phảng phất cái không khí của Thạch Lam: “Mới đầu hôm mà Thanh Triều có cảm giác đã khuya lắm. Trừ ngoại, dì Út và Thanh Triều, tất cả hình như đã say ngủ. Cây cối trong vườn, bầy gà, con mực, con đường nhà ngoại cũng đã say ngủ tự bao giờ. Chỉ còn những vì sao trên trời đen thẳm kia là còn thức, chúng nhấp nháy như chơi trò đánh tín hiệu với nhau. Rồi chúng cũng đi ngủ nốt khi dì Út đóng cửa sổ lại”. Chất thơ và lăng kính tuổi nhỏ còn được Hồ Việt Khuê tạo ra qua sự quan tâm, trân quý của anh đối với suy nghĩ và mơ ước của trẻ như giấc mơ của bé Hạnh (Vở rối hay nhất), của Đông Chiêu (Ước mơ làng quê) và cảm động nhất có lẽ là truyện Làm sao bay cao, diều ơi!. Truyện ngắn Cám ơn bé thơ thật tinh tế. Thoạt đọc qua, dễ có cảm tưởng đây là truyện viết cho người lớn, về những con người tìm lại được hạnh phúc sau những hoạn nạn, mất mát gần như quá sức chịu đựng trên đường đời. Nhưng đọc kỹ, chúng ta sẽ nhận ra thông điệp thực sự của tác phẩm: Chính trẻ em mới là “ông thầy” mang đến cho người lớn những bài học giản đơn mà sâu sắc về cuộc đời. Trong cảm nhận của tôi, truyện ngắn Lá thư trong vỏ ốc* là truyện hay nhất của anh dành cho tuổi niên thiếu từ cấu tứ, chủ đề, cảm hứng và ý nghĩa.

Bên cạnh đó, những rung động thầm kín của tuổi mới lớn hiện lên trên trang viết của Hồ Việt Khuê bao giờ cũng đẹp, trong veo và thanh khiết như tia nắng sớm, như ánh sáng hoa mai, như cổ tích.

Đọc những trang viết cho thiếu nhi của Hồ Việt Khuê, tôi có ấn tượng rằng ngay cả khi trải qua những đoạn đời đau khổ, dữ dội vì chiến tranh, hoạn nạn, nhân vật của anh luôn có ý chí vượt lên để tìm đến ánh sáng, tương lai, hay nếu phải từ giã cuộc đời này thì cũng để lại một hình ảnh đẹp, một biểu tượng sáng ngời trong sự tiếc thương, thán phục của những người còn sống, tiêu biểu là truyện Thầy và trò ở núi. Có thể nói Thầy và trò ở núi có bố cục và dung lượng không quá lớn nhưng kết cấu lại như một tiểu thuyết, nói về số phận của các thầy, cô giáo cõng chữ lên non trong một một hình tượng đẹp, đặc biệt là sự ra đi của thầy giáo Lâm được khắc vẽ rất thật như một biểu tượng về sự tận hiến, hi sinh của nhà giáo chân chính và lòng biết ơn của những người dân miền núi ở miền tây Bình Thuận đối với những người có công mang ánh sáng đến cho họ. Những trang viết như vậy sẽ là một nguồn dưỡng chất nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ về đạo lý ở đời, nhất là sự biết ơn, một giá trị đang có nguy cơ bị nhịp sống đương đại của thương mại và công nghiệp vô tình làm cho mỏng đi, dẹt đi và thậm chí có thể bị mất đi.

Đặc biệt, trong các tác phẩm viết cho thiếu nhi của Hồ Việt Khuê, người đọc nhận ra trực tiếp hay gián tiếp những nét đặc trưng về cuộc sống và con người Bình Thuận về cảnh vật, sự mưu sinh, lời ăn tiếng nói, cách suy nghĩ, ứng xử mà độc giả trẻ ở các miền khác của đất nước có thể nhận thấy sự thú vị. Chỉ cần đọc Ở biển với Cô bé làng Chăm thôi, người đọc có thể lọc ra và ghi vào sổ tay của mình nhiều kiến thức thực tế về văn hóa miền cực nam Trung bộ mà sách vở lý thuyết có thể có nhưng không đầy đủ và sống động bằng, kích thích những cuộc kiếm tìm, trải nghiệm nếu có điều kiện, nhất là đối với độc giả nhỏ.

Đắm mình trong hệ thống tác phẩm văn chương cho thiếu nhi của Hồ Việt Khuê, tôi thấy anh không những giáo dục trẻ những giá trị truyền thống về gia đình, tình bạn, lẽ sống mà cả những vấn đề của thời đại và đất nước. Cô bé ghét thợ săn khá hiện đại dù được viết từ năm 1999, đến nay càng có ý nghĩa sinh thái. Với cảm hứng đó, sau này anh viết tiếp các truyện Đến với cao xanh, Cháu không thích bạn của nội, Phóng sanh giàu sức thuyết phục và lôi cuốn. Tâm sự cái gạt tàn bằng vỏ ốc là một sự đổi mới của Hồ Việt Khuê về kỹ thuật cấu tứ và trần thuật để bài học giáo dục đến với tuổi nhỏ không bị khô khan.

Điều đáng nói là trong khu vườn tuổi nhỏ của Hồ Việt Khuê, nhà văn khéo léo khơi gợi, dẫn dắt, thể hiện điểm nhìn khách quan của trẻ em, thông qua những câu chuyện tự nhiên của đời sống nhưng lại có sức lay động lòng người chứ không phải ghi chép khô khan hay hô khẩu hiệu chung chung. Chẳng hạn, truyện Vở rối hay nhất có cái kết cuộc khá thông tấn, gợi cảm giác mô típ người tốt, việc tốt. Tuy nhiên, nó là một truyện ngắn chứ không phải là một phóng sự, vì nó có tình huống truyện, được trần thuật bằng bút pháp tạo hình của văn học tức có tính hình tượng chứ không phải nói bằng sự kiện bên ngoài. Không chỉ Vở rối hay nhất mà một số tác phẩm khác cũng được Hồ Việt Khuê được anh viết theo kiểu “cheo leo” như thế này, đọc khá hấp dẫn.

Nói chung, tác phẩm cho tuổi nhỏ của Hồ Việt Khuê mang đến cho độc giả lứa tuổi này một sự hấp dẫn nhờ sự kết hợp nhuần nhị giữa văn phong vừa trau chuốt vừa tự nhiên, hình ảnh mộc mạc nhưng giàu sức gợi, có tác dụng giáo dục lớn lao, nhiều mặt qua những câu chuyện, số phận khác nhau. Thật khó tìm ra một câu thuyết giáo trong tất cả những trang viết cho tuổi thơ của Hồ Việt Khuê. Anh chỉ đồng hành, trò chuyện, tâm tình. Trong các tác phẩm thiếu nhi của anh, người ta có thể trích ra những câu văn mẫu của văn miêu tả và kể chuyện vì chúng giàu hình ảnh, sinh động, thú vị, xin nêu một vài ví dụ: “Ngoài sân, hàng cau quét ánh sáng loang lổ lên những cái nồi tròn vo” (Cô bé làng Chăm), “Đã cuối Giêng, Đông Chiêu căng mắt nhìn, tuy chỉ thấy một vùng tối sẫm, nhưng em biết trên thân cành rậm rạp kia, những trái trâm đã chi chít tượng hình” (Ước mơ làng quê). Không độc giả nào không cảm thấy lòng mình se lại khi đọc câu văn này: “Nhìn bé ăn ngon lành từng thìa kem, tôi thấy vương vất những gợn mây đen trên vòm trời tuổi thơ của bé. Những gợn mây đến từ phía con tàu của ba bé ra đi, từ những nơi xa xôi của người thân bé cự ngụ bay về, từ trong nỗi đau buồn của mẹ bé” (Cám ơn bé thơ). Và phải là một nhà văn xứ biển mới viết được những dòng tả cảnh sinh hoạt tinh tế, kỳ thú thế này: “Trong buổi mai gây lạnh, quanh soong cơm bốc khói thơm mùi lúa mới, cả nhà xúm xít trong không khí đầm ấm, xới một bát cơm đầy, rưới một ít mắm ngon dầm ớt và một chút mỡ, rồi trộn đều và xúc từng muỗng cho vào miệng… sẽ cảm nhận được vị ngọt của hạt gạo, vị bùi mặn của chất đạm trong một thứ nước chắt lọc từ cá tươi, và vị beo béo vương vất của mỡ heo” (Ở biển).

Tập truyện mà bạn đọc cầm trên tay là một tuyển tập rất đáng đọc của Hồ Việt Khuê trong bối cảnh văn học thiếu nhi của Việt Nam hôm nay. Xin mời độc giả quá bộ vào khu vườn tuổi thơ của Hồ Việt Khuê, một khu vườn thuần Việt nhưng cũng rất hiện đại. Đến đây, độc giả nhỏ sẽ tìm thấy những hoa lá làm hành trang để đi xa hơn trong cuộc đời này. Đến đây, độc giả người lớn cũng có thể nghe thấy một thanh âm vườn cũ, vớt lại những khóc, cười hồn nhiên, vụng dại thần tiên; tất cả đổ bóng xuống vuông ký ức mà tán sắc của chúng không một chút tì vết dù không ít trường hợp đã trải qua những đau mất, thua thiệt, giông bão. Viết đến đây, bỗng trong tôi vang lên hai câu thơ của nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn: Bỗng nhiên gặp lại nơi này / Những khuôn mặt cũ một thời có nhau./.

                  ĐẶNG NGỌC HÙNG

(Giảng viên Trường Cao Đẳng Bình Thuận)

ĐẶNG NGỌC HÙNG

Tiểu sử tác giả Hồ Việt Khuê

Hồ Việt Khuê sinh năm 1952, quê ở phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Anh là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Trước 1975, anh từng có thơ đăng trên một số tờ báo. Nhưng sự nghiệp nghệ thuật của Hồ Việt Khuê chủ yếu được sinh thành trên nền tảng là văn xuôi. Ở Bình Thuận, anh là nhà văn gần như dành cả sự nghiệp sáng tạo của mình cho tuổi nhỏ. Với tôi, anh thực sự là cây bút của thiếu nhi. Tính đến nay, anh đã có 05 tác phẩm dành cho lứa tuổi này: Ở biển (truyện vừa, NXB Kim Đồng, 1996), Lá thư trong vỏ ốc (tập truyện ngắn, NXB Kim Đồng, 1999), Đêm ngọt (tập truyện ngắn, NXB Kim Đồng, 2005), Biển ngọt ngào (Tập truyện, NXB Kim Đồng, 2011), Hoa mai nở đúng giao thừa (tập truyện ngắn, NXB Trẻ, 2013). Trong đó, truyện vừa Ở biển đã giúp Hồ Việt Khuê đạt giải B Văn nghệ Dục Thanh (giải thưởng Văn học Nghệ thuật danh giá của tỉnh Bình Thuận được trao 5 năm một lần) vào năm 1999.

Với tinh thần sáng tạo đó, anh được trao một số giải thưởng vì sự cống hiến cho tuổi thơ như: giải Khuyến khích viết cho thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam và báo Thiếu niên Tiền phong năm 1993; giải Khuyến khích viết cho thiếu nhi miền núi năm 1995 của báo Thiếu niên Tiền phong và Nxb Kim Đồng, giải Ba cuộc thi sáng tác do báo TNTP và Hội Nhà văn tổ chức năm 1999; giải Khuyến khích viết về giáo dục đạo đức năm 2001 của NXB Giáo Dục.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác