ĐẶNG CHÂU LONG- NGƯỜI LƯU GIỮ KÝ ỨC VÀ KỶ NIỆM
Tôi gặp anh Đặng Châu Long (ĐCL) trong dịp ra mắt Quán Văn số 77 tháng 11/2020. Ấn tượng về anh là một con người có nụ cười hiền, đầy vẻ bao dung và nhân hậu. Đặc biệt khi anh với bộ máy ảnh trong tay “tác nghiệp” với tất cả sự nhiệt tâm như một người làm phóng sự ảnh. Sau này có dịp gặp lại anh vài lần nữa, được biết thêm chị Hạnh (Phu nhân của anh) một người phụ nữ dịu hiền và có những nét tương đồng phúc hậu như anh. Người ta nói vợ chồng có tướng phu thê là vậy. ĐCL lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ trong mỗi sự kiện ra mắt tạp chí Quán Văn hay những dịp cà phê giao lưu với anh chị em bạn bè văn nghệ. Chính vì vậy, sau này tham gia sự kiện gì ở đâu mà có anh chị Long Hạnh thì cứ yên tâm chắc chắn sẽ có hình ảnh. Thế là xong việc thì cứ về thong thả ngồi chờ anh post lên rồi sang trang fb anh xem có hình nào liên quan thì cứ thế nhặt nhạnh về lưu giữ. Và cũng từ đó tôi có dịp tiếp cận với các bài viết của anh trong tạp chí Quán Văn. Anh làm thơ và viết văn nhưng phần lớn là văn xuôi. Các bài viết của ĐCL là những tâm sự về tình đời, tình người. Anh ghi lại những ký ức về gia đình, anh chị em bạn bè và cuộc đời anh qua những thăng trầm dâu bể. Tôi gọi nhà văn Đặng Châu Long là: Người lưu giữ ký ức và kỷ niệm là vì thế! Anh viết với một giọng văn giản dị, chân tình bằng ngôn từ dễ hiểu, lôi cuốn người đọc và rất nhân văn, nhân bản.
Tôi nghĩ anh cũng không cố tình làm dáng văn chương đâu mà chỉ ghi lại những cảm xúc của mình trước cuộc sống, những kỷ niệm vui buồn trong đời với người thân và bạn bè. Đôi khi ký ức chợt ùa về, câu chữ tuôn ra tự nhiên nhưng rất có kiến văn và cũng không kém phần lãng mạn. Văn là người. Đọc Đặng Châu Long, chúng tôi thấy hiển hiện một con người tốt bụng và chân thành có khí chất hào sảng. Dù anh trải qua không ít sóng gió của cuộc đời riêng trong cái số phận chung của cả một thế hệ lớn lên trong chiến tranh. Nhưng đi qua hết những vui buồn của phù trầm dâu bể thì ở anh vẫn toát lên những phẩm chất đáng quý. Đó là sự trân trọng tình nghĩa với gia đình, huynh đệ, tâm giao,…yêu cuộc sống, vượt qua nghịch cảnh, sống hết mình với người thân, bằng hữu.
Trước hết hãy đến với những dòng tâm tình thật cảm động của Đặng Châu Long dành cho người cha kính yêu của anh. Ba anh là một người thông minh, giỏi giang học hành thành công. Ba anh nối nghiệp ông nội làm việc trong ngành hỏa xa và trở thành công chức mẫn cán, gương mẫu, chuẩn mực trong cư xử, yêu gia đình,tình nghĩa với đồng nghiệp anh em. Cả cuộc đời ông gắn liền với ngành Đường sắt cho đến khi nghỉ hưu. Dù khi ở vị trí một trưởng ty hay khi đã về hưu đặc biệt trong hoàn cảnh mới khó khăn chung của đất nước thời hậu chiến, ông vẫn là người đáng ngưỡng mộ và là tấm gương cho con cháu và lớp trẻ noi theo. Anh dùng chữ “Sang” tên ba anh rồi vận dụng khi đưa vào sử dụng như tính từ để tăng phần dí dỏm nhưng đọc hết cũng thấm một nét buồn thương. “Lúc làm Trưởng Ty khai thác cũ Saigon giờ về bán hàng quán cóc cũng sang như thường. Chẳng gì thì ba tôi vốn đã tên Sang mà. Nói vậy thôi nước mắt tôi vẫn cứ trào ra khi nghĩ tới ba tôi. Dòng đời cứ trôi, ba tôi cứ kỷ luật như một công chức,sáng khệ nệ mang ghế bàn ra bày, trưa chiều về ăn cơm, chắt chiu từng thanh củi,miếng giấy mang theo về làm chất đốt. Lưng ba tôi ngày càng còng đi, nỗi nhọc nhằn như đã đã làm ba già đi trước tuổi…Ba tôi vẫn vui khi con cháu tụ về”
Anh chị Đặng Châu Long
Anh nói về ba anh với một niềm kính yêu và đầy tự hào. Bởi vì nhân cách của ông là một tấm gương cho con cháu noi theo, là những cư xử chuẩn mực, để anh em trong gia đình lớn vẫn giữ được đoàn kết.“Cuộc biển dâu là cuộc vô cùng tận, ba tôi luôn ngăn cản những xung đột trong các chú qua vụ nhà từ đường. Ba chỉ nói tài sản đó không phải do mồ hôi mình làm ra, chú Tám dù sao cũng ở chăm sóc ông bà nội lâu nay, việc gì xảy đến cũng xong rồi, chỉ còn sót lại cái tình, nên cố gìn giữ. Các chú nể ba, nhờ đó mọi việc cũng phôi phai theo thời gian” (Quán Văn số 89 tr 70)
Mối thân tình với bằng hữu, anh em văn nghệ thân thương,..cũng để lại dấu ấn trong những trang viết. Trong bài: Rượt Mưa anh tả về cảnh đi trong mưa. Với những tâm sự vơi đầy gửi gắm trong đó cũng toát lên chất lãng mạn nên thơ, dù trong khoảnh khắc mưa nhẹ ngắn ngủi để rồi hứng trận mưa sau cuồng nộ hơn.“Tôi thường thích băng xe trong mưa lất phất. Những hạt mịn đập vào mặt như những hạt từ tâm, chỉ đủ làm cho ta có cảm nhận bình tâm đón hồng ân rưới mát những cơn nồng cháy thế nhân. Như một lần lãng quên nỗi đời. Tiếc thay những khoảnh khắc có thể dọn mình chờ đợi như thế đã quá hiếm hoi” “Và dạ tôi luôn bồn chồn khi vẫn nghe những cơn mưa, lũ lụt, lỡ đất từng thời khắc chúng tôi đi ở những phương trời quen thuộc. Nơi đó có bằng hữu tôi an trú…mưa hoàng hôn xám ngoét và cõi lòng chúng tôi vẫn như biển động sóng dâng. Tôi lặng lẽ cất đi mấy trăm tấm ảnh thu thập sau chuyến đi …Ngăn ký ức sẽ chờ dịu lành cơn đau. Sẽ nhìn lại nhớ về. Mưa ơi mưa ơi đừng lũ đừng gieo đau.Các bạn tôi còn hong đó một nỗi chờ” (Quán văn số 77 trang 241)
Trong tạp chí Quán văn các số ra hàng tháng là nơi anh có thể gởi gắm lòng mình vào những trang viết. Đó là những tâm tình sẻ chia về nỗi đời, nỗi người, những vui buồn nhân thế.Ở đó bạn đọc có thể thấy một Đặng Châu Long từ những năm tháng hoa niên là cậu bé hiếu học, sôi nổi, nhiệt huyết. Tuổi thanh niên vào đời bằng sức trẻ nhiệt tâm với bao ước mơ hoài bão.
“Năm đó (1969) tôi phụ trách Phân Đoàn Thanh Niên Hồng Thập Tự Khánh Hòa.Chúng tôi có nhiều dịp sinh hoạt cùng các đoàn thể khác như Gia đình Phật tử, Hướng Đạo, Du Ca Sao Việt, Du Ca Về nguồn…Phong trào du ca năm đó rất sôi nổi” (Quán văn số 93 trang 255)
“Chiến tranh thay đổi diện mạo từng ngày và dường như ai cũng hối hả chọn hành tranh cho riêng mình để chuẩn bị bước vào con đường mấp mô dằng dặc của nỗi đời.” (Quán văn số 93 trang 257) “Tôi vào đời trong bó buộc. Nói thế vì tôi không có sự lựa chọn tương lại cho mình trong thời chiến. Vui buồn theo vận nước…những gai lửa thu đời tôi bé lại, mỗi bước đi mũi súng hướng bên mình, mỗi tiếng nói ra rập rình dao mác. Tôi bàng hoàng ngơ ngác ngó xung quanh…Rất nhiều khi nhìn ba đứa con nhỏ, tôi tự hỏi ba tôi đã nuôi tám con thế nào bằng đồng lương công chức của mình và tôi nhớ lại”(Thanh Lương dài một đời cha- Quán văn số 89).
ĐCL kể về những lúc hàn huyên giữa vợ chồng anh và những người bạn tâm giao, những câu chuyện trên trời dưới đất, tràn cung mây cứ dùng dằng lưu luyến mãi không dứt. Bởi đó là bằng hữu tâm giao có mối giao tình tri kỷ, thuần khiết.“Hôm nay chỉ quanh quẩn một chữ tình mà anh và tôi miên man hơn 5 giờ đồng hồ. Từ tình đời, Tình nước, tình người, đến tình ca kỷ, tình linh tinh…” (Quán văn số 93 trang 260)
“Gặp nhau cứ khui tràn tâm sự, đời cuồng quay chỉ còn lại phút giây này. Có lúc chiếc muỗng nhựa cứ ngỡ là ống hút, có khi điếu thuốc cứ ngậm quay đầu đót ra ngoài. Thế sự có hề gì cuộc tỉnh say” (Cà phê cà pháo cà kê- Quán văn sô 95 trang 42)
Với huynh đệ, đồng nghiệp, với người lớn tuổi hơn (đáng bậc cha mình) khi sống và làm việc cùng nhau anh cũng để lại những tình cảm đẹp, những ân tình không dễ gì phai. “Và với tôi trước sau vẫn là bố Thoại, một thánh nhân giữa đời thường. Đời mấy ai dám buông xả hết những thế gian rang buộc để bước vào hư vô một cách bình thản.
Từ nay bố chỉ chiêm nghiệm và phụng thờ. Đời chỉ là một cơn mơ” (Người bố thánh thiện- Quán văn số 92 trang 247) Cuộc đời ĐCL đi qua những năm tháng thăng trầm, lúc hồn nhiên chỉ biết chăm lo học hành trong mái ấm gia đình, lúc sôi nổi nhiệt huyết tuổi thanh xuân đầy ước mơ hoài bão với những hoạt động phong trào văn nghệ, đoàn thể, lúc bước vào đời lính đầy gian nguy cũng như đi qua thăng trầm thế sự,…vui có, buồn có, thậm chí không tránh khỏi thất chí, chán nản. Nhưng rồi dù trong hoàn cảnh nào anh cũng như bạn bè đều cố gắng vượt qua nghịch cảnh. Sau cơn mưa trời lại sáng, trong cuộc đời riêng đôi khi có những thiệt thòi do khách quan đưa đến nhưng bù lại anh có một người bạn đời thật tuyệt vời. Chị hiền lành, đảm đang cùng chồng xây đắp tổ ấm gia đình, lo tròn hiếu sự với nội ngoại hai bên. Như vậy cái được nhiều hơn cái mất, niềm vui nhiều hơn nỗi buồn và cuối cùng tổng kết lại đời mình anh xem ra vẫn là người hạnh phúc đong đầy bởi vì anh có chị. Bây giờ đã luống tuổi, con cái đã trưởng thành, anh chị cũng đã đến lúc an hưởng tuổi già, đi đâu tham dự cuộc vui nào hay các cuộc sinh hoạt văn nghệ, văn chương anh chị đều có nhau. Và đó là hạnh phúc. Chỉ cần vậy thôi! Thì mọi gian khó đã qua xem như một trải nghiệm trong đời mà ai sinh ra trong giai đoạn chiến tranh cũng phải từng nếm trải.Giờ đây, anh dành thời gian cho niềm đam mê viết lách nhiều hơn. Lúc chất vật kiếm sống thời hậu chiến, thời bao cấp đã lùi xa vào dĩ vãng. Đọc anh, chúng tôi thuộc thế hệ trưởng thành sau cuộc chiến cũng thấy được gian khó và nghị lực sống của thế hệ anh. Và thấy bóng dáng một giai đoạn lịch sử của đất nước vô tình đổ bóng xuống trang viết của anh. Nhờ chất liệu cuộc đời anh đã tích lũy, đã trải qua để cho thế hệ sau tiếp cận, thấu hiểu, cảm thông và học tập gương nghị lực của thế hệ đi trước. Cảm ơn anh với những gì anh đã sống và đã viết.
Quý chúc nhà văn Đặng Châu Long luôn bình an, sức khỏe, hạnh phúc và tiếp tục với những trang viết, cống hiến cho niềm đam mê văn chương không bao giờ ngơi nghỉ.
Sài gòn ngày, 24/5/2023
Hoàng Thị Bích Hà
Châu Long và Lương Minh