ANH  TÔI – NHÀ BÁO LƯƠNG MINH

Ngày đăng: 12/07/2025 02:47:22 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Tôi chỉ có một người anh duy nhất, đó là anh Lương Minh. Anh là cháu đích tôn được ông bà nội nuôi từ lúc nhỏ ở Chợ Lách; đến khi anh học lớp đệ tứ thì mới lên Vĩnh Long sống cùng ba má và chị em tôi. Năm tôi học lớp sáu thì anh lên lớp mười hai, thế là tôi học chung trường với anh mình. Anh tôi học giỏi, dáng vẻ thư sinh, anh có nhiều bạn bè thương mến nên bạn thường đến nhà chơi, đến để học nhóm vì má tôi có đặt đóng một tấm bảng lớn như trong trường học để anh đứng viết, làm bài tập, làm toán cùng với các bạn học của mình. Gian trước nhà tôi cũng có một tủ đựng sách của riêng anh, sách học phổ thông và nhiều loại sách văn học khác. Hình như thời gian của anh tôi chỉ là học và đọc sách

Ba má tôi làm nghề kinh doanh buôn bán có xe chở hàng hóa, anh em tôi không giúp được gì trong nghề kinh doanh của ba, có một thời ba tôi chuyên chở những kết lave nước ngọt, công việc có phần nặng nhọc. Tôi thì còn nhỏ, anh tôi thì thích đọc sách. Thế là không phụ giúp được gì rồi trong những mùa nghỉ hè.  Cũng vậy, những ngày chờ kết quả lên đại học anh cũng không thích phụ những công việc làm của nhà mình, ba tôi thường la rầy “ tối ngày chỉ biết cầm cuốn sách, không biết phụ làm gì hết, đã lớn rồi bây giờ là lúc phải làm chứ phải đâu cứ học cứ đọc hoài”

Sau này, anh tôi lập gia đình. Thời bao cấp, cuộc sống mưu sinh vất vả lắm nhất là khi lập gia đình nhưng anh  vẫn luôn là người yêu sách, mê say đọc sách, có nhín được chút tiền lại đi nhà sách mua sách.  Đất nước dựng xây, người người lo cơm áo gạo tiền, thời đó ít ai chịu học khi tuổi đời đã qua tuổi học trò vậy mà anh vẫn muốn đăng ký học ngành báo chí theo ước mơ của mình, khi ấy anh đã gần bốn mươi tuổi. Rồi mơ ước cũng thành, anh đi học và đạt được tấm bằng đại học báo chí. Má tôi rất vui mừng khi hay tin anh đã học xong bốn năm vui chung với niềm vui của con, có được một nghề yên ổn, má nói  “ nó có thừa hưởng gen của ông ngoại”, bởi ông ngoại là ký giả báo Hoa văn ở Sài Gòn

Gia đình Nguyệt Hồng và Lương Minh ở Vĩnh Long

Gia đình anh đã ra ở riêng về sống bên quê vợ. Lúc này ba má tôi thì tuổi cũng lớn nhiều, hạnh phúc là thấy các con mình nên danh phận. Ba má tôi cũng cảm thấy vui theo anh, mỗi khi có bạn bè tìm đến nhà, như là anh Nguyễn Bạch Dương, Quốc Thanh, anh Khúc, anh Hiền, anh Kỳ Hồng, anh Tân…cùng những bạn ở Chợ Lách thường hẹn gặp nhau tại Vĩnh Long để trao đổi sách báo. Khi không có thời gian đến được với nhau thì đia chỉ nhà tôi là nơi các anh chị đến gặp gỡ ba má, thăm hỏi sức khỏe gởi trao sách báo. Đó là niềm vui mà bạn bè của anh đem đến cho ông bà. Còn riêng phần tôi thì được thừa hưởng tủ sách của anh

Từ khi anh lên đại học thì tủ sách đó coi như là của tôi rồi đó. Tôi thích tủ sách vì nó đã làm cho căn nhà của mình thêm khang trang hơn. Những quyển sách đẹp có bìa cứng với những tựa sách và tên tác giả mà nhìn thấy hết hồn như “ hố thẳm tư tưởng”, “ mặt trời không bao giờ có thực”, “ tự do đầu tiên và cuối cùng” … tác giả Phạm Công Thiện. ông Trần Trọng Kim thì có “Việt Nam Sử lược” , “ Nho Giáo” và rồi cả bộ sách của Nguyễn Hiến Lê . Những quyển sách đẹp và trang trọng đó của anh nhưng tôi khó đọc, khó hiểu và ngại ngần cầm trong tay hơn sách của tác giả Quỳnh Dao, Duyên Anh, Nguyễn Nhật Ánh, hay sách của Nguyễn Thị Hoàng . Mỗi khi buồn buồn , tôi đem ra lau nhẹ bụi, rồi sắp xếp lại.  chỉ vậy đó mà vui, mà thích lắm; giống như bà Dì tư của tôi, lâu lâu lại mang cái hộp đựng nữ ra ngắm nghía. Còn tôi, thì tôi yêu quí tủ sách nầy của anh nhất, vì nó có giá trị về vật chất cả về mặt tinh thần, cũng là nơi để tôi cất giữ những vật kỷ niệm như cánh buồm chiếc thuyền làm bằng vỏ ốc xà cừ bạn thân mua từ Vũng Tàu, một giỏ hoa Bất tử từ Đà Lạt và những lời yêu thương từ trong thiệp chúc Noel, chúc tết được lưu giữ mãi không quên

Và rồi anh tôi thật thụ là một nhà báo, anh đã đến Sài Gòn sống, làm việc cho Thời báo  Tài Chính; Thị Trường, viết cho nhiều báo như Doanh Nhân Sài Gòn, Thị Trường, Sài Gòn Giải Phóng tuần san, Vũng Tàu Chủ nhật,.. Những lần tôi có dịp lên nhà anh tôi thấy rất thích, thật thoải mái, không cần phải đi dạo công viên Đầm Sen hay đi xem sân khấu ca nhac kịch.  Vì ở nhà anh đã là nơi tiêu khiển rồi, có rất nhiều sách và truyện, tôi lục soạn những truyện dài , bắt gặp được “Nổi Buồn Chiến Tranh” của Bảo Ninh, nhiều tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư, của ông Sơn Nam rồi hàng trăm bán nguyệt san  “Thế giới Mới ” và  “Kiến thức Ngày nay”. Tôi thấy sao lúc nào anh cũng cứ mua sách, đọc sách, y như là anh phải sống cùng sách., và anh miệt mài viết… Sức làm việc của anh thật đáng nể , những buổi sáng chị tôi chỉ kịp pha ly cà phê cho anh uống rồi anh đi dự họp báo, có lúc đi công tác nhiều ngày, khi chiều tối về ăn qua loa rồi lên bàn vi tính làm việc, anh viết bài giữa khuya gần sáng, tôi giật mình thức dậy vẫn còn nghe tiếng lọc cọc của máy vi tính,  Những sáng tôi thức dậy sớm thì anh tôi vẫn còn ngủ vì đêm qua thức làm việc, tôi cũng tự mình nấu nước pha trà Ô Long tập thưởng thức vị trà, say sưa với sách và no nê đủ đầy với mì ăn liền Colusa, cà phê Trung Nguyên , bánh Kinh Đô là những thứ, những món bạn bè tặng cho anh. Tôi lên chơi vài hôm, có khi cả tuần. mỗi lần đi về nhà là mang được rất nhiều thứ anh chị cho, một bộ tách trà Minh Long, chiếc nón lá của chị mua ở Huế khi đi công tác, cái đồng hồ treo tường là quà tặng có thương hiêu riêng của báo Tuổi Trẻ. Và còn nữa, mỗi khi tết về tôi cũng có được rất nhiều tờ báo Xuân để đọc , nhiều lịch đẹp để treo  . Các doanh nghiệp, ngân hàng in lịch tết tặng với hình ảnh danh lam thắng cảnh, hình bông hoa đẹp, hình các cô hoa hậu, biết tôi thích treo lịch của anh gởi về cho tôi ưu tiên lựạ chọn để treo lên trang trí trong nhà.

Bất cứ công việc nào, ngành nghề gì chúng ta cũng cần phải học, phải nghiên cứu, phải học chọn lựa kỷ, kể cả học đạo; phải hiểu, phải tiêu thụ, tiêu hóa rồi tiêu dung. Về sau này anh tôi đi rất nhiều nơi để có tư liệu viết bài, anh đi không mệt mỏi vì đam mê, vì yêu nghề cuối cùng rồi cũng đạt được thành quả với tôi cho là  đáng kể. Anh xuất bản được  Đời Chợ – Chợ tỉnh Chợ quê với chị –  Đường Về Quán Văn’’. Anh còn làm chủ trang tongphuochiep-vinhlong, một trang web làm cầu nối liên lạc cho bạn bè, thầy cô từ trong quê hương ra hải ngoại. Anh luôn khuyến khích đàn em ở Vĩnh Long, Chợ Lách tập làm thơ, viết văn . Anh cũng đã có in quyển “Trang Nhà Đất Vĩnh”, “ Tác Giả và Bạn đọc” mà những người viết là Cựu học sinh  Tống Phước Hiệp’’. Mới đây, nghe nói người trong Hội VHNT Vĩnh Long  muốn làm buổi tưởng nhớ về nhà thơ Nguyễn Bạch Dương, anh hứa sẽ tái bản lại quyển “ Nguyễn Bạch Dương và những người bạn” để tặng anh chị ở quê nhà

Anh Minh bây giờ đã là cha, là ông ngoại, còn tôi cũng làm bà nội rồi. Lớp người trên của anh em chúng tôi không còn nữa, ba má tôi, chú, dì đã dẫn dạy chúng tôi thành những người tốt cho xã hội. Bây giờ gia tộc chỉ còn anh là người lớn nhất trong dòng họ, những người con của chú tôi cũng thương kính anh mình . Riêng phần tôi, anh đã cho tôi có được cảm giác an toàn trong cuộc sống, cho tôi có thêm được nhiều mối quan hệ với anh em bè bạn của anh, những người làm báo tận tâm tận tụy với nghề. Giúp tôi nhìn rõ quê hương mình qua từng trang sách anh viết, để tôi biết được vô số chợ là bấy nhiêu tên gọi, biết bao cảnh chùa cổ kính,và những nhà thờ lớn khang trang mà tôi chẳng được đi qua

Viết về người anh, tôi vô cùng nhớ thương ba má tôi .  Trong một bài giảng  của sư Toại Khanh có nói rằng  “… có nhiều cách trả hiếu cho cha mẹ. Một là phụng dưỡng cha mẹ khi cha mẹ còn sống.  Hai là hồi hướng công đức khi cha mẹ không còn. Và ba là hãy để cho cha mẹ có được những người con ngoan, có đạo đức, sống hòa thuận là góp phần làm cho cha mẹ có đóng góp được những người con tốt cho xã hội, có ích cho đời.’’ ./.

LƯƠNG NGUYỆT HỒNG

Viết nhân ngày 21/6/25

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác