TÌNH VỚI CẢI LƯƠNG – VỌNG CỔ
“Sáng ăn cơm sườn/ Chiều ăn nước tương/Tối leo lên giường/Nằm nghe cải lương”.
Cải lương ngấm vào tôi từ hồi còn chút bẻo, từ câu hát nghêu ngao trẻ con đến nhịp võng đong đưa sau hè. Đêm trăng sáng bắt chõng tre trước sân nhà nằm bên nội nghe cải lương hát tích xưa: Thoại Khanh Châu Tuấn, Lưu Bình Dương Lễ, Trần Minh khố chuối (Bên Cầu Dệt Lụa). Gởi gắm lẽ phải điều hay, lúc vinh hoa phú quý không quên cảnh cơ hàn, bền lòng vững chí vẹn nghĩa nhân trung hiếu, son sắt thủy chung…!
Bà bảy chị của bà nội tôi, đi đâu cũng đùm đề giỏ xách đựng quần áo, đựng bánh trái, đựng thuốc men, dầu gió…một vật bất ly thân nữa là cái ra dô (Radio). Bà bảy ghiền nghe đờn ca tài tử, cải lương, mê coi cải lương, ghiền nghe vọng cổ, tân cổ giao duyên…bà gọi gộp chung thành cải lương cho dễ nhớ, ngắn gọn theo cách của bà. Bà nhớ rành rọt đài nào, giờ nào sẽ có hát cải lương để mở ra dô nghe, nghe say sưa. Bà nói: nghe để nhớ ông bảy, hồi ông bảy còn sống khoái nghe cải lương dữ lắm!
Mấy lần buổi trưa bà bảy nằm võng thòng một chân đưa mắt nhắm lim dim, thấy vậy bà nội tôi vói tay tắt cái ra dô, ngay lập tức bà bảy lên tiếng: tao đang nghe muồi chớ đâu có ngủ mà mày tắt! Hễ mỗi lần bà bảy ghé thăm nội tôi ngoài nói chuyện đời xưa ra thì biểu tôi vặn dò đài hoặc bắt thâu băng mở cải lương nghe tối ngày, tuồng nào bài nào không cần biết miễn có một trong các giọng ca hai bà mê: nghệ sĩ Thành Được, Út Bạch Lan, Tấn Tài, Mỹ Châu, Út Trà Ôn, Thanh Sang, Minh Cảnh, Minh Phụng, Ngọc Giàu, Phượng Liên, Minh Vương, Lệ Thủy, Thanh Tòng, Diệp Lang, Thanh Kim Huệ…toàn đào kép nổi danh.
Trưa trưa ông nội thích nằm ghế bố mở đài, bắt thâu băng (cassette) nghe cải lương cho đỡ hiu quạnh và để tôi dễ ngủ trưa. Tay nội cầm cây quạt lá (quạt đan bằng lá Mật Cật) phe phẩy nhẹ nhẹ, tay còn lại nhịp theo Tiếng Trống Mê Linh oai hùng, thúc giục vang dội khắp núi sông bờ cõi chống giặc ngoại xâm, nghệ sĩ Thanh Nga ca diễn xuất thần. Bữa khác nội chuyển sang vọng cổ tự sự man mác nỗi buồn Tình Anh Bán Chiếu bằng lối ca ngâm độc đáo, nhịp nhàng chắc chắn mà chân phương của danh ca Út Trà Ôn hoặc quặn thắt nỉ non bản Dạ Cổ Hoài Lang…! Cải lương thay lời ru du dương ngọt lịm dìu tôi say giấc nồng ngày ngày thơ ấu, cứ thế lớn lên theo âm điệu dịu êm mượt mà.
Hồi cuối thập niên 80, mấy năm đầu 90 đầu trên xóm dưới quê nội tôi chỉ vài nhà khá giả có ti vi 14inch màu và đầu băng nhựa, cứ mỗi tối hàng xóm chung quanh túm tụm lại coi ké. Ai có bắp nấu đem bắp, ai có khoai lang, đậu phộng thì đem tới mời nhau ăn chung cho vui cười rôm rả, con nít nhốn nháo, lăng xăng tìm chỗ ngồi, các bà các mẹ các dì yên vị chỗ dễ coi nhất. Mấy bà cụ lớn tuổi răng rụng móm xọm ngồi nhai trầu dựa lưng vô vách, mặt tươi rói chờ mở cải lương. Tuồng chiếu lên ai cũng mê ly coi, mê say nghe những nghệ sĩ tài danh ca diễn. Lúc coi mấy bà mấy cô “quá nhập vai” tới cảnh: dì ghẻ ngược đãi con chồng, đàn bà lẳng lơ ham tiền phá hoại gia đàng kẻ khác, kẻ phụ tình bạc nghĩa,…,tức tối rủa liền tay “con quỷ cái, con quỷ hà nàm, con đĩ ngựa, thằng sở khanh khốn nạn,…, thế nào trời cũng trả báo mầy”. Còn gặp vai hiền lành bị đày ải, bị hãm hại, khốn khổ, duyên nợ trắc trở,…, bỗng khóc ngon ơ thương cảm, người quê tính thiệt thà chơn chất, bụng dạ nghĩ sao nói ra làm vậy! Mấy đứa con nít tụi tôi coi một hồi sụp mi không còn biết trời trăng gì nữa, lấy tăm chống cũng không nhướn hai con mắt lên nổi nên nằm ngủ sắp lớp, giãn hát người lớn vỗ đít kêu về. Miễn coi cải lương là gục gặc ngủ trước lúc hết tuồng, vậy chớ đám con nít vẫn ham thích, miệt mài có mặt khi đến giờ lên sóng! Việc đồng áng quần quật cả một ngày đều tan biến bởi món quà tinh thần Cải lương sướng tai đã mắt, thắm nghĩa xóm giềng sẻ chia thú vui giải trí mang nặng tình người Nam bộ!
Người lao động nghèo bình dân Nam bộ có người cả cuộc đời không hề biết một chữ i tờ, ký giấy tờ phải lăn tay điểm chỉ thay viết tên, ấy vậy mà ngộ ghê nghe cải lương riết họ thuộc làu làu ca không sót một từ, một chữ trong từng trích đoạn cải lương hay bài vọng cổ họ yêu thích! Đời lam lũ ngày ngày chật vật tìm cơm ngon áo lành trên lênh đênh sông nước Miền Tây, khi dọc đường gió bụi, áo đẫm ướt mồ hôi thấm tràn vị mặn vẫn hăng say. Vừa làm, vừa “nghe cải lương cho quên cơn mệt” bằng chiếc điện thoại có thẻ nhớ. Trăm ngã đường đi qua, chất chứa khắc khoải tâm trí tôi hình ảnh đứa trẻ bơ vơ côi cút hành khất mở cải lương làm “liệu pháp” tìm mẹ, tìm chốn nương thân trong chập chờn giấc trưa, giữa chợ đời ồn ã xa lạ! Kiếp mưu sinh lang bạt kì hồ biết bao lần trầm tư nghĩ về thân phận, ngày mưa sầu rỉ rả, đêm cô liêu u tịch! Khẽ gọi nhau: “mở cải lương nghe cho đỡ nhớ nhà…”
Cải lương – Vọng cổ từ xưa đến nay như người bạn thân tình, song hành mấy thế hệ sinh ra trên mảnh đất Chín rồng sông nước – Nam bộ, nói thay tiếng lòng, hủ hỉ vui buồn qua năm tháng thăng trầm cùng họ. Bao giai thoại, tích tuồng, chuyện nhơn nghĩa đối nhân xử thế trên đời được truyền tải, hướng con người đến Chân – Thiện – Mỹ thông qua lời ca tiếng nhạc mộc mạc chân phương nhưng hàm chứa, lồng ghép tính triết lý sâu sắc một cách tinh tế! Người xứ tôi “ăn cải lương”, “ngủ cải lương”, mê cải lương là vậy, điều đó thể hiện qua hàng đống cái tên rất “cải lương” nối tiếp nhau chào đời theo “ý nguyện sở thích” của các bậc cha mẹ đặt giống tên nghệ sĩ, thí dụ như: Lê.V. Minh Vương, Nguyễn.V. Minh Cảnh, Lê.T. Mỹ Châu,…Lệ Thủy,…Bạch tuyết, Tấn Tài, Minh Phụng…
Từ Hò – Xự – Xang – Xê – Cống…đến Cải lương trong tôi có hình bóng quê hương xứ sở mưa nắng hai mùa lưu giữ tiếng võng lời ru, tiếng ầu ơ giao hòa câu hò điệu lý, nâng bước lớn khôn mang theo điệu đờn đi khắp nẻo đường rong ruổi, cất lên câu vọng cổ ngọt ngào xua tan đời dâu bể, là thương nhớ khôn nguôi khúc tự tình lắng sâu, đa âm sắc bổng trầm…ôm trọn đời tôi!
VÕ HỮU NGHỊ
Hội KH. Lịch Sử Đồng Tháp)
Bài: Hữu Nghị 16.04.2020
Ảnh: sưu tầm