Phiếm Luận : LANG là CHÀNG 

Ngày đăng: 22/05/2025 06:33:00 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)
CHÀNG chữ Nho là LANG 郎. Như hai câu trong bài ngũ ngôn trường thiên “Trường Can Hành” của Thi Tiên Lý Bạch :    LANG kỵ trúc mã lai,/  Nhiễu sàng lộng thanh mai.

      Có nghĩa :  CHÀNG cưởi ngựa tre đến,/ Quanh giếng ghẹo mai xanh.    
                       Inline image

           Đó là lời của người vợ trẻ nói về chồng mình khi hai đứa cùng lớn lên ở xứ Trường Can từ thuở nhỏ, họ là THANH MAI TRÚC MÃ 青梅竹馬 của nhau. Nên LANG là CHÀNG, là CHỒNG; Vì thế TÂN LANG 新郎 là “Chồng mới”, là “Chú rể mới”. Trong bài hát nói (Ca trù) “Tuổi già cưới Vợ hầu” của Uy Viễn Tướng Công Nguyễn Công Trứ có hai câu chữ Nho như sau :
                新娘欲問郎年幾,  TÂN NƯƠNG dục vấn LANG niên kỷ,
                五十年前二十三.   Ngũ thập niên tiền nhị thập tam !
      Có nghĩa :
                      Cô dâu muốn hỏi CHÀNG bao nả ?
                      Năm chục năm xưa hai mươi ba !
 
Inline image
 
            – Nếu cô dâu mới muốn hỏi CHÀNG bao nhiêu tuổi, thì xin đáp rằng…
            – Năm mươi năm trước mới có hai mươi ba tuổi thôi ! Có nghĩa, trước mắt thì CHÀNG RỂ MỚI nầy đã “Bảy mươi ba tuổi” rồi ! Chớ không còn là…
      THIẾU NIÊN LANG 少年郎 là “Chàng Tuổi Trẻ” như trong Chinh Phụ Ngâm Khúc của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm diễn Nôm là :
                   CHÀNG TUỔI TRẺ vốn dòng hào kiệt,
                   Xếp bút nghiên theo việc đao cung.
     Với hình tượng…
                         Áo CHÀNG đỏ tựa ráng pha,
                   Ngựa CHÀNG sắc trắng như là tuyết in.
     và đầy hào khí của một CHÀNG TRAI trong thời loạn…
                     Giã nhà đeo bức chiến bào,
                   Thét roi cầu Vị ào ào gió thu !
 
Inline image
     Nên…
         CHÀNG là LANG là từ để gọi người yêu, người tình, người hôn phối… một cách âu yếm thân mật, như TÌNH LANG 情郎, PHU LANG 夫郎, LANG QUÂN 郎君… Trong bài “Bẽn Lẽn” của nhà thơ Hàm Mặc Tử ta đọc được các câu :
               …Vô tình để gió hôn lên má
                  Bẽn lẽn làm sao, lúc nửa đêm !
                  Em sợ LANG QUÂN em biết được
                  Nghi ngờ tới cái tiết trinh em…
      LANG là CHÀNG, là nam giới, là con trai. Có tài hoa giỏi giắn thì gọi là TÀI LANG 才郎, ngu si đần độn thì gọi là XUẨN LANG 蠢郎. Trắng trẻo đẹp trai thì gọi là NGỌC LANG 玉郎. Chàng rể mới thì gọi là TÂN LANG 新郎; chàng rể phụ thì gọi là BẠN LANG 伴郎. Ngoài ra, nhà đông anh em thì anh cả là ĐẠI LANG 大郎, em thứ là NHỊ LANG 二郎, kế nữa là TAM LANG 三郎, TỨ LANG 四郎, NGŨ LANG 五郎…
      Xét theo Lục Thư thì LANG 郎 là chữ thuộc dạng Hài thanh và Hội Ý có diễn tiến hình thành chữ viết như sau :
                 Kim Văn Đại Triện    Tiểu Triện       Lệ Thư           Khải Thư
 

Inline image

Ta thấy :
         Chữ LANG 郎 được ghép bởi bộ LƯƠNG 良 là Tốt, là Hiền, là Giỏi bên trái chỉ ÂM và bộ ẤP 邑(阝) là Thôn, là Xóm, là Làng bên phải chỉ Ý. Nên theo Hài Thanh thì đọc theo âm LƯƠNG trại ra thành âm LANG, theo Hội Ý thì là người có tài, có chức sắc trong làng xóm. Nên LANG 郎 là một chức quan trong triều đình xưa, như :
       THỊ LANG 侍郎 Vốn là một cận thần thị vệ trong cung từ đời Hán. Sau đời Đông Hán là thuộc quan(phụ tá) của Thượng Thư. Có diễn tiến như sau : Mới nhậm chức gọi là LANG TRUNG 郎中, khi tròn một năm thì gọi là THƯỢNG THƯ LANG 尚書郎, đủ ba năm thì mới được gọi là THỊ LANG. Sau đời Đường THỊ LANG 侍郎 là chức phó của các Trung Thư Thượng Thư… tương đương như chức Thứ Trưởng ngày nay của ta vậy. Đặc biệt là nghề thầy thuốc chửa bệnh và cứu nhân độ thế, nên được người đời xưng tụng như là một chức sắc LANG TRUNG, nên mới hình thành từ LANG TRUNG 郎中 để gọi một cách tôn xưng các thầy thuốc là vì thế.  Sang đến Việt Nam ta thì bà con gọi cho gọn lại là THẦY LANG; còn những tay thầy thuốc dỏm không có đạo đức, chỉ biết có tiền thì được bà con gọi là “TÊN LANG BĂM” !
       HIỆU THƯ LANG 校書郎 Quan chức có từ đời Đông Hán, chuyên hiệu đính sách vở văn chương thư tịch, thi từ ca phú… Đời Đường gọi là BÍ THƯ TỈNH 秘書省 hay BÍ THƯ LANG 秘書郎 là quan chức thuộc hàng Cửu phẩm.
       VIÊN NGOẠI LANG 員外郎 cũng là một quan chức thời cổ đại, vốn dùng để chỉ các quan viên nằm ngoài chính ngạch. Vào đời Tùy gồm 24 ty của Thượng Thư Tỉnh đều có một VIÊN NGOẠI LANG là Thứ trưởng quan; tương đương với Phó Ty Trưởng hiện nay. LANG TRUNG là Chính Ty, VIÊN NGOẠI LANG là Phó Ty. Về sau, Viên Ngoại 員外 chỉ còn  là một chức hàm cho những nhà giàu chứ không có thực quyền và bổng lộc gì cả. Như Vương Viên Ngoại cha của Thúy Kiều và Thúy Vân vậy :
                      Có nhà VIÊN NGOẠI họ Vương,
                Gia tư nghỉ cũng thường thường bậc trung.
       Nhớ khoảng năm 1964, tuần báo “Tin Vịt” ở Sài Gòn có đăng truyện thơ  “Vương Thúy Kiều Tân Thời” có hai câu như sau :
                      Có nhà nghị gật họ Vương,
                 Gia tư thì cũng ruộng vườn xe hơi !
  Còn…
       TỬ VI LANG 紫微郎 là tên gọi đặc biệt nên thơ của chức TRUNG THƯ TỈNH 中書省, còn gọi là TRUNG THƯ THỊ LANG 中書侍郎 tương đương với chức Hữu Thừa Tướng, chuyên lo văn thư tấu sớ của Hoàng đế nên rất nhàn hạ, rảnh rỗi. Ta hãy đọc bài thơ TỬ VI HOA 紫薇花 của Thi Bá Bạch Cư Dị 白居易 ở đời Đường khi ông đang giữ chức TỬ VI LANG thì sẽ rõ :
                絲綸閣下文書静,    Ty Luân Các hạ văn thư tịnh,
                鐘鼓樓中刻漏長。    Chung cổ lâu trung khắc lậu trường.
                獨坐黄昏誰是伴,    Độc tọa hoàng hôn thùy thị bạn,
                紫薇花對紫微郎。    Tử vi hoa đối TỬ VI LANG !
             Inline image
     Có nghĩa :
                    Trong Ty Luân Các văn thư ít,
                    Nhỏ giọt lầu chuông khắc lậu tàn. 
                    Ngơ ngẩn hoàng hôn sầu chiếc bóng,
                    Chỉ… Tử Vi hoa với TỬ VI LANG !
        Đó là các chức quan ngày xưa có chữ LANG là CHÀNG đi kèm, ngoài ra, chữ LANG còn chỉ những nghề nghiệp lương thiện đàng hoàng như : ĐIỀN XÁ LANG 田舍郎 để chỉ các chàng làm nghề nông, BỔ TRÓC LANG 捕捉郎 là các chàng chuyên đánh bắt cá tôm, TRẠO THUYỀN LANG 棹船郎 là các chàng làm nghề chèo thuyền, chèo đò hay sống trên sông nước… như bài từ Hoán Khê Sa 浣溪沙 của Tiết Chiêu Uẩn 薛昭蕴 ở cuối đời Đường  đầu đời Ngũ Đại :
                紅蓼渡頭秋正雨,    Hồng lạo độ đầu thu chính vũ,
                印沙鷗迹自成行,    Ấn sa âu tích tự thành hàng,
                整鬟飄袖野風香。    Chỉnh hoàn phiêu tụ dã phong hương.
                不語含顰深浦裡,    Bất ngữ hàm tần thâm phố lý,
                幾回愁煞棹船郎,    Kỷ hồi sầu sát TRẠO THUYỀN LANG,
                燕歸帆盡水茫茫。    Yến quy phàm tận thủy mang mang !
      Có nghĩa :
                   Hoa súng nở hồng ướt mưa thu,
                   Vịt trời xa tít tận mây mù.
                   Điểm trang hương phấn hương hoa tỏa,
                   Im lặng chau mày bến sông nhỏ,
                   Nát lòng mấy độ GÀ CHÈO ĐÒ,
                    Đối người đối cảnh ngẩn ngơ,
                  Én bay buồm khuất mịt mờ nước sông !
       TRẠO THUYỀN LANG 棹船郎 còn được gọi là LỘNG TRIỀU NHI 弄潮兒 là các “chàng giởn sóng”, là suốt ngày đùa giởn trên sóng nước, như trong bài “Giang Nam Khúc 江南曲” của nhà thơ Lý Ích 李益 đời Đường :
                    嫁得瞿塘賈,   Giá đắc Cù Đường cổ
                    朝朝誤妾期。   Triêu triêu ngộ thiếp kỳ
                    早知潮有信,   Tảo tri triều hữu tín
                    嫁與弄潮兒。   Giá dữ LỘNG TRIỀU NHI !
                 Inline image
    Có nghĩa :
         Lấy được chú lái buôn ở xứ Cù Đường, (là một điều may mắn đó, thường thì các lái buôn nầy rất giàu). Nhưng… ngày nào cũng lỗi hẹn với thiếp cả! (chỉ lo đi tìm lợi nhuận). Nếu sớm biết trước, nước thủy triều lên xuống đúng hẹn, không sai bao giờ. Thì thà trước kia lấy gã chèo đò cho xong !
                    Lấy phải Cù Đường thương lái
                    Thường ngày bỏ thiếp nằm co
                    Lớn ròng nước kia đúng hẹn
                    Biết trước, lấy GẢ CHÈO ĐÒ !
         Lục Bát :
                             Ai xui lấy lái Cù Đường
                    Ngày ngày bỏ thiếp sầu thương muộn phiền
                          Đầy vơi dòng nước thường xuyên
                    Phải dè lấy GẢ CHÈO THUYỀN cho xong !
       Như trên đã nói CHÀNG TUỔI TRẺ là THIẾU NIÊN LANG 少年郎. Người yêu thì gọi là TÌNH LANG 情郎; Có tình nghĩa, xem trọng tình cảm thì gọi là HỮU TÌNH LANG 有情郎, các chàng đa tình thì gọi là ĐA TÌNH LANG 多情郎; còn giở thói Sở Khanh bạc bẽo thì gọi là BẠC TÌNH LANG 薄情郎, như tên Sở Khanh trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du nhà ta vậy :
                       BẠC TÌNH nổi tiếng lầu xanh,
                  Một tay chôn biết mấy cành phù dung !
       Nên ông bà ta thường nhắc nhở các cô gái ngây thơ mới lớn 2 câu của nữ sĩ Ngư Huyền Cơ 魚玄機, một trong “Tứ Đại Nữ Thi Nhân” đời Đường là :
                  易求無價寶,    Dị cầu vô giá bảo,
                  難得有情郎。    Nan đắc HỮU TÌNH LANG.
              Inline image
       Có nghĩa :
              – Bảo vật vô giá còn dễ tìm dễ cầu để mà có được, chớ…
              – Các chàng trai chung tình, có tình có nghĩa thì khó mà có được lắm ! Cho thấy, từ xưa đến nay các chàng trai, các cánh “nìn-ông”… thường hay có mới nới cũ bạc tình bạc nghĩa lắm, nhất là ở trong các xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ thì quả thật là “Nan đắc hữu Tình Lang ” !…

                      Dễ cầu có được ngàn vàng,
               Khó tìm cho được một chàng thủy chung !
      Trong Văn Học Cổ thì tùy theo họ tên, ta cũng có rất nhiều CHÀNG, như CHÀNG CHU, CHÀNG LƯU, CHÀNG NGƯU, CHÀNG KHUÔNG, CHÀNG VŨ, CHÀNG TIÊU… Ta bắt đầu bằng CHÀNG CHU nhé !
                         Inline image
      CHÀNG CHU, tức CHU LANG 周郎 là CHU DU 周瑜, còn gọi là CHU CÔNG CẨN 周公瑾, là người văn võ song toàn; 28 tuổi đã làm Đô Đốc của Đông Ngô. Nổi tiếng với trận chiến Xích Bích, lấy ít thắng nhiều đánh tan 83 vạn quân Tào Tháo, hình thành cuộc diện Tam Quốc lúc bấy giờ. Ngoài tài cầm binh và thao lược, Chu Du còn là một nghệ sĩ tài hoa lỗi lạc, giỏi cả cầm kỳ thi họa, nhất là về đàn tranh. Thường có câu :”Khúc hữu ngộ, Chu lang cố 曲有誤,周郎顧”. Có nghĩa : Nếu khúc đàn có sai sót, thì chàng Chu sẽ chiếu cố, chỉ điểm cho ngay ! Xin mời đọc  lại bài Ngũ ngôn Tứ tuyệt THÍNH TRANH 聽箏 nổi tiếng của Lý Đoan 李端 đời Đường sau đây :
                  鳴箏金粟柱,      Minh tranh kim túc trụ,
                  素手玉房前.     Tố thủ ngọc phòng tiền.
                  欲得周郎顧,     Dục đắc Chu Lang cố,
                  時時誤拂絃.      Thời thời ngộ phất huyền.
      Có nghĩa :
                     Thánh thót đùa phím ngọc                         
                     Tay ngà nắn cung mơ                         
                     Muốn chàng Chu chiếu cố                         
                     Thường để lạc phím tơ
       Lục bát :
                     Trục vàng phím ngọc vấn vương                          
                     Tay ngà nắn nót cung thương mơ màng                          
                     Muốn chàng chiếu cố ngó ngàng                          
                     Nàng thường để lạc phím đàn cung tơ !
                   Inline image
        Thường thì đàn, ai cũng muốn đàn cho hay. Nhưng ở đây thì ngược lại, nàng cố ý đàn dở, đàn sai để được chàng dòm ngó đến. Cái hay của bài thơ là ở chỗ nầy, nêu bật được cái tâm lý rất thực tế, rất nhân bản của phái nữ khi muốn được người mình yêu mến để ý đến. Nàng đã không màng đến thể diện, tự ái nữa, không cần phải đàn hay để được khen, mà chỉ muốn đàn sai để được chàng đến chiếu cố, thân cận cầm tay để chỉ điểm cho. Lý Đoan đã rất tâm lý khi làm bài thơ nầy.
        Trong bài hát nói HỎI GIÓ của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, phần hai câu thơ chữ Hán cũng có nhắc đến CHU LANG :
                Thử thị Đà Giang, phi Xích Bích,     此是沱江非赤壁,
                Dã vô Gia Cát dữ CHU LANG.         也無諸葛與周郎。
Có nghĩa :
         – Nơi đây là sông Đà Giang chớ không phải là sông Xích Bích.
         – Chẳng có Gia Cát Lượng mà cũng chẳng có Chàng Chu.
                      Inline image
      LƯU LANG là CHÀNG LƯU, tức LƯU VŨ TÍCH 劉禹錫 (772-842), tự là Mộng Đắc, người đất Lạc Dương Hà Nam, tổ tiên từ Định Châu Hà Bắc di dời xuống miền nam. Ông là thi nhân nổi tiếng và tiêu biểu của đời Trung Đường, được đời sau xưng tụng là Thi Hào với các tính chất hào phóng trong thi ca, ngoài ra, ông còn nổi tiếng với các bài tản văn, như bài “Lậu Thất Minh 陋室銘” với các câu văn bất hủ như :
          Sơn bất tại cao, hữu tiên tắc danh;      山不在高,有仙則名;
          Thủy bất tại thâm, hữu long tắc linh.    水不在深,有龍則靈。
          Tư thị lậu thất, duy ngô đức hinh….     斯是陋室,惟吾德馨…
Có nghĩa :
          Núi chẳng tại cao, có tiên thì nổi tiếng;
          Nước chẳng tại sâu, có rồng thì linh thiêng.
          Đây chỉ là căn nhà thô lậu, nhưng được thơm lên vì cái đức của ta…
       Năm Nguyên Hòa thứ chín (815), Lưu Vũ Tích cùng Liễu Tông Nguyên đều được triệu hồi Trường An chờ phục chức. Thấy cảnh bát nháo của chính sự lúc bấy giờ, nhân dạo chơi ở Huyền Đô Quán, một đạo quán nổi tiếng của các đạo sĩ ở kinh thành, ông đã làm bài “Nguyên Hòa Thập Niên Tự Lãng Châu Thừa Chiếu Chí Kinh Hí Tặng Khán Hoa Chư Quân Tử 元和十年自朗州承召至京戲贈看花諸君子”. Có nghĩa : Năm Nguyên Hòa thứ mười phụng chiếu từ Lãng Châu về kinh thành, đùa tặng các bậc quân tử đi xem hoa. (Bài thơ nầy còn có tên đơn giản là “Huyền Đô Quán Đào Hoa 玄都觀桃花” là Hoa đào ở Huyền Đô Quán) như sau :
                  紫陌紅塵拂面來,   Tử mạch hồng trần phất diện lai,
                  無人不道看花回。   Vô nhân bất đạo khán hoa hồi.
                  玄都觀裏桃千樹,   Huyền Đô Quán lý đào thiên thọ,
                  盡是劉郎去後栽。   Tận thị Lưu Lang khứ hậu tài.
  Có nghĩa :
                  Ngổn ngang đường xá bụi nhòa,
                  Kháo nhau cùng đến ngắm hoa chốn này.
                  Huyền Đô ngàn cội đào khai,
                  Đều trồng từ lúc đi đày CHÀNG LƯU.
                  Inline image
      Ý của Lưu là mĩa mai cái đám người quyền qúy mới, do a dua nịnh hót mà có được. Bọn người nầy đã vênh váo đi lại khắp đường phố Trường An làm ra vẻ thanh cao như những người đi ngắm hoa về. Nếu chàng Lưu ta còn ở đây thì chưa chắc bọn nầy đã hiện diện mà nghênh ngang đi lại. Ý của Lưu Vũ Tích có hơi trịch thượng và xem thường những người quyền thế mới nầy, nên chi chẳng bao lâu sau, ông lại bị biếm đi làm Thứ Sử Ba Châu.
      Sau nhờ Ngự Sử Trung Thừa Bùi Độ tâu với vua vì Lưu Vũ Tích còn mẹ già, nên được thuyên về là Thứ Sử Liên Châu. Thời gian này vì tâm trạng buồn khổ cực độ nên Lưu hay đi lại các chùa chiền và cùng nghiên cứu Phật pháp với các nhà sư. Năm Nguyên Hòa thứ 14, mẹ mất, phải về Lạc Dương thọ tang. Đường Mục Tông Trường Khánh nguyên niên (821) lại thuyên làm Thứ Sử Qùy Châu. Năm Trường Khánh thứ 4 đổi về làm Thứ Sử Hòa Châu. Mùa xuân năm Bảo lịch thứ 2 đời Đường Kính Tông (826) lại được triệu về Lạc Dương. Năm Đại Hòa thứ 2 đời Đường Văn Tông(828)Mười bốn năn sau, một lần nữa ghé thăm lại Huyền Đô Quán, lại làm bài “Tái Du Huyền Đô Quán 再游玄都觀” để châm biếm và cười cợt những kẻ quyền qúy đã hết  thời :
                   百畝庭中半是苔,   Bách mẫu đình trung bán thị đài,
                   桃花淨盡菜花開。   Đào hoa tịnh tận thái hoa khai.
                   種桃道士歸何處,   Chủng đào đạo sĩ quy hà xứ ?
                   前度劉郎今又來。   Tiền độ Lưu Lang kim hựu lai !
     Có nghĩa :
                   Trong sân nửa mẫu rêu nhòa,
                   Đào thì rụng sạch cải đà nở hoa.
                   Trồng đào đạo sĩ đâu ta ?
                   Chàng Lưu ngày trước lại qua chốn nầy !  
                   Inline image
       Lúc bấy giờ, những phe mhóm đối lập đã tan rả, như hoa đào đã rụng hết. Người cầm đầu là Võ Nguyên Hành cũng đã chết, như đạo sĩ trồng đào đã bỏ đi. Lưu tự hào là mình vẫn còn có ngày phục chức trở lại, như Lưu Thần Nguyễn Triêu được trở lại Thiên Thai lần nữa vậy (Chàng Lưu ngày trước lại về đây!). Vì cùng là họ Lưu, nên Lưu Vũ Tích ví mình như là Lưu Thần đã từng sống nơi cảnh Thiên Thai ngày trước, với cuộc sống thần tiên thanh cao nhàn nhã, chứ không vướng bận lợi danh chạy theo những thị hiếu thấp hèn của  người đời như những kẻ tầm thường khác.
                       Inline image
      Nói đến CHÀNG người ta cũng nghĩ ngay đến CHÀNG NGƯU và Ả Chức, tức Ngưu Lang 牛郎 và Chức Nữ 織女. Vốn là hai vì sao ở hai đầu sông Ngân Hà trên trời. Tương truyền Chức Nữ là cháu gái của Ngọc Hoàng giỏi nghề dệt vải, gả cho Ngưu Lang là chàng chăn trâu. Vì hai vợ chồng quá yêu nhau nên chểnh mảng công việc. Ngọc Hoàng giận mới đày hai người ở hai bên bờ sông Ngân Hà, mỗi năm chỉ cho đàn ô thước bắt cầu để gặp nhau một lần vào đêm mồng bảy tháng bảy âm lịch, tục gọi là đêm Thất Tịch. Nên Chàng Ngưu Ả Chức hay Ngưu Lang Chức Nữ 牛郎織女 gì đều chỉ tình yêu trai gái hay tình nghĩa vợ chồng với nhau. Như trong truyện thơ Nôm Quan Âm Thị Kính diễn tả tình duyên trắc trở giữa Thiện Sĩ và Thị Kính vậy :
                       Thiệt công ô thước bắc cầu,
                    CHÀNG NGƯU Ả Chức giã nhau từ rày.
       Hay như trong Lục Vân Tiên của cụ Nguyễn Đình Chiểu tả mối tình của Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga :
                       Hữu tình chi bấy NGƯU LANG,
                  Tấm lòng Chức Nữ vì chàng mà nghiêng.       
                      Inline image
      CHÀNG NGƯU là nhân vật thần thoại không có thật, chứ CHÀNG KHUÔNG, CHÀNG VŨ là những người có thật trong đời sống.
       CHÀNG KHUÔNG tức Khuông Hành 匡衡, tự là Trĩ Khuê, người đất Đông Hải huyện Quận Thừa, là một học giả nổi tiếng đời Tây Hán, làm quan đến chức Thừa Tướng. Ông xuất thân là con nhà nông nghèo khổ, gia cảnh bần hàn, phải đi làm công để đổi lấy sách học. Ông lại nổi tiếng và để đời với việc xin ông hàng xóm cho khoét một cái lổ trên vách (gọi là TẠC BÍCH 鑿壁) lúc đêm về để nhờ vào ánh đèn sáng xuyên qua lổ hổng đó mà đọc sách học hành, như cụ Nguyễn Công Trứ đã tả trong bài Hàn Nho Phong Vị Phú là :
                    Cần nghiệp Nho khi TẠC BÍCH TỤ HUỲNH,
                    Thuở trước CHÀNG KHUÔNG, CHÀNG VŨ.
                    Inline image
                           TẠC BÍCH TỤ HUỲNH  鑿壁聚螢
      CHÀNG VŨ tức là Xa Dận, tự là VŨ TỬ. Theo Tấn Thư quyển 83 Xa Dận Truyện. Ông người đất Nam Bình, từ nhỏ đã hiếu học, nhưng nhà nghèo, ban ngày phải đi làm lụng kiếm sống, ban đêm không có tiền mua dầu thắp đèn để học. Nhân những tháng mùa hè có nhiều đom đóm, ông bèn đuổi bắt tập hợp chúng lại gói trong vải mỏng để lấy ánh sáng (gọi là TỤ HUỲNH 聚螢) mà đọc sách, sau cũng trở thành một văn học gia nổi tiếng đời Tấn.
      Nói chung, CHÀNG KHUÔNG CHÀNG VŨ gì đều chỉ những người nghèo mà hiếu học.
      Cuối cùng ta có CHÀNG TIÊU là TIÊU LANG 蕭郎, là Phiếm chỉ Đại từ thường dùng để chỉ người tình hoặc ý trung nhân theo tích sau đây :
      Theo Toàn Đường Thi Thoại : Thi nhân đời Đường Nguyên Hòa là Tú Tài Thôi Giao 崔郊, thương một người nô tì tài sắc vẹn toàn của nhà bà cô. Sau vì nghèo, cô bán nô tì đó cho Liên Soái làm tì thiếp. Giao cứ thơ thẩn trước cửa Liên Soái mà không dám vào. Nhân tiết Hàn Thực người tì thiếp đi ra ngoài gặp gỡ Thôi Giao bên rặng liễu. Giao cảm xúc làm tặng nàng bài thơ tứ tuyệt nổi tiếng sau đây :
            公子王孫逐後塵,   Công tử vương tôn trục hậu trần,
            綠珠垂淚濕羅巾。   Lục Châu thùy lệ thấp la cân.
            侯門一入深如海,   Hầu môn nhất nhập thâm như hải,
            從此蕭郎是路人。   Tòng thử TIÊU LANG thị lộ nhân.
Có nghĩa :
                Công tử vương tôn ruổi bụi trần,
                Lục Châu lệ nhỏ ướt đầm khăn.
                Cửa hầu tựa bể sâu thăm thẳm,
                Từ đó CHÀNG TIÊU kẻ trước sân.
Lục bát :
               Vương tôn công tử theo sau,
               Lục Châu nhỏ lệ ướt bao khăn là.
               Cửa hầu sâu tợ biển xa,
               CHÀNG TIÊU từ đó như là người dưng.
                 Inline image
       Có người mách lẻo, định tâng công, đem bài thơ nầy cho Liên Soái xem. Liên Soái cho mời Thôi Giao vào dinh. Mọi người đều lo sợ cho chàng. Không ngờ Liên Soái cũng thuộc nòi tình, tuy rất yêu thương người tì thiếp tài hoa, nhưng thấy hai người vẫn còn yêu nhau tha thiết, nên trả nàng lại cho Thôi Giao và còn tặng cho bốn ngàn nén bạc về quê để… yêu nhau ! Tạo nên một giai thoại trong làng thơ lúc bấy giờ.
      Trong Truyện Kiều, lúc Kim Kiều tái hợp, cụ Nguyễn Du cũng đã mượn tích nầy khi Thúy Kiều cứ một mực khăng khăng không chịu thành thân với Kim Trọng :
 
                           …Có điều chi nữa mà ngờ,
                   Khách qua đường để hững hờ CHÀNG TIÊU !?
                          Nghe chàng nói đã hết điều,
                   Hai thân thì cũng quyết theo một bài…
Nên cuối cùng thì cũng …
                         Cùng nhau giao bái một nhà,
                         Lễ đà đủ lễ, đôi đà đủ đôi.
                         Động phòng dìu dặc chén mồi,
                    Bâng khuâng duyên mới, ngậm ngùi tình xưa…
      “Bâng khuâng duyên mới, ngậm ngùi tình xưa !” Thật cảm khái, thật ngậm ngùi, mà cũng thật dễ làm xúc động lòng người !…
                   Inline image
       Từ LANG là CHÀNG cuối cùng của bài viết nầy không phải là một CHÀNG, mà là một NÀNG ?! Đó là từ NỮ LANG 女郎…
       NỮ LANG 女郎 là từ dùng để chỉ một thiếu nữ trẻ, một cô gái còn trẻ trung. Trong xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ, từ NỮ LANG là một cách gọi tôn xưng các cô gái lên ngang hàng với các chàng trai đồng trang lứa, như…
                  NÀNG là một NỮ LANG tài mạo song toàn !…
       Hẹn bài viết tới :
                                NƯƠNG là NÀNG.

                                                                                      Đỗ Chiêu Đức

* Mời bấm vào link dưới đây để nghe bản nhạc
  “CHÀNG là AI ?” của Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết :

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác