HUYỀN VŨ – THIÊN TÀI KHÔNG NGƯỜI THAY THẾ (1)
\Đã từ lâu,Văn Quang -tôi vẫn đinh ninh rằng “ai cũng có thể thay thế được, dù cho đó là một thiên tài”. Nhưng đến hôm nay thì tôi nghĩ khác: “Có một người mất đi mà khó có ai thay thế được”.
Và cũng chắc chắn đã có khá nhiều bài viết về ông Huyền Vũ. Nhưng người ở Sài Gòn thì chưa chắc đã có ai viết về sự kiện này. Tuy nhiên, cũng không phải vì thế mà tôi viết về ông, tôi viết vì có một bổn phận thôi thúc phải viết, một tiếng nói của người hiện còn đang sống ở Sài Gòn tưởng nhớ và thương tiếc ông. Tôi không là đại diện cho ai cả, tôi viết với tính cách của một “fan” của ông cùng với một số bạn bè tôi, với nỗi tiếc thương.
Bóng trùm lên tất cả
Ông mất ở tuổi 90, ông hơn tôi đến gần hai chục tuổi, tôi chưa bao giờ được là bạn ông. Chỉ là một người quen biết và một người hâm mộ đúng nghĩa. Tuy rằng trước năm 1975, cái thời mà chúng tôi thường gặp nhau ở sân banh Cộng Hòa, ngồi trên hàng ghế ký giả, ông làm việc tường thuật của ông, gần chỗ chúng tôi. Nếu có gặp nhau chỉ vẫy tay chào nhau là đủ. Tuy ông cũng tường thuật trực tiếp qua làn sóng điện phát thanh của Đài Tiếng Nói Quân Đội, nhưng thật ra đài Quân Đội chỉ là tường thuật “ké” đài Sài Gòn. Ông là phát thanh viên chính thức của Đài Phát Thanh Sài Gòn, còn gọi là Đài Phát Thanh Quốc Gia; mỗi khi có tường thuật trực tiếp đá banh, chúng tôi chỉ điện thoại sang yêu cầu Đài Quốc Gia cho Đài Quân Đội “nhập sóng” là xong. Tức là lúc đó “mình với ta tuy hai mà một”, nghe đài nào cũng như nhau, cũng là ông Huyền Vũ tường thuật. Còn có ai khác nữa đâu.
Hồi đó chúng tôi cũng đã có dự định tuyển một tay nói năng lưu loát, tường thuật cho ra vẻ ta đây cũng có “giá” như Đài Sài Gòn. Nhưng trải qua vài cuộc thử nghiệm đều không thể tìm được ai làm xướng ngôn viên trực tiếp khả dĩ gần bằng ông Huyền Vũ chứ chưa nói đến bằng ông. Vì thế nên chúng tôi đành “thua”.
Thêm một điều nữa cần phải nói là trong thời chiến, đài Quân Đội và Đài Sài Gòn vẫn cứ “cạnh tranh” rất thẳng thắn. Đài nào cũng muốn có tin trước và tin hay. Đó là lương tâm nghề nghiệp. Ngay cả khi bạn tôi là ông Nhất Tuấn hay ông Vũ Đức Vinh làm “sếp” ở đài Sài Gòn và tôi phục vụ ở Đài Quân Đội thì chúng tôi cũng cạnh tranh gay gắt như thường. Các phóng viên và biên tập viên hai đài phát thanh này cũng vậy, họ thường là bạn của nhau, thậm chí là bạn thân, nhưng đến khi vào việc thì mỗi người chạy theo một cách lấy tin, mỗi người đều có cách tường trình “đặc biệt” của mình. Nếu không thế thì đài nọ dựa vào đài kia, làm sao có chương trình hay phục vụ thính giả được. Nhưng đến khi có ông Huyền Vũ tường thuật đá banh thì chúng tôi phải xin “Quý đài cho nhập sóng” để quân nhân ở các đồn xa được nghe ông Huyền Vũ chứ không phải người khác.
Ông Huyền Vũ đã trở thành một khái niệm không thể thiếu của tất cả những trận đá banh của Sài Gòn trước những năm 1975. Một trận đá banh mà không có Huyền Vũ tường thuật thì kể như đó là một trận “tầm thường”. Cái tên ông gắn liền với giá trị của tất cả những trận banh. Người lính trên khắp các quân khu, ngay cả khi ở chiến trường, cũng mong ngóng chờ nghe tường thuật đá banh, một điều tất nhiên là nghe ông Huyền Vũ tường thuật mới đúng là “vừa được nghe, vừa được xem đá banh”. Chúng tôi hiểu rất rõ điều này nên dù là xin “tường thuật ké” cũng sẵn sàng dẹp hết tự ái để làm. Trong khi những tin tức chiến trường, những tin tức đặc biệt, bao giờ chúng tôi cũng làm tường thuật với những phóng viên của đài mình. Như thế đủ chứng tỏ cái giá của ông Huyền Vũ lớn lắm, cái bóng của ông bao trùm lên tất cả những giá trị khác.
Từ ngữ Huyền Vũ không thể quên
Sau này, khi ông không còn ở trong quân đội nữa, thỉnh thoảng ông vẫn có dịp ghé vào Đài Quân Đội theo lời mời của Ban chương trình để nói về một vấn đề thể thao hoặc tự đọc một bản tin thể thao nào đó. Tôi cho rằng ông cũng vẫn còn những tình cảm đậm đà với những quân nhân lúc nào cũng là thính giả trung thành của ông. Tôi chỉ được gặp ông một hai lần và câu chuyện cũng chỉ là những chuyện thông thường. Trong tôi, ông vẫn là một người anh, rất gần mà rất xa. Bởi tôi thường không gặp ông ở bất kỳ một nơi chốn nào mà những nhà báo hay đến, có lẽ chỉ có nhà hàng Thanh Thế là nơi những ký giả “gạo cội” của làng thể thao Sài Gòn hay ngồi thì tôi lại thường ít lui tới. Lúc đó, ký giả Thạch Lê, nguyên là “sếp” của tôi, cũng là một ký giả thể thao có tầm cỡ ngoài miền Trung, nhưng cũng chưa thể nào so sánh với ông Huyền Vũ được. Hầu như suốt những năm tháng sống ở Sài Gòn trước năm 1975, không có trận banh nào mà ông Thạch Lê không kéo tôi đi. Khi có những trận banh ở sân Tao Đàn hay sân Cộng Hòa, Phòng Báo chí của Cục Tâm Lý Chiến gần như ngưng làm việc.
Chỉ có Huy Vân ngồi một mình cặm cụi với chồng bài vở. Sau khi đi xem đá banh về, ông Thạch Lê đến tòa báo ngồi viết tường thuật, hôm nào ông dở chứng lười thì bảo tôi viết tường thuật “cho vui”. Cũng may mà tôi chỉ viết một hai bài, đến nay tôi không còn nhớ rõ, nhưng chữ nghĩa về tường thuật đá banh thì chắc là phải “mượn” chữ của ông Huyền Vũ. Bởi có những từ ngữ ông dùng rất hay và khó có thể thay thế được. Đến nay, sau hơn ba mươi năm rồi, tôi còn nhớ như in hai chữ “quả da” mà ông dùng thay cho quả banh và “mũi tên vàng Nguyễn Văn Tư bên cánh trái đang lao xuống… lao xuống, đi tới… tới nữa và … sút”. Tim tôi muốn nhẩy dựng lên với giọng nói truyền cảm kỳ lạ của ông.
Khi nghe ông nói xúc động như thế, song khi viết ra theo lối của mình thì thấy nó… vô duyên thế nào ấy. Không thể nào bắt chước được lối tường thuật của ông, nhất là trên chữ nghĩa. Ông đã là một bậc thầy không ai bắt chước được.