ĐOÀN KẾT VÀ BAO DUNG

Ngày đăng: 11/05/2025 11:07:49 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Chủ đề Vesak 2025 tại Việt Nam đưa ra tiêu chí:  Đoàn Kết và Bao Dung Vì Nhân Phẩm Con Người. Trong toàn bộ giáo điển Phật giáo, tuy không nói đến hòa bình thế giới, nhưng đặt nặng vấn đề bản năng thường tục của con người, giải quyết vấn nạn của con người là giải quyết mọi ách tắc của xã hội nhân loại.(tâm bình thế giới bình).

Những tục tánh được đưa ra đối sách để tự chuyển hóa nội hàm. Tinh thần Phật giáo không có giáo chế ràng buộc, tự mình cảm nhận lợi ích của lộ trình thăng hoa, tự nguyện áp dụng nội quán để chuyển hóa những hạt giống bất tịnh; chính vì thế, một tín giả kiên định hành trì từng nấc thang từ thấp lên cao hợp với từng căn cơ.

Vấn đề đòi hỏi hành giả cần phải miên tục.Việc chuyển hóa tâm linh không phải thời khóa hành trì nghi lễ trong Tôn giáo mà phải –“trú dạ lục thời.

***

Mọi sinh vật nói chung và động vật nói riêng đều có một trường năng lượng bao quanh cơ thể. Trường năng lượng thảo mộc mỏng nhẹ do nhựa sống luân lưu hạn chế từ gốc đến ngọn. Cơ địa động vật hoạt động mạnh, tạo nhiệt lượng tác động đến năng lượng sinh lực phát tiết ra quanh cơ thể dưới dạng sóng, màu sắc tùy thuộc vào tâm thức và nội tạng. Người có Thiên mục nhìn đối tượng thông qua ánh sáng năng lượng phát xuất tự thân, sẽ cảm nhận ý tưởng, bệnh tật và trình độ tâm thức của đối tượng đó.

Một hành giả vừa mở Thiên mục nhìn thấy người đi qua lửa bốc  đỉnh đầu, thắc mắc, được thầy giải thích – người đó đang nổi sân nên hỏa vượng. Tâm sanh tướng là câu nói của cổ nhân nhìn về thể chất, các hành giả chứng đắc thấy luôn cả tâm thức và năng lượng ngoại biên.

Chính những trạng thái tâm lý đó không những thể hiện ngoại tướng mà còn tiềm ẩn vào tàng thức như những hạt giống dẫn dắt chúng ta kinh quá 6 nẽo ba đường.

Vì thể, vấn đề được đề ra năm Vesak 2025 là “Đoàn kết và bao dung”. Hàm ý hiện nay nhân loại chia rẽ trầm trọng do tham vọng, bản ngã và hận thù.

Về mặt tổng thể những hiện tượng là thế. Lâu đài được xây từ những viên gạch đầu tiên, nếu không xây dựng từ con người thì vấn đề nêu lên chỉ là khẩu hiệu. Trong gia đình đã ươm mầm bất đồng thì tổ chức, tập thể, quốc gia, không thể có “Đoàn kết”, muốn có đoàn kết thì phải có “bao dung”, nghe đơn giản nhưng khó đáp ứng.

Phật giáo trong một quốc gia cũng đã có nhiều khuynh hướng cá biệt thiếu bao dung.Giải quyết vấn đề không chỉ kêu gọi và đề cao nhãn hiệu; xây dựng con người bằng những chuẩn mực lý tưởng không thể khả thi nếu tự thân không được chuyển hóa tập khí bất đồng băng sự nỗ lực tự nguyện.

Đoàn kết và bao dung chỉ là ván lót mặt cầu nếu phần chân cầu không xây dựng kiên cố.Thời gian 365 ngày đủ thực hiện Đoàn kết và bao dung chăng???

“VÌ NHÂN PHẨM CON NGƯỜI”

Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người; ngày đức Thế tôn ra đời đã đưa ra tuyên ngôn “nhân phẩm” bằng câu nói nổi tiếng:

“Thiên thượng địa hạ, duy ngã độc tôn”

Thiên thượng địa hạ, duy ngã độc tôn

”Có nghĩa trên Trời và dưới đất, chỉ có con người là cao quý nhất. Xác định nhân phẩm con người, một nhân phẩm Thánh thiện mà Tam tự kinh đã nói “nhân chi sơ, tánh bổn thiện”.

Trong nhà Phật bảo “xúc cảnh sanh tình” mà 12 nhân duyên đề cập từ khâu vô minh hành thức đến lục căn tiếp xúc trần cảnh sanh cảm thọ mà có ái nhiễm.

Tánh bản thiện là bản chất sơ khai khi xuất hiện sự sống của con người và vạn vật, nên dễ gần gũi nhau, gọi là tánh tương cận, nhưng do tiếp xúc lâu ngày sanh vọng chấp mới xa nhau gọi là tập tương viễn.

Nguyên nhân sanh ra “tập tương viễn”, giáo lý nhà Phật phân tích rất rõ xuất phát từ tập khí, muốn chuyển hóa đòi hỏi quá trình hướng nội để nội quán.

Dưới cái nhìn của bậc giải thoát, tập khí, ác nghiệp, thiện nghiệp –đều không thật, do vô minh bám chặt vào những hạt giống đó mà có hiện tướng luân hồi.

Thế thì “vì nhân phẩm con người” không chỉ “đoàn kết và bao –dung” mà cần làm sống lại thánh tính của từng cá thể.

Ngoài các Thiền viện có pháp hành rõ ràng, từ đó hành giả tự hóa giải các tập khí, định lực sâu dày, từ bi phát triển, không còn bỉ thử thì việc bao dung và đoàn kết tự hiển lộ. Vấn đề này chỉ tồn tại trong Tông môn, thiền phái, rất hạn chế, vì không nhất thiết các thiền sinh đều đạt đến vô ngã.

***

ĐOÀN KẾT VÀ BAO DUNG  VÌ NHÂN PHẨM CON NGƯỜI khó mà thành tựu trong một năm để xây dựng từ cá thể. Nếu con người không đủ thiện tánh thì khẩu hiệu này vượt trên mọi cá biệt sẽ chỉ là hoa đốm giữa hư không .

Chưa nói đến khẩu hiệu mang tính lưỡng cực, có chủ thể và khách thể. “Đoàn kết và bao dung” là một chủ thể, đối tượng “vì nhân phẩm con người” là khách thể. Hình thành chủ thể và khách thể đã tạo thành tương tác, mà tương tác luôn có hiện tượng phân cực; ngoại trừ chủ thể và khách thể là một, đòi hỏi một quá trình chuyển hoá tự thân của chủ thể thì không còn vấn đề đặt ra là “vì nhân phẩm con người”

Bấy giờ theo tinh thần nhà Phật :”kỳ đại vô ngoại, kỳ tiểu vô nội”.

Hy vọng Phật giáo toàn cầu nỗ lực thực hiện hoàn hảo theo tiêu chí.

MINH MẪN

11/5/25

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác