XỨ SỞ XÓM LÀNG TRONG KHUNG KÝ ỨC

Ngày đăng: 20/04/2025 10:29:01 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Đây là loạt bài của Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân về Nghiên Cứu Văn Hó Nam bộ, trang nhà khởi đăng từ hôm nay.

Những địa danh tên Nôm ở Nam Bộ thân thương và ít ỏi cần được giữ gìn trong cuộc đại cải cách đang diễn ra.

Mới rất gần đây, khoảng cuối thế kỷ 20, tôi ở nhờ mấy năm trong xóm Vườn Bầu, TP.HCM. Xóm này khuất trong con hẻm 513 đường Điện Biên Phủ, theo lối ngoằn ngoèo chạy tới chùa Kỳ Viên mặt đường Nguyễn Đình Chiểu.

Theo hệ thống vườn tược mà xét thì Vườn Bầu cách Vườn Chuối không xa, bộ hành chừng nửa tiếng, vừa vặn thời gian bưng bầu gánh mướp tới chợ Vườn Chuối kiếm chút đỉnh, tôi tưởng cảnh mấy bà mấy cô hồi xưa từng vậy.

Vườn Chuối nhờ có chợ gần bên nên tên lưu hậu thế, còn có cả tên đường, còn Vườn Bầu nay chỉ vài người già cố cựu trong xóm còn nhắc tên.

Tên xóm với tên xứ có thể nói là lớp địa danh căn bản, khắp cùng trời đất, là những cái tên mang dấu ấn tự quyết của tiên dân, được đặt được gọi từ trước lúc mang thêm những tên hành chánh hoa mỹ.

Đến nay thì dạng địa danh này một số vẫn tồn tại trong lời ăn tiếng nói người địa phương, gần như song hành với tên gọi trong sổ sách hành chánh, và một số có cơ duyên may mắn trở thành địa danh hành chánh chính thức.

Nói kiểu dị đoan thì cái tên xứ cũng có số của nó. Có cái nổi bật bao trùm, có cái chỉ ít người biết, và nhiều cái biến mất luôn.

Còn nói theo kiểu có kê cứu sơ bộ thì địa danh thuộc dạng tên xứ sống lâu được phần nhiều nằm trong 4 trường hợp: (1) nơi chợ búa dập dìu tấp nập; (2) nơi xuất xứ đặc sản; (3) nơi có danh nhân, danh thắng; (4) nơi có chiến trận tưng bừng. Trường hợp (1) và (2) gắn liền với đời sống, được nhắc tới mỗi ngày, nhiều tên xứ dạng này trở thành địa danh hành chánh.

Xét về phạm vi các xứ, có dạng xứ rất lớn trải rộng nhiều thôn, có trường hợp tới cả chục thôn mới giáp xứ, như mấy xứ Mô Xoài (4 thôn, lưu vực sông Dinh), Cần Giuộc (11 thôn, lưu vực sông Cần Giuộc), Cà Mau (15 thôn, lưu vực sông Cà Mau, tức Kinh xáng Cà Mau đi Bạc Liêu)… Những nơi này, các thôn đều ghi thôn mình tọa lạc trên xứ nào.

Có dạng xứ vừa vừa, 1 đến 3 thôn, như xứ Khúc Dài lập làm 3 thôn mà 2 thôn thuộc tỉnh Gia Định, còn 1 thôn thuộc tỉnh Biên Hòa (xứ Khúc Dài chỉ khúc sông Sài Gòn, từ xã Nhị Bình huyện Hóc Môn đến phường An Phú Đông quận 12, còn bên phía Bình Dương khoảng từ Vàm Búng đến vàm rạch Gò Dưa).

UBND cã An Phú Đông , Q 12

Đa số xứ dạng này khi áp tên thôn mỹ danh thì tên xứ dần bị quên đi. Có xứ nhỏ, 2-3 xứ hoặc 5-6 xứ gom lại lập 1 thôn, như 6 xứ Gò Dầu, Bộ Vu, Hóc Môn Thượng, Hóc Môn Hạ, Bào Vừng, Trong Đồng lập thành xã An Nhứt (nay thuộc Long Điền, Bà Rịa).

Dạng xứ nhỏ này thường được gọi “xóm”, cũng có khi trở thành “ấp” trên những bản đồ hành chánh chi tiết. Tên xứ có thể ví là lý lịch dân sự giang hồ, gặp gỡ bèo nước qua đường, như cô em kia hỏi “anh ở xứ nào”, có khi hên được chút trà nước cơm rượu, còn lúc đụng chuyện mà tay kia nó hỏi “mày ở xứ nào tới đây” thì ráng mà lo liệu đó.

Tác giả: PHẠM HOÀNG QUÂN

Hinh nguồn Net

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác