NHỚ NGUYỄN DƯƠNG QUANG (29-04-2020)
Miền Dran cuối đông, buổi sáng sớm trời chỉ đủ phớt lạnh dù nơi tôi đứng là cao điểm 1050 mét. Sương như khói phả tứ phương, thị trấn Dran phía dưới thung lũng chỉ mờ ảo sắc màu, nhạt nhòa chi tiết phố phường. Nhìn quanh đỉnh đồi, một dải đất trải dài không lớn lắm, cuối đường là một trạm quan trắc thủy văn đập Đơn Dương, cũng nhỏ bé như khoảng sân tôi đứng. Tôi đang mãi mê nhìn quanh để chọn góc nhìn cho một vùng đất mới, vùng đất sáng nay nhóm Quán Văn sẽ cùng nhóm thân hữu bạn văn Dran gặp gỡ và ra mắt tập san Quán Văn 70. Tập san chân dung văn học của một thi nhân miền sương khói Dran, thi sĩ Nguyễn Dương Quang. Thật sự tôi chưa mường tượng sáng nay sẽ tổ chức nơi nào trên đình cao này.
Có những lúc ta say như ngọn gió chiều
lướt thướt trên sông hát cùng đám lau,
Có lúc ta vui như làn mây trắng
Bên đồi kia ta quên ta là mây
(Nguyễn Dương Quang, Khúc rong ca của kẻ lãng du)
Những rặng cây thông bao bọc triền núi khiến tầm nhìn về phía con đập Đa Nhim bị hạn chế. Tôi đi bộ dọc theo bờ đất, men theo chiếc thang cuốn lên sân thượng. Vô ích, những tán cây thông vẫn mãi trêu ghẹo tầm nhìn tôi. Tôi cứ bước, mãi gần tận cùng mới chọn được điểm nhìn bao quát thị trấn Dran, phía dưới thung xa.
Năm 1907, vua Duy Tân ban chiếu sắc phong cho đình làng Càn Rang như một sự công nhận miền đất xa lạ này. Dẫu sao cũng còn quá trễ so với công cuộc khám phá của Bác sĩ A. Yersin trên miền Dran. Đa số cư dân ngày ấy chỉ là hai dân tộc K’Ho và Chu Ru. Năm 1956 tỉnh Đồng Nai Thượng gồm ba quận B’Lao, Djiring và Dran-Fian, và Dran vẫn còn là một thị trấn nhỏ bé an bình. Có lẽ chỉ đến khi hình thành đập Đa Nhim, khu vực Dran mới bắt đầu được biết đến nhiều, một phần nhờ có những đồn điền trồng cam, hồng, chuối laba, thơm, cây canhkina…
Con đập Đa Nhim bằng đất, là một kiệt tác của Nhật dành cho thủy điện Đa Nhim. Nó như một khối hình thang có chiều rộng bề mặt là sáu mét, nhưng phần đáy rộng đến 180 mét, chiều dài 1460 mét và cao 38 mét. Tuy không phải là đập thủy điện lớn nhất hiện nay, nhưng là một công trình thủy điện có hiệu suất tiêu hao nước thấp nhất nhờ hệ thống ống thủy lực với độ dốc lớn nhất, chỉ cần 0,56 m3 cho mỗi kWh.
Khi tôi quay trở lại nơi các bạn tập trung, đã thấy anh Nguyễn Dương Quang cùng Kiều Minh Mạnh bước lên những bậc cấp lên đồi. Một đồi nhỏ bên phải con đường lên trạm quan trắc thủy điện. Những bậc thang rộng khoảng 6 mét dẫn đi tới nơi chúng tôi gặp gỡ, sáng nay. Trên đỉnh đồi, những ngọn thông vây quanh, lắc lư theo gió như lời chào mừng những người bạn phương xa.
Tôi yêu Dran hơn yêu tôi, Dran làm sao biết được!
tôi là giọt sương Dran sớm, giọt sương Dran chiều
tôi yêu ai hơn yêu tôi, ai làm sao biết được!
ngày ai chưa biết làm duyên, tôi vừa biết yêu
(Nguyễn Dương Quang, Dran ngày về)
Vượt hết mấy chục bậc thang, trước mắt tôi là một tượng đài đơn giản. Bốn khối bê tông dẹp hình tam giác xếp chụm nhau thành một mũi tên vút cao. Đọc trên tấm bảng khắc trên đó những hàng chữ bằng tiết Nhật-Việt ghi ngày khởi công tháng 4-1961 và khánh thành tháng 12-1964. Tổng thời gian thực hiện là ba năm tám tháng. Đây là bia kỷ niệm công trình thủy điện Đa Nhim.
Anh Nguyễn Sông Ba đang ngồi hí hoáy công việc gì đó phía trong xa. Tôi bước tới gần, nhận ra một bệ thấp và những tấm bia tưởng niệm dựng hai phía. Một tấm ghi: Nghiêng mình trước anh linh những người đã bỏ mình tại đập thủy điện Đa Nhim cùng tên tuổi của 16 người tử nạn tại công trình này, 4 kỹ sư Nhật và 12 công nhân Việt. Có thể nói rất thấp so với 168 người tử nạn tại thủy điện Hòa Bình. Hạnh bước tới mang phẩm vật để thắp một tuần nhang tưởng nhớ những người đã góp công mang ánh sáng một thời cho miền Nam. Tôi lặng lẽ chụp hình tấm bia tưởng niệm, đọc những tên con người đã tử nạn cho điện Đa Nhim soi rọi miền Nam. Những tên các kỹ sư Nhật tôi không thể đọc ra, nhưng vô cùng biết ơn những người bạn phương xa đã vĩnh viễn không trở lại quê nhà. Họ luôn là những người có mặt trong mọi thời khắc hiểm nguy và gian nan nhất trên công trường. Nhờ tư vấn của bạn Phan Trường Nghị phương Quy Nhơn xa, tôi đã ghi nhớ được tên những người Nhật hy sinh thầm lặng này. Ngày 21-12-1960, trong thời gian thăm dò trước khi khởi công gần bốn tháng, Kỹ sư Thanh Đằng Hoằng đã tử nạn. Ngày 23-03-1962, đến lượt Kỹ sư Hoàn Sơn Mậu. Hai người tử nạn cuối cùng cũng là người Nhật: Ngày 23-02-1963, Kỹ sư Đào Mẫn Dã và ngày 29-05-1963, Kỹ sư Cát Cương Chánh Mỹ. Chân thành kính nhớ anh linh những người bạn Nhật và 12 công nhân Việt góp máu xương cho miền đất Đa Nhim này. Và hôm nay tôi xúc cảm bùi ngùi khi được cùng các thân hữu gặp nhau trên ngọn đồi đầy ý nghĩa này
Chị Kiều Minh Mạnh vẫn bận rộn điều động những nhóm người thực hiện từng chi tiết cho buổi ra mắt. 5 bộ bàn ghế, ly, tách, trà, cà phê, đàn, sách… đã chuyển hết lên. Một trăm mét dây điện rải từ trạm quan trắc lên đồi. Tấm paneau đã treo từ chiều hôm qua. Tôi thầm khâm phục cô bạn mảnh mai Kiều Minh Mạnh. Chu đáo và cầu toàn.
Sau một giờ miệt mài sắp xếp, chuẩn bị, chào đón, chương trình chính đã sẵn sàng. Trong nắng, giữa trời, cùng sự chứng giám của những con người bất tử cho Đa Nhim.
Chúng tôi đang vận hành một buổi ra mắt không có sự sắp xếp hoàn chỉnh nào, nhưng chỉ bằng con tim. Tiếng kèn Saxo trỗi lên hòa cùng tiếng đệm đàn Orge đã đưa chúng tôi gần lại cùng nhau.
Sau phần giới thiệu về tập san Quán Văn số 70, số chuyên đề giới thiệu chân dung thi sĩ Nguyễn Dương Quang, người chọn Dran làm quê hương mình, đã đến phần dành cho tiếng hát thay lời cám ơn dành cho nhau. Những người bạn văn bao giờ cũng nhanh chóng tìm được mẫu số chung dù đa số mới gặp lần đầu. Nhóm thân hữu Quán văn đã khai mào bằng hợp ca Ly rượu mừng và một số tiết mục đơn ca. Đáp lại, nhóm thân hữu Dran đã nhanh chóng hòa điệu bằng những bài ca nhẹ nhàng sâu lắng. Tiết mục đồng ca của nhóm Dran là bài hát phổ biến của Trịnh Công Sơn, bài hát Nối vòng tay lớn. Chính nhờ bài hát này đã khiến không khí sôi động hẳn lên. Chỉ cần một vài bạn Quán Văn đứng dậy nhập cuộc cùng hát, tất cả nhóm rời ghế bước ra hòa cùng tất cả nối nhau ca vòng quanh khoảng không gian bé nhỏ trước Đài kỷ niệm ngày khánh thành Thủy Điện Đa Nhim. Phải chăng, những chân tình đã khiến chúng ta hòa điệu hôm nay.
Đặng Châu Long và Nguyễn Dương Quang
Đã trưa, nhưng tiếng hát vẫn vang mãi, bên một tiệc buffet nhẹ thân tình. Nắng đã lên cao và chúng tôi chưa muốn chia xa. Sương đã không còn vương tầm mắt để lại dưới thung lũng một bức tranh muôn màu của thị trần nhỏ bé Dran.
Tôi đứng dậy, bước ra xa tận cùng bờ triền đồi, quay lại nhìn bức tranh tổng quát các bạn tôi, những người bạn mới gặp hôm nay. Họ, chính họ đã khiến tôi phải cảm ơn về tất cả hôm nay. Sự nhiệt tình tham dự dù xa xôi và đôi người còn trở ngại vì sức khỏe và thể lực không đủ sức lên mấy chục tam cấp, phải nhờ trợ lực các bạn khác dìu lên. Sự hòa mình và đồng điệu khi nhiệt tình tham gia ngày vui để bầu không khí trở nên ấm cùng. Sự tinh tế khi chọn địa điểm độc đáo này của chị Kiều Minh Mạnh, anh Nguyễn Dương Quang cùng sự góp công sức của nhiều anh chị em khác. Đó là lần chúng tôi tìm về chia sẻ ngày vui trọn vẹn giữa đất trời sông núi ngàn thông với lòng nặng trĩu biết ơn những người hy sinh thầm lặng cho quê hương sau gần sáu mươi năm nghỉ yên lặng lẽ chốn này. Trong thầm lặng, câu chuyện về họ như một tấm gương soi rọi tình quê, tình nhân loại. Hôm nay, dường như quanh tôi có mười sáu cặp mắt dõi theo. Tôi biết rằng không chỉ mình tôi cảm xúc dâng trào cho sự kiện ngày hôm nay, mà còn có tất cả thân hữu Quán Văn, hai mươi người vì nhau đến chia sẻ cùng các văn hữu Dran: Anh Nguyên Minh, Đoàn văn Khánh&Carol Kim, Nguyễn Sông Ba&Hoàng Kim Chi, Vũ Trọng Quang&Nguyễn Thị Quý, Ngô Thị Mỹ Lệ&Nguyễn Đình An, Lê Triều Điển&Lê Triều Hồng Lĩnh, Đặng Châu Long& Phạm Thị Hạnh, Hoàng Kim Oanh, Đoàn thị Luyến, Quang Đặng, Hoài Huyền Thanh, Mã Lam, Quách Mạnh Kha, Nguyễn Nhi Lan Hà. Và các bạn Dran, chúng tôi cảm kích vô ngần về món quà thân hữu, hôm nay.
ĐẶNG CHÂU LONG