Nhà văn Nguyên Ngọc viết về Bảo Ninh

Ngày đăng: 5/04/2025 09:57:56 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Trong văn học Việt Nam, theo tôi có hai cuốn sách đặc sắc về cuộc đấu tranh cực kỳ khó khăn để giữ lấy tính người, trong đó có “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh.

Quả thực Bảo Ninh viết rất hay. “Nỗi buồn chiến tranh” thật sự là cuốn tiểu thuyết của cả một đời người. Từng câu, từng từ chỉ có thể từ gan ruột mà ra và thấm đến gan ruột. Đọc rồi, còn quằn quại, mỗi ngày ta còn sống, không thể không tự hỏi con người, loài người đã đến mức như thế này ư?

Bảo Ninh xuất thân từ một gia đình trí thức. Bố anh là giáo sư Hoàng Tuệ, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, “là chuyên gia hàng đầu, người đặt nền móng xây dựng và phát triển ngành ngôn ngữ học Việt Nam. Thảo nào văn của Bảo Ninh…”, Phạm Ngọc Tiến, bạn thân của Bảo Ninh viết.

Gần đây tôi thường đến chơi nhà Bảo Ninh mỗi lần ra Hà Nội, thấy Bảo Ninh càng già – anh sinh 1952 – càng giống cụ Hoàng Tuệ cha anh quá chừng, từ khuôn mặt cho đến dáng người đậm, đi đứng đã chậm, mái tóc đã bạc trắng… nhưng đồng thời lại là một cụ Hoàng Tuệ hoàn toàn khác, tôi đi bộ đội mấy mươi năm, có vô số đồng đội, nhưng tôi chưa thấy chưa biết một người nào bị chiến tranh in dấu vết đậm, sâu, đến tận từng tế bào, từng nơ-ron thần kinh, từng phút còn sống, cho đến suốt đời như ở Bảo Ninh.

Có hôm tôi mời Bảo Ninh đến nói chuyện với các thầy cô giáo và sinh viên. Hôm ấy anh không hề nói gì về chiến tranh, cũng không hề động đến cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của mình, anh chỉ kể về cái hôm anh sống sót sau chiến tranh trở về nhà ở khu tập thể Thành Công, Hà Nội.

Anh đã chú ý đi lên cầu thang rất khẽ để không đánh động đến hàng xóm, cũng bước vào nhà rất khẽ, bố anh, mẹ anh ôm lấy con về đều dặn nhau không được nói to cười to. Bởi vì ngay phòng bên cạnh là một gia đình có con trai ra trận như anh và không trở về.

Những người nghe bỗng hiểu ra tất cả thế nào là chiến tranh.

Một hôm tôi đến thăm cụ Hoàng Tuệ, ngồi nói chuyện khá lâu. Không ai hiểu và yêu đứa con trai của mình hơn người cha ấy. Không ai bằng ông biết đứa con trai yêu vô cùng của mình đã bị chiến tranh tàn phá đến chừng nào, đang quằn quại đau đớn khổ sở đến chừng nào, chắc còn đến suốt đời.

Bảo Ninh trở về, học đại học khoa Sinh, rồi làm việc ở Viện Sinh học một thời gian và có lần anh gây chuyện: Viện nuôi một đàn gà để làm thí nghiệm, anh nghịch cho chúng ăn thứ gì đó, chết tiệt cả đàn. Cụ Hoàng Tuệ hiểu chiến tranh đã khiến con ông không thể còn bình thường, vết thương sâu trong tâm hồn anh đã rất nặng.

Ở trường Nguyễn Du có lệ sinh viên ra trường, thay vì nộp một luận văn, phải trình một tác phẩm tốt nghiệp và bảo vệ trước một hội đồng gồm các thầy và một số nhà văn. Bảo Ninh thuộc nhóm của tôi, nên tôi có tham gia “chấm” tác phẩm tốt nghiệp của anh, tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh”.

Đấy là một buổi bảo vệ thật hay và cảm động. Bảo Ninh nói vì sao anh viết quyển sách này. Anh kể cùng ra trận với anh ngày ấy là hàng ngàn trai trẻ bạn bè, trong đó có bao nhiêu người sáng sủa, tài năng, đặc sắc, đẹp trai, đầy tương lai tốt đẹp hơn anh. Vậy mà họ đã chết hết, chỉ anh là cái thằng xoàng xĩnh nhất còn sống sót và trở về. Sự sống sót của anh, sự còn lại trên đời của anh, mỗi ngày còn sống của anh hôm nay là cực kỳ phi lý.

Anh biết suy nghĩ ấy của anh là vô lý, chiến tranh vốn cực kỳ tùy tiện, nó không chọn người kém chết trước người giỏi chết sau. Nhưng sự sống sót của anh cứ như là một sự phản bội.

Anh Nguyễn Văn Bổng từng nói riêng với tôi: “Xưa nay mình đọc sách viết về chiến tranh, phục nhất là Erich Maria Remarque, bây giờ đọc Bảo Ninh, thấy Remarque cũng chưa vào đâu…”

Muốn nói gì thì nói, theo tôi “Nỗi buồn chiến tranh” là hiện tượng chỉ có một trong văn học ta, ít nhất thôi thì cứ tạm kể là từ sau 1954. Một hiện tượng như vậy ắt phải từ nhiều yếu tố khác nhau vừa tất yếu vừa ngẫu nhiên tụ lại mới có được.

NGUYÊN NGỌC

Nguyên Ngọc

.—————————————————————-

– Lược trích từ cuốn sách “Dọc đường 2” của nhà văn Nguyên Ngọc

 

 

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác