TRƯƠNG VĂN DÂN, XẢ LÁNG VỚI VĂN CHƯƠNG
Tháng mười năm nay, 2024, người viết nhận được món quà quý giá và thân thiện đến từ Trương Văn Dân, tác giả tập truyện ngắn và tản văn “Gia đình – những nỗi đau ngọt ngào”. Sách dày hơn 370 trang, chia làm 29 tựa.
Tập truyện mà các bạn đang cầm trên tay có chủ đề về những mối quan hệ trong gia đình và tình nghĩa vợ chồng. Tác giả đã minh định như vậy ngay từ đầu, trong Lời ngỏ. Rồi viết tiếp:
“Gia đình là một tế bào rất quan trọng (…) Gia đình giống như một vũ trụ nhỏ, nơi chúng ta học cách trở thành thành viên của xã hội lớn”. “Cuộc sống gia đình có thể trở thành là thiên đường cũng có thể là địa ngục. Tấn kịch trong gia đình có lẽ là tấn kịch đáng sợ nhất trong kiếp sống của loài người”.
Người đọc đã được cảnh báo trước, phải cẩn thận thắt dây an toàn lên người, trước khi khởi sự đọc truyện viết đầu tiên của tác giả. Và quả nhiên, 29 câu chuyện của Trương Văn Dân đã diễn tiến y chang như trong Lời ngỏ. Bên cạnh những thương yêu đùm bọc ấm áp trong gia đình và giữa vợ chồng, còn có những màn vô cùng bỉ ổi vì tranh chấp quyền lợi, tiền bạc và nhứt là gia tài – dĩ nhiên. Rồi từ đó tác giả đưa ra những nhận định bao quát như những bài học để đời. Những bài học này có khi là những lời tạc dạ ghi ơn hoặc khen ngợi sự tận tâm và hy sinh cao cả của cha mẹ, anh em. Rất cảm kích! Nhưng cũng có khi là những lời cảnh cáo, đại loại “Các em nên lấy đó làm gương mà giữ mình” như trong sách Quốc văn giáo khoa thư.
Cái thiện ý của Trương Văn Dân rất rõ rệt, rất đáng được cổ võ. Và dường như tác giả viết truyện cũng chỉ nhằm có mỗi một mục đích đó. Những bài học để đời. Truyện kể chỉ là ẩn dụ, như một cái cớ để từ đó tác giả rút ra những bài học thâm thúy. Bài học là chính, văn chương là phụ. Rạch ròi, phân minh. Rất luân lý và thực tiễn. Đáng được tán thưởng.
Tuy nhiên, nếu viết chỉ nhằm đưa ra những suy gẫm (nát óc) của mình, thiết tưởng các thể loại như tùy bút, tiểu luận, phiếm luận,… có lẽ thích hợp hơn. Bởi lẽ đó là sân chơi của đủ loại ý tưởng. Nơi đó, tha hồ mà tuôn xả, mà lai láng, mà múa may, vặn vẹo, khóa tay bẻ chưn nhau. Còn người đọc thì cũng đã biết trước những gì đang chờ đợi mình để khỏi bị dị ứng.
Khi cầm bút lên để sáng tác, người viết nào cũng đã từng đặt cho mình câu hỏi then chốt: “Viết như thế nào đây?”. Nhân dịp được Quán Văn mời viết về chủ đề Elena (Ôi! Hoàng hậu yêu dấu của lòng ta!), đấng lang quân chung tình đã hạ bút:
“Mình sẽ viết những gì……..
…không tuân theo một thứ tự thời gian”.
Hay lắm! Tốt lắm! Nhưng đó chỉ mới là bước đầu: Ý thức. Bước gay go kết tiếp là làm thế nào để thể hiện ý thức đó, khi cầm bút lên và viết thực sự. Khi viết, hầu hết các tác giả đều gầm đầu đưa đẩy ngòi bút tùy theo tâm tính và cách nhìn đời của mình. Mà những điều thuộc nội tâm này, không dễ gì mà chế ngự và hướng dẫn chúng hoàn toàn theo ý muốn của mình cho được. Bởi lẽ đó, những lúc hứng khởi, tác giả thường gầm đầu mà phóng bút theo cảm hứng của mình, không bỏ qua một chi tiết nào, thừa thắng xông lên, thao thao bất tuyệt, một mình múa gậy vườn hoang. Và người đọc đã bị bỏ quên! Rồi có thể đâm ra chán nản và bỏ cuộc luôn, vì không còn theo dõi được những gì mà tác giả đang viết. Người đọc cảm thấy mình không còn dính dáng gì với câu chuyện kể nữa hết. Nhưng nếu viết mà không còn người đọc thì sao? Bởi lẽ đó, khi sáng tác, thỉnh thoảng tác giả nên dừng lại. Rồi đặt mình vào địa vị người đọc mà đọc lại những trang mình vừa viết. Xong tự hỏi: “Liệu người đọc có theo dõi được và có thích thú chăng?”
Trương Văn Dân và Kiệt Tấn
Như vậy, phải viết như thế nào đây để cả hai bên, người viết lẫn người đọc, đều tìm được thú vị cho mình. Phần giải đáp câu hỏi éo le, thúc hối, nhức nhối cái đỉnh cao trí tuệ này, xin nhường lại cho người trong cuộc: Trương Văn Dân! Dựa theo ý thức của chính mình, Trương Văn Dân sẽ tự suy gẫm (tư duy tóe khói) và vạch lấy cho mình một phong cách riêng biệt để dựng truyện và một bút pháp thích hợp để diễn tả nó, sao cho độc giả của mình có thể theo dõi, tham dự và chia sẻ cùng tác giả. Điều này quan trọng hàng đầu. Được như vậy, tùy theo truyện viết của mình, tác giả tha hồ mà tung ra những suy gẫm sâu xa (coi chừng hết biết đường ra!) và những bài học để đời (coi chừng u đầu!). Người đọc sẽ không cảm thấy mình bị thất lạc trong khu rừng văn chương đang trút lá ào ào từ bốn phía. Một điều hiển nhiên: Không có người đọc, sẽ không có tác phẩm. Cũng như một tuồng diễn mà không có người coi.
Phải nhìn nhận Trương Văn Dân là người tha thiết và đam mê văn chương tột bực – đam mê hơn nữa là chết liền! Và chính điều này mới quả thiệt là đáng quý, trong cái thời buổi kỹ thuật số, internet và thông minh nhân tạo này. Ngày đêm, ai nấy đều mê mệt dán mắt trên đủ loại màn ảnh lớn nhỏ, vĩ đại, tí teo. Đọc sách? “Còn khuya! Bà tưởng tui cù lần hả?” Thế còn viết? “Đâu có hưỡn!” Bàn tay năm ngón xanh xao cứ lăng xăng khều chết bỏ trên cái smart-phone của mình, kiểu mới nhứt! Cũng may là cái smart-phone không dẫy tê tê mà cười ha hả “Nhột quá! Nhột quá” Có lẽ sợ bị nhốt vô nhà thương điên.
Trước cảnh chợ chiều rã đám buồn thiu, hoàng hôn phủ kín mít chân trời tím, người cầm bút năm xưa bèn ngửa cổ lên trời khóc ba tiếng, cười ba tiếng mà than rằng: “Ôi thôi! Văn chương phú tục chẳng hay/ Trở về làng cũ học cày cho xong” Khóc xong bèn rút khăn kleenex ra mà lau lệ.
Nghe theo lời khuyến dụ của người xưa, Trương Văn Dân, tay cầm bút bi mạ vàng le lói, vai đeo ba lô trĩu nặng tư tưởng, hồ hởi quay gót trở về làng cũ le lói của mình miệt Bình Định. Không phải để học cày. Mà là để học võ Bình Định. Và múa bút Sài Gòn: “Hãy xê ra cho người ta cứu nước!” Rồi kể từ đó, các sáng tác đầy ắp những suy gẫm về cuộc đời của Trương Văn Dân theo nhau ra mắt độc giả đều đều…
Cuộc chơi văn chương mài miệt đó của Trương Văn Dân, giới điệu nghệ gọi là:
“Chơi xả láng!”
Kiệt Tấn
Paris, tháng 12.2024
Ghi chú: Vào thời điểm mà đám nhân loại khốn khổ này sắp kéo nhau hết xuống địa ngục để … ỉa, bằng cái “đỉnh cứt trí tuệ” của con người. Trong viễn ảnh thế chiến thứ ba hạch nhân, do lòng sân hận của lũ người gây ra: “Trời tru, đất diệt!”.
Thủ bút Kiệt Tấn :