NGÀY HẮC ĐẠO – CÁCH TÍNH VÀ Ý NGHĨA
Ngày Hắc đạo là những ngày xấu, trăm việc nên kỵ. Cụ thể là những ngày: Bạch Hổ, Chu Tước, Câu Trần, Thiên Lao, Thiên Hình và Nguyên Vu.
Cách tính và ý nghĩa của các ngày Hắc đạo như sau:
- NGÀY BẠCH HỔ
Theo tín ngưỡng dân gian thì ngày Bạch Hổ là ngày xấu thường gắn liền với tính chất sát phạt, ôn dịch, giết chóc, tai họa nên với những người có phúc đức kém hoặc hay làm điều xấu sẽ dễ gặp những chuyện rủi ro, tai họa.
Ngày Bạch Hổ hắc đạo là ngày hung nên làm việc gì cũng xấu, nhất là việc mai táng thì tối kỵ, nếu mai táng vào ngày này thì con cháu ở chốn dương gian sẽ gặp phải rất nhiều rắc rối, hiểm họa.
Cách tính ngày Bạch Hổ hắc đạo
Ngày Bạch Hổ hắc đạo được quy định cụ thể theo địa chi ngày của từng tháng. Cụ thể là những ngày sau:
– Tháng 1 và tháng 7: ngày Ngọ
– Tháng 2 và tháng 8: ngày Thân
– Tháng 3 và tháng 9: ngày Tuất
– Tháng 4 và tháng 10: ngày Tý
– Tháng 5 và tháng 11: ngày Dần
– Tháng 6 và tháng 12 là ngày Thìn
- NGÀY CHU TƯỚC
Theo tín ngưỡng dân gian thì ngày Chu Tước luôn rơi vào các ngày thuộc chi Âm, là 1 trong 6 ngày xấu, không tốt để làm các việc quan trọng, đặc biệt rất xấu cho việc phát triển tài lộc như khai trương, mở xưởng, nhập trạch…
Cách tính ngày Chu Tước hắc đạo:
Ngày Chu Tước hắc đạo được quy định cụ thể theo địa chi ngày của từng tháng. Cụ thể là những ngày sau:
– Tháng 1 và tháng 7: ngày Mão
– Tháng 2 và tháng 8: ngày Tỵ
– Tháng 3 và tháng 9: ngày Mùi
– Tháng 4 và tháng 10: ngày Dậu
– Tháng 5 và tháng 11: ngày Hợi
– Tháng 6 và tháng 12: ngày Sửu
- NGÀY CÂU TRẦN
Theo tín ngưỡng dân gian thì ngày Câu Trần luôn rơi vào các ngày thuộc chi Âm, là ngày hắc đạo, rất xấu với trăm việc nhưng đặc biệt xấu với các việc như: cưới hỏi, động thổ, đổ mái, xuất hành, tu tạo, tế tự, chữa bệnh, khai trì…
Cách tính ngày Câu Trần hắc đạo trong năm
Ngày Câu Trần hắc đạo được quy định cụ thể theo địa chi ngày của từng tháng. Cụ thể là những ngày sau:
– Tháng Giêng và tháng 7: ngày Hợi
– Tháng 2 và tháng 8: ngày Sửu
– Tháng 3 và tháng 9: ngày Mão
– Tháng 4 và tháng 10: ngày Tỵ
– Tháng 5 và tháng Một: ngày Mùi
– Tháng 6 và tháng Chạp: ngày Dậu
- NGÀY THIÊN LAO
Theo tín ngưỡng dân gian thì ngày Thiên Lao là ngày hắc đạo, làm việc gì cũng không được thuận lợi, như ý, dễ vướng vào tranh cãi, bất hòa hay kiện tụng, Ngày này đặc biệt xấu với các việc như: động thổ, nhập trạch, xuất hành, chữa bệnh, cưới hỏi…
Cách tính ngày Thiên Lao hắc đạo
Ngày Thiên Lao hắc đạo được quy định cụ thể theo địa chi ngày của từng tháng. Cụ thể là những ngày sau:
– Tháng Giêng và tháng 7: ngày Thân
– Tháng 2 và tháng 8: ngày Tuất
– Tháng 3 và tháng 9: ngày Tý
– Tháng 4 và tháng 10: ngày Dần
– Tháng 5 và tháng Một: ngày Thìn
– Tháng 6 và tháng Chạp: ngày Ngọ
- NGÀY THIÊN HÌNH
Theo tín ngưỡng dân gian thì ngày Thiên Hình luôn rơi vào 6 ngày thuộc chi Dương, là ngày hắc đạo, rất xấu với các việc trọng đại hoặc các việc liên quan tới giao tế như: cưới hỏi, xây dựng, nhậm chức, nhập học, khai trương, tậu xe, mua nhà…
Cách tính ngày Thiên Hình hắc đạo
Ngày Thiên Hình hắc đạo được quy định cụ thể theo địa chi ngày của từng tháng. Cụ thể là những ngày sau:
– Tháng Giêng và tháng 7: ngày Dần
– Tháng 2 và tháng 8: ngày Thìn
– Tháng 3 và tháng 9: ngày Ngọ
– Tháng 4 và tháng 10: ngày Thân
– Tháng 5 và tháng Một: ngày Tuất
– Tháng 6 và tháng Chạp: ngày Tỵ
- NGÀY NGUYÊN VU
Theo tín ngưỡng dân gian thì ngày Nguyên Vu (còn gọi là Nguyên Vũ) luôn rơi vào 6 ngày thuộc chi Âm, là ngày hắc đạo rất xấu, làm việc gì cũng thất bại và để lại hệ lụy tiêu cực, nhất là những việc như: cưới hỏi, làm nhà, nhập trạch, ký kết, khai trương, nhậm chức…
Cách tính ngày Nguyên Vu hắc đạo
Ngày Nguyên Vu hắc đạo được quy định cụ thể theo địa chi ngày của từng tháng. Cụ thể là những ngày sau:
– Tháng Giêng và tháng 7: ngày Dậu
– Tháng 2 và tháng 8: ngày Hợi
– Tháng 3 và tháng 9: ngày Sửu
– Tháng 4 và tháng 10: ngày Mão
– Tháng 5 và tháng Một: ngày Tỵ
– Tháng 6 và tháng Chạp: ngày Mùi
Đặng Xuân Xuyến
———–
(Đã in trong: – TÌM HIỂU VĂN HÓA TÍN NGƯỠNG TRONG DÂN GIAN của Đặng Xuân Xuyến ; Nhà xuất bản Thanh Hóa ; 2007