ĐI THĂM NS PHẠM MINH CẢNH VÀ NHÀ THƠ CHÍNH DƯỢNG
Sáng ngày 12 /1/2025, tức ngày 13 tháng chạp năm Giáp Thìn, thực hiện kế hoạch của CLB Hoa Thơ Văn Xương Các, một số thành viên CLB đã gặp nhau tại nhà cô Lương Nguyệt Hồng, khởi hành đi thăm nhạc sĩ Phạm Minh Cảnh và nhà thơ Huỳnh Văn Dượng(Chính Dượng), là hai thành viên lớn tuổi và đang bị bệnh phải điều trị tại nhà. Có ba thành viên không đi được, do công việc đột xuất và do tình trạng sức khỏe không cho phép; nhưng may mắn là cô Thúy Vân đã kịp thời liên lạc bằng điện thoại để thay người, nên chương trình vẫn được thực hiện theo đúng kế hoạch. Tại đây, thấy cô Lương Nguyệt Hồng xách theo một cái giỏ lớn lùm xùm, tôi hỏi giỏ gì đấy, cô ấy nói.”Em mua thêm ít quà, chứ chỉ đi tiền không cũng kỳ”.
Đoàn gồm, nhà thơ Hoàng Giang, nhà thơ Thúy Vân, soạn giả Kim Thanh, nhà thơ Giang Tâm, nhà thơ Lương Nguyệt Hồng, và nhà văn Hồ Tĩnh Tâm. Điểm đến đầu tiên là nhà nhạc sĩ Phạm Minh Cảnh ở xã Phước Hậu. huyện Long Hồ, Vĩnh Long. Chẳng biết tại sao gia đình nhạc sĩ biết trước, nên chuẩn bị sẵn bàn ghế và bánh kẹo tiếp đón rất chu đáo. Cuộc gặp gỡ diễn ra chóng vánh nhưng đầy tình cảm. Mặc dù nhạc sĩ đã lớn tuổi, mắt đã mờ, tai đã lễnh lãng, nhưng mừng là sau vài phút bỡ ngỡ ban đầu, Phạm Minh Cảnh vẫn nhớ ra lần lượt từng người, và nhắc lại kỉ niệm với từng người. Phút chia tay, nhạc sĩ rưng rưng nước mắt, bắt tay từng người và nói. “Cám ơn nhiều lắm. Các anh chị là những người đầu tiên đến thăm tui nhân dịp Tết, Quý lắm! Quý lắm! Nếu có thể, Tết anh chị vô ăn Tết với cha con tui! Quý lắm! Quý Lắm!”. Và… dù đi lại khó khăn, nhạc sĩ vẫn ra tận cổng, lưu luyến tiễn đưa đoàn.
Điểm đến thứ hai là nhà ông Chính Dưọng ở ấp An Thạnh xã Phú Đức huyện Long Hồ. Do trong đoàn không ai biết đường nên nhà thơ Giang Tâm phải gọi điện cho nhà thơ Lâm Tùng hỏi đường. Vậy mà anh Nhân tài xế vẫn chạy xe một mạch tới nơi, dù đoạn đường khá dài và ngoằn ngoèo, nhiều ngã ba ngã tư. Khi đoàn xuống xe vào nhà, ông Chính Dượng đang hí húi ngồi làm thơ trong ngôi nhà nhỏ, sát bên nhà con gái. Nên phải gần mười phút sau ông mới có thể ra gặp bạn bè. Giống như nhạc sĩ Phạm Minh Cảnh, dù ở tuổi 98, nhưng nhà thơ vẫn thay áo, chải tóc chải râu ra gặp bạn bè. Ông bắt tay từng người, vừa lắc lắc vừa hỏi thật lòng. “Ông tên gì? Bà tên gì? Tui quên mất tiêu rồi!”. Cứ nhìn gương mặt và ánh mắt, thì biết nhà thơ 98 tuổi của chúng ta quên thật. Vậy mà mới cách đây một năm(2023), hàng tháng ông vẫn một mình đạp xe hơn mười cây số, từ nhà ở Phú Đức Long Hồ đến Văn Xương Các, TP. Vĩnh Long đọc thơ và bàn thơ với bạn bè ở CLB. Tôi vốn biết Chính Dượng từ những năm 90 TK20, khi tham gia Hội Thơ Long Hồ do nhà thơ Mai Việt Toàn làm chủ nhiệm, nên cảm động lắm. Ngay từ thời ấy, Chính Dượng đã là một nhà thơ nhiệt tình, có giọng đọc thơ to vang sang sảng. Nay thấy ông tự nhiên ngồi ngẩn ra, đến khi bất chợt hiểu rằng, những người đến thăm ông hôm nay, là bạn thơ Văn Xương Các chứ không phải bà con, thì hai con mắt già nua của ông lập tức đỏ ngàu, rân rấn nước. Nhà thơ Hoàng Giang nói ông đọc một bài thơ cho vui, nhưng do quá xúc động, ông không thể nào đọc được. Khi cả đoàn đã lên xe, Chính Dượng lò dò bước ra đường, khum tay nhìn mọi người đầy lưu luyến. Những giọt lệ trào khỏi khóe măt, lăn dài trên đôi gò má răn riu, bắt nắng trưa mùa đông rực lên như lửa.
Gần 11g trưa, Soạn giả Kim Thanh mời cả đoàn ăn trưa và về nhà uống nước. Trong giờ phút chia tay này, tôi còn chứng kiến một cảnh đầy cảm động. Đó là việc nhà thơ Hoàng Giang, 89 tuổi, cứ khăng khăng đòi trả tiền nước. Ông nói, CLB làm gì có tiền, Kim Thanh đã trả tiền ăn trưa rồi, giờ tiền nước xin để cho ông. Vâng, CLB làm gì có tiền, đó là điều mà tất cả chúng ta cần phải suy nghĩ, để có thể làm được nhiều hơn những việc nghĩa tình
Vĩnh Long, 12 tháng 1 năm 2025
BÀI ẢNH HỒ TĨNH TÂM
h3