BUỔI CHIỀU ĐẦU TIÊN
Xuống đò, Tạc khoác ba lô lội tắt ngang cánh đồng. Thực lòng, Tạc cũng không biết mình sẽ đi về đâu. Cha mẹ không còn, bà ngoại cũng không còn, bà con cũng không có ai. May chăng(Tạc nghĩ), gặp được thằng bạn nào cùng ấp, ở ké nó mấy ngày, rồi thư thả sẽ tính. Còn nếu không gặp được ai quen biết, Tạc sẽ tìm gặp chú Tám bí thư xã, xin chú cho làm một chân trong xã đội. Dầu gì chú cũng là người giới thiệu Tạc đi khám nghĩa vụ, lo hồ sơ cho Tạc lên đường nhập ngũ.
Ngang qua đám gò mả giữa đồng, Tạc bắt gặp một đám con nít chăn trâu, đang ngồi túm tụm với nhau đọc cuốn truyện gì đó. Một đứa con trai mặt mày đen nhẻm như củ súng, vận quần xà lỏn, chợt ngước mắt nhìn thấy Tạc, liền đưa cùi chỏ hích hích thằng bạn ngồi kế. Thằng này xoay hẳn lại phía sau, ngoác miệng cười, để hở mấy chiếc răng sún.
– Con chào chú bộ đội ạ!
Theo thói quen, Tạc đưa cánh tay phải lên vành mũ, chụm bàn tay chào theo kiểu nhà binh. Liền đó, anh ngượng nghịu hạ bàn tay xuống, nhoẻn miệng cười.
– Mấy cưng đọc sách à?
– Vâng ạ! Vâng ạ! Tụi con đọc truyện “Chú Cuội” ạ!
Vừa vui, vừa cảm thấy đã thấm mệt, Tạc hạ ba lô ngồi xuống với lũ trẻ. Anh nói với chúng:
– Anh còn trẻ khô hà! Mấy cưng gọi anh, đừng gọi chú nhen!
Đứa con trai sún răng nheo mắt nhìn anh, chun mũi hỏi:
– Anh là sĩ quan phải hôn?
Tạc cung ngón tay búng vào mũi nó. Nó khoái chí nhe răng cười, đảo hai tròng mắt đen láy nhìn khắp lượt đám bạn, ra điều hãnh diện lắm. Liền đó, nó lại cười khì, hỏi:
– Anh đeo huân chương vầy, chắc oánh giặc “ác ôn” lắm ha?
Tạc nhìn xuống chiếc huy hiệu “Vì nghĩa vụ quốc tế” mà ai cũng được cấp khi trở về đất nước. Anh giật mình nghĩ, tại sao mình lại quên tháo nó ra cất vào túi áo. Một cách thong thả, Tạc cẩn thận tháo nó ra.
Thằng bé sún răng rụt rè hỏi:
– Anh cho em rờ cái huân chương một miếng. Đẹp qúa chèng hén anh?
Nhìn lũ trẻ say mê chuyền tay nhau chiếc huy hiệu, Tạc thấy vui vui. Đúng là trẻ con, chúng cứ việc tha hồ mà tưởng tượng. Nào là sĩ quan, nào là anh hùng quân đội; dám chừng Tạc nói anh là cấp tướng chúng cũng tin tuốt luốt.
– Anh không phải là sĩ quan(Tạc vòng tay kéo thằng bé sún răng vào lòng), anh chỉ là người lính. Lính binh nhất, lính trơn thôi. Anh được phục viên về làng.
Chun cái mũi hếch lên trời, nhấp nháy cặp mắt, thằng bé sún răng lại hỏi:
– Mà anh có đem súng sáu, đem da láng về hôn?
Xoa cái đầu khét nắng vàng chạch của nó, Tạc chợt nhớ tuổi thơ của mình. Đó là cái thời giang đầu trần dưới nắng, lội sình đi móc cua, đi đặt xà ngôn bắt cá bống kèo. Hồi đó, anh thậm chí còn không có trâu mà coi, đến một chữ cắn đôi cũng không biết, có đâu được ngồi túm tụm đọc sách như tụi nó bây giờ. Chợt nhớ trong ba lô có mấy bịch kẹo, Tạc vội lấy ra phân phát. Trước khi mở nắp ba lô, anh phải gỡ cái bọc giấy kiếng mờ gói con búp bê ra. Đó là món qùa mà C trưởng thay mặt Ban chỉ huy đại đội tặng anh trước khi về nước.
Tại sao lại có chuyện tặng con búp bê ư? Tự dưng Tạc thấy bâng khuâng, day dứt buồn. Số là trước lúc về quê, C trưởng gọi anh lên Ban chỉ huy, hỏi:
– Bà con của cậu còn lại những ai?
Không hiểu sao lúc bấy giờ Tạc đã tự dối lòng mình. Anh không muốn thổ lộ nỗi buồn trống vắng của đời anh. Ai cũng phải có cha mẹ, anh em, bè bạn, có bà con họ mạc. Còn Tạc, Tạc côi cút từ khi mới lên mười, Tạc hiểu thế nào là nỗi đau khổ, tủi cực của kẻ mồ côi. Tạc đã nói dối C trưởng, rằng anh còn người dì, còn một đứa em gái lên mười. Anh biết chắc rằng C trưởng sẽ tin, bởi cùng đợt nhập ngũ ở quê với anh, chỉ mình anh được điều động qua C hỏa lực của trung đoàn. Và qủa thực C trưởng đã tin, đã mua tặng cho anh con búp bê đem về làm qùa cho em gái.
Đang vừa lui cui moi mấy bịch kẹo, vừa nghĩ miên man, chợt Tạc có cảm giác ai đó đang nhìn mình. Ngẩng đầu lên, Tạc bắt gặp một đôi mắt mở tròn, đen láy, của một cô bé có gương mặt bầu bầu, phinh phính. Đôi mắt đó như chất chứa một nỗi buồn u ẩn.
Khi đưa vốc kẹo cho cô bé, Tạc dừng lại hỏi:
– Cưng tên gì?
Cô bé cúi xuống, trả lời rất nhỏ:
– Dạ! Em tên Chi.
Thằng bé sún răng nhanh nhảu:
– Nó ở với ngoại. Tía nó chết mất xác ngoài đáy hàng khơi. Má nó dong biệt theo người ta từ hồi nào tới giờ. Anh Hai nó cũng đi bộ đội Kampuchia, đã có giấy báo tử về làng rồi mà nó hổng tin. Nhà nó nghèo nhứt xóm.
Tạc thấy cay cay trong mắt, chỉ chực oà ra khgóc. Anh với tay cầm bọc giấy kiếng gói con búp bê, lần lần mở ra. Đó là một con búp bê ngoại, có cặp mắt xanh lóng lánh, biết nhắm lại khi đặt nằm xuống, có cái miệng hồng tươi chúm chím, biết khóc oa oa khi đặt nằm xuống. Đám con nít vừa nhìn thấy con búp bê đã trố mắt ồ lên cả một lượt. Đứa nào đứa nấy nhất loạt thu hai cánh tay lại, người gần như đổ chúi về phía trước. Dường như chúng chưa bao giờ được thấy một thứ đồ chơi nào đẹp như vậy.
-Anh cho nè Chi!
Cô bé nghe nói, ngồi cứng đơ như gỗ, cặp mắt ngân ngấn nước.
Lại thằng bé sún răng lên tiếng:
– Nó hổng dám lấy đâu. Nó nhát hít hà! Nhà nó nghèo, nó còn không biết chữ. Để con đưa cho nó.
Thằng bé ôm con búp bê bằng cả hai tay, nhảy lên choi choi như bồ cào một lúc, rồi lò cò bước tới chỗ con bé. Vừa dúi con búp bê vô lòng con nhỏ, nó vừa nói:
– Cầm nè Chi! Nhứt mầy nghen Chi! Sướng bằng trời nghen Chi!
Trong khi lũ trẻ nhảy dựng lên reo hò khoái chí thì con bé vụt oà ra khóc. Nó run rẩy đứng lên, bụm cả hai bàn tay che mặt, rồi ù chạy tất tưởi về cuối gò mả.
– Anh để tụi em đem về cho ngoại nó. Mà dám ngoại nó đem bán lấy tiền mua gạo lắm à. Nhà nó hết gạo hoài hoài.
Thằng bé đen thùi lùi như dế nhủi(cái thằng nhìn thấy Tạc đầu tiên), nãy giờ ngồi im như đất, không biết vì cơn cớ gì, vụt đứng phắt dậy, cung tay đấm cho thằng bé sún răng một cú thật lực. Nó vừa đấm vừa hét lên:
– Có mày bán thì có!
Xế chiều một chặp, Tạc về tới đầu chợ xã. Mùi muối biển, mùi cá khô theo gió lùa vào tóc anh, làm cho mái tóc như cứng ra. Bấy giờ Tạc mới thấy thấm buồn. Tới nhà ai bây giờ?
Cha Tạc bị bọn hội tề ức hiếp, trốn vô khu theo giải phóng từ hồi Tạc mới chập chững biết đi. Mẹ Tạc một lần qua cầu khỉ bị kinh giật, té xuống nước chết chìm. Bà ngoại đem Tạc bỏ xứ đồng dạt về xứ biển. Một lần, ngoại theo ghe bạn chở cá khô đi chợ Cần Thơ, bị sóng lớn đánh ghe lật úp ngoài vàm, không ai tìm thấy xác. Mới mười tuổi đầu Tạc đã bồ côi bồ cút, bơ vơ xứ người, không biết bà con làng xóm ở đâu mà tìm về. Tối ngày sáng đêm, Tạc hết lăn lóc góc chợ lại hì hụi ngoài doi sông, ngoài bãi sú. Vậy mà gió nắng vẫn cứ hun Tạc lớn vổng lên như con cua đất sình, con bống kèo đất ruộng. Càng lam lũ càng rắn chắc. Càng cực nhọc càng dẻo dai. Có bà bán hàng khô ở chợ xã thương tình đem về nuôi. Nhưng rồi Tạc cũng không ở với bà được lâu. Gần tới ngày giải phóng, bà bị chó dại cắn hóa điên mà chết. Từ đó, Tạc bơ vơ bốc thuê vác mướn ngoài chợ xã. Sau ngày giải phóng, Tạc may mắn gặp được chú Tám, được chú bố trí chân chạy giấy tờ công văn cho xã. Rồi chính chú lại lo thủ tục cho Tạc được lên đường nhập ngũ. Nay trở về, nếu không gặp chú Tám, Tạc không biết sẽ đi đâu. Bạn bè thuở hàn vi nay đã tứ tán mỗi đứa một nơi, biết đâu mà tìm. Hơn nữa, chuyến này Tạc ra quân hẳn, có nghĩa là phải kiếm công chuyện làm ăn sinh sống lâu dài. Qủy thần ơi! Nếu tạc không bị miễng pháo chém lủng ruột, không bị đạn nhọn 12ly7 chặt gãy xương chân, Tạc sẽ ở luôn trong quân đội. Dầu gì, ở đó cũng còn có anh em đồng chí.
Tạc nhớ như in những ngày ấy.
Luồn rừng, lội núi. Muỗi đốt, vắt cắn. Bữa đói, bữa khát. Chia nhau từng miếng lương khô, chia nhau từng viên đạn. Đồng đội chỉ vừa mới quen nhau mà tình thân đã còn hơn cả anh em ruột thịt. Như thằng Bường, thằng Tửng…
Phải rồi! Trận Soài Riêng đáng lẽ thằng Bường không chết. Lần đó, trung đội cối của Tạc chi viện cho tiểu đoàn bộ binh truy kích địch. Tụi lính Pôn Pốt bị rượt chạy có cờ, chạy vãi cả ra quần. Chúng chạy băng qua đồng nước. Nước ngập ngang đầu gối. Tạc vác nòng cối rượt theo. Bạn đồng đội gánh đạn cối trúng miểng pháo tử thương. Bường ở đâu chạy tới, quãy mỗi đầu ba trái cối chạy theo Tạc. C bộ binh đang ào ào lướt tới, bỗng dưng bị khựng lại giữa cánh đồng linh láng nước ngập. Từ phía rừng lá thấp trước mặt láng nước, một khẩu đại liên bất ngờ nhả đạn ằng ặc như chó điên. Từng làn đạn xé gió, xé nước, quất vun vút rát mặt. Không bắt được nó câm họng thì cả C bộ binh coi chừng đi đứt giữa cánh đồng trống trải. Phải bịt miệng nó lại. Nhưng bốn bề là nước. Nước lênh láng, trắng xóa. Nước mịt mù bởi đạn cày tóe lên như khói. Không có bệ cối. Biết giá cối vào đâu? Tạc qùy xuống, giá luôn nòng cối lên đùi mình, hét Bường thả đạn vô nòng. Đoàng! Nòng cối giật mạnh như ai cầm gậy giáng thẳng xuống đùi. Tạc ngã lăn ra, ngập đầu dưới nước. Bường nhào tới, xốc anh dậy. Khẩu đại liên chỉ tắt trong giây lát, rồi lại rống lên khạc đạn ằng ặc như vãi trấu. Từng làn đạn lia ngang rát bỏng. Bộ binh ta phải rạp mình chịu trận dưới nước. Tạc lại qùy xuống, giá nòng cối lên đùi mình. Lại hét Bường thả đạn vào nòng. Tạc và Bường bắn tới trái cối thứ ba thì trúng đích. Khẩu đại liên hoàn toàn câm họng. Bộ binh ta ào ào đội nước xông lên. Vừa chạy tới mí bờ đất, Tạc vấp chân phải khúc cây, té choài người về phía trước. Bường lại nhào tới đỡ Tạc ngồi dậy. Một viên đạn từ cánh rừng lá thấp xuyên trúng ngực Bường. Bường tắt thở mà không kịp nói một câu nào.
Còn thằng Tửng thì đạp phải mìn, chết khi đi trinh sát.
Biết bao đồng đội đã ngã xuống bên kia biên giới. Cuộc chiến tranh nào cũng có cái giá phải trả của nó.
Tạc đang vừa đi vừa nghĩ miên man, bỗng nghe có tiếng ai gọi sau lưng.
– Anh Hai! Anh Hai ơi!
Quay lại, Tạc nhận ra thằng bé mặt mày đen nhẻm như củ súng đã đấm thằng bé răng sún. Nó đứng bên gốc me keo, kế lối vào Ủy ban xã. Nắng chiều nhuộm lên người nó một màu đồng điếu đỏ rực, khiến nó trở nên cứng cáp và quen thuộc như tuổi thơ của anh thuở nào.
Vừa thấy Tạc quay lại, thằng bé đã co giò phóng tới, vừa nói vừa thở hào hển:
– Ngoại con Chi biểu em đón anh về nhà nó. Ngoại nó nói anh là anh Hai của con Chi. Bả nói anh tên Tùng, trước chạy công văn cho xã.
Không biết thằng bé răng sún chui ra từ chỗ nào. Nó với thằng bé đen nhẻm, mỗi đứa một bên, nắm lấy tay Tạc, kéo anh đi với những bước nhảy lồng chân sáo của trẻ con.
Ngôi nhà lá của của ngoại con Chi đã hiện ra đầu mí nước. Phía bên kia dòng sông, hoàng hôn đang đổi màu hừng hực từ đỏ bầm sang tím xẩm. Hoàng hôn sợi sợi trùm lên dáng ngoại con Chi còng lưng chống gậy đứng đợi ở đầu vuông sân đất.
Hai đứa bé cùng lúc buông hai cánh tay người lính. Hai cánh tay ấy giang ra như hai cánh chim biển, đỡ lấy người mẹ già.
– Thưa mẹ, con mới về!
Một cái bóng nhỏ từ trong ngôi nhà lá ngậm đầy hoàng hôn chạy lao ra.
Không gian thốt âm vang tiếng reo mừng trong nước mắt:
– Anh Hai… ai! Anh Hai… ai!
Đó chính là tiếng khóc nghẹn ngào vì sung sướng của con Chi.
HỒ TĨNH TÂM
PS: Tình cờ Dzu gặp được người lính khi chiến thắng trở về không có nơi nương tựa vì tứ cố vô thân, may xin được chân dọn rác ngoài chợ.