TRÌ, TRÍ, TRIÊU, TRIỆU, TRÌNH.

Ngày đăng: 21/11/2024 09:32:40 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)
TRÌ ĐƯỜNG 池塘 là Ao chuôm, ao đầm, ao hồ… ở phía sau vườn nhà. Vừa tượng trưng cho quê hương vừa tượng trưng cho người ở quê hương; theo như tích sau đây :
  Tạ Linh Vận 謝靈運 (385-433), người đời Đông Tấn ở đất Cối Kê, thuộc tỉnh Chiết Giang ngày nay. Ông nguyên là cháu nội của danh tướng Tạ Huyền 謝玄, tiểu tự là Khách, nên người đời gọi là Tạ Khách, lại được hưởng tước Khang Lạc Công, nên còn được gọi là Tạ Khang Lạc. Ông là nhà thơ khai sáng ra phái Sơn Thủy Thi 山水詩, chủ yếu sáng tác thơ tả về núi non sông nước của đời Lưu Tống vào thời Nam Bắc Triều. Thất ý trên trường chính trị, nên Tạ gởi gắm tâm sự vào tư tưởng Lão Trang qua thơ sông núi. Do bất đắc chí vì tài hoa xuất chúng, nên Tạ luôn tỏ ra khinh thế ngạo vật, cho mình là tài giỏi hơn cả thiên hạ. Tạ đã từng nói là : “Nếu như tất cả tài hoa trong thiên hạ là một thạch (gồm có 10 đấu), thì Tào Tử Kiến 曹子建 (tức Tào Thực 曹植, con trai thứ của Tào Tháo, rất giỏi về văn thơ) giữ hết 8 đấu rồi, ta giữ một đấu, còn một đấu là của tất cả những người trong thiên hạ”. Câu nói nầy nghe ra có vẻ như là tôn sùng Tào Thực, thực ra là đang xem thường thiên hạ, vì cho là cả thiên hạ cộng lại mới bằng được mình ! Do tánh khí và thái độ cao ngạo, nên Tạ Linh Vận làm mất lòng hết các đồng liêu và quyền thần lúc bấy giờ.(Giống như là Cao Bá Quát của ta vậy). Cuối cùng, bị biếm đến Quảng châu và chết ở nơi đó khi mới có 49 tuổi mà thôi.
       Mùa xuân năm thứ ba đời Tống Võ Đế (422), Tạ Linh Vận bị biếm đi làm Thái Thú ở quận Vĩnh Gia. Đây là một sự đả kích lớn lần đầu tiên trong chính trường, Tạ Linh Vận ngọa bệnh suốt mùa đông năm đó đến đầu xuân năm sau mới khỏe lại. Ông lên lầu nhìn ngắm cảnh xuân tươi, nhớ đến người em gái tài hoa hay cùng mình xướng họa là Huệ Liên, nên viết nên bài thơ nổi tiếng “Đăng Trì Thượng Lâu 登池上楼” trong đó có hai câu :
                  池塘生春草,   TRÌ ĐƯỜNG sanh xuân thảo,
                  園柳變鳴禽。   Viên liễu biến minh cầm.
      Có nghĩa :
                  Ao vườn cỏ xuân xanh biếc,
                  Liễu vườn rộn tiếng chim ca.
      Nên TRÌ ĐƯỜNG vừa chỉ cố hương vừa chỉ bạn văn chương, như trong truyện thơ Nôm khuyết danh Tây Sương Ký của ta có câu :
                   Rằng từ xa cách TRÌ ĐƯỜNG,
               Gặp nhau vẫn ngỡ mơ màng chiêm bao.
      
      Trong Tăng Quảng Hiền Văn cũng có câu :
                 池塘積水須防旱,  TRÌ ĐƯỜNG tích thủy tu phòng hạn,
                 田地深耕足養家。  Điền địa thâm canh túc dưỡng gia.
Có nghĩa :
        – Ao Chuôm sau nhà thì chứa nước để đề phòng khi hạn hán, còn…
        – Ruộng đất thì cày sâu cuốc bẫm, có thể đủ để nuôi sống gia đình.
                   Inline image
      TRÍ NHÂN 智仁 là Trí thức và Nhân đức. Điển cố nầy có xuất xứ từ Thiên Ung Dã《論語·雍也》trong sách Luận Ngữ như sau : Trí giả lạc thủy, Nhân giả lạc sơn. Trí giả động, Nhân giả tĩnh. Trí giả lạc, Nhân giả thọ. 智者樂水,仁者樂山。智者动,仁者静。智者樂,仁者寿。Có nghĩa :”Người trí thức thì vui như nước, còn người nhân đức thì vui như núi. Trí thức thì chuyển động không ngừng, nhân đức thì yên tĩnh vững vàng. Nên trí thức thì luôn lạc quan (vì luông có niềm vui mới) còn nhân đức thì bền vững lâu dài (như núi). Đây là cách ví von về việc tu thân của người quân tử khi xưa : Trí tuê và lòng Nhân ái đước ví như là nước và núi trong thiên nhiên; Nước luôn chuyển động nên cần phải ứng biến, còn núi thì luôn sừng sửng vững vàn không lay chuyển. Nên
      TRÍ NHÂN, là TRÍ THỦY NHÂN SƠN 智水仁山 hay NƯỚC TRÍ NON NHÂN cũng thế, thường để chỉ sự tu tập và tác phong của kẻ sĩ khi xưa, như trong truyện thơ Nôm khuyết danh “Phương Hoa Lưu Nữ Tướng” có câu :
                     TRÍ NHÂN mượn bút hành nhân,
                 Mượn màu thanh tú ngụ vần thanh cao.
      Còn trong Truyện Từ Thức gặp tiên thì sử dụng thẳng bốn chữ TRÍ THỦY NHÂN SƠN với hai câu :
                     Mượn màu TRÍ THỦY NHÂN SƠN,
                 Tiêu dao ngày tháng thanh nhàn cho qua.
      Trong “Mai Đình Mộng Ký” của Nguyễn Huy Hổ thì được Nôm hóa với nhóm từ  NƯỚC TRÍ NON NHÂN qua các câu thơ sau đây :
                     Mảng vui NƯỚC TRÍ NON NHÂN,
                 Đăng lâm trót hẹn với xuân một lời.
                     Cho nên trẹo nẻo lạc vời,
                Phúc Giang, Phượng Lĩnh là nơi quê nhà. 
      
                Inline image
      TRIÊU MỘ 朝暮 : TRIÊU là sáng, MỘ là chiều. TRIÊU TRIÊU MỘ MỘ 朝朝暮暮 là Sáng sáng chiều chiều, là hết ngày này qua ngày khác. Khi Dương Qúy Phi bị bức tử ở Mã Ngôi Pha rồi, Đường Minh Hoàng chỉ còn lại một mình chạy vào đất Thục, mà lòng vẫn không nguôi thương nhớ đến Dương Phi. Bạch Cư Dị đã viết trong Trường Hận Ca là :
             Thục giang thủy bích Thục sơn thanh,  蜀江水碧蜀山青,
             Thánh chúa triêu triêu mộ mộ tình !    聖主朝朝暮暮情。
Có nghĩa :
                    Sông Thục xanh, Núi Thục xanh.
             SÁNG CHIỀU thánh chúa tình canh cánh lòng.
      TRIÊU TẦN MỘ SỞ 朝秦暮楚 là Sáng thì theo Tần, chiều lại theo Sở. Theo Chiến Quốc Sách 戰國策: Tần Sở là hai nước mạnh thời Chiến quốc, vì muốn phô trương thanh thế và lôi kéo chư hầu về theo mình, nên thường hay vấy đông can qua, gây chuyện đánh nhau, làm cho dân chúng sống ở vùng giáp ranh biên giới giữa hai nước vô cùng khổ sở lầm than. Hễ buổi sáng khi quân Tần kéo đến thì phải treo cờ của nhà Tần nói tiếng Tần; Buổi chiều khi quân Tần rút, quân Sở kéo đến thì lại phải treo cờ nước Sở và nói tiếng Sở. Nếp sống cơ cực lầm than như cuộc sống của dân ta dưới thời Pháp thuộc đã được cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu ghi lại trong bài “Văn Tế Lục Tỉnh Sĩ Dân Trận Vong” như sau :
               Hoặc là sợ như đất TRIÊU TẦN MỘ SỞ, 
                                           cuộc can qua sống cũng ở ghê mình;
               Hoặc là e như trời nam Tống bắc Kim, 
                                           đường binh cách thác đi cho khuất mặt.  
      Thành ngữ TRIÊU TẦN MỘ SỞ 朝秦暮楚 dùng rộng ra còn để chỉ : Những người phản phúc bất thường, sớm đầu tối đánh, khi vầy khi khác, lật lọng vô chừng…
               Inline image
      TRIỆU BÍCH 趙璧 là Viên ngọc bích của nước Triệu. Có xuất xứ như sau :
      Đời vua Huệ Văn Vương, nước Triệu được viên ngọc bích của họ Hoà nước Sở, là bảo vật nổi tiếng trong chư hầu khi đó. Vua Chiêu Vương nước Tần nghe tin, sai người đưa thư cho vua Triệu, xin đem mười lăm thành để đổi lấy viên ngọc bích. Vua Triệu cùng đại tướng quân Liêm Pha và các vị đại thần bàn rằng: Nếu cho Tần ngọc bích thì sợ không được thành của Tần, chỉ bị lừa, nếu không cho thì lại lo binh Tần đến đánh. Kế chưa quyết định, tìm người có thể sang trả lời cho nước Tần, tìm mãi mà chưa được ai. Khi đó người đứng đầu hoạn quan là Mục Hiền tiến cử Lạn Tương Như 藺相如 với Triệu Huệ Văn vương. Vua Triệu liền cho mời đến, hỏi Lạn Tương Như rằng :
     – Vua Tần đem 15 thành đổi lấy viên ngọc của quả nhân, nên cho hay không? Tương Như đáp :
    – Tần mạnh, Triệu yếu, không cho không được. Vua Triệu nói:
    – Họ lấy ngọc ta mà không giao thành thì làm thế nào?
Lạn Tương Như nói:
    – Tần đem thành đổi lấy ngọc mà Triệu không cho, thì điều trái là ở Triệu. Triệu cho ngọc mà Tần chẳng giao thành thì điều trái là ở Tần. Xét lại kế đó thì thà cho ngọc để Tần chịu phần trái.
Vua Triệu hỏi:
   – Ai có thể sai đi sứ?
Lạn Tương Như nói:
   – Nếu nhà vua thiếu người, thần xin mang ngọc bích đi sứ. Thành có về tay nước Triệu thì ngọc mới ở lại đất Tần.Nếu thành không về, thần xin giữ nguyên vẹn viên ngọc đem về Triệu.
     Triệu Vương bèn sai Tương Như mang ngọc sang hướng Tây vào đất Tần.
      Vua Tần Chiêu Tương vương đón tiếp Tương Như ở Chương đài. Ông mang ngọc bích dâng vua Tần. Vua Tần mừng rỡ, trao cho các mỹ nhân và các quan hầu xem, các quan hầu đều hô : Vạn tuế !
     Tương Như thấy vua Tần không có ý cắt thành cho Triệu, bèn tìm cách lấy lại ngọc quý. Ông tiến lên nói:
    – Ngọc bích có vết, tôi xin chỉ cho đại vương xem.
      Vua Tần không biết là kế, bèn trao ngọc bích, Tương Như bèn cầm lấy ngọc, đứng lùi tựa vào cột, nổi giận nói :
    – Đại vương muốn được ngọc, sai người đem thư đến vua Triệu. Vua Triệu cho mời quần thần bàn bạc, tất cả đều nói: “nước Tần tham, cậy mình mạnh, đem lời nói suông để cầu lấy ngọc, chưa chắc đã giao thành cho ta”. Họ bàn không muốn đưa ngọc bích cho Tần. Thần cho rằng: “kẻ áo vải chơi với nhau còn không dối nhau, huống nữa là nước lớn. Vả chăng vì một viên ngọc mà làm nước Tần mất vui thì không nên”. Vì vậy nên vua Triệu trai giới năm ngày, sai thần mang ngọc bích đi, vái mà đưa ở giữa triều đình. Tại sao thế ? Vì trọng cái uy của nước lớn để tỏ lòng tôn kính vậy. Nay thần đến đại vương tiếp thần ở một nơi tầm thường, lễ tiết rất khinh mạn. Được ngọc, đại vương đưa cho các mỹ nhân để đùa bỡn thần. Thần xem đại vương không có ý giao thành cho vua Triệu, cho nên thần lấy ngọc về. Nếu đại vương cứ muốn bức bách thần, thì đầu thần và viên ngọc đều vỡ ở cái cột này !
 
                     Inline image                             
                                    Lạn Tương Như HOÀN BÍCH QUY TRIỆU 完璧歸趙
 
     Tương Như cầm viên ngọc, nhằm cái cột, làm như muốn đập đầu và cả ngọc vào cột. Vua Tần sợ ông đập vỡ viên ngọc nên vội ngăn lại, gọi quan đương sự cầm địa đồ đến, chỉ chỗ 15 thành từ chỗ này trở đi để cắt cho nước Triệu. Tương Như đoán vua Tần chỉ lừa dối, tuy giả vờ cho Triệu thành, nhưng thực ra thì không thể được thành, bèn bảo vua Tần:
     – Ngọc bích họ Hoà thiên hạ đều nhận là của báu, vua Triệu sợ không dám không dâng. Khi đưa ngọc, vua Triệu trai giới năm ngày, nay đại vương cũng nên trai giới 5 ngày, đặt lễ cửu tân thì thần mới dám dâng ngọc.
       Vua Tần thấy không có cách gì ép được, bèn hứa với ông trai giới 5 ngày, cho Tương Như ở lại quán tân khách Quảng Thành. Ông đoán vua Tần tuy trai giới, nhưng thế nào cũng bội ước không trao thành, nên sai người hầu đi theo đoàn sứ của mình mặc áo ngắn, mang viên ngọc đi theo đường tắt, trốn về nộp lại ngọc bích cho vua Triệu.
      Vua Tần sau khi trai giới 5 ngày bèn đặt lễ cửu tân ở triều đình để tiếp Lạn Tương Như. Tương Như đến, nói với vua Tần :
    – Nước Tần từ đời Mục Công đến nay, hơn 20 đời vua, chưa từng có ai giữ trọn lời hứa. Quả thực, thần sợ bị nhà vua lừa, lại phụ lòng nước Triệu, nên đã sai người cầm ngọc lẻn về đến nước Triệu rồi. Vả lại, Tần mạnh mà Triệu yếu, đại vương sai một người sứ giả đến Triệu thì Triệu lập tức đem ngọc sang dâng. Nay mạnh như nước Tần mà lại cắt trước mười lăm thành để cho Triệu thì Triệu đâu dám giữ ngọc bích để mắc tội với đại vương Thần biết rằng lừa dối đại vương là tội đáng chết. Thần xin tự nguyện vào vạc nước sôi. Xin đại vương và quần thần bàn bạc kỹ cho.
       Vua Tần và quần thần nhìn nhau cùng hậm hực, các tướng Tần muốn giết ông nhưng vua Tần ngăn lại nói :
     – Bây giờ giết Tương Như cũng không lấy được ngọc, mà chỉ làm tuyệt tình giao hảo giữa Tần và Triệu. Chi bằng nhân việc này mà hậu đãi ông ta, cho ông ta về Triệu. Vua Triệu há vì một viên ngọc bích mà lừa dối Tần sao?
      Do đó, vua Tần vẫn tiếp Tương Như ở triều đình, lễ xong cho về. Sau khi Tương Như về, vua Triệu khen ông là một quan đại phu giỏi, đi sứ không khuất nhục với chư hầu, bèn phong ông làm thượng đại phu. Kết quả sau đó Tần không đổi thành cho Triệu mà Triệu cũng không đem ngọc bích cho Tần.
                        Inline image
                                          HÒA THỊ BÍCH 和氏璧     
      Từ tích trên, ta có thành ngữ HOÀN BÍCH QUY TRIỆU 完璧歸趙 : chữ HOÀN 完 ở đây là Hoàn Hảo, Hoàn Toàn; chớ không phải HOÀN 還 là Trả Lại. Nên thành ngữ nầy có nghĩa là : Đem trở về nước Triệu (Quy Triệu) viên ngọc bích hoàn toàn hoàn hảo không bị sức mẻ chút nào cả !  Sau nầy dùng rộng ra, hễ trả lại món đồ nào cho ai đó một cách hoàn hảo, không bị suy suyển hay sứt mẻ gì cả thì đều được nói là “Hoàn Bích Quy Triệu” cả .
       Trong “Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca” của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái có câu :
                       Một hai ngăn đón hành trần,
                  Để cho TRIỆU BÍCH về Tần sao nên ?!
                Inline image
      TRÌNH MÔN 程門 là CỬA TRÌNH hay SÂN TRÌNH đều dùng để chỉ nhà của Trình Di 程頤 (1033—1107), tự là Y Xuyên 伊川. Theo Chu Tử Ngữ Lục, Trình Di là một danh nho đời Tống, học trò đến xin học rất đông. Khi Du Tạc 遊酢 và Dương Thời 楊時 tìm đến ra mắt để xin vào học, thấy thầy đang nhắm mắt dưỡng thần, hai người bèn đứng im không dám động đậy. Đến khi Trình Di mở mắt ra nhìn thấy thì tuyết đã đổ xuống phủ chỗ đứng của hai người cao đến hơn một thước (xưa, khoảng hơn 2dm).
                    Inline image
                                     Trình Môn Lập Tuyết
      Vì tích trên mà ta còn có thành ngữ TRÌNH MÔN LẬP TUYẾT 程門立雪 (là Đứng trong tuyết trước cửa thầy Trình) để chỉ : Sự quyết tâm cầu học và lòng kính trọng của học trò đối với thầy.
      Trong Bích Câu Kỳ Ngộ nói về Tú Uyên có câu :
                       Thông minh sẵn có tư trời,
                  Còn khi đồng ấu mãi vui CỬA TRÌNH.
     Còn trong truyện thơ Nôm khuyết danh “Phương Hoa-Lưu Nữ Tướng” cũng có câu :
                      TRÌNH MÔN trải mấy xuân thu,
                      Có ai là đáng giao du cùng thề.
     TRÌNH CHU 程朱, CHU là CHU HY 朱熹(1130—1200)tự là Nguyên Hối, Trọng Hối, hiệu là Hối Am, Tử Dương. Người đời thường gọi ông là Hối Am Tiên Sinh hay Chu Văn Công. Người huyện Vụ Nguyên Huy Châu (Huyện Vụ Nguyên, tỉnh Giang Tây ngày nay). Ông là một thi nhân lại vừa là một Triết học gia, lý học gia, tư tưởng gia, chính trị gia và là một nhà giáo dục nổi tiếng đương thời. Ông là môn đệ đời thứ ba của Trình Hiệu và Trình Di, kế thừa học thuyết Tống Nho của Chu Đôn Di và Trình Di Trình Hiệu, lấy Tứ Thư “Đại học, Trung Dung, Luận ngữ, Mạnh Tử” làm sách giáo khoa chủ đạo trong giảng dạy và khoa cử cho cả các đời sau nầy nữa.
      Trong “Tài Tử Đa Cùng Phú” của Chu Thần Cao Bá Quát có nhắc đến ông với câu :
            Nghiêng cánh nhạn tếch mái rừng Nhan, Khổng, 
                                                   chí xông pha nào quản chông gai.
            Cựa đuôi kình toan vượt bể TRÌNH, CHU, 
                                                   tài bay nhẩy ngại gì lao khổ !  
 
          Inline image 
       Hẹn bài viết tới :
             Thành ngữ Điển tích 115 :
                                    TRONG, TRỌNG, TRỔ, TRỘM, TRỞ, TRÚ. 
                                                                                   杜紹德

                                                                               Đỗ Chiêu Đức 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác