MIỀN TÂY TRONG TIM TÔI

Ngày đăng: 29/06/2024 11:55:20 Sáng/ ý kiến phản hồi (0)

Tôi thường được hỏi vì sao lại dành nhiều thời gian để đi lại miền Tây. Nơi đó có gì hùng vĩ, cảnh đẹp, hay biển đẹp như miền Trung hay miền Bắc đâu. Nhưng miền Tây mang trong tim những hình bóng đã tạo thành cuộc sống mà tôi muốn sống. Giữa những con người làm tôi nhớ nhung muốn lại gần họ và hiểu.
Ở An Giang, người đàn ông tên Lý mời tôi đến cửa hàng gạo nhà vợ chồng anh buôn bán giữa một căn chợ nhỏ. Chị vợ bước từ trên lầu xuống. Cái cầu thang phô bày sự sung túc khó gặp ở miệt này. Anh Lý thấp người, pha một cốc trà đường, đưa cho vợ anh và tôi. Chiều đó, anh Lý dắt tôi đi vào tận miệt sâu, gặp từng gia đình anh quen biết.

Một đứa con gái tự xé quần áo của nó, bị mẹ xích trong căn phòng chái sau nhà. Nhà sàn chênh vênh trên quãng lìa ra khỏi mặt ruộng. Cô gái chừng tuổi tôi. Ngực tự cào đổ máu. Tóc tai xõa bừa. Mẹ cô bé nhìn tôi đầy ái ngại, tay bà đầy vết cào của con. Cô bé bị tâm thần từ nhỏ. Cô cào xé bản thân và mẹ mỗi khi mẹ muốn tắm hay thay quần áo cho cô. Mẹ phải xích cô trong nhà.
Anh Lý đi vào phòng nhìn con bé và đưa cho bà toa thuốc từ bệnh viện: “Tháng này bác sĩ đồng ý phát thuốc về, chứ tháng sau chị phải cho cô lên tái khám nghe không?” – Cô gái tiến lại gần cửa sổ nhìn săm soi anh. Anh không tỏ vẻ gì sợ hãi, nắm tay cô nói: “Cô ngoan không làm má đau nghe không. Tháng sau chú đưa cô đi xe đò chơi.” – Anh Lý rời khỏi phòng, đưa bà mẹ 500 ngàn và cùng tôi ra về.
Những bệnh nhân tâm thần ở khu vực đó thường từ gia đình rất nghèo. Không áo mặc, cơm ăn. Không tiền chữa bệnh. Nhiều người không đủ điều kiện cho con ở trại trong bệnh viện tâm thần trung ương 3 ở Tiền Giang. Có vài vụ người tâm thần dùng chày đập đầu cha mẹ, hoặc bỏ đi mất biệt, lang thang rồi bị đánh đập vì người ngoài không hiểu chuyện.
Gia đình thứ hai anh Lý đưa tôi đến chỉ là một cái nền đất và hai mái nhà lợp dừa với vách phên lá lừa mỏng le. Giữa nền nhà tất cả chén bát bị đập bể, quần áo bị xé vứt thành từng mảnh. Người đàn ông đen sạm, gầy rộc ngủ trên võng, giữa đống lộn xộn đó. Anh Lý mở cửa vào nhà, sờ trán người đàn ông và chạy vào sau nhà thấm ướt chiếc khăn mặt. Anh lau khắp mặt người đó. Gương mặt tỉnh dần. Thân thể trầy trụa, đen đúa và dơ bẩn chỉ độc chiếc quần đùi. Anh lau kỹ gương mặt và trán, lấy mảnh chăn vứt trong xó nhà đắp lên người. Anh ra ngoài, cột dây kẽm cánh cửa lại và gọi cho cha người đó.
Mỗi lần lên cơn, người đó sẽ đập hết đồ đạc trong nhà. Người cha già yếu không thể chống cự thường khóa cửa và lánh đi nơi khác. Khi ngưng cơn, anh lại sốt, lành khô và tĩnh lặng. Anh Lý gọi người cha về, mua cho đứa con trai tô cháo rồi đưa tôi về nhà.
Người bệnh tâm thần cần rất nhiều sự giúp sức. Người khỏe mạnh để bắt họ đi khám bệnh. Tiền để lấy thuốc. Người đủ sức để giữ họ khi trở trời đổi tánh. Anh Lý và vợ anh chỉ làm nhiêu đó việc giúp bà con xung quanh. Vợ anh lo việc làm, ăn uống cho người bệnh. Anh đưa họ đi viện, trả tiền, lấy thuốc, hoặc đón họ về thăm nhà. Gần mười năm. Việc đi qua như cánh gió. Anh chị làm nghề buôn gạo ở phố, nuôi hai đứa con trai mới vào tiểu học. Anh Lý thương nhất vợ anh. Chị hiểu anh đến từng chút anh mong ngóng, lo lắng cho những gia đình họ nhận giúp. Anh bị đánh khi đưa họ đi viện. Anh bị cào rách tay khi cô gái được đưa lên xe cấp cứu. Anh dịu dàng rồi dăm điều ba chuyện đưa được cụ già chịu đi khám.
Có bận, tôi hỏi anh Lý làm vậy để làm gì – Anh nói thấy họ vậy thì nghĩ mình phải lo vì nhà mình còn kiếm ra tiền, còn đủ sống, dư dả. Nguyên do có vậy thôi.
o0o
Người ở Cửu Long, đôi khi làm một việc gì đó, lại vì động cơ ngoài bản thân họ. Và khi mình đặt những câu hỏi như trên, nó trở thành một sự hồ nghi kỳ quái, khiến họ cũng chẳng biết làm sao giải đáp cho thỏa lòng. Họ giống các con rạch ở xứ này, chậm rãi, rời rạc nhưng luôn biết sự hiện diện của mình cần phải có ý nghĩa với một ai đó khác, với những quan tâm chẳng liên quan gì đến sự no đủ hàng ngày. Dùng ý niệm nào gắn vô hành động của họ cũng không phù hợp. Kiểu như ta cố diễn tả họ làm điều tốt vì tôn giáo, hay cho người khác ăn là theo đạo ông bà… giải thích nhiều chỉ làm phiền đến tâm tính vậy.
Có hồi tôi gặp hai đứa bạn nhỏ hơn mình. Tụi nó đi chơi rồi chụp hình Chợ Nổi, miết rồi quen hết mấy gia đình trên chợ nổi, và chơi với đám trẻ con ở Cái Răng. Rồi hai đứa làm phim. Một phim ngắn bé tẹo mười mấy phút. Diễn viên trong phim là chính những người thương hồ trên chợ. Một người chồng lành nhưng say rượu thì đánh vợ. Một người vợ ấm ức khi chịu đòn thì uất, khi hết giận lại thương xót mà chăm sóc cả mái nhà. Và hai đứa bé con, chúng luôn sợ hãi những trận đòn, nhưng lại không đành lòng để cha ngủ ngoài trời khi xỉn, sợ cha trúng gió. Hai đứa bạn kể niềm vui của chúng là khiến anh chồng tự dưng thấy vợ thương mình, thấy con sợ mình, con len lén ngồi khóc ngoài hiên nước khi rửa rau.
Phim tụi nó làm thuê anh chị đóng, nhưng làm cái gì cũng không quan trọng bằng chuyện dần dần thấy anh bớt nhậu. Tụi nó sợ Chợ Nổi mất hồn vía, sợ người quê hư mất, sợ trẻ con ngồi khóc mà không ai thương… sợ đủ thứ… vì vậy suốt cả năm trời tụi nó tới Chợ Nổi, ghi chép, chụp ảnh, quay phim… chỉ để hiểu con sông này phải níu lại vài sợi nước ngọt lành, chứ không bung hết hi vọng cuối cùng ra đồng mặn chát. Cũng chẳng xài lý lẽ gì gán vô mà hợp cho được với nhọc công và lo nghĩ kiểu thanh niên đó.
Nhiều năm sau này, khi người chồng bệnh mất, tôi coi lại thước phim mấy nhỏ đó quay. (Giờ tụi nó là người lớn hết rồi). Một sự xao động mơ hồ tràn vào tim tôi khi tiếng hát của anh cất lên. Một thứ tiếng hát của tình yêu, trong như nước trôi, đầy và tròn như một mẩu trời gói vào mắt tôi – khi tôi được ghé thăm ghe anh chị và nghe anh hát. Tiếng hát của anh, một chợ nổi đã vơi thêm một tâm hồn, tiếng hát gói trong đoạn phim ngày đó, là khung sắc duy nhất tôi còn giữ được, như một kẻ buồn nhớ vùng đất đã cho mình đến nghe một buổi đờn ca. Một thương. Một không trở về.
o0o
Người Cửu Long sợ đồng mặn bởi lòng họ quen với nước ngọt vục xuống hớp lên miệng bất kể trưa hè chói chang. Nước mặn vào là lúa bạc đầu, xám ngoét rồi gục chết. Mặn vào là gốc sầu riêng, xoài xanh đều tái mét mặt mày, rồi lẳng lặng để lại những vườn cây hoang tàn. Sống cả trăm năm cạnh nước Cửu Long nhu lành như bờ bãi phù sa, người xứ này sợ làm đau người cạnh mình, sợ thấy xung quanh khốn lòng đói khổ, sợ cái thương không bù được cho điều dại… khi những bi kịch hiện hình ở buổi giao thời trỗi mình lên cố trở thành hiện đại.
Vài năm trước hạn hán, tôi gặp người Bến Tre ở Ba Tri, thúc thủ bất lực chẳng cách gì hiểu nổi đồng nước vì sao tàn bạo quá đỗi trong một mùa hạn chưa từng có. Đâu đó ở Kiên Giang, Bạc Liêu, kè biển vỡ tan sau vài lớp sóng, làm đau cả người lạ đứng nhìn. Nước biển lẫn vào phù sa. Cửa biển hòa với cửa sông. Tình người bất lực vì không cách gì hiểu nổi sự sống vì sao bị dòng sông chối từ, nêm nó cho mặn đắng, trắng phớ màu muối.
Rồi tới những cù lao bé xíu xiu giữa An Giang, Đồng Tháp, giữa sông Hậu mênh mông khát nữa vô cùng, vài cù lao chỉ còn là ảo ảnh trên bản đồ, là thực tế trong chuyện kể. Người ở Cồn Châu Ma kể về nửa cái cồn rụng gãy giữa sông như thời cổ tích có kỳ ảo hiện ra rồi biến mất. Không lấp đầy được. Nước sông Hậu vùi sạch. Nhưng hỏi thì ai cũng nhớ vanh vách Cồn Châu Ma là nơi ba má sinh ra, thương nhau rồi tượng hình con trẻ. Cồn là đường đi học đầu tiên, là bờ lúa soi thẳng ra mặt sông, là thịt đất phù sa ăm ắp, thơm tho mùa gặt đến. Lở sạch bong. Ký ức bám rễ lại trong người không trôi theo nước. Kể hoài. Đến mức trẻ con có đứa vài tuổi cũng nhớ giữa sông Hậu, quãng ngã ba này, xưa là Cồn Châu Ma.
Người chèo đò lắc đầu không lấy tiền của mấy đứa trẻ cù lao lên bờ đi học. Nhà tụi nó được tái định cư khi cồn dông thẳng xuống nước. Người thương lái bán hàng ở chợ hung hãn om sòm, mỗi ngày đều để ra dư dật những bông bắp cải, bó mồng tơi, thảy vào giỏ người đàn bà chủ nhà đang nuôi bốn năm đứa bé mồ côi bà đưa về nhà. Làm thương buôn không quá lòng nuôi được ai, bà góp bữa ăn đó cho những kẻ đói cần hơn mình.
Người thầy giỏi tiếng Pháp, tiếng Anh, đi tứ xứ phương trời rồi quay về xã, làm một cái xe cấp cứu đưa bà con đi trong ngày ốm chẳng lành. Bao nhiêu cái cù lao đã mải mốt lở hết từng hốc đất, chuyện còn nhớ được là hôm tai họa tới, cả xóm này ai mất nhà đều được người xóm trong cho qua ở nhờ, đợi lo xong chuyện buồn mà lợp lại mái lá làm chỗ ra vào – khi đã mất cả đất tổ tiên mấy đời để lại. Miếng đất to như giọt máu. Người mất đất vì lở cù lao như gặp cơn ác bệnh, nhiều khi đứng đó khóc ròng ròng không kìm được cơn nghẹn.
Những kẻ đi phượt, vì cái phẳng băng của đồng bằng, thường không cố gắng hiểu Cửu Long như người bạn hữu. Nó nhàm chán, thẳng đuột, vô vị, hay nhạt phèo vì chẳng lắp vừa một bức ảnh selfie hay phong cảnh lộng lẫy. Cũng chẳng có gì để là hùng vĩ hơn ai, oai hùng hơn ai.
Cửu Long là hạ nguồn của Mekong, cái đuôi của con sông dài thứ bảy thế giới. Vùng đất này kỳ diệu bởi tim người. Họ khác nhau trên từng sinh cảnh. Họ lại giống nhau bởi những thân ái không thể ngờ. Họ thẳng đuột, thành thật trong từng cách lý giải xung quanh, lý giải tình thương hay một bi kịch sống còn. Họ không gán lên tim ai một hồ nghi ngọt nhạt và chẳng cố vẽ màu thêm cho lộn xộn tâm tình.
Họ lặn sâu xuống dòng sông Hậu mát lành, cười như lúa sớm, vất vả giữa ngày nước không lên, cá chẳng về. Họ thương là thương. Ghét là ghét thiệt. Họ đưa tay để không ai ngã xuống đường cùng… hay đó là cách hiểu khi người phải luôn ngấp nghé sống cạnh bờ nước chảy muôn đời?

Có một bận tôi về làng hoa ở Sa Đéc – vợ anh chủ nhà chuẩn bị nệm giường cho khách trắng phau – rồi quày quả bày hàng dãy chậu hoa sắp mở nụ ra trước thềm nắng. Chị nói, hoa để vầy sớm ngủ dậy mình thấy vui hơn.

Từ dạo đó, tôi xúc động thật nhiều mỗi lần về Cửu Long, về nơi người ta thương lo cho kẻ khác cạnh mình. Tôi chẳng bao giờ tìm cách hỏi vì sao họ làm vậy nữa.

Khải Đơn
(Bài cũ, từ tập sách “Mekong – Phù sa Phiêu Bạt )

h1

h2                                                                      tác giả Khải Đơn và Luong Minh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác