CÂU CHUYỆN ‘RỒNG ĐÁ’
Tôi vừa nhận được thông tin nhà văn Vũ Ngọc Tiến qua đời rất đột ngột. Ông sinh năm 1946 mất 19/6/2024 thọ 76 tuổi. Ông là một trong hai tác giả tập truyện ngắn “Rồng Đá” nổi tiếng được nhiều người đọc biết đến!
Chuyện ông ra đi khá cảm động. Theo bài viết trên trang một nhà văn Ý gốc Việt tôi đọc kể lại, ông Tiến có hẹn vợ chồng Trương Văn Dân – Elena cà phê sáng qua 19/6. Khi cả hai đang trên đường đến điểm hẹn thì nghe tin báo ông Tiến đã mất đột ngột lúc đang trong tâm lý chuẩn bị đi đón bạn! Thật cảm động và thương xót. Cuộc sống thật vô thường.
Nhưng kiếp sống vẫn ngắn ngủi so với những tác phẩm của nhà văn nếu họ để lại những trang viết giá trị.
***
Tôi không quen biết nhà văn Vũ Ngọc Tiến và cũng chưa có dịp đọc ông tác phẩm nào. Nhưng tôi khó quên ông vì một sự việc mà tôi nghĩ có tính lịch sử trong một giai đoạn văn nghệ.
Năm 2022, khi tôi được kết nạp Hội Nhà Văn Việt Nam theo lời mời của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã gây sóng gió dữ dội vì bài thơ “Lỗ Thủng Lịch Sử” viết từ 19 năm trước (2003). Và ông Vũ Ngọc Tiến cũng được kết nạp Hội Nhà Văn VN đợt đó rất suôn sẻ, ngon lành cành đào.
Nhưng điều bất ngờ khó hình dung là bỗng nhiên ông lại… từ chối xin Hội Nhà Văn VN đừng kết nạp ông nữa, để từ bỏ hội hè tự do đi về (!?). Vậy tại sao có sự việc này?
Sau đó người đọc tò mò tìm hiểu qua những công bố trên báo chí mới hay, thì ra nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà Văn VN lục trong chồng đơn xin vào Hội Nhà Văn VN – có thể rất cao và dày, tìm thấy đơn của ông Tiến viết và gửi từ… 30 năm trước!
Hôm qua, tôi đọc bài viết anh Thiều tiễn biệt ông Tiến nhắc một số kỷ niệm của hai người anh cũng thuật lại “trung thực” câu chuyện lá đơn “30 năm xin vào Hội Nhà Văn VN” và đến 2022 đơn mới được xét” và “được kết nạp”! Thật là khủng khiếp!
Thành thử cái sự cố Hội Nhà Văn VN năm 2022 đó tôi bị sóng gió vì bài thơ “Lỗ Thủng Lịch Sử” viết từ 19 năm trước, còn ông Tiến thì 30 năm gửi đơn mới được kết nạp! Đúng là tấn trò đời!
Vậy tại sao ông Tiến được hết nạp rồi thì lại tức thì nghĩ ngay đến việc từ chối? Trong sâu xa tôi nghĩ có nhiều nhẽ nhưng căn nhắc thì nhẽ này hơn cả. Đó là thời trẻ ông nghĩ phải kết nạp Hội mới là nhà văn. Nhưng rồi khi ông không được kết nạp nhận ra mình càng thích viết và viết hay hơn. Quên bén luôn vụ đơn xin xét. Vì nếu ông nhớ có lẽ lòng tự trọng lên xin rút lại rồi!
Để khi được hết nạp, có thẻ Hội viên Nhà Văn VN đường đường chính chính lại là lúc ông chột dạ nhất! Nếu chấp nhận cái thẻ ấy hóa ra từ trước 50 đến giờ hòm hèm gần 80 tuổi rồi mình viết không phải với tư cách là nhà văn hay sao?
Mà năm đó còn xảy ra nhiều chuyện quái lạ chưa từng thấy trong lịch sử văn học và Hội Nhà Văn VN. Bài thơ “Lỗ Thủng Lịch Sử” còn bị quy kết là phản động, mất tư cách đạo đức khi có nhiều đoạn tác giả huyền ảo hay siêu thực khi tưởng tượng ngủ với cô này em kia! Rồi một cô viết đơn đâm kiện ra Quốc hội VN vì “giấc mơ ngủ” ấy có tên mình (!?).
Quái hơn nữa, và không thể tưởng tượng được cho dù chỉ xảy ra trong tác phẩm hư cấu đó là giữa lúc đang chia phe cãi nhau lên án đòi đưa tác giả bài thơ “Lỗ Thủng Lịch Sử” ra tòa hay bỏ tù vì sự vô đạo đức, sàm sỡ của một giấc mơ “ngủ với nhiều người đẹp” thì lại có đơn tố giác kiện lên Ban chấp hành Hội Nhà Văn VN lôi ra một ông nội “ngủ thật”, “ngủ tóe lòe loe”, “ngủ đi bệnh viện giải quyết” đàng hoàng lại đang chễm chệ chiếm một ghế Ban chấp hành, là Phó Tổng biên tập một tờ báo Văn chương (!). Than ôi, “văn học là nhân học”. Bung bét một sự việc kinh động nhân tâm cũng là hệ quả từ hơn mấy chục năm trước. Kết quả là ông này bị kỷ luật mất chức!
Văn chương và cuộc đời huyền ảo nhòe lẫn vào nhau không thể tách bạch. Những chuyện như vậy không gọi là “Lỗ Thủng Lịch Sử” thì nên gọi bằng gì!?
***
Rồi theo thời gian sẽ khép lại tất cả! Còn con Rồng đá!
Con rồng người đời thường nhầm tưởng là đá đó có thể là ngọc.
Là ước mơ một đời kiếm tìm, khổ nạn một đời tuẫn tiết trên chữ của Nhà văn.
Vài dòng kính tiễn ông, nhà văn Vũ Ngọc Tiến, “Rồng Đá”!
Ngày mai tôi sẽ tìm đọc tác phẩm của ông để hiểu thêm Đá và Ngọc của thời chúng ta đang sống!
NGUYÊN HỮU HỒNG MINH