MỘT CHUYẾN MIỀN TÂY. (bài 1)
Trong một chuyến du hành Miền Tây Nam Bộ một tuần lễ đi từ Đông sang Tây, xuống Nam, vòng lại Đông, rồi từ Nam lên Bắc, trở lại Tây, vòng sang Đông về Vũng Tàu, tham quan gần hết 13 tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long theo “Trại Sáng Tác Bay” do Hội VH-NT tỉnh BR-VT tổ chức, Lê Thiên Minh Khoa ghi lại một số hình ảnh về cuộc du hành sáng tác thú vị nầy và mượn tùy bút của nhà thơ Trịnh Sơn – người đi cùng đoàn, ngủ cùng phòng, ăn cùng mâm, cà phê cùng góc… làm lời “phi lộ”.
- NGÀY ĐẦU TIÊN: Long An – Tiền Giang- Đồng Tháp – An Giang.
Hẹn lần lữa hơn nửa năm trời, cuối cùng chúng tôi cũng thực hiện được niềm mong muốn giản dị ấp ủ đã lâu: Thăm Miền Tây sông nước. Xe lăn bánh lúc 6h sáng. Đoàn văn nghệ sĩ già có trẻ có, nam có nữ có, hào hứng với câu dẫn chuyện của anh chàng hướng dẫn viên du lịch: – Chỉ đêm nay thôi, chúng ta đã có thể khám phá một chút Cửu Long rồi!
Có người quê Miền Tây, có người sống nhiều ở Miền Tây. Cũng có người chưa hề biết Miền Tây ra sao. Tâm trạng phủ đắp lên nhau trên chuyến xe chật chội 20 người và hành lý. Tôi khều tay nhà thơ Hoàng Quý hỏi:
– Điểm đến đầu tiên là đâu hả chú?
– Rạch Gầm – Xoài Mút.
Minh Khoa ở tượng đài Xoài Mút
Chỉ 4 tiếng gọn lỏn ấy thôi mà hàm đựng biết bao trang sử oai thiêng. Tượng đài người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ vung kiếm đâm vào trời hiện ra trước mặt. Không ai bảo ai, chúng tôi cùng đứng lặng im dưới bóng người xưa, tưởng niệm về Chiến công Quang Trung đại thắng 5 vạn quân Xiêm năm nào. Ai cũng muốn chụp một tấm ảnh kỷ niệm dưới chân huyền thoại. Lấn át tâm hồn tôi lúc đó, là câu hỏi, đến bao giờ dân tộc Việt Nam lại có thêm một người anh hùng quả cảm, thao lược vẹn toàn, đánh tan bè lũ xâm lược, mở mang bờ cõi như Nguyễn Huệ? Hiện tại, sử sách vẫn còn nhiều mảng mờ về cuộc đời người anh hùng này, lý do vì sao thì ai cũng rõ. Sau khi giành lại ngôi báu, Nguyễn Ánh đã thẳng tay tàn sát trả hận và phá hủy sạch sẽ mọi công trình, tài liệu có liên quan đến Tây Sơn. Thời thế luận anh hùng! Đến bây giờ, ai tội ai công trong lòng thế hệ sau có những phân định khác nhau, nhưng, tấm gương người anh hùng đánh giặc giữ nước mang tên Nguyễn Huệ thì không ai chối cãi được. Và, chuyện Nguyễn Ánh cõng rắn cắn gà nhà mấy bận, cũng không ai quên bẵng đi được.
Với nhà thơ Trịnh Sơn ở Miểu Bà Chúa Xứ- Châu Đốc.
Rời Tiền Giang, xe chầm chậm qua Mỹ Thuận, rẽ hướng Châu Đốc. Thỉnh thoảng một khúc nhà cửa, còn hầu như hai bên đường là ruộng đồng xanh ào ạt. Trên tấm thảm lúa, dưới ánh mặt trời chói chang mùa hè, màu xanh như bay lên cao hơn sắc màu thực có của nó. Nhà thơ Lê Huy Mậu nhắc người nghệ sĩ nhiếp ảnh:
– Sao không ghi lại hình ảnh những ngọn nến thắp đồng kia?!
– Nến đâu?
– Ấy, bầy cò trắng kiễng chân trên nền xanh, có khác gì những ngọn bạch lạp soi giữa đêm?
Người nghệ sĩ luôn nhạy cảm với bốn bề cảnh vật xung quanh mình. Dù lướt qua nhanh nhanh hay dừng lại lâu lâu. Đôi mắt của anh găm niềm tâm cảm sẵn có vào hồng tâm thiên nhiên. Sáng tạo – phải chăng bắt đầu từ những vụn nhìn ngắm và chắt nhặt?
Tháng 7. Tôi thấy nhiều người dân đang cần mẫn tu bổ lại cột, sàn nhà mình. Chờ mùa nước nổi, chờ lũ về. Những cột nhà nho nhỏ mọc từ ruộng từ vũng lên, gánh gồng mảnh nhà sàn bám vào mặt đường. Những cây cột hình vuông để cho rắn không bám quấn lên được. So với chuyến đi mấy năm trước, tôi có cảm giác Miền Tây đang hẹp dần ruộng đồng, nhà cửa nhiều hơn, cầu bê tông đông hơn, tự nhiên thèm lạt một dáng nhỏ em gái bà ba đơn sơ cắp cặp lắc lư qua cầu khỉ. Đất nước trở mình theo con sóng kinh tế mở, rồi mốt mai bao nhiêu phù sa chín nhánh Miền Tây còn ở lại với đồng?
Hoàng hôn thảnh thơi về trên ngọn Thất Sơn. Nghĩ mà lạ, cả vùng chiêm trũng đột ngột để lại một dãy núi ngang tàng. Hỏi nhà thơ Trịnh Bửu Hoài, ông nhẹ nhàng:
– Đất và người Miền Tây là vậy đó!
Nơi chúng tôi đang ngồi đây, cách biên giới Việt Nam – Campuchia đúng 1800m đường chim bay. Đêm Châu Đốc rộn ràng mắm, rộn ràng người. Tràn đầy những mâm với thúng. Trước cửa Miếu Bà Chúa Xứ, có một chị da ngâm ngâm chạy theo hỏi tôi:
– Có vào viếng Bà không? Mua heo quay làm lễ giúp chị nè.
Thấy tôi im lặng, chị tiếp:
– Không đủ tiền mua, thì chị cho thuê. Viếng Bà xong trả lại. Giá cả tính theo giờ.
Trời ạ! Thần thánh đã bị đem ra ngã giá, kinh doanh đến nông nổi vậy sao? Tôi trở về phòng nghỉ lúc 2h sáng. Chợ mắm Châu Đốc chiều nay, còn in vào tôi nhiều đôi mắt tròn đen của những em bé Khơme bán vé số áo rách lây lất giữa mảnh đất thừa mứa phù sa cá mắm của mình.
- NGÀY THỨ HAI: An Giang – Kiên Giang – Rạch Giá.
Tịnh Biên nằm ở phía tây của Núi Cấm. Vào các dịp lễ hội, chợ biên giới đón một lượng khách du lịch ghé lại mua sắm các mặt hàng miễn thuế giá rẻ rất lớn. Khoảng thời gian này, chợ tương đối vắng khách. Nhưng các mặt hàng bày bán trong chợ vẫn cao ngất và đầy đủ. Từ các rổ bò cạp, tắc kè tươi khô đủ loại, các loại nông sản mà đặc trưng nhất là thốt nốt, cho đến quần áo, chiếu tre, các mặt hàng mỹ phẩm của Thái, Cam, nhiều nhất là hàng điện máy, đồ chơi trẻ em của Tàu. Trước khi đoàn vào chợ, anh hướng dẫn viên du lịch đã nhắc nhở:
– Hàng giá rẻ, nhưng “thượng vàng hạ cám”, người bán nói thách gấp 2-3 lần. Chúng ta phải xem hàng kỹ lưỡng và trả giá. Đừng vội ham rẻ mà mất tiền mua một “món tức” lên xe nhé!
Tôi tủm tỉm cười, ngồi quán cóc bên hông chợ chờ xem các nhà văn, nhà thơ của chúng ta mua – bán thế nào. Có rất nhiều anh, chị, em quẩy đồ la mọc mời. Tôi cầm thử một cái kính mát. Ghi nhãn Ray Bang nổi tiếng.
– Hàng tốt đó em! Không thuế nên chỉ có 200 ngàn.
– Trời ạ. Tốt đâu mà tốt. Hàng này Sài Gòn đầy. Của Trung Quốc. Cân ký bán ở Chợ Lớn.
– Thôi mà em. Trả giá rồi mua giúp chị đi.
– 15 ngàn nhé!
– Trả thêm đi em. Lỗ vốn chị.
Cứ theo kiểu kèo nài thế này, tôi biết, cái kính mát đã không còn là kính mát nữa rồi. Chị ta đồng ý.
Khoảng 1 tiếng đồng hồ, cả đoàn hăm hở tay xách nách mang lên xe. Cùng một mặt hàng nhưng mỗi người mua mỗi giá. Buồn cười nhất là cái đồng hồ Rolex của nhà thơ kia mua 180 ngàn, mới cáu cạnh, gõ đá vào mặt kiếng không vỡ, thử thì chạy tốt, nếu mua hàng chính hãng phải vài triệu, nhưng vừa lên xe, không hiểu do mừng quá hay sao mà làm rơi xuống ghế, sút cả bộ máy bên trong ra. Dây cót, vòng quay, bánh xe – toàn đồ mủ cả.
Ai đó nói lớn cho cả đoàn nghe:
– Chỉ có thốt nốt là hàng thật và giá rẻ!
***
Tạm biệt sông Châu Đốc, chúng tôi theo con lộ nhỏ chạy dọc kênh Vĩnh Tế đi Hà Tiên. Con kênh đào thẳng tắp, khởi công từ tháng Chạp 1819 dưới triều Gia Long, trải qua nhiều giai đoạn trong suốt 5 năm mới hoàn thành dưới triều Minh Mạng. Cứ nhìn tầm vóc con kênh mà ngẫm nghĩ tới cái tâm cái trí của người xưa. Bao nhiêu mồ hôi nước mắt đổ xuống đất này, để tạo nên một công trình thông thương, phát triển cả vùng biên giới, vừa là để giữ yên biên cương lãnh thổ. Tương truyền, thời ấy làm gì có thước có mốc để đo cho thẳng, người xưa khôn ngoan chọn ban đêm thắp đuốc làm mốc, nhân công cứ việc nhắm hướng có ánh sáng phát hiệu mà đào.
Thấp thoáng bên kia biên giới, những nóc nhà Khơme ươm khói bên sườn đồi. Cảnh chiều xuống tuyệt diệu như tranh Lêvitan. Nhà thơ Lê Huy Mậu bất thần đọc:
Sông Cửu Long xòe chín nhánh phù sa
Mở khoáng đạt một vùng châu thổ
Tháng 7
Miền Tây
Xoài ửng má
Ngút màu xanh lúa trải tận chân trời
Có điều chi bâng khuâng quá người ơi!
Xe chạy tới lòng mình thì nhớ ngược
Thương quê nghèo đồng cằn ruộng chật
Hạt thóc thành dằm nhặm giữa giấc mơ
Đây phì nhiêu hoa trái bốn mùa
Đây đồng bằng kinh rạch dày tơ nhện
Đất phồn thực sinh nguời phóng khoáng
Tiếng đờn ca cũng tài tử, giang hồ
Miền Tây Miền Tây! Những đứa con Miền Đông đất đỏ đang sững người trước vạm vỡ khoáng đạt vựa lúa lớn nhất đất nước.
Tùy bút: TRỊNH SƠN. Ảnh: LÊ THIÊN MINH KHOA
H3 Với nhà thơ Hoàng Quí ở Miểu Bà Chúa Xứ – Châu Đốc.
h4 Nhà thơ Hoàng Quí & Trịnh Sơn ở Miểu Bà Chúa Xứ – Châu Đốc.
h6 Với nhà thơ Hoàng Quí trước cổng Chùa Tam Bảo – Hà Tiên.
h7 Qua bắc Vàm Cống.
h10