SINH RA ĐỂ VIẾT

Ngày đăng: 6/12/2023 09:36:38 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Câu cuối cùng tôi chào tạm biệt nữ nhà văn Tạ Lăng Khiết: YOUR LIFE BORN TO WRITE! IT’S YOUR DESTINY, cô mỉm cười vui vẻ, yes I like write, write and write.

nhà văn Tạ Lăng Khiết và Lê Ngọc Hân

Buổi sáng tràn ngập cảm xúc khi được lắng nghe, trò chuyện cùng nhà văn Tạ Lăng Khiết về tác phẩm Song Nguy Thuyền. Vừa kết thúc chương trình tôi chạy ù ngay đến gặp thầy Nhật Chiêu để khoe với thầy về tác phẩm tuyệt vời này. Cô Bích Ngân sau khi lướt nhanh vài trang tiểu thuyết đã nhận xét rằng cô cảm thấy tương tự tác phẩm của Nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Orhan Pamuk (Giải Nobel Văn chương 2006). Một tác phẩm mang tầm vóc tư tưởng của nhân loại về phản chiến xoay quanh trăn trở: “Chiến tranh có mang lại hoà bình hay không?” với kết cấu hậu hiện đại. Giở đọc lướt qua Song Nguy Thuyền tôi không có cảm giác văn hoá Trung Quốc và đậm đặc cá tính phương Tây và toàn cầu hoá, không có rào cản biên giới đặc trưng của quốc gia nào cả dù tác giả là người gốc Hoa, viết bằng chữ Trung Quốc và khởi nguồn cảm xúc từ câu chuyện của người lính Mỹ chịu đựng hậu quả ám ảnh tinh thần sau chiến tranh Việt Nam.

Tạ Lăng Khiết trong buổi giao lưu ra mắt sách

Vì sao tôi ngưỡng mộ và nói với nhà văn Tạ Lăng Khiết định mệnh đời cô là viết văn? Bởi trong buổi chuyện trò, từng lời nói từng ánh mắt cử chỉ của cô toát ra sự đam mê, say sưa với nghiệp viết. 10 năm làm việc ở ngành tài chính ngân hàng, nơi có rất nhiều tiền, vàng, thứ mà đa số nhân loại mê say mà cô lại cảm thấy chán ngán tới mức chỉ muốn thoát ra khỏi nơi đó. Dù rất nhiều người thuyết phục, khuyên bảo, cô vẫn khao khát được viết hơn là làm những công việc tài chính nhàm chán. Rời khỏi công việc cũ, cô dành toàn tâm toàn ý, thời gian, công sức để sáng tác. Tiểu thuyết Song Nguy Thuyền cô đầu tư 10 năm dài tìm tòi tư liệu, 4 năm viết sáng tác hoàn thành tác phẩm. Ngày qua ngày cô đến đọc tư liệu ở các thư viện, bảo tàng,… lang thang gặp gỡ những nhân chứng sống để trò chuyện các câu chuyện đời thực họ đã trải qua. Đọc, tìm tòi, khám phá đến chân tơ kẽ tóc từng chi tiết lịch sử, nỗ lực tiếp cận và đào bới tư liệu … cô đi tìm câu trả lời cho nhân loại về sự sống trên cõi đời.

Chương 9, trang 445, Vở kịch Bài ca cá voi xanh, vở kịch rất thú vị và sáng tạo với nhiều nhân vật của biển cả: gia tộc hải quỳ, gia tộc sứa (sứa mặt trăng, sứa mũ hoa, sứa bờm sư tử…), gia tộc san hô, tộc cá, các loài tảo đối thoại cùng con người và các vị thần, người cá, người bạch tuột…đoạn cuối vở kịch tôi đọc tới đọc lui mấy lần câu thoại

San hô lửa: Không phải chúng ta tìm cá voi xanh là để hỏi ý kiến của ông ấy sao?

Cá mù: Chính là chúng ta muốn hỏi ông ấy rằng, liệu ông ấy có thể đứng ra để bảo vệ sự công bằng cho chúng ta hay không.

Sứa cỏ trời: Đúng vậy, chúng ta cần cá voi xanh bảo vệ lẽ công bằng!………

Lão tướng quân: Không thấy cá voi xanh nữa rồi!

Người gác chòi: Đúng vậy, mọi người đến muộn mất rồi.……….

Khi bạn hy vọng sẽ tìm được người cứu giúp và bảo vệ… nhưng cuối cùng chẳng tìm được. Chúng ta sẽ là gì đây? Tự cứu chính bản thân chúng ta chăng?

Vở kịch hạ màn kết thúc, mỗi người sẽ tự chiêm nghiệm và tìm ra câu trả lời của riêng bản thân.

Nhà văn Tạ Lăng Khiết nói với tôi rằng tác phẩm của cô có nhiều chi tiết về đạo Kito (Thiên Chúa giáo), do đó, người Việt Nam đọc và tiếp cận dễ hiểu hơn người Trung Quốc bởi đạo Kito phổ biến ở đây.

Sau khi đến Việt Nam rất nhiều lần, cô Tạ Lăng Khiết ấn tượng với Sài Gòn (Tây cống), cô chia sẻ việc chuẩn bị viết cuốn sách về Sài Gòn, hỏi lý do thì cô cho biết cô cảm thấy Sài Gòn có sự hoà trộn nhiều nền văn hoá và còn lưu giữ dấn ấn thời thuộc địa.

Kết thúc bài viết là sự ngưỡng mộ Chibooks đã dũng cảm đầu tư in cuốn sách góp phần phong phú thị trường văn học dịch, giúp độc giả Việt Nam có cơ hội gặp gỡ các tác phẩm văn chương giá trị của thế giới.

06.12.2023

LÊ NGỌC HÂN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác