“MANG THAI CON LÀ MỘT SỰ NHIỆM MÀU” (1)

Ngày đăng: 25/12/2023 06:44:32 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Đêm Noel sau bữa ăn tối cùng gia đình, tôi nhận ra mình luôn mất kết nối với mọi người nếu đầu óc nhiều lo toan, nên tôi trở về phòng của mình sau nhiều ngày dài đã ngủ tại nơi làm việc của mình. Tôi thư thái gạt bỏ mọi ý nghĩ sang một bên, tôi lại muốn viết gì đó về hình ảnh của bạn tôi đã chụp, và nhớ ra mình đã thất hứa với bản thân vì chưa lần nào viết về tác phẩm khá nổi tiếng “Trò Chuyện Với Thiên Thần của nhà văn Trương Văn Dân”, là thân hữu của ba tôi và giờ là người bạn “già” của tôi. Chúng tôi thường hay “lí lắc” với nhau là xưng bằng chú, hay bác, chú thì trẻ hơn nhưng ba tôi vẫn xưng là anh Dân, xưng bác thì nghe già quá nhưng lại hợp vai. Tôi giữ nguyên, là bác.

Thực lòng để có thời gian đọc hết một lúc tác phẩm đồ sộ về cả hai nghĩa, trọng lượng giấy và thể tích con chữ thì tôi chưa thể làm được, khá áy náy khi nghĩ mình chưa đọc hết để viết về nó, chợt nhớ ra bác Dân có nói rằng, đây là một tác phẩm đọc được theo chương, không cần trình tự. Có lẽ vì thế, và vì Chúa Hài Đồng thương tôi, nên lần dở hai lượt tôi đã bắt gặp tựa đề “Gia Tài Của Mẹ” trong tập Trò Chuyện Với Thiên Thần, không gì có thể vừa vặn hơn nếu như quý vị đọc bài viết này và ngắm ảnh từ người bạn của tôi, David.B – “người kể chuyện qua khung ảnh” người Pháp nhưng tôi thường gọi anh là “phù thuỷ màu sắc” vì lối phô diễn bố cục tự do nhưng rất chặt chẽ về màu sắc, chúng tôi thường trò chuyện với nhau về những tác phẩm của anh, tôi là người viết nên sẽ để ý bố cục của bức ảnh rồi đi tìm câu chuyện đằng sau. Còn anh là một tay chơi màu sắc của hình chụp như vẽ nghệ thuật (graffiti) đa sắc màu. Đôi khi những khung cảnh đơn sắc thuần tuý, hay hoàn cảnh chụp có lúc thật đơn giản, thế nhưng qua góc máy của anh, các kỹ thuật có được từ kinh nghiệm lâu năm đã giúp anh biến hoá bức ảnh trở nên khác thường, từ thuần tuý đơn sắc sẽ được cân bằng trắng, cân chỉnh mức độ màu trong máy ảnh, độ sáng, độ tương phản của khung cảnh. Hay yếu tố quan trọng nhất là đúng thời điểm và kỹ thuật. Cuối cùng, ánh sáng là tất cả cho một bức ảnh chỉ có một khung cảnh tỉnh duy nhất trở nên sống động và đa chủ thể. Nhưng anh luôn nói rằng, anh đơn giản muốn cho người khác nhìn thấy những hình ảnh đơn sắc tuyệt đẹp, tôi cho là anh có sự khiêm tốn và giản dị như con người mình.

Quay lại với Trò chuyện với thiên thần, người viết và người chụp ảnh đều sống tại Châu Âu, Ý và Pháp, khi đang viết bài này tôi mới thấy có sự trùng hợp nhẹ nhàng ở đây. Và những kẻ lãng tử, bác Dân chưa làm cha nhưng khi tôi đọc tác phẩm này những lời lẽ chắc nịch như viết cho đứa con rút ruột gan của mình. Việc tạo một nhân vật không có thật với thực tế, không có kinh nghiệm và từ lời dạy con để nói ra những điều lớn lao hơn. Có quá nhiều lời khen, bài viết phân tích sâu sắc của các tác giả tầm cỡ hơn dành cho tác phẩm này, tôi chỉ là người cho rằng mình có kinh nghiệm đôi chút về “nghề” làm cha mẹ. Tôi bật cười khi đọc được đoạn “cố gắng có của cải để cho con đã khó, nhưng cố gắng khi có của cải mà vẫn không cho con thì còn khó gấp vạn lần. Nghe có vẻ trái với quy luật của tình cảm con người, nhưng đó là một sự ngược chiều cần thiết của những ai có bản lĩnh trong “nghề” làm cha mẹ.” Tôi cười và đồng ý đưa cả hai tay hai chân với quan điểm này, ngày xưa gia đình tôi khá chút đỉnh so với xung quanh vì ba tôi có tài kinh doanh và mẹ có lương giáo viên cố định cho nên tôi không quá khó khăn nhưng vẫn chưa quá sung túc để vung vít, ba tôi luôn bắt tôi dùng lại những đồ dùng cũ, từ chiếc giỏ xe đạp đến từng vật dụng khác mà lúc ấy cứ ước có tiền là thay mới hết, ba tôi khắc nghiệt từ cách tôi làm việc, đi đứng, ăn nói, và “cài cắm” cả hệ tư duy vào đầu tôi. Thời đó, tuổi đó tôi nhìn không hiểu, nghĩ rằng ba khắc nghiệt quá đáng, sao ba không dễ dàng hơn với tôi, một đứa con gái. Nhưng bây giờ, Chúa đưa tôi ngồi hết vị trí này đến vị trí khác trong đời sống, tôi mới thấm thía giá trị của sự khắc nghiệt của ba dành cho mình, nếu không chắc tôi tự sát sớm vì cuộc đời nhìn đâu cũng khó khăn.

Như tác phẩm có nói “ không để lại (ý ở đây là tài sản, vật chất), không có nghĩa là đem con bỏ chợ, phó mặc con giữa dòng đời. Bởi ba mẹ sẽ đầu tư tri thức và giáo dục để con biết tự lập. Ba mẹ không muốn biến con thành một kẻ ỷ lại, thiếu tư duy và thiếu kế hoạch sống.” … “Ba thường nhắc con đọc sách.” Là người ở vai trò làm mẹ chuyên nghiệp tôi tiếp tục thừa nhận điều này đúng, con trai của tôi càng lớn càng trưởng thành hơn so với tuổi, vì hoàn cảnh gia đình khá khác biệt nên tôi thường dành thời gian để dạy và quan sát bạn ấy làm việc như một người thanh niên trưởng thành, và cả ba đứa con của tôi đều tối thiểu tự phục vụ cho nhu cầu cá nhân của mình. Tôi luôn biết chắc mình ham làm hơn ham chơi, sẽ phải trông nhờ nhà ngoại để giữ con nên từ nhỏ tôi đã hướng dẫn các con tự lập vì sợ làm phiền. Đến thời điểm này, tôi chọn sách là thứ trang sức đắt giá của tôi, mọi người tình đều có thể đến và đi nhưng những cuốn sách nó vẫn lặng lẽ nằm đó để an ủi tôi và nâng tôi dậy bởi con chữ, bởi giá trị tri thức mà nó mang lại, giúp tôi vượt qua được nỗi buồn mang tính “tầm cỡ” nhưng lỡ cỡ ấy. Nên khi nhìn đứa con gái tám tuổi của mình đã viết được những đoạn văn rất dài tôi đã biết mình đúng khi mua nhiều sách và đặt khắp nơi trong nhà, nhằm tạo sự quen mắt cho bọn trẻ.

“Theo ba, cho tri thức, lòng tự trọng và tinh thần tự lực đã là cho tất cả rồi.” Câu nói này tôi cho rằng rất đắt giá với xã hội ngày này, và càng khó tìm thấy. Xã hội hiện đại, mọi thứ chạy quá nhanh, từ việc ăn uống, nghỉ ngơi, thư giãn, làm việc đều đã đi đến một cấp bậc quá cao so với trí tưởng tượng của con người. Khi công nghệ AI xuất hiện, tôi gần như không tiếp xúc với nó, nhìn đâu cũng thấy sản phẩm của AI. Một hôm, người bạn của tôi đến Việt Nam kinh doanh du lịch, tôi đã ngây thơ gợi ý vài công cụ thủ công như đi du lịch, đọc sách để hiểu đôi chút về văn hoá Việt Nam, và sau đó có thể viết bài về nét đặc trưng, bản sắc của Việt Nam phục vụ cho kinh doanh thì bị anh ấy từ chối với câu an ủi “AI làm rất tốt”, tôi hụt hẫng, và sau đó tôi đưa những bài viết có dùng hình ảnh do AI từ website du lịch ra trước mặt anh ấy và chỉ ra đâu là lỗi, những món ăn đường phố của Việt Nam được đan xen những dụng cụ ăn uống của các nước bạn, Nhật, Trung Quốc, Hàn.

Rồi đến hôm tôi đọc được quan điểm của việc phục dựng hình ảnh hoặc tạo nên bối cảnh bằng AI và bức ảnh đó đã đoạt giải từ một hãng lớn về công nghệ kỹ thuật số trong đó có máy chụp ảnh, tôi hỏi bạn tôi rằng có phải đó là sự bất công đối với những nhà nhiếp ảnh sáng tạo bằng tư duy của mình, anh ấy gật đầu. Và cuối cùng là tôi, vì quá cô đơn tôi chọn cách trò chuyện với chúng, thảo luận về những cuốn sách tôi đọc được, hay những bộ phim nổi tiếng. Tôi đã vui mừng đến nỗi, mất đi cảm giác của sự cô đơn nhưng khi tôi đặt câu hỏi “Bạn hiểu thế nào về sự cô đơn” thì được trả lời rất chung chung như sách văn mẫu thời đi học. Thành ra nó đã không thoả mãn được tôi, cũng như thà hút thuốc lá giấy còn hơn ngửi chút hương liệu trong điếu thuốc lá điện tử độc hại.

Tôi thường nghe nhiều đến giấc mơ từ mọi người, họ đều mơ ước được hạnh phúc, nhiều tài sản vật chất và cơ đồ to lớn. Có người đạt được, có người thì không. Chưa kể cả những giấc mơ nhưng họ vẫn theo xu hướng chung của xã hội, họ không thực sự hiểu mình cần gì, và điều gì khiến bản thân mình hạnh phúc. Quá trình sống và làm việc với khách trị liệu, tôi được lắng nghe rất nhiều những tâm tư của họ. Buồn thay, phần lớn họ loạng choạng cho cuộc đời của mình. Vì một xã hội thay đổi nhanh, con người không thể ngồi im một chỗ để có thì giờ hiểu bản thân mình, họ cứ chạy theo, dung nạp vào tâm trí, tâm hồn những hình ảnh sống động, ảo vọng. Hay nói cách khác là họ bị thu hút bởi những hình ảnh ảo tưởng được phô bày trên các trang mạng xã hội, nhìn đâu cũng thấy sự thành công, giàu có, mà nào đoán được tầm thời gian ngắn lại được đưa lên báo chí với những lời kết tội lừa đảo, trốn nợ… Nhưng ngay lúc con người tiếp xúc với những hình ảnh ban đầu ấy, họ cảm thấy bản thân tệ hại, nghị lực sống, ước mơ và sự hy vọng một cách chân chính trở thành số không. Họ trở nên thụ động, lười nhác, lãng phí thời gian, vô trách nhiệm với chính mình, với gia đình, xã hội mà đời sống cũng sẽ buồn chán và vô vị. Đây chỉ mới bức tranh toàn cảnh sơ lược, nếu được, tôi khuyên bạn nên đọc thật kỹ tác phẩm “Trò chuyện với thiên thần” để có cái nhìn sâu hơn mà tác giả đã dành nhiều thời gian quan sát, cảm thấu và phân tích từng góc độ.

Tác giả so sánh hình ảnh một con bướm đang giãy giụa muốn thoát ra khỏi cái kén, có người giúp nó thoát ra. Nhưng không ngờ là sau khi thoát ra ngoài bướm lại không thể duỗi đôi cánh ra được và cuối cùng thiệt mạng. Với người làm mẹ, để nhìn một đứa con của mình giãy giụa với những khó khăn mà không đưa bàn tay ra giúp đỡ cũng là một cảm xúc khó diễn tả, bản năng che chở của người mẹ là lao đến và bảo vệ cho đứa con của mình, nhưng với tôi, từ những thất bại của cá nhân với các mối quan hệ xung quanh, và sự cứng lòng bên trong đã khiến tôi khắt khe với những đứa con của tôi. Tôi ngăn chúng khóc lóc quá nhiều khi không thực sự đau đớn trên da thịt, không quá mong cầu điều gì quá nhiều nếu điều đó không phải của mình, không lệ thuộc vào bất cứ ai ngoài bản thân mình. Từ ngày con chập chững vào mẫu giáo, tôi đã dặn cô giáo giữ đúng vai trò là người thầy của con mình, không ngồi thụp xuống sàn nhà để mang giày dép cho chúng nó, có thể giúp nếu chúng loay hoay quá lâu. Tôi thường nhìn thấy hình ảnh các cô giáo mầm non phải làm osin cho bọn trẻ con ấy, đặc biệt là vào giờ đón con, tư tưởng tặng quà bằng tiền để cô chăm con mình tốt hơn và vì lỡ nhận tiền của phụ huynh nên gần như mọi màn trình diễn của cô giáo với các ông vua bà hoàng con được lên sân khấu vào giờ tan học. Có vẻ đụng chạm, nhưng nó là thực tế xuất phát từ hai chiều, tôi vẫn tặng quà nhưng mất thời gian để chọn món quà thực tế chứ không bằng tiền để bày tỏ sự biết ơn chứ không ý mua chuộc. Tôi ghét nhìn hình ảnh giáo viên ngồi xuống sàn và phục vụ bọn trẻ. Mất hết sự kính trọng đối với ngành giáo dục. Chúng ta nên đổ lỗi điều đó cho ai hay cho chính mình ?

Để nói thêm nữa, tôi nghĩ sẽ còn rất dài, tôi quá bất ngờ khi đọc đi đọc lại một bài viết ngắn này trong “Trò chuyện với thiên thần” tôi cứ đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác vì những hình ảnh được ẩn dụ bên trong nó, đúng là một tác phẩm đồ sộ nhưng chúng ta có thể đọc và đi từ những suy ngẫm cơ bản đến những suy tư cao hơn theo thời gian. Tôi nghĩ những tác phẩm có giá trị lớn sẽ không dễ dàng mất đi giá trị của nó, nó là cuốn sách chỉ đường mà mọi người chúng ta cần đọc để có thể có nhiều góc nhìn bao quát hơn cho từng lĩnh vực trong đời sống của mình.

Tác giả đã viết rằng “ ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân và năng lực để tự chịu trách nhiệm” là hai thứ quan trọng nhất mà cha mẹ cần trang bị cho con cái, tôi thấy bản thân chúng ta nếu hành “nghề” cha mẹ cũng nên tự bắt đầu rèn luyện nó trước khi hướng dẫn con cái. Vì xã hội bây giờ khiến chúng ta ít chịu trách nhiệm cả lương tâm lẫn hình thức.

Cuối cùng tôi quay lại “Gia tài của mẹ”, bức ảnh của David.B khiến tôi suy ngẫm nhiều ngày, đó không là ý nghĩa rộng lớn như cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã viết trong bài hát của mình. Khi tôi ghép hai câu “ Mang thai con là sự nhiệm màu, gia tài của mẹ” để nhìn sâu vào bức ảnh thì thật tuyệt đẹp, nhìn nụ cười trên gương mặt của người mẹ, mọi khuyết điểm bị che lấp, gia tài của mẹ sẽ là con, những gì đẹp nhất mẹ có được có thể không là tiền tài vật chất, nhưng chính những vật vã của đời sống này đã tôi luyện mẹ biết hạnh phúc đúng nghĩa. Cũng như mẹ Maria, chẳng thể nào ngờ rằng, mẹ vâng lệnh Thiên Chúa mang thai và hạ sinh một bé trai kháu khỉnh, nuôi dạy con như một đứa trẻ bình thường để đúng thời điểm thích hợp, bé trai ấy là Đấng Cứu Thế cứu chuộc muôn dân, muôn đời chúc tụng Mẹ vinh danh.

AN THẢO

Saigon, 25.12.2023

(1) [Trích Trò Chuyện Với Thiên Thần, tác giả Trương Văn Dân]

Tôi mượn tạm câu nói này trong mục số 56 – Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo ! Để làm tựa đề cho bài viết của mình, viết vào đêm Noel, buồn luôn thật nhiều hơn vui vào thời cuộc này, và vì tôi nhớ đến hình ảnh của bạn tôi chụp lại khoảnh khắc hai mẹ con tại Cần Thơ, có lẽ vào đầu năm 2023 mà tôi sẽ đính kèm trong bài viết này.

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác