“Miền gió gọi”-  Nỗi nhớ -chông chênh đôi bờ hư -thực 

Ngày đăng: 29/11/2023 09:01:30 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Với 48 bài thơ viết nhẹ nhàng, dễ dàng , như những lời thủ thỉ , tâm tình của một nhà thơ phái nữ ,  tác giả đã không chỉ cảm nhận ,mà còn khắc họa những xao xuyến , rung động trong khoảng thời gian gần cuối con đường của cuộc hành trình , qua những không gian bao la của hai đại lục từ Denver, Houston đến Sài Gòn , Đà Nẵng…Hình như Martin Heidegger từng nói “Thơ là sự trở về “ , qua diễn dịch của Bùi Văn Nam Sơn cho rằng  ngôn ngữ cũng giống như ý thức “ đan dệt một làn da sống động  , ấm áp bao quanh thế giới , không  phải là sản phẩm khô khan của trừu tượng hóa , mà cùng chia sẻ khổ vui cùng thế giới ‘

Ai đứng bên này thương nhớ mãi bên kia

Đôi bờ sông

Đôi dòng đời chia biệt

Bên kia nhớ bên này đâu có biết

Xin gửi nắng bên này cho mưa bão bên kia.

Không muốn gặm nhấm quá khứ đã ủ thành’ men’ hoài niệm  , tác giả vẫn thấy nó hiện hữu  khi tự hỏi 

Có thể nào gặp lại nhau không?

Khi mái thời gian đã chất chồng rêu phủ

Khi mỗi đêm về

Em vẫn phải uống nỗi buồn trước giờ đi ngủ

Đêm hay bóng tối thường khiến người ta tra vấn chính mình 

Đêm thì dài miên viễn 

Em như con dơi treo ngược đời mình

trên cành cây thao thức cùng bóng tối.

Để rồi qua những vùng đất lạ , qua thảo nguyên Yellowstone,  khiến người làm thơ bồi hồi 

Người cũng một lần ngang qua thảo nguyên 

Ngơ ngẩn mãi một đời tôi – ngọn cỏ

Mỗi mùa đi qua trên đầu ngọn gió

Thảo nguyên nằm 

nghe rét buốt mùa xanh.

Tình yêu và nỗi nhớ cùng một cảm giác chưa toại nguyện là những gì dằn vặt VHU , tạo nên hai chủ đề xuyên suốt trong tác phẩm .

Cuối đời tự hỏi 

Còn nợ gì nhau 

một đời vay trả

Đến cuối cuộc tình

….

Thà như que diêm chỉ một lần được cháy

Thắp sáng cho ai… mình còn lại chút tro tàn.

Và chân lý chỉ được nhận ra khi cuối cùng hiểu rằng  :

Có khi cả hai chúng mình cùng hẹn với cơn mê

Giữa hai đầu cơn mê là nghìn trùng xa cách

Em vẫn viết những vầng thơ trên trang sách

Anh vẫn đứng bên kia đời

ru mãi một vầng trăng. 

Còn nỗi nhớ , xin dành cho quê hương , nỗi nhớ  đau đáu trong những ngày xa quê nhà :

Qua bao nhiêu đường phố

Vô tình mưa ướt vai

Sông Hàn reo sóng nhớ

Nghe như tiếng thở dài.

 Khi nhìn ra ngoài trời, Denver  vẫn một màu trắng xóa 

Mùa đông quê người tuyết trắng mênh mông

Môi se sắt, hai bàn tay tê cóng

Tiếng còi xe cứa sâu vào khoảng trống

Chuông giáo đường khắc khoải gọi hồn quê

Những lúc ấy, tình  hoài hương sống dậy , mãnh liệt biết mấy, nhất là chốn quê ấy còn  mang hình bóng mẹ hiền .

Có những chiều đông

Day dứt nhớ bếp lửa hồng của mẹ

Mùi sắn khoai, ký ức vẫn thơm nồng

Hình ảnh mẹ hiền ngồi bên bếp lửa mùa đông

Nhưng đậm nét nhất, vượt lên trên trên tất cả là cảm giác chông chênh của tác  giả  giữa hai bờ hư- thực 

Về đây ngồi lại bên cầu

Đêm nghe sóng vỗ nhạt màu ấu thơ

Biển dâu nào có ai ngờ

Phân vân đứng giữa đôi bờ thực – hư.

Heraclitus đã nói: “Chúng ta không thể tắm hai lần trong cùng một dòng sông ”.  Khổng Tử đứng nhìn dòng sông trôi chảy, đã nói: “Thệ giả như tư phù, bất xả trú dạ!”(Ôi, nước sông trôi ngày đêm, không bao giờ ngưng nghỉ sao!) Sự nhận thức về vô thường giúp ta vượt thoát được các ý niệm. .VHU cũng đã nhận ra

Lang thang trong cõi vô thường

Quơ tay bỗng chạm bức tường vô minh

Người đi qua đó vô tình

Biết đâu vườn cũ đoá quỳnh nở hoa

Đóa quỳnh của vườn cũ  hôm nay nở hoa cho ngày mai úa tàn . Vòng sinh thành hoại diệt xoay vần . Nhờ thế  ta mới có hoa để ngắm vì vạn vật luôn trôi chảy .

Tất cả chúng ta đều có thể hiểu vô thường bằng trí óc, nhưng như thế không hiểu được chân nghĩa của nó vì còn “vô minh “ .Sự thông minh hay tri thức không đưa chúng ta tới giải thoát.Khi chúng ta vững chãi và có định lực, ta có thể thực tập nhìn sâu Khi nhìn sâu và hiểu được bản chất của vô thường, ta có thể quán chiếu về cái hiểu biết sâu xa đó Chúng ta phải duy trì sự nhận thức về vô thường đó để có thể nhìn thấy và sống với vô thường trong mọi lúc.

Khi về trong cõi người ta

Biết đâu cõi thực cũng là chiêm bao

Đi cho hết cuộc cơ cầu

Nhìn quanh chỉ thấy một màu phù vân

Nếu chúng ta thiền quán về đối tượng vô thường, ta sẽ nuôi dưỡng được tri giác về vô thường khiến cho nó sống trong ta hàng ngày. Tu tập như thế, vô thường sẽ là chiếc chìa khóa mở cho ta cánh cửa vào chân lý thực tại.Tâm vô thường là tâm luôn thay đổi, theo thất tình lục dục , vui buồn , mừng giận , thương ghét không phải tâm chân thật. Hôm nay là một ngày buồn chán nhưng với vô thường thì ngày mai có thể sẽ là một ngày nắng đẹp .

Khi khóa cửa cùng nỗi buồn ở lại

Không có lẽ 

suốt một đời ta chạy trốn mùa lá rụng trong vườn

Ký ức ken đầy trái tim chật chội

Chao đảo đời ta một kiếp vô thường. 

Nhà thơ Vương Hoài Uyên

Vương Hoài Uyên nhận ra vào những ngày tháng hôm nay sau khi đi qua gần hết đời mình ,

nghe thời gian bụi phủ mờ 

mái tóc

đi về đâu? bụi cuốn cõi vô thường

 

ký ức mịt mờ năm tháng mù sương

với những hy vọng mong manh vào tình yêu 

thắp lên tình yêu như một bài thuốc nhiệm màu , 

làm ấm lại con tim sau mùa đông  băng giá 

bao giờ anh về 

cho gửi những cơn mưa

đan kín mùa đông 

che lối về bớt gió

Và tự hỏi lòng mình vẫn như ngày xưa chăng dù vẫn biết thời gian đã làm thay đổi tất cả 

 Có bao giờ anh về lại bên sông

Con thuyền chở Thu vàng đã xuôi nửa dòng con nước

Em vẫn là em của những mùa Thu trước

Làm sao níu thời gian trôi trên hữu hạn đời mình?

Nói như nhà thơ Đinh Hùng ‘” Tôi vẫn ngờ như không có sự đổi thay vì lại thấy mình đi trên con đường vắng này , thu  năm nay, giữa lúc cây bàng thay lá “ ( Nhị  Thu ) dù ông cố trấn an mình “ Nắng ở đây vẫn là nắng ngày xưa và linh hồn tôi vẫn là linh hồn tôi năm trước “ nhưng thật ra , tất cả đều đã khác !

Không ai thoát khỏi tiến trình của vô thường, trừ khi đi trên con đường chánh pháp hướng  tới Niết bàn. Còn tồn tại là còn nằm trong quy luật của vô thường, điều chúng ta có thể làm chính là hiểu, chấp nhận và giữ tâm bình thản trước mọi đổi thay.

Đường xa xôi dẫu ngại ngần

Cũng đi qua hết phong trần nghiệp duyên

Ta bà lắm nỗi chung chiêng

Nửa đêm chuông gọi cõi thiền trong tôi

 

Ý thức về phận người như những hạt mưa bay qua đời này

 

Phận người 

như hạt mưa mau

Hạt nơi lầu các 

hạt sâu vũng lầy

Tác giả tìm một chân  trời để thả hồn bay tới , cảm nhận sướng khổ ở đời

Đi tìm chân trời ư ? Chỉ có ở trong mơ !

Nơi xa xanh ấy chỉ là nơi hoang tưởng

Đành đứng lại đây đợi mùa gió chướng

Đưa ta về phương xa ấy mênh mông.

Theo nhà Phật , niềm vui  ở quá khứ làm duyên để tôi cảm nhận cái khổ trong hiện tại. Và chính cái khổ đó lại là duyên giúp tôi đến với đạo .Không khổ ít ai nghĩ đến giải thoát , Khổ và hạnh phúc là một cặp đối đãi làm nên giá trị cho nhau. Lão Tử chiêm nghiệm và ghi lại trong Đạo đức kinh: “Thiên hạ đều biết cái đẹp này là đẹp, cái kia xấu. Đều biết cái thiện này là thiện, cái kia là bất thiện. Có và không sinh nhau, khó và dễ làm thành nhau, dài và ngắn so nhau, cao và thấp úp nhau, âm và thanh hòa nhau, trước và sau theo nhau…”Theo lý duyên khởi của nhà Phật  , cái này luôn có mối liên hệ với cái kia. Nhờ cái kia mới có cái này. Mọi thứ ở thế gian đều hình thành theo cách như thế. Ít ai dám nói thế giới này không khổ khi khổ  là bản chất cõi  người .

Cõi đời 

đâu chỉ lênh đênh

U ơ tiếng khóc 

buồn tênh kiếp người

Sinh ra

sao chẳng mĩm cười?

Cuối đường sinh tử 

ngậm ngùi 

trắng tay.

Một hôm

gõ cửa thiên đường

Ngẩn ngơ

nghe cõi vô thường quá xa.

 

Ta nghe như Nguyễn Gia Thiều “ Thảo nào khi mới chôn  nhau  / Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra “ Sinh , lão , bệnh , tử đều là khổ ,chân  lý đầu tiên trong Tứ đế .

Chết là khổ. Vì nó là sự ra đi, chia lìa, phân tán. Có những sự phân ly hãi hùng và đau đớn, không phải chỉ cho người chết mà cả cho người sống, như hàng loạt các tai họa hay tai nạn xảy ra gần đây. Tác giả nhớ  về Sài Gòn những ngày tháng” oằn lưng “  chống dịch

Sài gòn bây giờ có những ngày tháng lao đao

Muốn gặp bạn bè chỉ chờ tin nhắn

Mặt người mờ mờ nhìn qua lá chắn

Khầu trang bít bùng đâu biết người thân

Chúng ta đang sống những ngày bi thảm nhất

Những lò thiêu xác người cháy suốt ngày đêm

Cả thế giới ngập chìm trong tang tóc

Hủ tro cốt im lìm nghe buốt giá con tim

Chết là một trạng thái mà có lẽ sau đó, con người không còn cơ hội để rút kinh nghiệm. Nhưng khi còn sống , hãy lắng lòng để thấy mọi chuyện ở đời đều vô nghĩa  .

 Có những ngày ngồi yên như phỗng đá

Giữa thinh không rơi một tiếng chuông chùa

Tiếng chuông gọi ta về nơi cõi tịnh

Từ giã cõi trần bao chuyện được, thua.

 

Vương Hoài Uyên dằn vặt , trăn trở , tìm  một lối thoát trong đạo dù những kỷ niệm vẫn ám ảnh suốt cuộc đời , chông chênh hai bờ ảo –thật

Hoang mạc lang thang lang thang…

Cỏ khô cháy nhớ mùa xanh đã mất

Chông chênh mãi giữa hai bờ ảo – thật

Muôn đời chong mắt nhìn lên bầu trời

Một câu hỏi vô thanh gửi đến cõi không cùng.

Câu hỏi ấy tác giả cũng đã tự trả lời 

 Giọt nắng dẫu huy hoàng 

cũng trả về đêm tối

Thì ra cuộc đời này

chỉ là hư ảo phù du.

Nhưng sao vẫn cứ băn khoăn 

Lang thang 

trong cõi luân hồi

Kiếp sau 

còn có 

gặp người nữa không?

Lòng trần  còn vương vấn bụi trần hổ dễ phai đi !

Hiểu vô thường nhưng nhìn sâu vào nó là một việc khác  . Nhà thơ của chúng ta còn nhiều lưu luyến , bịn rịn với cuộc đời nà nên dù  đôi cánh tưởng tượng có  chạm chân trời vẫn mở lòng mong nột kiếp nao gặp lại người xưa , cứ thế chông chênh chuyếnh choáng  đi giữa hai bờ hư – thực…

Một đi qua cõi vô thường

Mai sau hẹn cõi miên trường nhớ nhau

Gửi cho trầu chút hương cau

Kẻo trăm năm cũng qua cầu gió bay.

Dù gió bay, hương vẫn còn trong tâm tưởng,  VHU vẫn cứ nặng lòng với chữ tình dù hiêu  đạo . Nói như Heidegger “Con người ,sống trên đời, như một thi sĩ.”

Hãy đọc “Miền gió gọi “ và cảm nhận những cơn gió ấy .

 Nguyên Cẩn 

( Đầu tháng 12, 2022)

Nhà phê Bình Nguyên Cẩn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác