ĐÀNG NĂNG THẠCH – NGHỆ NHÂN KÈN SARANAI LÀNG BÀU TRÚC
Ông Đàng Chí Quyết, Trưởng Ban quản lý khu phố Bàu Trúc giới thiệu anh Đàng Năng Thạch là nghệ nhân biểu diễn và truyền dạy nhạc cụ Chăm tiêu biểu làng Bàu Trúc (Phước Dân, Ninh Phước). Anh cùng các học trò luyện tập tích cực tham gia phục vụ chương trình lễ hội Katê 2023 tại khu dân cư và thực hiện nghi thức giỗ tổ nghề gốm làng Bàu Trúc. Tận tâm biểu diễn và truyền dạy các loại nhạc cụ cho thanh thiếu niên địa phương, anh Thạch được cán bộ và bà con thôn xóm tin yêu.
Chúng tôi thật sự ấn tượng với phong cách biểu diễn kèn Saranai của nghệ nhân Đàng Năng Thạch tại các chương trình văn nghệ của làng Bàu Trúc. Tiếng kèn rộn ràng hòa quyện với tiếng trống Ghi năng, tiếng trống Baranưng tạo nên không khí rộn ràng âm vang ngày hội. Khán giả vỗ tay nồng nhiệt tán thưởng phong cách biểu diễn “rút” từng phần cấu trúc chiếc kèn Saranai mà tiếng kèn vẫn rộn ràng ngân vang kéo dài reo vui. Kèn Saranai và trống Ghi năng, trống Baranưng là bộ ba đồng hành trong các nghi lễ truyền thống và các chương trình văn nghệ phục vụ đời sống tinh thần của người dân địa phương. Kèn Saranai được làm bằng sừng trâu hoặc lõi của các loài gỗ quý có tiếng ấm vang, sử dụng lâu bền. Kèn có chiều dài khoảng 37 cm bao gồm ba phần là loa kèn 10 cm, thân kèn dài 20 cm đục 7 lỗ khoảng cách 2 cm tạo âm thanh, chuôi kèn dài 7 cm làm bằng bạc hoặc đồng gắn ngòi thổi bằng lá buông. Nghệ nhân lấy hơi từ mũi đưa vô miệng giữ lại rồi đẩy ra ngòi thổi tạo âm thanh trầm bỗng cho chiếc kèn Saranai làm hút hồn người nghe. Lấy hơi và giữ hơi là cung đoạn khó nhất của người học kèn saranai phải nỗ lực rèn luyện nhiều năm mới có tiếng kèn điêu luyện được công chúng yêu mến. Nghệ nhân Đàng Năng Thạch đang sở hữu ba chiếc kèn Saranai được anh xem là những “bảo vật” do cố nghệ nhân ưu tú Thiên Sanh Thềm và nghệ nhân Đàng Tà truyền lại. Tháng 9/2018, Đàng Năng Thạch cùng các nghệ nhân làng Bàu Trúc ra Hà Nội biểu diễn chương trình dân ca dân vũ và hòa tấu nhạc cụ Chăm được công chúng Thủ đô nhiệt liệt đón nhận. Trao đổi với nghệ nhân Đàng Năng Thạch, chúng tôi được biết anh tuổi Nhâm Tý (1972) sinh trưởng trong gia đình giàu truyền thống âm nhạc dân gian Chăm tại làng Bàu Trúc. Từ lúc 15 tuổi, anh được cha ruột là thầy vỗ Đàng Rái ghi lên vở học trò bốn thang âm chính của trống Ghi năng là “lèn, tịt, tìn, tớ” được ký hiệu theo dấu tròn, dấu chấm, thanh sổ đứng và thanh ngang. Với lòng đam mê nhạc cụ truyền thống dân tộc mình, anh tiếp tục học cách thức biểu diễn Ghi năng của nghệ nhân Đàng Bỉnh. Đến năm 23 tuổi, anh nằm lòng 72 bài bản trống Ghi năng, chính thức trở thành nhạc công phục vụ nghi lễ truyền thống của đồng bào Chăm địa phương. Nhìn thấy ông Đàng Tà là nghệ nhân thổi kèn Saranai ở Bàu Trúc tuổi cao sức yếu, anh xin theo học thổi kèn với ước mong gìn giữ tiếng kèn truyền thống của làng. Được nghệ nhân Đàng Tà tận tâm truyền dạy cách lấy hơi, cách luyến láy tạo nên âm thanh của tiếng kèn hòa nhịp với lời ăn tiếng nói của trống ghi năng, trống Baranưng. Anh tiếp tục học biểu diễn đàn kanhi từ nghệ nhân Trượng Gộc ở làng Bàu Trúc. Hiện nay, anh là nghệ nhân duy nhất của làng Bàu Trúc biểu diễn thành thục và truyền dạy các loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào Chăm: Saranai, Ghi năng, Baranưng, Kanhi. “Tôi nỗ lực truyền dạy kỹ năng biểu diễn trống Ghi năng, kèn Saranai cho các học trò Đàng Năng Quang, Phú Hậu, Trượng Ngọc Tiếp, Đàng Minh Thuần. Đồng thời truyền dạy đàn Kanhi cho các em Đàng Giải, Đàng Trí. Các học trò của tôi có thể đảm nhận vai trò nhạc công trong nghi lễ truyền thống và chương trình văn nghệ mừng đón lễ hội Katê sắp tới. Tôi vừa biểu diễn vừa truyền dạy nhạc cụ và học chế tác trống ghi năng, kèn Saranai với ước mong tích cực góp phần gìn giữ di sản âm nhạc truyền thống của dân tộc mình”, nghệ nhân Đàng Năng Thạch chia sẻ niềm vui.
Thái Sơn Ngọc
H2 Ban nhạc Chăm với các nhạc cụ truyền thống
Ban Nhạc với đầy đủ nhạc cụ