NÉT NHÂN BẢN TRONG TRUYỆN CÁNH ĐỒNG BẤT TẬN

Ngày đăng: 18/09/2023 10:57:00 Sáng/ ý kiến phản hồi (0)

Trong bài viết về những cô gái Nha Mân tôi có nhắc đến chuyện một ông chồng hì hụi khuân những tảng đá, sắp xếp để lát lối ra vườn ra bến nước cho vợ đi lại vào mùa mưa vào mùa nước khỏi bị lấm chân. Tôi thích lối ga-lăng của ông chồng dân dã “cưng” vợ đó. Chuyện này nằm trong quyển “Cánh Đồng Bất Tận” của Nguyễn Ngọc Tư.

Thật ra tôi chỉ bắt đầu đọc quyển truyện này vì tò mò muốn đọc “cho biết” sau khi báo chí đăng tin chuyện “lùm sùm” do nhà văn bị cấp trên (của hệ thống hành chính) “kiểm điểm”… chứ trước đó tôi chưa từng đọc quyển nào của cô. Nhưng rồi sau khi đọc xong những hàng cuối cùng, tôi quá xúc động! Và cũng vì thế tôi đã tìm đọc thêm vài tác phẩm khác của tác giả để có cái nhìn đầy đủ hơn.

Hôm nay nhân viết bài này tôi muốn gửi đến nhà văn Nguyễn Ngọc Tư một lời khen ấp ủ từ sau khi đọc những tác phẩm đó mà chưa có cơ hội thổ lộ. Tôi khen những nét nhân bản thể hiện trong các tác phẩm đó. Tôi khen cách viết mà như nói của người Nam bộ, chân chất thật thà trình bày ý tưởng một cách bộc trực giản đơn… rồi đặc biệt trong những dòng, những chữ để chấm hết một đoạn văn hay một câu chuyện, hạ xuống một đôi lời, cũng đơn giản, cũng ngắn gọn… nhưng thấm đậm tình người… một cách thật không ngờ… ! Rất nhiều khi những đoạn văn này làm cho đôi mắt tôi đang ráo hoảnh bỗng chợt ứa ra vài giọt lệ cảm xúc !

Tôi xúc cảm vì cái tình người, vì nét nhân bản thể hiện qua từng ý nghĩ, từng lời nói của những con người bình dị trải dài ra trong nhiều tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư, như:

– Của một cô gái mới lớn, trôi nổi đời mình theo những đàn vịt thả rong trên những cánh đồng bất tận, chịu nhiều gian khổ lẫn tủi nhục tưởng phải khô cằn … nhưng trái tim vẫn rung động với lòng bao dung và nuối tiếc.

– Của một tay phụ việc trong gánh hát, cả đời tương tư theo đuổi cô đào chánh đến khi cô đào già bị bệnh gần chết mới có được cơ hội độc nhất để có thể gọi “em ơi” bằng tình yêu của mình. Nhưng anh ta lại đành phải gọi “mẹ ơi” để cho người thầm yêu có được niềm hạnh phúc cuối cùng của riêng cô cả đời mong được gặp lại đứa con đã bỏ đi từ lâu… chứ chẳng bao giờ đoái hoài đến anh ta.

– Của một hành khách tự kể về chuyến xe đêm chật chội nhưng im lìm từ tỉnh lên thành phố, đã gặp và ngỡ ngàng trước lòng quảng đại của một hành khách đời thường khác… khi cuối cùng được biết con người quảng đại đó bị ung thư không còn sống được bao lâu! Do đó người kể chuyện bỗng thấy mình nhỏ nhoi… khiến băng ghế ngồi trên xe vốn thật sự chật hẹp lại trở nên rộng rãi quá…! …

Tôi không thể nhớ hết tên các quyển truyện này để chú thích nhưng các tình tiết nhân bản trong nội dung của chúng thì tôi không bao giờ quên được!

Tuy nhiên riêng một tình tiết trong quyển “Cánh Đồng Bất Tận” có một nét đặc sắc đi từ một hiện thực thê thảm, tàn bạo, vô nhân tính … vươn lên một ý tưởng thanh cao, đầy lòng vị tha nhân ái… khiến tôi đặc biệt cảm xúc và phải kể ra đây!

Toàn truyện là lời tự thuật của một cô gái trong độ tuổi đang dậy thì, cùng đứa em trai sống với người cha trên chiếc ghe nhỏ chăn vịt thả đồng. Chiếc ghe chất chứa đầy lòng hận thù của người cha bị tình phụ. Chiếc ghe cũng ấp ủ nỗi cô đơn của hai đứa trẻ không còn “con người” thân (dầu người cha còn “sờ sờ” ra đấy), không còn tình yêu thương của cha mẹ, không còn mái trường, không còn được dạy dỗ… nên phải “tự học lấy cách sống” để bước qua cái tuổi có sự thay đổi thân xác do phát triển tâm sinh lý xuân thời với nhiều phản ứng ngờ nghệch và cả những mặc cảm ức chế…

Trong những tháng ngày u tối đó với rất nhiều tình tiết và tâm trạng phức tạp, tôi thoáng thấy mơ hồ một nỗi ưu tư ân hận của cô gái nhỏ khi phũ phàng vạch trần việc ngoại tình của mẹ mình, … Và rồi cô nhận thấy: “… Má chết lặng nhìn tôi, cái nhìn như lịm đi trên khuôn mặt đẹp não nề. Không thể giải thích vì sao tôi lại thế há. Và tôi luôn nghĩ rằng chính vì câu nói đó mà má tôi ra đi! ”.

Rồi người mẹ trẻ đó với một lần lầm lỡ không được con tha thứ đã ra đi trong “tủi” và chắc là cũng trong “hờn”. Thế là bắt đầu bi kịch cho cả gia đình!

Người cha giận dữ đốt nhà rồi “kéo” hai con nhỏ lên thuyền lang thang trên sông nước, sống qua ngày bằng nghề chăn vịt! Rồi là những cảnh tình thê thảm của những con người chăn vịt trên những cánh đồng bất tận khi trời khô hạn và dịch gia cầm bùng phát… trong lúc tình hình chung của cả xã hội còn rất khó khăn.

Đời sống của ba cha con đó tưởng rằng không thể nào thê thảm hơn nữa lại trở thành quá bi thảm… khi đứa con gái bị cưỡng hiếp tập thể thật tàn bạo giữa cánh đồng… trước mắt người cha bất lực.

Đọc tới đây, trong khi tôi đang thương cảm cho số phần bi đát và tội nghiệp cho tinh thần và thân thể cô gái bị vùi dập thì “nghe” cô “nói” : “Không biết con bị có con không hả cha ?” và:

“Đứa con gái thoáng nghĩ, rớt nước mắt, trời ơi, có thể mình sẽ sinh con. Nhưng nó chấp nhận việc ấy, dù phủ phàng …“

Đứa con gái nghèo, ít học, thiếu tình thương; sống phần lớn quảng đời tuổi thơ cô đơn lang thang trong nỗi khốn cùng cả về vật chất lẫn tinh thần, rồi lại bị cưỡng hiếp một cách tàn bạo. Cô lo sợ mình sẽ mang một bào thai oan nghiệt…! Vậy mà ngay lúc ấy cô không nghĩ tới việc phá bỏ cái bào thai oan nghiệt đó, chỉ nghĩ tới việc nuôi con, chăm sóc con, dạy dỗ con… “để đứa con sau này sẽ được sống tươi tỉnh, sống hạnh phúc suốt đời … không như mẹ nó …”! Tôi thật xúc động trước ý tưởng vị tha của cô gái bất hạnh đó!

Và còn nữa… đây những dòng cuối cùng của câu chuyện khi cô gái nghĩ về đứa con của cô sau này. Trong lòng cô vẫn mang nỗi hận lòng đã đối xử không bao dung với mẹ mình nên… “không như mẹ, nó sẽ phải biết: … là trẻ con, đôi khi nên tha thứ lỗi lầm của người lớn !”.

Khi nghĩ như vậy, tôi biết cô vẫn ân hận lẫn tiếc nuối vì đã không khoan dung trước lỗi lầm của mẹ mình khiến bà phải bỏ nhà đi… khiến câu chuyện của cả gia đình và riêng của đời cô trở thành bi kịch như thế!

Đúng là hạnh phúc của một gia đình, có được an lành hay đổ vỡ không chỉ tùy thuộc vào cha mẹ mà đôi khi lại tùy thuộc vào thái độ của đứa con! Trong truyện, nếu cô gái không vạch trần phũ phàng lầm lỗi của mẹ mình khiến bà không còn lựa chọn khác, phải bỏ nhà đi… thì cái gia đình có ông chồng hì hụi khuân đá lát sân cho vợ đi khỏi lấm chân sẽ vẫn hạnh phúc. Hai đưa con nhỏ sẽ được nuôi nấng cho ăn học bằng tình thương yêu của cha mẹ, không phải lặn lội đi chăn vịt trên những cánh đồng bất tận…!

Không cần viết nhiều hơn! Tôi vẫn thích đọc lại quyển “Cánh Đồng Bất Tận”!

KHƯƠNG TRỌNG SỬU

Hình trên Net

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác