TÍNH DÂN TỘC
Nói về tác phẩm văn học tiền chiến thì ngày xưa tôi rất ít đọc, nhưng riêng về mảng thi ca thì tôi thuộc lòng khá nhiều. Cho nên đối với những bài thơ như “Chạy Giặc” của cụ đồ Chiểu thì chỉ cần liếc qua một câu là đã biết liền. Ngày xưa không biết gì thì phải chạy đi hỏi rất khó khăn, không như ngày nay chỉ cần vài thao tác trong một giây thì mọi thông tin trên mạng cũng khá đầy đủ; thí dụ như ta nhớ không chính xác hoặc ngờ ngợ tên tác giả.
Tôi vẫn còn nhớ là chú Thiếu Khanh có phê bình về vấn đề “sưu tầm” này, bài đó chắc cách đây cả chục năm rồi nên tôi không còn nhớ rõ. Nhưng cái tôi không quên là ở tinh thần đó bởi vì tôi đã lấy làm trọng. Thiết nghĩ đó cũng là một trong những đức tính thể hiện tính dân tộc của người mình; nếu biết tự trọng thì phải biết tôn trọng người khác.
Hiện nay vấn nạn “ăn cắp” đã trở thành một thói quen trong dân mình. Họ ăn cắp từ trên xuống dưới, từ lớn tới nhỏ; cứ lớn thì may túi lớn mà nhỏ thì may túi nhỏ, chỉ có hạng vượt rào hoặc do phe cánh mới bị túm cổ mà thôi. Chính do văn hóa ăn cắp mới đẻ ra đủ thứ hạng người như: hạng lưu manh giả danh trí thức, hạng con buôn văn hóa, hạng ngu dốt thích làm thầy đời…
Thiết nghĩ, nếu thích đăng thơ để thể hiện mình là người am tường chữ nghĩa, để được đóng vai làm hạng trí thức biết “tâm tư” thời cuộc, để được cái nhìn kính trọng cách biệt với hạng khoe thân khoe ăn thì một thao tác tìm tên tác giả đâu có khó; đằng này ghi ST (sưu tầm) là có đường lối, chủ trương ăn cắp một cách trơ trẽn rồi còn gì. Thói ăn cắp được che đậy bằng ST một cách lập lờ đã trở thành chuyện hiển nhiên trong dân mình mà tôi thấy nhiều người đã tiếp tay một cách vô tư lự qua hình thức share trên mạng xã hội.
Nói như vậy thì cũng có phần khắt khe bởi vì tôi biết đối với một bài viết mà người ta cố tình ST thì rất khó tìm tên tác giả. Nhưng không phải vì vậy mà ta được quyền tiếp tay một cách vô tội vạ bằng hình thức share nhân rộng cái ST đó. Liệu ý thức của ta đã tới đâu trong khi một mặt ta chê bai nạn ăn cắp, một mặt ta đồng lõa với nó. Nếu không có sự phụ họa của phần đông tầng lớp học đòi trí thức thì cái ST này sao còn đất sống. Trách ai oán ai đó cũng là một câu hỏi trớ trêu trong tình cảnh này.
Phủ nhận nguồn gốc, không truyền thống, không nhân cách đạo đức gì, đó có phải là đặc tính của một dân tộc lai-căng hay không? Nếu vậy thì tốt hơn nên tự nhận là một dân tộc mọi rợ để các thói: trộm cắp, tráo trở, giảo hoạt, lưu manh, hèn hạ, tàn bạo, điếm đàng… nghe cũng bớt nhục hơn.
Sài-gòn, ngày 07/07/2023.
Tiêu Lang
Bài viết thể hiện một quan điểm đúng đắn trước tình trạng đáng buồn được gọi là “đạo văn” mà dư luận nói đến khá nhiều hiện nay! Có những “trí thức” làm những công việc “trí thức” mà bị người ta khám phá ra là “đạo văn” thì “đau” quá!
Đúng là hiện nay có những “sưu tầm” hay “hình minh họa” được ghi “chung chung” như vậy của một người viết bài nào đó (thường là trên mạng) có lẽ chỉ muốn viết vì “giải trí”, vì “để cho vui”… nên không cần truy tìm tác giả của tác phẩm mình đã “sưu tầm” hay lấy hình của họ để “minh họa”! Những trường hợp này theo tôi có thể thông cảm được. Dầu sao người viết cũng nên theo ý kiến của bạn Tiêu Lang mà bỏ cái “tính lười” này đi!
Tôi cũng thường thấy trên mạng nhiều bài thơ của những người “thích làm thơ” mà một số câu thơ hay ý thơ của họ vốn là câu thơ hay ý thơ của vài thi sĩ nổi tiếng khác, và hình mình họa rất đẹp họ cho in kèm theo (để làm cho “xôm” bài thơ của mình) cũng không ghi tên nguồn gốc! Do đó tôi hiểu cái nỗi “bức xúc” của bạn Tiêu Lang khi viết bài này!