ĐẶNG CHAU LONG- THẦY TU TRONG GIỚI VĂN NGHỆ

Ngày đăng: 9/07/2023 09:57:00 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Tôi không nhớ quen với Đặng Châu Long từ bao giờ nhưng sau lúc tôi đến với Tập san Quán Văn năm 2016. Hôm đó, Đặng Châu Long và Đoàn Văn Khánh đến nhà tôi ở chung cư An Sương, quận 12. Tôi ra mắt hai anh bằng chai rươu vang ở một quán cà phê ngang trường Trung học Trường Chinh. Anh ít nói và lúc nào gương mặt cũng vui vẻ. Trong Quán Văn, anh là thành viên tích cực nhất, ít khi nào vắng mặt trong những buổi ra mắt QV hàng tháng  vì anh là người ghi hình ảnh trong buổi sinh hoạt. Một nhiệm vụ mặc nhiên mà không ai giao, nhưng anh tự nguyện. Nhớ có kỳ đoàn Quán Văn đi du lịch miền Trung năm 2018, anh vắng mặt vì có việc nhà và tôi phải thay anh trong vai trò phóng viên ảnh. Chuyến đi đó  tôi  mới biết công việc nhiếp ảnh gia mệt như thế nào, thế mà từ trước đến giờ có nghe anh than phiền chi đâu. Dao này, anh chụp hình nhiều , lúc nào cũng hơn trăm kiểu, chỉ lên ảnh cho anh em copy, khi cần đem sử dụng. Anh ít viết tin, chứ khả năng viết tin của anh nhanh và đầy đủ hơn phóng viên chuyên nghiệp, cuộc họp vừa xảy ra ban sáng, mọi người về chưa tới nhà là bài tường thuật của  anh đã có trên mạng.

Nhà Văn Đặng Châu Long ( giữa)

Lý lịch của anh không có gì là khuất tất, anh đi lính ở đâu, lúc nào, anh đều có viết trong tập ghi chép, thỉnh thoảng anh có nhắc lại trong các bài viết, trong khi những người khác giấu nhẹm lý lịch của mình vì hy vọng sẽ có vai vế nào đó trong xã hội. Nếu gán danh xưng nhà văn cho anh thì anh hội đủ điều kiện : thơ 3 tập , truyện ký 5 tập và hàng chục tập Nhớ và Ghi, ngoài ra ở các tạp chí trong và ngoài nước anh cộng tác khá nhiều. Tôi không nghĩ anh là người viết hay nhất trong các nhà văn hiện thời, nhưng về đạo đức thì (theo tôi) khó có người hơn anh được. Những tập truyện ký anh ghi từ lúc còn nhỏ cho đến ngày nay, trong đó có ghi những khoảng thời gian thời thơ ấu, chuyện người trai thời binh lửa với giọng văn không có gì là căm hờn, chỉ buồn cho phận mình sinh ra trong thời chiến. Anh may mắn được trui rèn trong trường dòng Lasan, tiếp xúc nhiều với các sư huynh (Frère), các linh mục sống đạo tốt mà có cuộc sống chuẩn mực, sớm ý thức tu dưỡng bản thân, phục vụ hướng về những người chung quanh như người thân, bạn bè . . .việc này đã thể hiện qua lối sống hiện tại. Bạn viết , không ai than phiền về anh cũng như anh không phiền hà về một bạn văn nghệ nào.

Đặng Châu Long và vợ

Anh sinh ra trong gia đình có cha làm viên chức hỏa xa, cha được thuyên chuyển nhiều nơi nhờ vậy anh được sống nhiều địa phương như Lộc Ninh, Thủ Dầu Một, Nha Trang…Những ghi chép của đời anh là những biên niên sử của từng địa phương, độc giả có thể đối chiếu sách ghi chép của anh để bổ sung lịch sử tỉnh nhà. Anh sống chung với rất nhiều người từ bạn học trường dòng cho tới những người bạn lính. Mỗi người có một vài kỷ niệm với anh, đó cũng là những câu chuyện thật và cảm động nên không cần phải hư cấu vẫn hơn các truyện ngắn của người viết khác. Anh lại có năng khiếu về viết và trình bày báo chí nên ở phân đoàn Thanh niên Hội Hồng Thập tự hay các đơn vị trong quân đội nên anh đều tham gia trong ban biên tập các nội san. Tiếc là tay nghề đó đến nay không có dịp tiếp tục chỉ để dùng trong những khi sinh nhật bạn bè mới được thể hiện qua cánh thiệp chúc mừng.

Với tấm lòng vì mọi người nên ở cuộc vui lớn nhỏ nào bạn bè cũng rủ rê và anh cũng ít từ chối. Cái hay của anh là không phân biệt người cũ hay mới, người có tác phẩm nhiều hay ít, phải chăng đó là lối sống mà anh luyện tập từ lúc ở trường Dòng (?)

Anh  ở tuổi cổ lai hy thế mà anh không bao giờ ngại đường xa đi thăm bạn. Anh có người bạn vong niên là anh Lê Vĩnh Thọ, nhà văn ở chợ Búng (Bình Dương) năm nay hơn 80 tuổi. Từ nhà anh đến chợ Búng hơn 30 km vậy mà cách vài tuần là hai vợ chồng anh đến thăm. Biết anh Lê Vĩnh Thọ thích đọc sách. Sách của anh Thọ hàng mấy ngàn quyển Việt ngữ và nước ngoài, chất trong 3 phòng nhưng gần đây sức khỏe anh Thọ không tốt, ít ra khỏi nhà nên không đi nhà sách được. Biết vậy, lần nào anh Long đến thăm bạn  cũng “tiếp tế” cho anh Thọ vài quyển sách mới mà anh tìm được, một chút mồi màng đặc sản ở quê miền Trung, để uống một vài ly bia, nhắc chuyện xưa, trò chuyện văn nghệ. Tôi nghĩ, chuyện thăm bạn già cũng nằm trong lịch sinh hoạt hàng tháng của anh.

Tôi ở Hóc Môn cách nhà anh 23 km, buồn buồn rủ anh lên uống cà phê, nếu lịch sinh hoạt trong ngày trống là anh lên ngay. Gặp nhau cũng không có chi là quan trọng, hỏi thăm người bạn này, nhắn gửi người bạn xa hay những câu chuyện vui ngày qua mà anh hoặc tôi không có mặt. Gần gủi anh , hoc tập được tính cần mẫn : viết để đó, không nhất thiết để in, không bon chen, khi nào đến phiên cũng được.

LƯƠNG MINH

 

 

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác