Tôi là con dâu xứ Nẫu
Elena Pucillo là nhà văn người Italia, từng dạy tiếng Pháp và văn minh Pháp tại Đai học Milano, Italia. Hiện bà đang dạy tiếng Italia tại Nhạc viện TP Hồ Chí Minh và văn hóa Pháp tại trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh. Bà sáng tác truyện ngắn, tùy bút, tản văn bằng tiếng Italia. Tác phẩm của bà đến với bạn đọc Việt Nam nhờ những bản dịch tiếng Việt của chồng là nhà văn Trương Văn Dân.
Vợ chồng bà thường về thăm quê chồng Bình Định. Có cơ hội được chuyện trò cùng bà nhiều lần nhưng tôi vẫn bất ngờ khi thấy bà thuần thục thứ tiếng Việt phong vị xứ Nẫu. Bởi khi nhắc về Bình Định, nữ nhà văn như hăm hở, say sưa hơn, nhiệt thành sẻ chia về những nơi bà từng đặt chân đến, những con người bà từng gặp. Giáp Tết, tôi kết nối cùng nhà văn Elena Pucillo để nghe bà chia sẻ đôi chút xúc cảm về văn chương, về đất và người quê chồng. Bà hào hứng nói luôn: “Tôi vẫn hay nói với bè bạn với tất cả tự hào: Tôi là con dâu xứ Nẫu…”
* Cái duyên mắc míu của bà với Bình Định đã tự rất lâu, thưa bà?
– Phải bắt đầu từ đâu nhỉ. Phải nói rằng, hầu như mọi sự kết nối của tôi với vùng đất Bình Định bắt nguồn từ mối duyên cùng chồng tôi. Lần đầu gặp anh ấy là từ năm 1972, khi anh ấy là du học sinh vừa đến Italia để học ngành Hóa và Công nghệ dược. Có thể nói cuộc gặp của chúng tôi là do định mệnh. Đến giờ chúng tôi đã quen nhau được 50 năm rồi. Tưởng như một tình cờ nhưng kéo dài cả một đời người…
Anh Dân là người Tây Sơn nên tôi trở thành con dâu đất Tây Sơn. Vì cả hai vợ chồng tôi đều viết văn nên ngoài gia đình chồng, bà con, các anh em trong gia đình thì chúng tôi còn quen biết rất nhiều văn nghệ sĩ ở Bình Định, như nhà văn Huỳnh Kim Bửu, Mang Viên Long, Cao Văn Tam, Đào Hiếu, Lê Hoài Lương, Mai Thìn, Nam Thi, Trần Như Luận…, đến các nhà giáo, nhà nghiên cứu như Lê Nhật Ký, Trần Xuân Toàn, Châu Minh Hùng… Vợ chồng chúng tôi luôn có nhiều lý do để trở về Bình Định.
Nhà văn Trương Văn Dân và vợ Elena Pucillo.
* Hầu như các sáng tác của bà đều được chồng chuyển ngữ?
– Tôi có viết một số bài cho các báo và tạp chí ở Italia nhưng các sáng tác truyện ngắn và tạp bút được xuất bản ở Việt Nam thì đều được chính anh Dân dịch sang tiếng Việt. Tính đến nay, tôi đã xuất bản được 3 tập truyện là Bóng của ngày, Một phút tự do và Vàng trên biển đá đen. Riêng tập Một phút tự do vừa được in lại bằng nguyên tác tiếng Italia Un Istante di libertà, do nhà xuất bản Calibano ấn hành năm 2019 (trong khuôn khổ Giải thưởng của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh năm 2016, tác phẩm Một phút tự do (tập truyện ngắn, tùy bút của Elena Pucillo Truong (Italia), bản dịch của Trương Văn Dân được Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh trao tặng thưởng – NV).
* Bà dành khá nhiều sự quan tâm về phụ nữ và văn hóa Việt?
– Đúng vậy. Tôi gắn bó với Việt Nam đủ lâu để thấy mình thực sự hòa vào cuộc sống nơi đây. Và hiểu nhiều hơn về người Việt, nhất là có nhiều đồng cảm với phụ nữ Việt. Bởi thế, từ nhiều năm trước, tôi đã tổ chức nhiều hội thảo ở Italia về Việt Nam với các đề tài “Vai trò phụ nữ và tầm quan trọng của họ trong gia đình Việt Nam”, “Tết Việt Nam, phong tục và truyền thống”, “Đổi mới, phát triển kinh tế Việt Nam sau khi chiến tranh chấm dứt”.
* Hẳn Bình Định đã tạo nhiều cảm hứng cho sáng tác của bà?
– Tôi là con dâu xứ Nẫu cơ mà! Từ nhiều năm nay, Bình Định và Việt Nam đã là quê hương của tôi. Tôi được chồng và cả gia đình anh giúp hiểu thêm về văn hóa và phong tục đất nước này. Tôi biết câu ca dao Muốn ăn bánh ít lá gai/ Lấy chồng Bình Định cho dài đường đi, nhưng như bạn thấy đấy, tôi đâu có sợ đường dài! Vì về Bình Định nhiều lần nên tôi cũng đã có cơ hội viết về Bình Định. Như tạp bút Kỳ diệu và tự hào viết về lễ hội Tây Sơn – Bình Định năm 2008; truyện ngắn Trên chuyến tàu về quê ăn Tết viết năm 2011 trong cảm hứng hồi tưởng những chuyến tàu về Bình Định dịp cuối năm, hay Kho tàng của sự im lặng viết năm 2013 sau khi thăm một ngôi chùa ở Quy Nhơn…
Khó có thể dùng phép liệt kê, vì không chỉ trực tiếp đề cập đến Bình Định mà nhiều bài viết của tôi về những chủ đề khác cũng được nuôi cấy từ cảm hứng khi tiếp xúc với đất và người Bình Định.
* Thưa bà, bà thấy đất và người Bình Định như thế nào?
– Ở đây, con người đáng yêu, cảnh vật cũng rất xinh đẹp. Khi về đây, tôi cùng chồng, có khi là những bạn văn của anh ấy hay đi thăm thú một số nơi, như: Hầm Hô, Ghềnh Ráng, Cù Lao Xanh, Eo Gió, các ngôi chùa trên núi… Đặc biệt, tôi rất thích món ăn Bình Định. Mỗi lần về Việt Nam, khi trở lại Italia tôi đều mang theo rất nhiều bánh tráng, nó ngon và tiện lợi. Tôi cũng rất thích bánh xèo Bình Định, bún chả cá, bún sứa, nước mắm… nói theo kiểu của người Bình Định hay nói, là hương vị rất đậm đà.
Người Bình Định cần cù chịu khó, chân thành và hiếu khách, dễ làm người khác cảm mến. Quý nhất là ý thức lưu giữ các giá trị văn hóa, truyền thống hào hùng của lịch sử, nhất là về thời Tây Sơn. Nên mỗi lần đến thăm Bảo tàng Quang Trung, lòng tôi đều lâng lâng xúc động.
* Hình như bà đang ấp ủ nhiều dự định?
– Tôi sắp xuất bản tập truyện ngắn, tản văn Hạt bụi lênh đênh. Tập sách gồm 10 truyện ngắn và 19 tạp bút là góc nhìn về Phật giáo của một người phụ nữ Italia sống và viết ở Việt Nam.
Đặc biệt, mấy năm trước có một số bạn văn và bạn đọc đã đề nghị vợ chồng tôi in chung một tập truyện. Chúng tôi đã suy nghĩ về điều ấy và quyết định sẽ in chung tập truyện như vậy, thống nhất lấy tựa là Nỗi đau ngọt ngào. Tập truyện gồm 28 truyện ngắn, 15 của anh Dân và 13 của tôi, các truyện xoáy vào chủ đề gia đình. Ngụ ý chúng tôi như tên của tập truyện, là trong gia đình có cả tình yêu và nước mắt, vì gia đình là nơi êm ấm nhất nhưng nếu thiếu “tình” thì có thể mang lại rất nhiều đau khổ hay trở thành “một nơi nguy hiểm để sống”.
Hai tập truyện này, sẽ sớm xuất bản ở Việt Nam. Và có lẽ, chúng tôi sẽ làm một buổi ra mắt sách nho nhỏ ở quê nhà Bình Định, cũng là dịp để gặp lại bạn văn, những người đáng yêu mà chúng tôi có dịp gặp gỡ, kết duyên bè bạn.
* Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này. Chúc bà và gia đình thật nhiều sức khỏe và bình an, đón một cái Tết đầm ấm, nhiều niềm vui.
VÂN PHI (Thực hiện)