MỘT SỐ ĐỊA DANH QUEN Ở VĨNH LONG

Ngày đăng: 22/11/2022 10:06:32 Chiều/ ý kiến phản hồi (1)

Trong bài này , tác giả Nguyễn Gia Việt có nêu nhiều chi tiết có thể người địa phương khp6ng  đồng ý, nhưng chúng ta cũng cám ơn vì ông gợi lại nhiều địa danh quen thuộc mà chúng ta không nói đến. Xin mọi người góp ý

Tại Vĩnh Long có câu:

Đèn nào cao bằng đèn Cầu Lộ / Gái nào ngộ cho bằng gái Cầu Kinh /Trai nào xinh bằng trai Cầu Thiềng Đức /Nhiều lục bình nhứt là sông Cầu Lầu”

Cầu Lộ:

Cày Lộ là cây cầu có cái dốc cao nhứt ở Vĩnh Long hồi xưa bắc qua rạch Ngư Câu (Cái Cá)

Thời còn thành lũy cầu Lộ làm bằng cây rất cao để triều đình canh tuần sông Cái Cá, thành Long Hồ sát bên đó. Pháp qua làm cầu bê tông, từ hướng ngã ba Long Châu (ngã ba Cần Thơ) vô chợ Vĩnh Long theo con lộ Hàng Tre sau đặt tên là Lê Thái Tổ phải bước qua cây cầu này. Cầu này có hai hàng cột đèn rất cổ

Cầu Lầu: Cầu Lầu vì nó có cái lầu trên cầu, kiểu như cái nhà hóng gió xưa . Bắc ngang rạch Cầu Lầu nối tiền Phường 1 và P 4

Thời Nguyễn cầu Lầu là một cầu bằng cây căm xe, lát ván, giữa có vọng lâu (lầu) dựng trên 4 cây cột cao,lầu sơn son thếp vàng. Cái lầu này để lính canh phòng mặt sông Cổ Chiên và canh tuần người dân qua lại vô thành (Hình cầu Lầu còn hình minh họa trong Vĩnh Long xưa và nay của Huỳnh Minh)

– Cầu Kinh Cụt là cái cầu bắt qua kinh Cụt (kinh Công Xi heo) tức con kinh này không có hậu,nó bị cụt đường .Kinh Cụt bắt nguồn từ rạch Cái Cá đổ ra rạch Cầu Lầu, mà Cầu Lầu là rạch cụt không có hậu nên lục bình từ sông Cổ Chiên, Long Hồ đi vô mắc kẹt cứng ngắc không thoát ra được

Chạy qua cầu Lộ ,nếu chạy thẳng cái rẹt sẽ vô chợ Vĩnh Long, nếu đổ dốc cầu quẹo phải độ mươi thước là Tòa Giám Mục Vĩnh Long

Xóm cầu Kinh Cụt là xóm gái đẹp. Sáng các nữ sinh áo dài trắng túa ra đi qua cầu Kinh Cụt tới trường làm trắng xóa cả một vùng.

Bây giờ nói tới chữ “thiềng” ở Vĩnh Long nè

Cầu Thiềng Đức bắc qua sông Long Hồ

Con lộ từ dốc cầu Thiềng Đức đưa tới làng Long Thành, băng qua xóm Thiềng Đức, xóm Bánh Phồng, xóm Chuồng Gà, xóm Cầu Kè. Bắt đầu từ cuối xóm Thiềng Đức, con lộ đã xuyên vào vùng miệt vườn rợp bóng mát

Thiềng Đức có từ bao giờ và có nghĩa là gì?

Đất Vãng của tỉnh Vĩnh Long xưa có từ năm 1757 khi vua Chân Lạp là Nặc Tôn dâng đất Tầm Phong Long cho chúa Nguyễn,rồi thành dinh Long Hồ,trấn Vĩnh Thanh rồi tỉnh Vĩnh Long trong Nam Kỳ lục tỉnh thời vua Minh Mạng

Năm 1867, sau khi chiếm được ba tỉnh Miền Tây, Pháp dỡ miếu hội đồng Vĩnh Long là nơi thờ 85 đạo sắc phong của nhà Nguyễn rồi đem cột kèo về xây cất tòa bố Vĩnh Long,người dân đem 85 đạo sắc phong về gởi tại đình làng Thiềng Đức ngày nay

Ngày 18.6.1887 Pháp cho nhập các làng Long Phụng, Mỹ Thới, Mỹ Tường ,Thanh Mỹ thành làng Thiềng Đức

Đến ngày 24.11.1932 nhập 3 làng Sơn Đông, Long Thanh, Thiềng Đức thành làng Long Đức Đông ,tổng Bình Thiềng

Trong “Hơn nửa đời hư” học giả Vương Hồng Sển chép về bà Phủ An như sau:

“Bà là người quê ở Vĩnh Long,làng Long Mỹ, tổng Bình Thiềng, nhưng trong khai sanh lại ghi ngày 15-4-1866, sanh tại làng Vĩnh Phước, tổng An Trung (Sa Đéc) tên trong bộ đời là Nguyễn Thị Lâu, nhưng ngoài thế lưu danh Bà Phủ An, với câu đặt để lớp xưa: Nhứt An, nhì Phát, tam Chanh, tư Định”

Tổng Bình Thiềng có 7 làng: Bình Tịnh, Hạnh Lâm, Long Mỹ, Long Thanh, Sơn Đông, Thiềng Long, Thiềng Đức

Trong tuyện ngắn ”Câu chuyện xóm Thiềng Đức” nhà văn Hồ Trường An ghi rằng:”

Ông Lê Tấn Bền vốn dân xóm Thiềng Đức, làng Long Đức Đông, tỉnh Vĩnh Long”

Thiềng Đức là gì?

Thiềng Đức chính là Thành Đức.Vĩnh Long xưa còn có Long Thiềng ,Tân Thiềng và Thiềng Long

Người Nam Kỳ mình một số nơi có thói quen biến đổi âm nhiều từ khác với Trung Kỳ và Bắc Kỳ

Thí dụ:Bản thành bổn, đàm thành đờm ,bảo thành biểu, long thành luông (Yên Luông ), chân thành chơn và chưn, thị thành qua thị thiềng …

Vì thế ca dao Nam Kỳ có câu:

Cất tiếng kêu cô mỹ nữ/ Đứng giữ tảng đá, chuông đồng/ Lòng cô muốn đi tu phải thối của cho chồng

Ông thôn nhận mộc /Ông cả đứng thị thiềng/  Bao nhiêu tiền của phải thối liền cho anh”

Hay như là:

Muốn lên non tìm con chim lạ/  Chốn thị thiềng chim chạ thiếu chi”

Dân Nam Kỳ đọc mấy câu thơ của sơn nữ Phà Ca trong”Mưa rừng” như sau:

“Em biết thầy cai ở thị thiềng/Còn em là gái của rừng xanh/Mấy lời giã biệt em còn nhớ/ Những chuyến giao thề chuyện sắt đinh”

Cái chữ “Thiềng’ trong Thiềng Đức Vĩnh Long có bà con với cái chùa “Long Thiền” ở sát bên đó

Long Thiền tức Long Thành và Thiền không hề có chữ g

Người Miền Nam xưa rất thoáng trong việc áp chữ “G” khi “thiền” cũng như “thiềng”,”lan” cũng như lang”,”tiến” cũng như “tiếng”

Xa xôi hơn nữa nhớ câu ca dao của dân Qui Nhơn nói về Võ Tánh :

“Ngó lên hòn tháp Cánh Tiên

Cảm thương ông hậu thủ thiềng ba năm”

Thủ thiềng là thủ thành.Như vậy có thể biết rằng dân Vĩnh Long có bà con gốc người Ngũ Quảng nên vẫn giữ nguyên cách phát âm từ Trung Kỳ

Cái nữa là ở xứ nước mắm Phan Thiết,bên sông Cà Ty ,chổ trường Dục Thanh ,tức là từ đường họ Nguyễn của ông Nguyễn Thông xưa là đất làng Thành Đức.Nhưng khi danh sĩ Kỳ Xuyên Nguyễn Thông ( 1827 – 1884 ) từ Nam chạy ra Bình Thuận tị địa và sống tới chết thì đất này có danh làng Thiềng Đức

Phan Thiết vẫn là Trung Kỳ nhưng không xài chữ thiềng.Nguyễn Thông là dân Tân An, Long An từng làm đốc học Vĩnh Long

Kỳ Xuyên Nguyễn Thông hiệu Độn Am sanh năm Đinh Hợi 1827 tại Bình Thanh, tổng Thạnh Hội Hạ, huyện Tân Thạnh, phủ Tân An, tỉnh Gia Định,nay là Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành, tỉnh Long An

Năm 1862,cả ba tỉnh Miền Đông bị Pháp chiếm, nhờ quan Phan Thanh Giản đề cử Nguyễn Thông được bổ làm Đốc học Vĩnh Long

Lúc này ba tỉnh Miền Tây còn thuộc triều đình,các sĩ phu ở ba tỉnh Miền Đông lục đục kéo nhau về Vĩnh Long tỵ nạn

Chúng ta có thể nhớ tới cụ Đồ Chiểu đã từ Gia Định về Cần Giuộc ,rồi ông cũng ôm gia đình đi tỵ địa bằng cách từ Cần Giuộc xuống Gò Công, từ Gò Công theo ghe vượt cửa tiểu sang đất Ba Tri, Bến Tre, Bến Tre khi đó là đất thuộc tỉnh Vĩnh Long

Chính Nguyễn Thông và Phan Thanh Giản xây Văn Thánh Miếu Vĩnh Long. Công trình khởi công từ mùa đông năm Giáp Tý (1864) và hoàn thành vào mùa thu năm Bính Dần (1866).Trên bia của Văn Thánh miếu còn ghi Nguyễn Thông lại cùng Phan Thanh Giản khởi xướng việc dời mộ nhà giáo dục nổi tiếng ở lục tỉnh là Võ Trường Toản, từ Chí Hoà Gia Định cải táng về Bảo Thạnh, Ba Tri, Bến Tre, vì lẽ sĩ phu không muốn xương cốt “Ông tổ nho giáo Nam Kỳ” bị quân địch làm ô uế

Năm 1867, Pháp chiếm thành Vĩnh Long, Phan Thanh Giản tự sát, lúc ấy Nguyễn Thông 41 tuổi, ông cùng một số sĩ phu “tỵ địa” ra Bình Thuận

Sau khi Nguyễn Thông ra đi thì Văn Thánh Miếu, Vĩnh Long có nguy cơ bị Pháp dỡ. Dân Vĩnh Long lúc đó đã họp lại cử ông bá hộ Trương Ngọc Lang đứng ra nói chuyện với Pháp để giữ lại Văn Thánh Miếu

Căn nhà của Nguyễn Thông ở bờ sông Cà Ty, Phan Thiết,ông gọi là “Ngọa du sào”, nơi ông đọc sách ngắm trăng làm thơ,tại nơi nầy năm 1884 Nguyễn Thông qua đời lúc 58 tuổi . Sau khi ông mất, nơi này là nhà thờ ông . Miếng đất nhà thờ Nguyễn Thông ở trên làng Thành Đức này chính là trường Dục Thanh.

Làng Thiềng Đức tỉnh Vĩnh Long là quê quán một nhạc sư nổi tiếng, người đứng đầu nhạc tài tử miền Tây là Ông Trần Quang Quờn (1875 – 1946) con ông hương sư làng Thiềng Đức -Trần Doãn Cung,mẹ là người làng Bình Hòa Phước. Nay thuộc Long Hồ.

Ông Qườn làm việc tại tòa bố tỉnh Vĩnh Long với chức kinh lịch là người chuyên dịch những văn bản của tòa bố từ chữ Hán ra chữ quốc ngữ, dận gọi ông là kinh lịch Quờn

Ông Qườn rất giỏi hát xướng đờn ca,ông viết bài Văn Thiên Tường nổi tiếng , là người góp phần tạo ra cải lương của đất Nam Kỳ

Quờn là quyền, quờn phép là quyền phép

“ Chẳng qua là gió đưa dươn/ Nào ai cướp lộc dành quờn chi ai /Vĩnh Long còn có làng Tân Ngãi

Cái tên Tân Ngãi xuất hiện ngày 31.3.1886 do làng Tân Sơn sáp nhập với làng Vĩnh Tòng mà thành làng Tân Ngãi

Làng Tân Ngãi có chợ Trường An là cái chợ nữa quê nữa phố,nhỏ chút xíu,bán buôn cũng không nhiều .Vậy mà chợ Trường An nổi tiếng lại nhờ tuồng cải lương“Tuyệt tình ca” Ông cò quận 9

Ngãi là nghĩa đó

Vĩnh Long còn có Trung Ngãi, Minh Ngãi, Bình Quới, Quới Hiệp

Cái chữ mà người Nam Kỳ thích đọc trại nhứt có lẽ là chữ quới

Quới thiệt là hay. Chữ “quới” mới ly kỳ nè

Quới là đọc méo âm của ba chữ quý, quái và quế

Quý có nghĩa là sang trọng. Quái nghĩa là kỳ lạ.Quế nghĩa là một loại cây có mùi thơm nức mũi

Nghe ai kêu quới nhơn thì hiểu là quý nhơn, nhưng cũng có nghĩa là quái nhơn

Phần đông chữ quới ở Nam Kỳ có nghĩa là quý . Bình Qưới, Qưới Hiệp,Tân Qưới có nghĩa là Bình Qúy,Qúy Hiệp,Tân Qúy .

Cai Lậy có Mỹ Quý thì Sóc Trăng có Mỹ Quới

“Chợ nào nhiều rau bằng chợ Thầy Phó/ Chợ nào đánh võ bằng chợ Nhà Đài /Chợ Tân Quới mua bán nhiều khoai /Chợ Mỹ Tho đem cả ghe chài đến mua”

Người Nam Kỳ kêu “quới” nhiều khi lại thành “quớ” ,cữ quớ này nghĩa là “bớ” trong câu kêu

“Hò ơ!

Mặt trời vừa lặn, mặt trăng vừa ló

Quới nương em ơi, anh xin tỏ với nàng

Hò ơ!

Con gái ông Bang, con gái ông Phủ

Qua cũng không màng

Chỉ chuộng con bạn ngọc biết đá vàng, thủy chung”

Vĩnh Long còn có cầu Dài, cầu Công Xi Heo nữa đó đa.

Cầu Công Xi Heo nay là cầu Mậu Thân , xưa có lò mổ heo gần đó nên chết tên Công Xi Heo, kế bên có nghĩa địa An Nam.

Công Xi heo là địa danh phổ biến ở Nam Kỳ, Bình Dương, Sài Gòn đều có. Cứ có lò mổ heo thì có Công Xi Heo.

Trong” Sài Gòn năm xưa” ông Vương Hồng Sển viết:

”Đoạn từ Rạch Lò Gốm vô Rạch Cát, tại đường Danel (nay Phạm Đình Hổ) ngay Đồn Cây Mai, có cầu có bực thang, tiếng Pháp là Pont Danel, ta đặt tên Cầu Công Xi Heo. Kế bên có lò heo Đô Thành”

Vĩnh Long xưa có đường và cầu Khưu Văn Ba nay là đường Phạm Thái Bường .

Năm 1960 tỉnh trưởng Vĩnh Long Khưu Văn Ba bị  ám sát chết ở khu trù mật Cái Sơn. Ông Khưu Văn Ba nguyên là Đốc Phủ Sứ, là tỉnh trưởng dân sự cuối cùng của Vĩnh Long vì sau khi ông chết tỉnh trưởng đều là sĩ quan

Sau khi ông chết,Vĩnh Long đặt tên con lộ mới , cái cầu mới là cầu Khưu Văn Ba.

 Nguyễn Gia Việt

 

Có 1 bình luận về MỘT SỐ ĐỊA DANH QUEN Ở VĨNH LONG

  1. Bài viết rất xúc tích. Tiếc thay phần tên Thiềng Đức chỉ biết là Thành Đức rồi thôi. Tác giả nói dài dòng nhưng chả thêm được cái chi.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác