TỪ QUYỀN LỰC THỨ NĂM ĐẾN HIỆN TƯỢNG KOLs VIỆT NAM TRÊN INTERNET

Ngày đăng: 7/09/2022 10:50:56 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Chúng ta thường nghe nói khái niệm “The Fourth Estate” tức là quyền lực thứ tư để chỉ báo chí. Vậy tại sao người ta lại nói báo chí là quyền lực thứ tư bên cạnh các quyền hành pháp, tư pháp và lập pháp?

Báo chí với hình thức ban đầu là những bản tin ra đời từ rất sớm, ở phương Tây người ta cho rằng báo chí dưới dạng những bản tin ra đời vào thời Hy Lạp – La Mã cổ đại tức là cách đây ít nhất hơn 2000 năm. Còn ở phương Đông thì người ta cho rằng báo chí ra đời sớm nhất ở Trung Quốc, thời nhà Hán, vào khoảng thế kỷ thứ hai sau Công nguyên. Như vậy chúng ta đủ thấy vai trò quan trọng của báo chí trong đời sống con người, vai trò đó là đưa thông tin cần thiết đến với con người một cách nhanh nhất.

Ngược dòng lịch sử thì vào thế kỷ 18, Edmund Burke, một chính trị gia và là nhà văn, nhà triết học người Ireland từng phát biểu rằng: “Có ba đẳng cấp tại Quốc hội, nhưng trong phòng của những người đưa tin (tức là nhà báo), có một đẳng cấp thứ tư quan trọng hơn nhiều so với ba đẳng cấp kia”. 3 đẳng cấp kia là 3 đẳng cấp truyền thống của Quốc hội vương quốc Anh: Lords Spiritual (quý tộc tâm linh, tức là các chức sắc tôn giáo), Lords Temporal (quý tộc thế tục) và Commons (tầng lớp bình dân). Sau đó sang thế kỷ 19, một học giả Pháp là ông Alexis de Tocqueville, cho rằng có bốn quyền lực như sau: 1. Quyền lực trung ương gồm các quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp; 2. Quyền lực của chính quyền địa phương; 3. Quyền lực vận động hành lang (chẳng hạn lobbies, vận động bỏ phiếu); 4. Quyền lực của báo chí, truyền thông

Sau đó nhiều chính trị gia phương Tây đều tán đồng quan điểm báo chí là quyền lực thứ tư. Không phải ngẫu nhiên mà ngay sau chiếm Nam Kỳ làm thuộc địa, người Pháp đã ngay lập tức cho phát hành tờ “Gia Định báo” bằng chữ quốc ngữ vào năm 1865 trong điều kiện khó khăn, các chữ cái đúc bằng chì phải chở từ Pháp sang, vì họ thấy sự cần thiết phải lan tỏa thông tin đến với dân chúng.

Như vậy chúng ta thấy ngay từ thuở ban đầu của khoa học chính trị, báo chí đã được xác lập là quyền lực thứ tư, dù rằng 3 quyền kia có thể thay đổi tùy theo quan điểm của từng người. Tuy nhiên thuật ngữ “quyền lực thứ tư” để chỉ báo chí bên cạnh các quyền hành pháp, tư pháp và lập pháp chỉ đặc biệt phổ biến từ sau vụ Watergate diễn ra từ năm 1972 đến năm 1974, dẫn đến việc Tổng thống Mỹ Richard Nixon phải từ chức trước khi kết thúc nhiệm kỳ. Sở dĩ nói quyền lực thứ tư vì lúc đó tờ Washington Post là tờ báo đã đưa ra vụ việc chấn động này và người ta cho rằng báo chí có thể làm lật đổ cả chính phủ.

Đương nhiên để xứng đáng với danh xưng “quyền lực thứ tư”, những nhà báo chân chính đều muốn rằng bài viết của mình phải là những bài viết có chất lượng và ý nghĩa, đánh động đến mọi người về những vấn đề xã hội, kinh tế, chính trị… hay thậm chí viết giải trí thì cũng phải là nghiêm túc và nêu được những vấn đề mà mọi người cần quan tâm. Tất nhiên ranh giới giữa giải trí và lá cải là rất mong manh và nhà báo phải có bản lĩnh và năng lực chuyên môn để đừng vượt qua cái ranh giới mong manh đó. Nhưng việc có quá nhiều tờ báo mạng, trang thông tin mạng ra đời ở Việt Nam, dẫn đến tình trạng là những phóng viên có nghiệp vụ chuyên môn kém, lười, không chịu đi thực tế thu nhặt tư liệu, cho nên ngồi một chỗ và lấy bài, hình ảnh từ Facebook, Instagram, Twitter của những người nổi tiếng để đưa lại. Một khả năng nữa là chính những người nổi tiếng hay muốn nổi tiếng thuê nhà báo viết bài để PR cho bản thân mình, nhằm mục đích mang lại danh tiếng, để quảng cáo chẳng hạn và sau đó có một bộ phận người sẽ lợi dụng để trục lợi, nhất là trục lợi trên mạng xã hội. Nhiều công ty truyền thông đã có hẳn một chiến lược kinh doanh ăn theo với những tin nhắn gửi đến cho những cá nhân trên mạng xã hội, mời gọi mua bài, mua Facebook có tick xanh…

Như vậy quyền lực thứ tư của báo chí là rất đáng kể bởi vì nó ảnh hưởng đến con người rất nhiều, đặc biệt là ở tính định hướng và cung cấp thông tin cho con người. Hiện nay theo quan điểm của truyền thông đại chúng hiện đại, chúng ta có quyền lực thứ năm. Quyền lực thứ năm là gì? Đó là những phương tiện truyền thông mới qua Internet như blog cá nhân, mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter và Youtube, Tik Tok… Ưu điểm của quyền lực thứ năm là gì? Thứ nhất, là không bị giới hạn về không gian (có thể đọc được ở mọi nơi, bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau) và thời gian (đọc lúc nào cũng được, dễ dàng tìm lại các tư liệu cũ chưa đọc). Thứ hai, là tính tiện nghi và linh hoạt, chúng ta có thể sử dụng các thiết bị từ đắt tiền đến rẻ tiền để đọc và viết, ở bất kỳ trạng thái nào. Thứ ba, đó là tính cá nhân song hành với tính cộng đồng. Một cá nhân nào đó có thể lập ra một trang mạng hoặc blog, hoặc trang Facebook, tài khoản Instagram, Twitter, Tik Tok… và thu hút cộng đồng tham dự. Từ đó mới nảy sinh ra các KOLs trên mạng xã hội, cũng như các nhóm cộng đồng.

KOLs (Key Opinion Leaders) theo Từ điển Merriam – Wester có thể hiểu là “người dẫn dắt quan điểm, tư tưởng”. Họ là là những người nổi tiếng, họ tạo ra những xu thế trong đời sống và dẫn dắt cộng đồng theo mức độ ảnh hưởng của họ. Họ có thể là những ngôi sao điện ảnh, ca nhạc, những stylist, chuyên gia làm đẹp, ẩm thực… hoặc cũng có thể là những con người có thế mạnh nào đó trong lĩnh vực chuyên môn của họ, chẳng hạn như nhà văn, nhà thơ, doanh nhân, kỹ sư, bác sĩ, nhà báo, nhiếp ảnh gia… hoặc có những hoạt động thu hút cộng đồng chẳng hạn như người làm từ thiện, người truyền đạo…

Tất nhiên quyền lực thứ năm cũng là con dao hai lưỡi, trên đó chúng ta thấy thông tin giả song hành cùng thông tin thật, người xấu chen với người tốt, và những người tỉnh táo, hiểu biết thì luôn có sự nhìn nhận, đánh giá rõ ràng của riêng mình. Bù lại, quyền lực thứ năm được tự do và độc lập về mặt tư duy và nhận thức, và nó chính là sự bù đắp tốt nhất cho những nhược điểm của quyền lực thứ tư. Thực tế trong xã hội Việt Nam bây giờ, quyền lực thứ tư và quyền lực thứ năm đang có sự cạnh tranh gay gắt trong rất nhiều vụ việc, cung cấp thông tin và rất nhiều lần, cán cân và lòng tin của công chúng nghiêng hẳn về quyền lực thứ năm. Từ đó chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra nhiều hiện tượng KOLs Việt Nam “làm mưa làm gió” trên mạng xã hội, tác động đến một lượng lớn các công dân mạng (netizens). Ở đây người viết không đề cập đến vai trò tích cực, chuyển tải những thông tin tốt, bổ ích… đối với cộng đồng của nhiều KOLs, mà chỉ nhấn mạnh đến những góc khuất đằng sau vẻ ngoài và những câu chuyện “vạn người mê” của một số người mang danh KOLs Việt.

TS.HÀ THANH VÂN

 

 

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác