MẠN ĐÀM VỀ NGÀY GIỖ TỔ SÂN KHẤU

Ngày đăng: 6/09/2022 01:58:20 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Giỗ tổ sân khấu ngày 12 tháng 8 âm lịch hằng năm đã trở thành ngày lễ quen thuộc ở Việt Nam. Đây là dịp để giới nghệ sĩ bày tỏ lòng tri ân đến các bậc tiền nhân đã có công xây dựng và phát triển ngành sân khấu. Đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu về ngày giỗ tổ sân khấu, song trên các phương tiện truyền thông vài năm gần đây thỉnh thoảng vẫn xuất hiện những tranh luận về ngày lễ nầy. Bài viết dưới đây không phải là một nghiên cứu về ngày giỗ tổ sân khấu, mà chỉ mang tính trao đổi về một số vấn đề đang được chú ý hiện nay.

Trước tiên, nếu nói một cách chính xác thì không có ngày giỗ tổ sân khấu, mà chỉ có ngày giỗ tổ hát bội và ngày Sân khấu Việt Nam. Tuy nhiên, với xu hướng gỡ bỏ những rào cản phân biệt để lan tỏa những giá trị tốt đẹp, giới nghệ sĩ mong muốn có một ngày để tưởng các thế hệ tiền bối nói chung. Cách gọi giỗ tổ sân khấu như một sự “mở rộng” ý nghĩa từ giỗ tổ hát bội. Nó không phải là một cách gọi bất ổn, vì phù hợp với nguyện vọng của chủ thể đang trao truyền giá trị văn hóa nầy. Do vậy trong bài viết, tác giả xin sử dụng cách gọi giỗ tổ sân khấu.

GIỖ TỔ SÂN KHẤU LÀ GIỖ AI?

Một số ý kiến cho rằng, ngày 12 tháng 8 thực chất là ngày giỗ Bạch Mi Thần – tổ các nghề ca kỹ, mại dâm, trộm cướp… bên Trung Quốc. Qua quá trình tiếp xúc văn hóa, người Việt Nam đã tiếp nhận ngày giỗ tổ ca kỹ của người Trung Quốc trở thành ngày giỗ tổ hát bội của mình.

Chúng ta biết, dân gian Việt Nam truyền rằng tổ hát bội là ba vị hoàng tử tên Càn, Chơn, Chất (có dị bản kể là hai vị). Vì mê xem hát, các hoàng tử bỏ ăn bỏ ngủ, sức khỏe suy sụp, cho nên vua cha cấm các con xem hát. Sau đó, các hoàng tử lén rời khỏi hoàng cung, chui vào bộng cây vông nem để trốn theo gánh hát, nhưng không may hỏa họa xảy ra khiến họ qua đời. Hôm đó là ngày 12 tháng 8.

Rõ ràng từ xa xưa, người Việt Nam có cách giải thích riêng cho ngày giỗ tổ hát bội của mình. Như vậy, dù vô tình trùng hợp hay chủ động tiếp nhận ngày giỗ tổ ca kỹ từ Trung Quốc, thì ta vẫn là ta – nhân vật riêng, câu chuyện riêng, ý nghĩa riêng và bản sắc riêng. Nếu chỉ dựa vào sự giống nhau về ngày tháng để nói rằng giỗ tổ hát bội là giỗ Bạch Mi Thần thì rất khiên cưỡng, bởi chính chủ thể của thực hành văn hóa ấy lại không hề nhận thức như thế.

Trong ngày giỗ tổ, sân khấu được thiết kế làm nơi hành lễ, với nhiều bàn thờ khác nhau. Ngoài bàn thờ Tam Vị Thánh Tổ ở vị trí trung tâm, còn có Hội Đồng Lưỡng Ban, Thập Nhị Công Nghệ, Lão Lang Đại Thần, Tiền Hiền Hậu Hiền. Ở phía dưới, bên trái là bàn thờ Bạch Hổ được xem là tổ của kép võ, bên phải là bàn thờ Linh Quan Thổ Địa được xem là tổ của kép hề. Dưới cùng là bàn thờ Ông Ngỗ Nghịch, được cho là vị thần yểm trị sự phá phách trên sân khấu. Bên ngoài có bàn thờ Ông Quán – Bà Quán còn gọi là Ông Bà Chủ Quán, được cho là những người đã có ơn giúp đỡ đào kép trên bước đường lưu diễn khắp nơi.

Như vậy, ngoài ý niệm về Tam Vị Thánh Tổ, ngày giỗ tổ còn là dịp cúng tế chung cho nhiều đối tượng tín ngưỡng khác. Nghệ sĩ thắp hương trước các bàn thờ để tri ân những bậc tiền bối gầy dựng nghề nghiệp, những bậc thầy có công truyền dạy, những nhân tài sân khấu, những đồng nghiệp quá cố, thậm chí những khán giả ân nhân của mình… Nào có ai cúng Bạch Mi Thần bên Trung Quốc?

Hầu như hiếm có nghệ sĩ Việt Nam nào biết đến Bạch Mi Thần, huống hồ là nhận thức rằng mình đang làm lễ giỗ ông ấy. Song, dù cho giỗ tổ hát bội thực sự bắt nguồn từ giỗ Bạch Mi Thần cũng chẳng sao. Bởi vì, người Việt Nam tiếp nhận ngày 12 tháng 8, chứ không phải tiếp nhận vị thần kia, từ đó họ đã gán cho nó một ý nghĩa hoàn toàn khác biệt so với Trung Quốc.

Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, “sự thật” về tổ nghề không quan trọng bằng “nhận thức” về tổ nghề. Bởi lẽ, đây là một thực hành văn hóa, không phải một sự kiện lịch sử. Sự kiện lịch sử là cái “đã chết” vì nó chỉ xảy ra một lần rồi trôi qua mãi mãi, còn thực hành văn hóa là cái “đang sống” vì được trao truyền và tái hiện một cách định kỳ.

Chúng ta không cần phải lý giải tổ nghề là ai, lai lịch ra sao, qua đời ngày nào… Tất cả những câu hỏi ấy đều không quan trọng. Điều quan trọng là vào ngày đó, giới nghệ sĩ hội tụ cùng nhau để làm gì? Có người lập bàn thờ tổ trong nhà, có người đến sân khấu để cúng tổ, dù không gian và thời gian khác nhau, thì đối tượng mà họ hướng về đều là những bậc tiền bối đã làm rạng danh sân khấu.

GIỖ TỔ SÂN KHẤU DÀNH CHO AI?

Có không ít ý kiến cho rằng, giỗ tổ sân khấu là giỗ tổ hát bội, cho nên các ca sĩ, diễn viên, người mẫu, vũ công, nhạc công, đạo diễn, quay phim… không hoạt động ở lĩnh vực hát bội mà tham gia giỗ tổ thì chỉ là “ăn theo”. Tuy nhiên khi bàn về văn hóa, không phải lúc nào chúng ta đều vận dụng kiến thức một cách máy móc, mà trên hết là sự bao dung. Bằng kiến thức, có thể dễ dàng chứng minh rằng tổ hát bội không sáng tạo ra tân nhạc, hài kịch, điện ảnh… nhưng góc nhìn đó thiếu sự bao dung.

Trong các nghi lễ, dân gian thường nhắc đến hai từ là “tri ân” và “báo ân”, nói dễ hiểu là tưởng nhớ người đã khuất và trách nhiệm người đang sống. Song trên thực tế, chúng ta thường nghĩ về người đã khuất ít hơn nghĩ về bản thân mình. Bởi vì khi đã có niềm tin vào đối tượng thiêng, mỗi người ý thức về việc giữ gìn phẩm giá bản thân nhiều hơn. Chẳng hạn, dù không nhìn thấy ông bà quá cố, nhưng nếu có niềm tin vào tổ tiên, chúng ta ý thức mình phải sống sao cho xứng đáng với dòng họ. Cũng vậy, dẫu không biết tổ nghề thế nào, nhưng khi có niềm tin vào tổ nghề, nghệ sĩ ý thức mình phải cống hiến sao cho xứng đáng với nghề.

Mọi người đều cần có đức tin để nhắc nhở và điều chỉnh bản thân trở nên tốt đẹp hơn. Những ca sĩ, diễn viên, người mẫu, vũ công, nhạc công, đạo diễn, quay phim… cũng thế. Họ có thể tôn sùng một người phương Tây làm tổ nghề, nhưng họ đã không làm vậy, mà lựa chọn quay về với dân tộc. Tổ hát bội không sáng tạo ra tân nhạc, hài kịch, điện ảnh… nhưng điều quan trọng ông ấy là người Việt Nam. Do đó, họ tham gia giỗ tổ sân khấu không phải là “ăn theo”, mà là sự trở về với nguồn cội. Đó còn là sự hướng thượng trong đời sống – tin vào cái thiêng để nhắc nhở mình sống thiện.

Các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, cảm giác được thuộc về là một nhu cầu của con người. Bên cạnh những cộng đồng xã hội mà chúng ta thuộc về, khi tôn sùng một đối tượng thiêng, đồng nghĩa chúng ta đang thuộc về một cộng đồng tâm linh. Để điều chỉnh hành vi của mỗi cá nhân, cộng đồng xã hội có những điều lệ, cộng đồng tâm linh cũng có những quy ước bất thành văn. Tuy vậy, con người thường xuyên vi phạm những điều lệ của cộng đồng xã hội, trái lại những quy ước của cộng đồng tâm linh được tuân thủ nghiêm túc một cách tự giác.

Bởi thế, có những người không trực tiếp biểu diễn trên sân khấu, nhưng với ý thức là người hoạt động nghệ thuật phục vụ công chúng, họ đến với ngày giỗ tổ sân khấu bằng niềm tự hào về nghề. Từ cảm giác thuộc về cộng đồng tâm linh chung, họ tự nhắc nhở chính mình về những quy ước, chuẩn mực, trách nhiệm… với nghề và chùn tay trước những hành vi lệch lạc.

Giữa một thế giới có bao người tin tưởng mù quáng vào những triết thuyết bạo tàn và dối trá, có bao người bất hạnh đến độ cảm thấy chẳng còn điều gì đáng tin, thì giới nghệ sĩ Việt Nam tin thưởng vào cái thiêng – cái thiện là một điều tốt đẹp. May mắn thay những ai có đức tin, để tự nhắc nhở mình giữ gìn phẩm giá và điều chỉnh hành vi.

BIỂU TƯỢNG VĂN HÓA ĐÁNG TRÂN TRỌNG

Có lẽ đã đến lúc chúng ta dừng tranh luận ngày giỗ tổ sân khấu hướng đến ai và dành cho ai. Bởi đơn giản, giỗ tổ sân khấu là một biểu tượng văn hóa. Nó được xây dựng để biểu thị tinh thần tri ân và báo ân. Khi các đình làng cử hành lễ Kỳ yên, có thể đó không phải là ngày mất của một danh nhân lịch sử có thật, nhưng nhờ có ngày ấy mà dân làng gắn kết với nhau hơn và chia sẻ truyền thống tốt đẹp của thôn làng. Tương tự như thế, giới nghệ sĩ Việt Nam có một ngày để tôn vinh tiền nhân, nhờ đó họ gắn kết với nhau hơn và ý thức hơn về trách nhiệm với nghề.

Ngay cả vị tổ kia cũng là một biểu tượng văn hóa. Những ai nhìn tổ sân khấu như một con người bằng xương bằng thịt, thì mãi thắc mắc ông ấy họ tên gì, quê quán ở đâu, sự nghiệp ra sao, qua đời ngày nào… Nhưng những ai nhìn tổ sân khấu như một biểu tượng văn hóa, thì sẽ thấy trong hình ảnh đó có biết bao thế hệ nghệ sĩ Việt Nam. Những người nông dân chân lấm tay bùn, khi đất nước bị xâm lăng thì vùng lên đánh đuổi, khi quê hương thanh bình thì hát xướng đờn ca. Hãy thử đọc lời bản đờn ca tài tử Nhớ ơn tổ nghiệp (điệu Long ngâm) của soạn giả Thiên Hùng:

“Nổi trôi theo vận nước suy thịnh bại thành

Nghiệp tổ vẫn cố công vun bồi

Ngũ cung thành muôn điệu

Để đời đời con cháu mai sau

Biết cội nguồn ơn đức tiền nhân.”

Trong bài hát Tạ ơn Tam Vị Thánh Tổ thường được các nghệ sĩ trình diễn trong ngày giỗ tổ sân khấu, nhạc sĩ Nguyễn Minh Anh viết: “Trọn đời ghi nhớ đùm bọc sẽ chia ngọt bùi, có trước có sau nhường dưới kính trên một lòng.” Đó mới thật sự là ý nghĩa của ngày giỗ tổ sân khấu. Đó mới là điều mà chúng ta cần quan tâm. Tranh luận về nguồn gốc và đối tượng của ngày giỗ tổ sân khấu không đem lại ý nghĩa gì, thay vào đó hãy thử đặt câu hỏi: Nếu không có ngày giỗ tổ sân khấu thì sao?

VĨNH THÔNG

 

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác