Zulu DC với bên đời có nhau.
Khoảng 1 năm trước đại dịch (2019) anh Zulu DC (Cao Duyến) có cho hay là muốn in chung một tập thơ có tựa đề “Bên đời có nhau” và mong các các bạn gửi bài. Tôi đã trả lời là mình chỉ viết và dịch văn xuôi nên không có thơ để đóng góp.
Rồi đại dịch bất ngờ xảy ra làm thế giới lao đao: phong toả, cách ly… hơn 2 năm trời bạn bè xa cách và sống trong sợ hãi. Nhiều người thân đã vĩnh viễn ra đi.
Mà khi đã “hoạ” thì… “vô đơn chí”! Thế giới một lần nữa bàng hoàng hơn khi (24 tháng 2.2022) chiến tranh Ukraine bùng nổ. Âu châu rùng mình kinh hãi sợ chiến tranh thế giới thứ ba bùng nổ, phóng xạ nguyên tử và trái đất sẽ nổ tung vì tội lỗi của con người.
*
Những ngày còn bị kẹt covid.19 ở Ý, đọc tin thời sự… thấy sự tàn phá bởi bom rơi đạn không hiểu sao mấy bài thơ tự dưng xuất hiện. Có thể do ký ức chiến tranh thời thơ ấu ở quê nhà đã đánh thức những buồn đau được viết ra, dù hoàn toàn không chủ ý… làm thơ.
Hai bài thơ “Thế chiến 12 đoản khúc” và “Đọc tin buổi sáng” được tôi giới thiệu trên FB. Bạn bè Ý hỏi nên đã dịch ra tiếng Ý (Guerra mondiale: dodici strofe , Leggere le notizie del mattino) và bất ngờ được nhiều người đồng cảm và khích lệ…
Đầu tháng 5.2022 dịch đã tạm ổn. Các Việt… kẹt hẹn nhau trở về VN. Tập thơ “Bên đời có nhau” lúc này đang chuẩn bị in và bất ngờ được anh Zulu và Ngô Thị Mỹ Lệ chọn luôn 2 bài thơ Ý Việt… thế là cả tôi và Elena đều có mặt trong tuyển tập!
Tôi, Elena… bỗng dưng thành… thi sĩ. (hic!)
Trước hết xin được thưa: tôi không phải là “nhà thơ”, tuy thời nhỏ có hí hoáy thơ tình vì con tim ở tuổi dậy thì biết rung động trước một bóng hồng. Nhưng đến giữa năm đệ tứ thì viết thêm về thân phận và nỗi đau của con người trong cuộc chiến: Những cái chết và đổ nát vào dịp Tết 1968 như một vết cứa lên trái tim của một thiếu niên chưa bước vào đời. Chừng vài chục bài thơ sau đó được chép cẩn thận trong một tập giấy pelure nhiều màu.
Cuối năm 1971 thì “tập thơ” đó đã theo tôi sang Ý và hơn 40 năm sau lại cùng tôi quay về Việt Nam. Tất nhiên những bài “thơ” đó chỉ là kỷ niệm cá nhân, cảm xúc đau thương là thật nhưng câu chữ non nớt, tầm thường… nên chỉ dành riêng cho mình.
*
Vì công việc mưu sinh vất vả ở xứ người tôi hoàn toàn bỏ bút.
Mãi đến 1994… tình cờ đọc vì một truyện rất ngắn “Những ngày đánh mất” của Dino Buzzati tôi liền bị ám ảnh bởi thời gian nên đã dịch ra tiếng Việt và gửi cho tạp chí Thế Giới Văn do Đặng Phú Phong chủ biên. Nhận được sự khích lệ nên từ đó tôi bắt đầu cầm bút, chủ yếu là viết văn xuôi.
Tiếng thơ như đã ngủ im hơn 50 năm. Rồi một hôm thức dậy vì cuộc chiến Nga- Ukraine.
Nhìn những đoàn người tị nạn với hành trang ít ỏi, áo quần không đủ ấm dưới mưa tuyết và những đổ nát tan hoang… tôi không thể không nghĩ đến những thảm cảnh mà mình đã từng chứng kiến. Thế nên thơ tôi viết cho người dân Ukraine mà cũng chính là viết cho quê hương tôi. Máu của người dân Ukraine, Nga hay của các dân tộc khác như Bosnia, Afghanistan Myanmar, Nam Sudan, Yemen, Lybia, Syria, Iraq…vv. có khác gì thứ chất lỏng đặc quánh đã mấy ngàn năm nhuộm đỏ non sông nước Việt?.
Tiếng thơ thức dậy. Mà có lẽ nó cũng chưa hẳn là thơ. Nếu nói theo bạn Trần Ngọc Châu thì đó là Tiếng lòng. Không thể không viết. Và những trang viết chỉ đứng về phía nạn nhân:
Không ai chiến thắng,
trong cuộc chiến tranh nào
Khi trẻ thơ và bà mẹ đầm đìa nước mắt!
Vì nạn nhân đó cũng chính là những ai đã từng chứng kiến những khổ đau, mất mát mà bất lực, không thể làm gì. Ukraine chỉ là chất xúc tác để cảm xúc buồn đau lan rộng.
Viết và nhận ra rằng suy nghĩ của mình từ 50 năm trước cho đến nay về những cuộc chiến tranh vẫn luôn nhất quán: vô lý và vô nghĩa!
&
Nếu đọc Bên đời có nhau chắc bạn đọc cũng dễ dàng nhận thấy là “tiếng lòng” này không giống các bài thơ khác nhưng anh Zulu Dc và Ngô thị Mỹ Lệ vẫn chọn đưa vào tuyển tập để tôi được góp mặt.
Tôi xem đây là một sự kết nối thân tình trong văn chương và tình bạn.
Tiếng lòng tôi viết ra với mong ước là trên thế giới sẽ không còn chiến tranh. Nó như tiếng gào khản giọng kêu gọi tình người, hãy rời xa mầm mống của bạo lực, tham lam và sợ hãi. Vì chỉ do tham lam, sân hận và sợ hãi nên con người mới chế tạo vũ khí để chém giết nhau.
*
Theo dự kiến thì tập thơ sẽ phát hành năm 2021 nhưng do dịch bệnh phải dời lại, ngày ra mắt tập thơ (18.5.2022) cũng là ngày chúc mừng anh Zulu DC về thăm quê sau hai năm xa cách.
Dù trời mưa rả rích nhưng bạn bè vẫn đến, hơn 50 người, chật kín khán phòng nhỏ:
Nào ai xa ngàn nơi, Kìa bao mái nhà đang chờ ai
Kìa bao bếp hồng đang còn tươi, Thương nhớ lên đầy vơi.
Một cuộc hội ngộ thân tình mà trong những ngày thế giới bị phong toả khó có thể mơ hay tưởng tượng. Những đứa con đã “Về dưới mái nhà” như lời ca của nhạc sĩ Xuân Tiên:
Chiều nay mưa còn rơi, chiều nay bếp hồng đang còn say
Chiều nay vui sống trong tình yêu, nhớ phút vui không nguôi.
Bên ngoài trời mưa, nhưng bạn bè vẫn tiếp tục đến để tham gia sự kiện. Trong khán phòng tôi nhìn thấy anh Zulu lăng xăng lên xuống, hồi hộp và xúc động. Khi cầm micro phát biểu tôi thấy tay anh run run, khoé mắt rưng rưng, giọng như bị nghẹn.
Còn mọi người đều vui khi gặp lại nhau nhưng quý nhất vẫn là sự chân tình, quý mến.
Tập thơ “Bên Đời Có Nhau” xuất hiện như chiếc cầu nối cho tình bạn và ước mơ an vui được sống trong một thế giới an lành.
Vì còn sống sót để gặp lại nhau sau đại dịch và những thăng trầm mất mát là một món quà rất lớn.
Người ơi, mau về đây, về bên bếp hồng tay cầm tay
Cười lên chan chứa tươi làn môi, nhớ phút vui đêm nay.
Về đây cho lòng say, tìm nhau mấy mùa hoa còn tươi,
Tìm khi nắng lên hay chiều rơi, ta nhắn nhau về đây.
Cả khán phòng cùng nắm tay đồng ca bài hát “Về dưới mái nhà” trong chứa chan cảm xúc: như trong bài thơ mở đầu của Zulu Dc:
Mai về hỏi nhỏ từng thân thiết
Có thấy gì trong cuộc biển dâu.
Hãy nhìn thẳng vào trong đôi mắt
Để thấy bên đời vẫn có nhau!
Vâng, mọi thăng trầm, dâu biển sẽ qua đi chỉ còn chữ tình ở lại. Xin cảm ơn vì chúng ta đã may mắn gặp và có nhau trong đời!
Sài gòn 25.5.2022
TRƯƠNG VĂN DÂN