SEN NỞ GÓT CHÂN

Ngày đăng: 5/06/2022 06:39:09 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

“Bảy đóa sen vàng nâng gót ngọc” – tượng hình một hóa thân trên lễ đài hàng năm tại các chùa; ngày nay len vào cả tư gia nơi cộng đồng sắc tộc vùng cao; hình ảnh vườn Lâm Tỳ Ni đã gây xúc động cho các”U” miền Bắc lần đầu trong đời diện kiến từng gáo nước thơm tẩm tưới trên tượng sơ sinh làm sạch tươm đóa sen nâng chân Thái tử Sĩ Đạt Ta. Huyền sử “bảy đóa sen nở theo gót chân Bồ Tát ra đời”.

Khi Thánh nhân xuất hiện thì “thất tình lục dục” dưới gót chân Người cũng hóa thành sen thơm nơi trần thế. Thuận thế tương sanh để giòng luân hồi nghich lưu – bùn hóa sen, trong bùn có sen hay bùn cũng là sen!.

Mỗi bước chân là một đóa sen nở, cái nhìn thông tục dưới con mắt thi sĩ, mọi sự hình như đảo lộn “sen nở gót chân”. Sen nở dưới gót chân hay dưới gót chân sen nở cũng thế thôi. Tinh thần “bất nhị” của nhà PHẬT cũng là ngôn ngữ bất nhị của nhà thơ nhiễm mùi chất Phật.

Một Tuệ sĩ, một Bùi Giáng đã thoát khỏi ngôn ngữ tương chao một cách điệu đàng thì những nhà thơ về sau, tuy còn lòng thòng vài hạt sỏi “Như Lai” : –  “cực lạc”, “luân hồi” – “Tâm kinh Yết đế…” lại là những hạt sỏi dễ chịu đưa người đọc xuyên suốt cảnh giới mà Bùi Giáng gọi là – “ta tưởng trần gian là cõi thật”

Ra mắt tập thơ : :Sen nở gót chân” của Phan Cát Tường tại quán cà phê “Xưa và Nay” ở Hốc Môn, đặc biệt anh chủ quán đột xuất có mặt chung vui có vợ chồng nữ sỹ Ninh Giang Thu Cúc, lương y Phan văn Sang, nhà báo Lương Minh, nhạc sỹ Trần Đức Tâm, Đặng Minh Hiền, nhà thơ Kiều Phương…một sáng Hạ lất phất hơi mát mùa bão. khu vườn không lớn lắm, thành tụ điểm giải lao món trà đặc sản, trong không gian ấm áp ngôi nhà cổ 150 năm bằng gỗ mít,.

Nữ sỹ Ninh Giang tâm cảm bài “Sài gòn nhập định”của Phan Cát Tường, minh họa thêm ngữ điệu làm hình ảnh thê lương giữa Sài Gòn từng là thành phố nhộn nhịp nhất nước, hiển hiện trước mắt – “Sài gòn đang trong giờ nhập định – con tắc kè kêu trên ngọn cây dầu – đường phố vắng như Mồng một Tết – Cái Tết buồn, như chưa thể buồn hơn”.

Ai đọc tập “Sen  nở gót chân” mà không bắt gặp đâu đó những cảm xúc ít nhất trong đời, một lần. Anh Hưng chủ quán “Xưa và Nay” cầm trên tay tập thơ, nói – lúc bé rất thích thơ Bùì Giáng, nhưng thích mà vẫn không hiểu “Ngàn thu rớt hột” là gì, thì đây, bài “Bốn mùa hoang vu” mở đầu tập thơ lãng đãng như người cõi trên của gã gầy gộc bởi hồn thơ rút ruột ươm cho chồi non phiêu bồng thật dễ thương gần gũi; không lập dị cho tính nghệ sỹ lấp lánh: “ Ngày ở cốc, tối ở chùa -ban trưa ngủ giữa bốn mùa hoang vu. Khi thì mặc áo nhà tu, khi thì xuống phố vi vu cuộc đời.Khi thì thong thả rong chơi,khi thì bơi giữa mù khơi luân hồi….” Đố ai hình dung gã lãng tử phiêu du nhưng rất thực, bởi vì: -“…Quán Âm thường trụ biển khơi,con xin thường trụ giữa đời rong rêu”…cuối cùng”Đêm về ôm gối vô thường-Sáng ra mới biết còn thương…một người!

Hình như tinh thần Bát Nhã gặm nhấm tận xương tủy, thốt ra lời vẫn là thơ, thốt ra thơ vẫn mùi thoát tục:” Đêm đọc Bát Nhã Tâm kinh, thấy mình hóa đá – thinh không hiện lời…Ta là ai giữa cõi tâm, là trăng sao giữa đêm rằm, hát ca, là câu kinh nguyện thiết tha,của lòng sám hối Ta bà thị phi”bởi vì :”Đêm nay Trời đất nhiệm màu, Ta là ai, giữa bể dâu vô thường. Ta là ngọn cỏ hạt sương, Là chim, là bướm, là hương nguyệt cầm”. Có nghĩa Ta là tất cả, tất cả là Ta, Giữa Ta và tất cả không còn ranh giỡi phân biệt –“ Nhất đa tương dung” của tinh thần Hoa Nghiêm.

Xuyên suốt 72 bài thơ, ngôn ngữ như điệu ru trên vành nôi thế tục, ru người, ru đời nhưng tác giả vẫn chưa rơi vào  cơn mộng du; cứ hỏi ta là ai nhưng vẫn nhận diện đúng “chân như bản thể” của tục đế.

Cái lạ thường nói – Thơ là người, nhưng tác giả không còn người là thơ, vì hồn thơ, lời thơ đều tròn trịa gọn gàng trang điểm lên tấm thân lau sậy liu xiu trước bão tố. Không gặp người thì thơ đủ đại diện tâm hồn người, đại diện cho thuận và nghịch cuộc đời mà tác già uyển chuyển người là thơ, thơ là người; thế thì chả lạ gì “chân nở sen hay sen nở chân” cũng thế thôi. Gót chân Thánh nhân nở sen để thoát khỏi bùn nhơ, sen nở gót chân để hồn thơ thoát khỏi tục đế

Hãy thở hơi thở của thơ cùng tác giả để biết rằng Ta là ai giữa trần ai tục lụy để mà thoát  lụy trong dòng chảy vô sanh!

MINH MẪN

01/6/2022

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác