ĐI TRỌN ĐỜI TRÊN CON ĐƯỜNG CHÂN THẬT

Ngày đăng: 19/02/2022 12:47:43 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Tôi muốn mượn câu thơ của Phùng Quán trong bài Lời mẹ dặn để nhận định về cuộc đời viết văn của Tiêu Dao Bảo Cự: “Đi trọn đời trên con đường chân thật. Quả vậy, đọc tất cả những tác phẩm của Bảo Cự qua nhiều chặng đường viết, có thể thấy sự chân thật là điểm nổi bật nhất trong văn chương của ông. Hầu hết tác phẩm của Bảo Cự đều là tự truyện hoặc giàu chất tự truyện. Vì thế, lý lịch của đời ông được thể hiện rõ trong từng trang viết. Nếu như thi hào Tagore từng nói rằng: “Anh để cuộc đời anh trần trụi dưới mắt em” (Người làm vườn), thì Bảo Cự cũng để cuộc đời mình trần trụi dưới mắt bạn đọc.

Sự quyết liệt, nhiệt thành, bộc trực, dấn thân luôn sôi trào trong ông, từ thuở tráng niên cho đến lão niên, cả lúc tự do lẫn lúc bị cầm tù, cả trong đời sống lẫn trong hoạt động văn chương và chính trị.

Ba tác phẩm Trên đỉnh thanh xuân, Nửa đời nhìn lại và Mảnh trời xanh trên thung lũng là những bản tường trình về tư tưởng, hành động và lẽ sống lẫn hoàn cảnh sống của Bảo Cự qua những chặng đường đời của mình.

Trên đỉnh thanh xuân là tuổi trẻ cuồng nhiệt, sống hết mình với lý tưởng, với tình yêu được Bảo Cự thể hiện qua nhân vật Hoài. “Cuộc sống lớn bên ngoài đang sôi trào tác động mạnh vào tâm hồn mọi cá nhân”. “Hoài cảm nhận niềm đau chung của dân tộc một cách tự nhiên. Những khát vọng về quyền làm người, quyền tự do dân chủ cũng nảy nở một cách tự nhiên như khát vọng về tình bạn, tình yêu và tiếp nhận tri thức. Tuổi mười tám là tuổi muốn chinh phục cả thế giới.” Ý thức rằng dân tộc và tự do phải là nền tảng lớn nhất, mà đặc biệt là tự do cho dân tộc, Hoài và những người bạn của mình đã tranh đấu cho tự do. Họ tranh đấu như một sự dâng hiến, tận hiến với lý tưởng cao đẹp và trách nhiệm “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”.

Tranh đấu và yêu đương là chất “người”, chất “thanh xuân” của các nhân vật trong Trên đỉnh thanh xuân. Tranh đấu và yêu đương làm nên vẻ đẹp của cả một thế hệ trưởng thành từ những ngôi trường bên dòng sông Hương thơ mộng. Và, có thể nói, cho dù vật đổi sao dời, cho dù thế sự chìm nổi, cho dù hậu thế sẽ còn luận bàn về những đúng sai sấp ngửa trong hành động của họ, thì cái lý tưởng trong sáng đó vẫn mãi mãi trong sáng. Bởi, họ đã lao vào trận cuồng phong của thời đại, đốt cháy tuổi thanh xuân cho dân tộc một cách vô tư từ trong bản năng và cả trong ý thức. Vô tư. Không vì danh, cũng chẳng vì lợi. Vô tư đến ngây thơ. “Vì ngây thơ mới bị khổ đau, ô nhục/ Vì ngây thơ mà tránh được thối nát cùng sa đoạ” (Khắc cốt ghi xương – Lỗ Lê). Suy cho cùng, ngây thơ và chân thật chính là lý do dẫn đến sự ra đời của câu chuyện Nửa đời nhìn lại.

Hoài, sau biến cố lịch sử 1975 vẫn là nhân vật chính trong tiểu thuyết Nửa đời nhìn lại của Bảo Cự. Cũng vẫn là tranh đấu cho tự do, nhưng lúc này là tự do sáng tác, tự do cho liêm sỉ của người cầm bút. Thông qua tính cách và hành động của một số nhân vật, tác phẩm đã tái hiện được không khí văn nghệ và chính trị của đất nước trong thời kỳ đầu Đổi mới. Số phận của Hoài và những người cùng chí hướng khiến người đọc nhớ lại, hình dung được những khốn đốn của các nhà văn từng gánh chịu vết cắt chính trị như Trần Dần, Lê Đạt, Châu Diên, Dương Tường, Nguyễn Xuân Khánh, Phùng Quán, Trần Vàng Sao, Bùi Minh Quốc… Hành động và con đường thăng tiến của nhân vật Quân, sự tráo trở và thâm hiểm của những cán bộ như nhân vật Nghi cũng phần nào nói lên hiện thực xã hội đương thời. “Trước đây, khi hoạt động trong phong trào thanh niên sinh viên học sinh đô thị miền Nam, đối mặt với kẻ thù, trước lưỡi lê, trong vòng dây kẽm gai”, gian truân càng khiến Hoài và bạn bè thêm vững chãi và cảm thấy sự lựa chọn của mình là đúng đắn. Giờ đây, đối mặt với đồng chí, đồng đội, bị họ chụp mũ, bị vu khống và o ép đủ bề, anh nhận ra bản chất của “lũ người quỷ ám”. “Chưa bao giờ Hoài có tâm trạng đau xót và cay đắng như thế. Nỗi bất mãn và phẫn nộ bừng bừng tự tắc nghẹn nơi cuống họng, không thể nói thành lời.” Cuối cùng, trước 1975, Hoài chiến thắng với kẻ thù khác chiến tuyến; sau 1975, anh thất bại với kẻ thù cùng chiến tuyến. Hoài bị khai trừ Đảng, bị cách chức và bước vào một chặng đường mới đầy gian nan với bi kịch vỡ mộng.

Tác phẩm thứ ba, Mảnh trời xanh trên thung lũng là sự tiếp nối mạch truyện của Nửa đời nhìn lại. Tuy nhiên, tác giả Bảo Cự thay đổi thể loại, thay đổi tên nhân vật. Mảnh trời xanh trên thung lũng được viết như một dạng “giả tự truyện”. Tác phẩm là sự đan xen giữa nhật ký (người kể chuyện xưng tôi, chi tiết và sự kiện có thật) và hồi ký (thư tình và sự kiện cách hai mươi năm trước). Nội dung tác phẩm kể lại quãng thời gian nhà văn Bảo Cự bị quản thúc vì đấu tranh đòi tự do dân chủ. Những đòn trừng phạt của chính quyền, chiêu thức của công an cũng như sự kiên gan bền chí của vợ chồng ông được ghi lại một cách khá chi tiết trong cuốn sách.

Trong nỗi khốn quẫn về tinh thần và sự giam hãm thể xác, Bảo Cự vẫn viết. Ông viết trong cô lập nhưng không cô độc. Bởi vì ở thế giới rộng lớn ngoài kia vẫn có nhiều người ngóng tin ông. Viết không chỉ là đấu tranh, mà còn khẳng định sự tồn tại. Hơn thế nữa, với Bảo Cự, đó phải là tồn tại trong chân thật: sống thật, nghĩ thật, yêu thật, viết thật. Nhờ sự chân thật đó, người đọc hiểu thêm rất nhiều về sự chuyên chế văn hoá và cách thức trừng phạt người trí thức chống đối của chính quyền Việt Nam trong những năm 1980s – 1990s, dẫu là qua một vài trường hợp, tại một địa phương cụ thể. Chí nam nhi của một con người vốn ngang tàng với khát vọng vá trời lấp bể bây giờ bị nhốt kín trong một ngôi nhà có công an gác chặn ngay cổng, nhốt kín trong nỗi bức bí cơm áo buộc phải làm những việc cỏn con để kiếm sống. Bảo Cự vẫn “viết để tự nhận thức, để sống lại và sống sâu xa hơn, nhưng viết cũng để bày tỏ, mong được chia sẻ. Viết còn là để phản kháng, đấu tranh và sau cùng trên hết, viết là để dâng tặng cho đời.”

Cũng như các bút ký Hành trình cuối đông, Hành trình mùa xuân, Hành trình trăm năm, những tác phẩm khác của Bảo Cự hầu hết đều được viết nên bằng chất liệu đời thực, cảm xúc thực. Không bóng bẩy, không tượng trưng hay ẩn dụ, văn chương của Bảo Cự thiên về trực cảm, trực tả. Qua những gì ông viết, ta có thể thấy khí chất của một kẻ sĩ, một con người thích nổi loạn và phản kháng để hướng đến cảnh giới tự do và văn minh cho nhân quyền lẫn dân quyền.

Ở phương diện thể loại và nghệ thuật viết, cả ba tiểu thuyết của Bảo Cự đều có sự pha trộn thể loại. Như Bảo Cự từng thuyết minh về lối viết của Trên đỉnh Thanh Xuân, tác phẩm của ông được “viết theo nhiều thể tài: Đối thoại ý thức, đối thoại thực tế, độc thoại nội tâm, tường thuật, hồi ký, hoạt cảnh, xã luận, tuyên truyền, diễn thuyết, tùy bút, nhật ký, phê bình, ghi vội… ”. Sự hoà trộn nhiều thể tài đó là cách mà Bảo Cự tận dụng tính “dễ dãi”, tính hỗn dung rất mạnh của tiểu thuyết để làm mới mẻ cho tác phẩm của mình. Tiểu thuyết được xem là “cỗ máy cái” có khả năng tổng hợp nhiều nhất vào bản thân nó những thể loại văn học khác. M. Bakhtin thừa nhận: “Về nguyên tắc, bất cứ thể loại nào cũng có thể đưa vào cấu trúc tiểu thuyết và trên thực tế rất khó tìm được một thể loại nào chưa bao giờ và chưa được ai đưa vào tiểu thuyết” (M. Bakhtin, Lý luận và thi pháp tiểu thuyết, Nxb Hội Nhà văn, 2003, tr. 147). Vì thế, pha trộn thể loại như một thủ pháp liên văn bản là hiện tượng phổ biến của văn học, cũng là cách thức xây dựng bố cục truyện kể mà nhà văn Bảo Cự thực hiện để tiểu thuyết hoá câu chuyện đời tư.

Tuy nhiên, chất đời tư, chất tự truyện đã chi phối rất mạnh, khiến cho chỉ riêng mỗi Trên đỉnh thanh xuân là có tính tiểu thuyết (hư cấu) khá rõ. Hai tác phẩm Nửa đời nhìn lại  Mảnh trời xanh trên thung lũng thì bị chất phi hư cấu lấn át. Nửa đời nhìn lại có xây dựng hình tượng nhân vật loại hình (Quân, Nghi,…), có tình tiết điển hình rất sắc (Quân rời xa Nga ngay lúc say đắm nhất để không làm hỏng con đường thăng tiến của mình; không khí các cuộc họp hành kiểm thảo đối với Hoài, Minh Hương; những trò chụp mũ chính trị…), nhưng nhìn chung, do nôn nóng kể về câu chuyện đời mình, tác giả đã để cho sự kiện dẫn dắt tất cả. Vì thế, Nửa đời nhìn lại thiếu đi chiến lược tự sự, khiến tác phẩm chú trọng đến việc “kể cái gì” hơn là “kể như thế nào”. Mảnh trời xanh trên thung lũng cũng vậy, hiện tại là mạch chuyện chính, nhưng tác giả phá vỡ sự liền mạch của nó bằng cách đan xen vào những dòng tâm tình của hai mươi năm về trước làm nên một bản tường trình về thân phận. Nếu chỉ tính sự kiện, đây là một dạng nhật ký – tự truyện; nếu xét về cách thức cấu trúc văn bản, đây lại là một tiểu thuyết (tên nhân vật được thay đổi, thời gian có sự xáo trộn) nhưng mối liên kết ngầm giữa hai mạch truyện chưa thật nhuần nhuyễn. Nghĩa là, tác giả chỉ mới thay đổi bố cục (kết cấu bề mặt) chứ chưa thay đổi được kết cấu tự sự (kết cấu bên trong). Vì vậy, chất “chuyện” vẫn nặng hơn chất “truyện” khiến tác phẩm bị sa vào kể lể.

Đặc điểm thể loại nói trên đã thể hiện rõ tố chất của người cầm bút Bảo Cự: ông là người viết văn chứ không phải người sáng tác. Nếu gọi Bảo Cự là nhà văn, là bởi vì ông đã dùng văn chương để kể về cuộc đời của mình, của thế hệ mình, những cảnh ngộ như mình. Và dĩ nhiên, qua những phận người, bạn đọc có thể hình dung phần nào về thân phận của đất nước trong mỗi thời kỳ lịch sử nhất định. Nhưng chất liệu văn chương của Bảo Cự mang đậm tính hướng nội và trải nghiệm. Ông đi sâu vào nội tâm, vào bản thể với khổ ải, trầm luân của cá nhân và tái hiện một cách chân thật trên trang viết. Ông cho rằng, “những tác phẩm hay nhất là tác phẩm tự truyện hay ít ra người viết phải gởi gắm chính mình rất nhiều trong tác phẩm” (Vũ Hoài [Bảo Cự], Trên đỉnh thanh xuân, Nxb Trẻ, 2012, tr. 390). Quan điểm này chỉ mang tính cá nhân, và chắc chắn nó cần được phản biện. Chúng tôi nhắc lại ở đây để khẳng định một điều, chất hư cấu và tưởng tượng (chân tuỷ của tiểu thuyết) đã không được Bảo Cự lựa chọn. Cũng vì thế, Bảo Cự thể hiện rất rõ vai trò của mình trong hoạt động văn học chứ không phải trong sáng tác văn học. Ngay cả văn nạn mà ông vướng phải, cũng bắt đầu bằng hoạt động văn học.

Luận về thể loại và quan điểm sáng tác lẫn phong cách tác giả để khẳng định một điều rất nhất quán, đó là tính chân thật trong văn chương của Bảo Cự. Chân thật đến mức nệ thực. Vì chân thật cho nên giá trị tác giả lớn hơn giá trị tác phẩm. Trước sau, Bảo Cự vẫn thể hiện tư cách của một trí thức Đi trọn đời trên con đường chân thật.

Yêu ai cứ bảo là yêu

Ghét ai cứ bảo là ghét

Dù ai ngon ngọt nuông chiều

Cũng không nói yêu thành ghét

Dù ai cầm dao dọa giết

Cũng không nói ghét thành yêu…

(Lời mẹ dặn – Phùng Quán).

Minh định động cơ và mục đích sáng tác như thế là để có thể nhìn nhận đúng khí chất, vai trò và vị trí của nhà văn Bảo Cự. Nhìn chung, về mỹ học tiếp nhận, tôi rất thích đọc văn của ông. Bởi vì Bảo Cự luôn chinh phục người đọc bằng lối hành văn vừa rắn rỏi vừa uyển chuyển nhờ sự hoà quyện giữa chất chính luận sắc bén và chất trữ tình sâu thẳm, giữa tính luận đề mạnh mẽ và tính biểu cảm mềm mại. Tiếng Việt qua ngòi bút của ông luôn đẹp đẽ, nồng nàn, khắc khoải, thao thiết, diệu vợi… cho dù trước sau ông vẫn “muốn viết bằng một bút pháp mà ngòi bút cắm xuống trang giấy như những nhát dao đâm” (Vũ Hoài [Bảo Cự], Trên đỉnh thanh xuân, Nxb Trẻ, 2012, tr. 390).

Nhiều lần tôi tự hỏi, nếu cuộc vận động cho tự do báo chí và xuất bản, “cởi trói” thật sự cho văn nghệ của Bảo Cự và “nhóm Langbian” vào năm 1988 thành công thì diện mạo văn học nước nhà sẽ thay đổi ra sao? Thân phận của những người như ông sẽ như thế nào? Nghĩ đến điều đó, cùng với câu nói của người xưa: đừng lấy thành bại mà luận anh hùng, tôi thấy được giá trị của ánh lửa từ trái tim Danko – Bảo Cự trong một giai đoạn đầy thử thách của văn học Việt Nam.

Huế, cuối thu năm 2021

NGUYỄN THỊ TINH THY

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác