Trong hang Bêlem, ánh sáng tỏa lan tưng bừng…

Ngày đăng: 13/12/2021 10:42:59 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Khi mùa Giáng sinh đến, hàng triệu du khách vẫn hằng năm từ khắp nơi đổ về Bethlehem (người Việt quen gọi là Bêlem) hành hương, viếng Nhà thờ Giáng sinh ở quảng trường Máng cỏ, tham quan cánh đồng nơi các mục đồng đã được Thiên thần hiện ra báo tin mừng Chúa đã Giáng trần.

VƯỢT ĐƯỜNG XA ĐẾN BÊLEM

Việc hành hương Bêlem không hề đơn giản, trước nhất bạn phải đến được Tel Aviv bằng máy bay rồi đi xe hơi đến thành cổ Jerusalem. Sau đó mới di chuyển đến gần biên giới, đổi từ xe thùng hiệu Mercedes đời mới sang xe thùng hiệu Volkswagen đời xưa. Kế đó là vượt qua hai, ba hàng rào, bót kiểm tra an ninh, bức tường cao tám mét rồi mới tiến vào được Bờ Tây, lãnh thổ của Palestine. Vì Bethlehem, nơi Con Thiên Chúa Giáng sinh làm người cách nay hơn 2000 năm, nay ở Bờ Tây.

Chợt nhớ, vào những ngày xa xưa ấy, ông Thánh Giu-se và Đức Bà Maria khi từ Galilee về Bethlehem thuộc miền Judea phía Nam để “khai báo hộ khẩu” theo lệnh điều tra dân số của Hoàng đế La Mã Cesar Augustus thì nào có máy bay, tàu lửa, xe hơi để di chuyển. Thậm chí, theo các nhà nghiên cứu, họ còn không có điều kiện tài chính để ngồi trên lưng ngựa vì ngựa là công cụ vận tải đắt tiền, không hề phổ biến trong xã hội thời ấy. Có thể là họ ngồi trên lưng lừa nhưng có nhiều khả năng hơn cả là họ đã đi bộ. Cần nhớ là khi ấy Bà Maria đã rất nặng nề, cận ngày sinh nở và Bethlehem là nơi việc ấy đã xảy ra

H1

Đối với cặp mắt du khách đến từ phương xa thì toàn cảnh Bethlehem hôm nay, tuy cách Jerusalem chỉ vài cây số, nhưng vẫn chỉ là những cánh đồng nhiều đá, nhiều sỏi hơn đất thịt, trông có vẻ khô cằn, chắc chẳng sinh được hoa màu giá trị nào. Và sau khi loại trừ những dấu chứng của thời hiện đại như đường nhựa, cột điện, cửa hàng với bảng hiệu… thì cuộc sống nơi đây dường như không khác gì lắm với thời Chúa Giê-su giáng trần. Nhưng đối với người dân địa phương thì đây là vùng đất lành, vùng đất màu mỡ đã sản sinh thật nhiều cây ô-liu, nho, chanh, cam, chà là và những loại cây cho hạt khác, từ nhiều ngàn năm qua.

Ở quanh Bethlehem vẫn còn những ngôi làng sống chủ yếu bằng nghề nông, vài gia đình hành nghề lao động liên quan đến nhu cầu rất nhỏ nhặt, tầm thường trong cuộc sống bình dân, chẳng hạn như rèn, mộc, đan… Nhưng thời xưa, người Do Thái tại đây trò chuyện với nhau bằng tiếng Aram, chỉ có những gia đình khá giả, quý tộc mới sử dụng thêm tiếng Hy lạp vì đây là ngôn ngữ của giới La Mã thống trị. Chắc chắn số người có học thức theo như cách chúng ta hiểu ngày nay là cực kỳ ít. Bọn trẻ chăn cừu trên cánh đồng gần nơi Chúa sinh ra, chắc cũng đã hét mừng bằng tiếng Aram khi được các Thiên thần báo cho tin vui Đấng Cứu thế đã đến.

Thăm Nhà thờ Chúa Giáng sinh, cúi rạp mình xuống, đặt nụ hôn lên ngôi sao bạc nhiều cánh ghi dấu nơi Chúa hài đồng đã nằm những giờ phút đầu tiên trong thân xác con người, bạn sẽ còn ngạc nhiên phát hiện vô vàn những chiếc đèn dầu treo khắp nơi. Và câu chuyện ba vua có tên là Balthazar, Gaspar và Melchior (thực ra là ba nhà chiêm tinh, có sách viết là ba nhà thông thái) cũng trở lại trong ký ức vì lần mò đi đâu trong đêm thì ai ai cũng cần có ánh sáng soi chiếu. Có nhiều đèn dầu là vì thế. Nhưng năm xưa, các vị chiêm tinh này đi theo ánh sáng của ngôi sao David đến tận Bethlehem. Trên tay họ là nhũ hương, mộc dược và vàng. Quà mừng Chúa hài đồng!

H2

Đồi cát đá khô cằn ở Israel, nơi Chúa Yêsu từng sinh sống (ảnh P. Nguyễn Dũng)

TRUYỀN THUYẾT BA VUA

Thực ra ba nhân vật từ phương Đông tìm đến thăm Chúa hài đồng chẳng phải là những vị vua của các miền Saba, Sheba, Tarsus. Đúng ra họ là những nhà thông thái, nhà chiêm tinh, nhà y khoa. Và cũng có thể chẳng phải chỉ có ba vị Balthazar, Gaspard và Melchior mà là 12 vị. Khi sống trên ngọn núi Vauls ở Persia (Ba Tư, tức Iran ngày nay), nhóm này đã trông đợi từ rất lâu một tin vui lớn được chỉ báo qua sự xuất hiện của một vì sao mới. Điều này được viết trong cuốn sách của Seth mà tác giả được cho là thánh John Chrysostom (tức Thánh Yoan Kim Khẩu) hồi thế kỷ thứ 4 sau Công nguyên.

Cũng có thể họ chẳng phải là những nhà thông thái đến từ Persia với những hộp quà đựng vàng, mộc dược và nhũ hương. Theo một tài liệu cổ khoảng 1,700 năm tuổi mới tìm thấy lại cách nay vài ba năm trong kho tàng ở  Tòa thánh Vatican, họ là con cháu của Seth, người con trai thứ ba của ông Adam và bà Eva và họ đến từ tận nước “Shir”. Và theo những văn bản cổ xưa khác thì “Shir” chính là… Trung Hoa! Theo các nhà nghiên cứu, từ ngàn xưa đã có một con đường, gọi là Con đường gia vị, xuyên qua sa mạc, núi đồi mà nối kết Bethlehem với Trung Hoa.

H3

Nhà thờ Truyền tin tại Nazaret, Galilê (ảnh P. Nguyễn Dũng)

Chỉ có ba nhà chiêm tinh hay nhiều hơn, họ đến từ Ba Tư hay Trung Hoa? Chẳng rõ và chắc sẽ chẳng bao giờ rõ được. Nhưng có điều chắc chắn là như Thánh Giu-se và Đức Bà Maria, họ đã phải đi bộ những chặng đường thật dài, lê thê ngày này qua tháng nọ. Khác hẳn chúng ta ngày nay từ nước này, thành phố nọ dùng máy bay, xe hơi đi thật nhanh lẹ, dễ dàng đến hành hương Đất thánh Israel để lần theo bước chân của Chúa Giê-su năm xưa.

Từ thời hiện đại ngày nay, đi đâu cũng có máy móc phục vụ nhanh lẹ, thử hỏi có bao nhiêu khách hành hương nhớ rằng ngày xưa, Chúa Yê-su, chào đời tại Bethlehem, miền Judea phương Nam, nhưng lớn lên ở Nazareth, miền Galilee phương Bắc; và trong suốt ba năm liền đã liên tục đi rao giảng từ miền Bắc ngang qua miền Trung Samari, xuống đến tận miền Nam và đến cả những địa danh nay thuộc Nam Lebanon. Vài nhà nghiên cứu, dựa vào những ghi chép trong bốn cuốn Kinh Thánh Tân Ước, đã đưa ra được con số 4,800 km. Đây là tổng chiều dài hành trình ngài đã đi bộ trong ba năm giảng đạo. Còn trong cả quãng thời gian khoảng trên 30 năm sống kiếp người, ngài đã đi bộ trên 33,600 km. Đi bộ trong hoang mạc trong thời tiết nóng bức mùa Hè và cả trong khí trời giá lạnh mùa Đông.

H4

Trời thật nóng và trời thật lạnh, du khách hành hương hôm nay vẫn có thể cảm nhận được. Và chắc chắn cũng ngỡ ngàng khi đứng trước cảnh đồi cát bạt ngàn, vườn đá rộng khắp với thoang thoảng vài ba túp lều của người chăn cừu, chăn dê. Xa xa, xuất hiện một cụ già ngồi trên lưng con lạc đà chậm chạp từng bước một. Khách hành hương chăng? Không phải, ông ta quanh năm trực nơi đây, đón khách hành hương chụp ảnh với lạc đà và cho ông vài ba đồng shekel. Hẳn sẽ lóe lên trong đầu của bạn ý nghĩ làm sao sống nổi nơi này?!

Ấy thế mà từ lâu lắm rồi, vùng đất Thánh này vẫn thu hút đám đông khách hành hương. Thời Trung Cổ ở các nước phương Tây, giới quý tộc, giới trung lưu thường rủ nhau hành hương đến Palestine vì sau chặng đường dài, việc cầu nguyện ở nơi cực kỳ thánh thiêng sẽ giúp xóa được tội lỗi đã phạm hoặc trị được những căn bệnh khó chữa. Họ tin như thế. Và cũng có những người giàu thuê người nghèo đi hành hương chuộc tội thay cho mình! Vượt đường xa (gần 5,000km nếu từ Anh đến Bethlehem, Jerusalem), vượt biển cả, đến nơi rồi trở về với vài kỷ vật mua được nơi Đất Thánh, thường là một huy hiệu bằng kim loại, khách hành hương trở thành nhân vật nổi tiếng ở địa phương mình sống.

Người xưa lẫn người nay đều một lòng ao ước trong đời một lần đến được Đất Thánh, một lần được tận mắt trông thấy “Bê-Lem, Judea, vùng đất đã có diễm phúc được nhìn thấy Chúa sinh ra làm người”.

“TRONG HANG BÊLEM ÁNH SÁNG TỎA LAN TƯNG BỪNG, NGHE TRÊN KHÔNG TRUNG TIẾNG HÁT THIÊN THẦN VANG LỪNG!”  – “GLORIA IN EXCELSIS DEO”.

CHÚC TẤT CẢ CÁC BẠN MÙA GIÁNG SINH 2021 THẬT AN BÌNH, VUI TƯƠI, ĐẦM ẤM CÙNG NGƯỜI THÂN.

Giáng sinh 2021

CHÂU  NGÔ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác