THA LA XÓM ĐẠO

Ngày đăng: 27/12/2021 10:19:38 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Thú thật rằng, ngày xưa tôi không biết Tha La ở đâu, Tha La là gì? Nghe Tha La, tôi nghĩ nơi đây chắc có nhiều Ma, một vùng đất chỉ có ma. Cho đến khi nghe bài hát “Tha La xóm đạo”, “Tha La hoang mộ”, “Hận Tha La”… thì tôi mới biết Tha La, là một tên xóm làng như bao làng xóm khác của Việt Nam.

Nay nhờ Google, tôi mới biết: “… Tha La nằm miền ven ở phía tây của Thị trấn Trảng Bàng hướng về khu Ba Thu cạnh vùng biên thùy Mỏ-Vẹt, giáp ranh với tỉnh Xvay-Riêng của Campuchia. Tha La chỉ là một xóm nhỏ, đất rộng người thưa, sống với nghề cuốc bẫm cày sâu… Nơi đây có một giáo đường nhỏ…” (Theo Paris Xuân Nhâm Thìn 2012). Nghĩa là Tha La thuộc tỉnh Tây Ninh.

Tha La, ngày xưa là một vùng đất của chiến tranh, đánh nhau, cho dù bên này hay bên kia thắng nhau, nhưng chỉ có “người dân là thua”!

Tha La có ba nhạc sĩ viết nhạc về Tha La: Tha La xóm đạo của Dzũng Chinh, Hận Tha La của Sơn Thảo’s, Tha La hoang mộ của Anh Tuyền.

Một xóm đạo nhỏ mà có tới ba nhạc sĩ viết nhạc để Tha La trở nên nổi tiếng cũng là điều “cá biệt” trong chiến tranh, hay vì bài thơ “Tha La Xóm Đạo” của Vũ Anh Khanh quá hay?

Sau khi thành công vang dội nhạc phẩm “Những đổi hoa sim” (Phỏng theo ý thơ “Màu tím hoa sim của Hữu Loan) ra đời năm 1964, Dzũng Chinh tiếp tục chinh phục người nghe với nhạc phẩm “Tha La xóm đạo” qua giọng ca Chị nhạn trắng Gò Công (Phương Dung. Tôi không dùng Con nhạn).

Bài hát “Tha La xóm đạo” cũng “phóng tác bài thơ “Tha La” của Vũ Anh Khanh. (Vũ Anh Khanh sinh năm 1926 tại Mũi Né Phan Thiết-Bình Thuận, mất năm 1956 tại Quảng trị (dưới sông Bến Hải) Cuộc đời ông có nhiều oan trái, mà bài viết này xin không nói đến). Ông là nhà báo nhà thơ, nhà văn hoạt động trong nhóm Văn học yêu nước ở Saigon từ năm 1945, đến năm 1950 bị nhà nhà cầm quyền Saigon lùng bắt…

Hai bài thơ “Màu Tím hoa sim” và “Tha La Xóm Đạo” phổ nhạc đều hay. Nhưng nếu không phải hát theo giai điệu Boléro thì nó cũng “bèo dạt mây trôi” rồi!

Nguyên văn Bài Thơ Tha La xóm đạo của Vũ Anh Khanh:

THA LA XÓM ĐẠO (viết năm 1950):

-“Đây Tha La xóm Đạo/ Có trái ngọt cây lành/ Tôi về thăm một dạo/ Giữa màu nắng vàng hanh/ Ngậm ngùi Tha La bảo:

-Đây rừng xanh rừng xanh

Bụi đùn quanh ngõ vắng/ Khói đùn quanh nóc tranh/ Gió đùn quanh mây trắng/ Và lửa loạn xây thành/ Viễn khách ơi! Hãy dừng chân cho hỏi/ Nắng hạ vàng ngàn hoa gạo rưng rưng/ Đây Tha La một xóm đạo ven rừng/ Có trái ngọt cây lành im bóng lá/ Con đường đỏ bụi phủ mờ gót lạ/ Ngày êm êm lòng viễn khách bơ vơ!/ Về chi đây! Khách hỡi! Có ai chờ?/ Ai đưa đón?/

-Xin thưa, tôi lạc bước!

Không là duyên, không là bèo kiếp trước/ Không có ai chờ, ai đưa đón tôi!/ Rồi quạnh hiu, khách lặng lẽ cúi đầu/ Tìm hoa rụng lạc loài trên vệ cỏ/ Nghìn cánh hoa bay ngẩn ngơ trong gió/ Gạo rưng rưng nghìn hoa máu rưng rưng/ Nhìn hoa rơi lòng khách bỗng bâng khuâng/Tha La hỏi:

– Khách buồn nơi đây vắng

-Không, không tôi buồn vì mây trời đây trắng!/

-Và khách buồn vì tiếng gió đang hờn?/

Khách nhẹ cười nghe gió thổi từng cơn/ Gió vi vút, gió rợn rùng gió rít/ Bỗng đâu đây vẳng véo von tiếng địch/

-Thôi hết rồi còn chi nữa Tha La/

Bao người đi thề chẳng trở lại nhà/ Nay đã chết giữa chiến trường ly loạn/ Tiếng địch càng cao não nùng ai oán/ Buồn trưa trưa lây lất buồn trưa trưa/ Buồn xưa xưa ngây ngất buồn xưa xưa/ Lòng lữ khách bỗng dưng tê tái lạnh/ Khách rùng mình ngẩn ngơ người hiu quạnh/

-Thôi hết rồi con chi nữa Tha La/

Đây mênh mông xóm đạo với rừng già/ Nắng lổ đổ rụng trên đầu viễn khách/ Khách bước nhẹ theo con đường đỏ quạch/ Gặp cụ già đang ngắm gió bâng khuâng/ Đang đón mây xa… khách bỗng ngại ngần:

-Kính thưa cụ, vì sao Tha La vắng?

Cụ ngạo nghễ cười rung rung râu trắng/ Nhẹ bảo chàng: Em chẳng biết gì ư?/ Bao năm qua khói lửa loạn mịt mù/ Người nước Việt ra đi vì nước Việt/ Tha La vắng vì Th La đã biết/ Thương giống nòi, đau đất nước lầm than”

Tôi xin gọi đây là bài “Trường ca Thơ”? Và cũng có thể “tam sao thất bổn” vì tôi không có bản chính. Nếu chỗ nào sai, xin bạn đọc thứ lỗi.

Và hãy nghe THA LA XÓM ĐẠO qua tay “phóng tác” của nhạc sĩ Dzũng Chinh:

“… Đây suối rừng xanh đùn quanh đầy mây trắng nhìn hoa với cây làng/ Còn gì viễn khách về đây chi hỡi người đất Việt giặc tràn lan/ Biết Tha La hận căm nhẹ bước gặp cụ già ngạo nghễ đang ngóng gió/ “Em chẳng biết gì ư/” cười rung rung râu trắng “Đã từ bao năm qua khói lửa phủ mịt mù”/…

Rồi nhạc sĩ Sơn Thảo’s cũng “ăn theo” Dzũng Chinh (Thú thật không hiểu chữ “Thảo’s” này. Tiếng Việt thì không, tiếng ngoại cũng không, hay là tiếng Việt cải cách chăng?) viết tiếp “Hận Tha La”, bài này cũng Boléro do Tinh Hoa Miền Nam xuất bản và phát hành năm 1965, đã được thu thanh vào dĩa hát Việt Nam do ca sĩ Phương Hoài Tâm Trình bày:

“… Đây Tha La đây xóm Đạo tiêu điều/ Cây đùn quanh hận thù dâng ai oán/ Đây mênh mông Tha La buồn quạnh quẽ/ Kìa rừng cây trái ngọt khách một dạo về thăm xóm/ Hồn ngây ngất vả buồn xưa lây lất nghìn hoa máu rưng sầu/ Đây Tha La đây xóm đạo hoang tàn/ Mây vờn quanh một màu tang khói lửa/…

Bao nhiêu đó cũng đã đủ, nhưng nhạc sĩ Anh Tuyền lại “tưởng chưa đủ” viết thêm “THA LA HOANG MỘ”. Nhưng chính bài hát này là “Hoang” vì ít ai hát, chớ không phải Tha La “hoang” (Xin lỗi nhạc sĩ Anh Tuyền).

Nhà thơ Hữu Loan còn nghe được “Màu tím hoa sim”, nhưng Vũ Anh Khanh không nghe được bài hát “Tha La Xóm Đạo”. Nhạc sĩ nào “phóng tác” hoặc “Phổ thơ” mà làm sai lệch ý nghĩa của bài thơ là trách nhiệm của người nhạc sĩ ấy.

Bài viết này có tính cách tham khảo “Những bài hát đi qua tôi trong chiến tranh” chớ không ngoài mục đích gì khác, mặc dù những bài hát nêu trên “những người muôn năm cũ” đều biết, và “Tha La” chưa được phép hát.

TRANHUUNGU

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác