HỒNG BĂNG; ÔNG GIÀ BIẾT NHIỀU GIAI THOẠI
Buổi sáng, cô Trầm Hương Ptt, Gs Tống Phước Hiệp hỏi tôi, có một vài vị “công thần” trong trang nhà Lương Minh có chọn bài viết hết chưa? Thú thật, khi kiểm tra lại thì chưa có. Một phần thì chưa có người viết, phần thì họ cũng là người viết có bài trong sách rồi. Chuyện này, tôi có gợi ý một vài tác giả với anh chị, nhưng chưa có ai phản hồi.
Hồng Băng là nhà thơ có bài trong trang nhà rất sớm, do vậy tuy không là CHS trường Tống nhưng độc giả trang nhà nhiều người biết anh, nhất là những sinh hoạt của trang TPH anh đều có tham dự dù tuổi cao mà còn sức khỏe.
Nhớ những lần sinh nhật trang TPH-VL ở Sài Gòn anh cưỡi ngựa sắt đi hàng trăm cây số lên dự, ở Vĩnh Long cũng vậy. Trà Vinh- Vĩnh Long sáu mươi cây số thì anh dư sức vọt, nhưng năm rồi cũng ngại đường xa nên anh vắng mặt.
Tôi quen Hồng Băng qua nhà thơ Nguyễn Bạch Dương, Hội văn học Nghệ thuật tỉnh Cửu Long. Trước đây Trà Vinh thuộc tỉnh Cửu Long, Hồng Băng là Phân hội phó Phân hội văn học Tỉnh Cửu Long. Hai người chung Hội nên thân nhau, mỗi lần đi Trà Vinh thăm Hồng Băng, Nguyễn Bạch Dương rủ tôi đi chơi. Tôi biết Hồng Băng chuyên thơ, có tập thơ xuất bản năm 1973 : quyển Kinh cầu Chim Núi. Với thơ thì tôi là người ngoại đạo, tôi thích truyện ngắn của Hồng Băng và những bài khảo cứu nhất là những bài về phong tục Khmer. Nguyễn Bạch Dương cho tôi biết, trước khi làm giáo viên, HB đã từng đi tu trong các chùa ở Trà Vinh nên phong tục tập quán địa phương anh đều rành rẽ. Thật vậy, tôi nhớ Tết năm nào anh có bài viết về Lân ki, bài viết về Cây phướng trong chùa Khmer.. Mỗi khi tôi thắc mắc gì về phong tục dân tộc Khmer , tôi đều hỏi anh và được giải thích mạch lạc. Tôi nghĩ , với hiểu biết sâu như vậy , anh nên làm nghiên cứu hay hơn là làm thơ vì nhà thơ ở Việt nam có đến hàng triệu, còn giới sưu khảo rất ít, nhất là về dân tộc, phong tục Khmer. Nói vậy thôi, chứ đó là cái nghiệp và là sở thích của mỗi người thì biết sao được !
Phải nói là tôi rất hạp với anh, có lẽ cùng tuổi, nên đi đâu nếu được cũng nhắn anh đi chung như qua nhà Phong Tâm ở Cái Mơn, đến nhà chị Lưu Phương ở quận 10… Ngồi uống rượu để nghe anh kể về chuyện anh em văn nghệ ở Trà Vinh, Vĩnh Long, Sài gòn, bằng giọng hài hước nghe vui vì trước 1975 anh đã bước chân vào làng văn nghệ.
Đi du lịch khắp nơi, nhưng mỗi khi về Trà Vinh là tôi phải nhờ anh làm Hướng dẫn viên, nơi nào có chùa lớn, nơi nào có quán cà phê ngon, cơm ngon nhờ anh đưa đến để ăn cho biết và không bị chặt chém. Mối giao du với anh em văn nghệ tại địa phương , anh cũng có nhiều bởi anh là hội viên lâu năm trong hội VHNT Trà Vinh và là Phân hội trưởng phân hội văn học đầu tiên. Có lẽ làm công tác hội không thời giờ viết lách nên anh xin thôi.
Vào trang tongphuochiep-vinhlong , Hồng Băng rất nhiệt tình, có thời gian tôi nhờ anh viết dùm lời dẫn cho từng bài thơ, gần như làm người phụ trách trang thơ. Anh làm rất tốt, khiến cho trang nhà có thêm uy tín với các nhà thơ có bài được đăng. Việc này anh cũng thú nhận, bạn bè nói anh giới thiệu thơ hay quá, phải chăng nghề của chàng., anh cười hi hì.
Gần đây, thấy anh chuyển sang sáng tác ảnh. Anh đi vòng quanh tỉnh lỵ. Cảnh vật nào anh cũng chụp cho ra hình đẹp dù với máy điện thoại “Cùi bắp” anh rất hài lòng nên những tấm ảnh này đều có ký tên Hồng Băng trên đó và sau này trong mùa dịch anh viết tản văn rất đều mà hay. Tôi rình, hể anh có bài độc đáo là tôi mang về đăng trang nhà. Đó là những bài hoài niệm về một thời xưa cũ về một tỉnh lỵ, về trường tiểu học Phú Vinh cũ mà anh đã học, viết như một ông già nhất là gương mặt anh lại giống kép Diệp Lang chuyên đóng vai lão nên đọc tôi hay liên tưởng đến. Hay những bài suy gẫm về đạo Phật, không cô đọng như công án Thiền nhưng cũng xứng đưa vào sách giai thoại thiền.
Đời văn nghiệp, lúc về sau anh xuất bản cũng khá, nào là tập Hương Xưa NXB Mũi Cà Mau 1993, Lãng Đãng hương xưa 2017. Anh được nhà thơ Ngô Nguyên Nghiễm chọn đưa vô Người đồng hành quanh tôi (quyển IV), Chân dung Văn Nghệ sĩ, 108 nhà thơ Việt giữa thế kỷ 20,…
LƯƠNG MINH