Giới thiệu Vọng Cổ Xưa, nhịp 2, nhịp 8 và Vọng cổ nhịp 32
Học giả Vương Hồng Sển khi còn sinh tiền đã nói một câu nói để đời: « Chỗ nào có chiếc áo dài Việt Nam, chỗ nào có bài ca vọng cổ thì ở đó có quê hương Việt Nam trong lòng của mỗi người Việt xa xứ ».
Chiếc áo dài làm nổi bậc hình ảnh, vóc dáng yêu kiều yểu điệu của người phụ nữ Việt Nam trong các cuộc lễ hội, trong dịp Tết nguyên đán ở trong nước cũng như ở xứ người. Trong một số đông phụ nữ dự lễ hội, dẩu cho dáng nét của người phụ nữ Á Châu như Trung Quốc, Nhật, Ðại Hàn cũng giông giống như người Việt Nam, nhưng ta chỉ cần nhìn người phụ nữ nào mặc chiếc áo dài Việt Nam, ta cũng phân biệt ngay người đó là đồng hương yêu quí của mình. Ðiều đó chứng minh là nhận xét của học giả Vương Hồng Sển rất đúng.
Ông cũng nhắc qua bài ca vọng cổ, một bài ca chan chứa những tình tự dân tộc, những giai điệu quê hương.
Nhiều nhà văn, nhiều nhạc sĩ cổ nhạc đã nghiên cứu và thuyết minh về xuất xứ của bản vọng cổ, có người đã viết về tiểu sử của nhạc sư Cao Văn Lầu, người cha đẻ của bài vọng cổ. Có bạn cũng đã giới thiệu qua về sự phát triển của bài vọng cổ từ nhịp đôi qua nhịp tư, nhịp 8, nhịp 16, nhịp 32 vân vân. Nhưng nhiều bạn trẻ hoặc các bạn ái mộ cải lương từ những thập niên 1960, 1970, không từng nghe được các bài vọng cổ xưa nhịp đôi, nhịp 8 như thế nào. Các bạn đó có yêu cầu Nguyễn Phương –tôi cho các bạn nghe lại một vài bài vọng cổ xưa, gọi là ôn cố tri tân.
Bài Dạ Cổ Hoài Lang mà qúi thính giả có dịp nghe hai nữ nghệ sĩ Hương Lan, Ngọc Giàu ca trong các băng vidéo gần đây, tuy lời ca và điệu nhạc vẫn giữ như bài vọng cổ gốc nhưng nghe ra thì hơi ca đã có cách tân, về cổ nhạc thì đã có tân nhạc hòa điệu rồi.
Tôi xin giới thiệu bài Dạ Cổ Hoài lang do nữ nghệ sĩ Ái Liên ca. Nữ nghệ sĩ Ái Liên là thân mẫu của nữ nghệ sĩ Ái Vân, bà ở HàNội, bà có một giọng ca tân nhạc rất hay và là nữ nghệ sĩ rất đẹp, hát cải lương rất hay và là đào chánh gánh Tiếng Chuông Vàng Bắc Việt, từng đào tạo nhiều nghệ sĩ cải lương thế hệ trẻ sau này. Bài ca Dạ Cổ Hoài Lang do Nữ nghệ sĩ Ái Liên ca cũng nhịp đôi nhưng nhạc hòa theo vẫn giữ được giai điệu cổ xưa, không cách tân lai tạp. Bài ca nầy được Nhà xuất bản dĩa hát Việt Nam ở Hà Nội thu thanh, dĩa 78 tours, nhạc sĩ Thanh Nha đờn kìm, Ba Bằng đờn cò và Năm Bá đờn độc huyền cầm. thu thanh năm 1958, cách nay gần nủa thế kỷ,
Minh họa bài Dạ cổ Hoài Lang do Ai Liên ca
Ở miền Nam, trước cô Ái Liên, có các nữ nghệ sĩ danh ca như các nữ nghệ sĩ Ba Ðắc, Hai Ðá, Năm Phỉ, Phùng Há, Tư Sạng, Ba Hui, Kim Thoa…Năm Châu, Tư Chơi, ca vọng cổ rất hay…nhạc sĩ kiêm soạn giả Tư Chơi đã viết thêm lời cho bài Dạ Cổ Hoài Lang, kéo dài thành ra 4 nhịp cho mỗi câu ca. Trong bài ca vọng cổ tuồng « Khúc oan vô lượng » của soạn giả Tư Chơi trên sân khấu Trần Ðắc, câu 1 và câu 2 đã tăng lên thành 10 chữ và 12 chữ :
Câu 1._ Ðêm nào ngọn đèn khuya, mê đây chong trắng dĩa.
Câu 2,._ Chàng ôi, nếu có gặp nhau họa chỉ trong giấc mộng huỳnh lương.
Câu 1 của bài Dạ Cổ Hoài Lang chỉ có 5 chữ, sáng kiến của anh Tư Chơi cho thấy là nếu giữ đúng chữ đờn trong mỗi khung nhạc thì bản vọng cổ sẽ phát triển theo tài năng của nhạc sĩ và ca sĩ, có thể tăng nhịp và viết lời ca nhiều hơn. Vì vậy, trong một thời gian ngắn sau đó, vọng cổ đã được tăng thành nhịp 8. Xin mời quí thính giả nghe nghệ sĩ Năm Nghĩa và cô Tư Sạng ca bài vọng cổ nhịp 8 trong tuồng Hoa Rơi cửa phật tức Lan và Ðiệp của soạn giả Tư Trang. Bài vọng cổ nầy do hãng diã Asia của thầy Năm Mạnh thu thanh năm 1942.
Minh Họa bài vọng cổ trong tuồng Hoa Rơi cửa Phật.
Thưa qúi thính giả , tiếng ca ngân dứt câu vọng cổ ngày xưa được run giọng, lúc đó gọi là ngân đổ hột. Khi vọng cổ tăng thành nhịp 16, nhịp 32 thì lời ca nhiều hơn, giọng ngân dứt câu ca nghe êm dịu hơn, được ca sĩ chuốt mỏng, tiếng ca lịm vào câu đờn, khiến cho giai điệu vọng cổ thêm sâu lắng vào tâm hồn người thưởng thức. Xin mời qúi thính giả nghe nghệ sĩ Hữu Phước trong hai câu vọng cổ Gánh Nước đêm trăng, vọng cổ 32 nhịp.
Minh họa Vọng Cổ Gánh Nước đêm trăng 32 nhịp
Thưa quí thính giả, quí vị đã nghe ba trích đoạn vọng cổ, nhịp đôi, nhịp 8, nhịp 32 và qúi vị chắc đã nhận thấy rằng chỉ trong một khung nhạc cơ bản mà mỗi nhạc sĩ tài năng có thể diễn tấu trong lòng câu vọng cổ theo mỗi màu sắc âm giai riêng, thao túng cung điệu nhưng vẫn giữ đúng chữ đờn theo khung nhạc và xuống song lang dứt câu rập ràng. Soạn giả cũng trên nền nhạc đó mà viết lời ca khác nhau, khi thì lời bi thiết, khi oai hùng, khi hài hước, tùy theo cốt chuyện và tính cách của nhân vật. Còn ca sĩ thì mỗi người một nghệ thuật ca điêu luyện, tạo nên một vòm trời nghệ thuật đầy những ngôi sao sáng chói: những danh ca tên tuổi như Vua vọng cổ Út Trà Ôn, Vua vọng cổ hài Văn Hường, Sầu nữ Út Bạch Lan, Tiếng ca nhung lụa Ngọc Giàu, Tiếng hát liêu trai Mỹ Châu, Nữ Hoàng sân khấu Thanh Nga, giọng ca vàng Hữu Phước, giọng ca sang trọng Thành Ðược, Giọng ca vàng vượt thời gian Hương Lan…vân vân.
Thưa quí thính giả, Chương trình cổ nhạc do Nguyễn Phương thực hiện, đến đây xin dứt, Nguyễn Phương xin cám ơn quí thính giả đã theo dõi chương trình nầy, xin tái ngộ quí thính giả vào giờ nầy tuần sau.
Xin mời nghe Soạn giả Nguyễn Phương nói chuyệnl :