DUNG THỊ VÂN, NGƯỜI THƠ TRÔI THEO VĂN CHƯƠNG
Tôi vẫn cho rằng, lý luận phê bình văn học đến thời điểm hiện nay thuộc những người có chức quyền định hướng văn chương theo một hệ tư tưởng nhất định. Lý luận luôn là màu xám, còn tác phẩm, vẫn là “cây đời tươi xanh” trong lòng người đọc. Cảm nhận văn chương thì khác, thuộc về người đọc. Người đọc là nhà thơ thì dễ đồng cảm, hòa quyện cảm xúc cùng người viết hơn.
Chính Dung Thị Vân cũng đồng tình: “Tôi luôn thương vay khóc mướn trong những tâm sự của bạn bè”. Nhờ sự nhạy cảm, cùng tri thức nên cô dễ phát hiện về những hàm nghĩa, ẩn từ trong văn chương, rồi từ đó đưa ra như những suy diễn có lý. Ví dụ như từ câu thơ: “Ta vẫn thắp đêm dài bằng nỗi nhớ em”(Bùi Nguyễn Trường Kiên), cô khen và diễn giải: một hình tượng tình yêu “tuyệt vời”, không phải một đêm, mà là thắp “hàng đêm, mỗi đêm”. Cô phát hiện chữ nghĩa, chữ “vẫn” rồi khen, khen đúng, không cường điệu. Tưởng cũng nên nói thêm rằng, cảm nhận văn chương không phải là khen hết lời, ngợi hết mức, lấy lòng, võ đoán mà lấy từ cái nền, từ hiểu biết, sự tinh tế, từ câu chữ, ngôn từ. Và cô đã cố làm điều đó.
Ở một bài ngắn khác, bốn câu thơ bốn chữ: Yêu chỉ một bà/ Mến thì ngàn nữ (Trương Văn Trạn)
Cô biết tỏng trái tim đàn ông có “muôn vàn lý lẽ”, “biện bạch”. Viết ra vậy, để vợ hài lòng, ưng ý, nhưng cô lại phân biệt rõ “yêu” và “mến, rồi lại như nhủ nhỏ, tốt nhất là lơ đi, “người đàn bà phải biết vị tha”.
Phụ nữ nhạy bén. Người thơ trôi theo cảm xúc…
“Bâng khuâng, khắc khoải, nhớ nhung, luyến tiếc” tâm trạng với nỗi buồn đi tìm quá khứ, ở bài “Nắng hoàng hôn” của BT Áo Tím. Cô cảm, “bài thơ cho tôi cảm xúc xao xuyến lạ thường”.
Rồi đọc và thất vọng não nề qua “Ký ức đêm” của Diệp Vy về điều thầm kín riêng, nỗi đau, phận người. Đọc thơ Đào Thái Sơn lại là kỷ niệm luyến tiếc, nhớ nhung, xót xa. Cô trắc ẩn, loang vệt u buồn. Đọc Huỳnh Gia cũng là hoài niệm, nhưng không níu kéo, chỉ là mơ, thơ “dày vò, hoang tưởng”, “cố nhân đi bao giờ mới về?”. Cô rưng rức…
Đọc Lê Minh Dung:
“Về đâu chiếc lá thu phai?…
Thôi về, tìm lá diêu bông
Mặc cho con tạo phiêu bồng nhân gian!” (Chiếc lá thu phai).
Cũng là nỗi buồn, tác giả không ảo tưởng tìm lại được “tri âm tri kỷ” đã thưa “tiếng lòng”, nhưng lại ảo tưởng giải tỏa nỗi buồn bằng một “chiếc lá” không có, không thể nào có, làm cứu cánh, lẫy đời, kệ trần gian. Vậy mà cô cảm thông, ôi, quện trộn, thế mới là thơ, lẩn thẩn hai người thơ với chiếc lá “diêu bông”. Cô lại trôi theo cảm xúc. Dung Thị Vân phát hiện ra những hình ảnh hay trong thơ:
“Củ khoai nướng vụng cháy đen cả chiều”(Đặng Diệu Thoa)
Cô như thấy được câu thơ “thổn thức” khóc, “oán trách nhẹ nhàng, khắc khoải” và “bầm gan tím ruột”, cô phát hiện ra cung bậc nỗi đau trong thơ.
Hoặc “Sài Gòn nắng vỡ làm đôi / Khi về phố núi tim côi mưa dầm” (Nắng vỡ làm đôi – Hồng Anh). Nắng vỡ làm đôi lòng, Hồng Anh thấy và Dung Thị Vân cũng thấy. Hoặc “Sợi buồn”, cô thấy “li ti những sợi buồn rơi rớt” giống như cái dáng người nhỏ nhỏ ốm o, nhỏ nhoi ngoài đời của cố nhà thơ cô được gặp vài lần.
Dòng thơ: “Đầy trời những hạt mưa sa” (Triệu Hồng Ân), ngôn từ rất đỗi bình thường. Nhưng cô nói, như “đường dài hun hút cho mình xót xa”(TCS). Tâm trạng tương cảm, thấy “lòng nhà thơ hun hút trong mưa”.
“Em và cái bóng lẻ đôi / Rưng rưng một bát – một người – một mâm” (Cái bóng – Nguyễn Thị Thúy Ngoan). Câu thơ đơn côi, tủi phận, chua chát. Và cô quện theo “những giọt nước mắt” “nhung nhớ” mù tăm của đời phụ nữ.
“Đêm buồn như tiếng đờn lay quán nghèo… (Tiếng đàn đêm – Hồ Phong Tư). Nỗi buồn của thi sĩ vay từ hơi rượu, vịn theo tiếng đờn. Cô lại như “nếm”, như “nghe” cùng hai thân phận.
“Anh chỉ còn một bông hoa màu trắng / thắp lên ngọn lửa chờ em…” (Anh chỉ còn một bông hoa màu trắng – Văn Công Hùng).
Khi đọc thơ người ta có thể có nhiều cách hiểu, có khi rất khác nhau, mỗi người cảm mỗi cách, riêng. Bởi thế, mới nói thơ “ngôn đọng ý gợi”. Nhưng thường nếu bám sát ngôn từ, những tín hiệu sáng, hoặc xa hơn tìm hiểu về tác giả thì có thể giải mã ý tứ thơ thuyết phục. Khi nói “màu trắng”, người ta hay mường tượng ra hai hình ảnh, một là, màu trinh nguyên, hình bóng thanh khiết, hai là, màu tang, hồn phách dật dờ, ảo ảnh. Có vài tín hiệu sáng trong bài: “cố ôm ngọn cỏ xanh”, “lội” “nát”, “tìm điều không có”, “giấc mơ”, “lẻ loi”, “tuyệt vọng”,”cô độc”, “tia sao băng”… Nhưng bằng sự nhạy bén của người làm thơ, cô nghiêng về “một”, lý giải về cụm từ “còn một”, cụm từ “ánh sao băng”… À, anh đi tìm người có bóng có hình. Một suy diễn có lý. Dẫu nghĩ cách nào đi nữa, thì hai dòng thơ cuối cũng rất hay. Những gì đẹp nhất, anh có, anh còn, anh chờ dành trọn cho em.
Chỉ là yêu buồn sầu đau, nhưng biết bao ngóc ngách của mỗi tâm hồn, Dung Thị Vân đã và đi vào những ngóc ngách ấy, để mở ra cho người đọc thấy thơ hay hơn, sâu hơn, đáng đọc hơn.
Thơ là tiếng lòng, lời tự sự ít có hư cấu như các thể loại văn chương khác. Ở cuộc đời thật, thường thì rồi ai cũng có chồng, có vợ, con cái, cháu nội cháu ngoại, bổn phận trách nhiệm. Dĩ vãng có thể là thật, hoặc một phần thật, nhưng chỉ là ký ức đẹp hoặc buồn mà nhà thơ ghìm giữ trong lòng, rồi lúc nào đó rớt ra “ngàn tâm sự” qua thơ, như là nhu cầu bộc lộ, và Dung Thị Vân hứng nhận, rớt nước mắt theo, cũng chỉ tại nàng Bội chàng Bạc. Rồi hai tâm hồn thơ như được gặp nhau, đồng điệu.
Còn nhiều nữa trong bản viết, cô cảm nhận nhiều tập thơ, có cả cảm bút ký, truyện ngắn, nhưng tôi không thể viết ra hết, quá dài, thôi thì để các bạn tự khám phá, chiêm nghiệm.
Tóm lại, có thể nói, cuốn sách này không phải ngợi ngôn mà là sự cảm thông, “tri âm tri kỷ” của một người thơ trôi theo văn chương, đậm đà cảm xúc, sự tinh tế, hiểu biết, thuyết phục qua những cảm nhận.
Nhà văn NGUYỄN ĐÔNG A