QUÁN VĂN , MƯỜI NĂM TRONG MỘT THOÁNG
Những ngày cuối tháng 9 trời vẫn còn có nắng nhưng buổi sáng mát mẻ. Không khí rộn ràng niềm vui, đó đây có tiếng cười giòn giã của những trẻ em đang nô đùa với những chiếc đèn màu và trong không gian thoang thoảng mùi thơm của chiếc bánh Trung Thu.
Tôi treo những chiếc áo dài của mình lên trên cửa tủ quần áo, màu sắc sinh động như những lá cờ ứng với các màu của cầu vồng: xanh lam, vàng, xanh nhạt, cam, xanh lá cây, đỏ và trắng có trang trí với những chiếc hoa sen. Tôi ngắm mà phân vân không biết chọn chiếc nào vì tất cả đều rất đẹp, trang nhã, chiếc nào cũng thích hợp cho dịp gặp gỡ sắp tới mà tôi và các bạn sẽ tham dự với tất cả niềm vui.
Các bạn tôi đang bàn chuyện tổ chức lễ sinh nhật của tập san Quán Văn mà chúng tôi cộng tác từ nhiều năm nay. Chồng tôi vừa đặt món “Bánh ít lá gai” trực tiếp từ Quy Nhơn. Một vài chị bạn sẽ chung nhau làm một chiếc bánh ngọt thật lớn vì hôm đó là một ngày đặc biệt: phải là chiếc bánh sô cô la thật cao trên đó được viết tên tất cả bạn bè. Chả lụa và nem sẽ đến từ Nha Trang vì chị Hạnh đã đặt làm từ trước, Kim Liên mang bánh tét, còn Nguyễn Giỏ đến ngày sẽ mang “bánh nậm” từ lò sản xuất. Đó là chưa kể nhiều món ngon do các bạn khác phụ trách và chuẩn bị nhưng đang giữ bí mật để tạo bất ngờ.
Các nhà thơ đã sáng tác những bài thơ cho một ngày trọng đại và anh Đoàn Đình Thạch, Đình An, nhạc sĩ Tôn Thất Lan… cùng các ca sĩ như Quang Đặng, Carol Kim, Ngọc Anh, An Thảo, Phú Yên, Tô Tuyết… đang chọn bài phù hợp để trình diễn, tất nhiên sự lựa chọn thường là các bài mới và bài truyền thống, ví dụ như bài của Trịnh Công Sơn. Tôi nghe các bạn đang thầm thì hát để ghi nhớ lời ca.
Trong một căn phòng lớn của một quán cà phê, ở vị trí trang trọng nhất, anh Nguyên Minh và anh Đoàn Văn Khánh sẽ treo một tấm áp phích lớn có hình bìa số Quán Văn mới nhất
Các nhiếp ảnh gia như Bùi Văn Mùi, Đặng Châu Long và Nguyễn Văn Danh đã chuẩn bị sẵn máy ảnh để nắm bắt để không bỏ lỡ một khoảnh khắc xuất thần nào của buổi họp.
Thật không thiếu một thứ gì! Phía sau hậu trường…, còn có,Mỹ Lệ và Ngoc Anh đang háo hức pha một thứ “coctail B52” bằng rượu crem whisky Bayleis có bổ sung Grand Marnier đặc biệt mà chúng tôi thường mang từ Ý về.
Nhìn chung, buổi họp mặt sẽ có nhiều niềm vui, tiếng cười khi những người đồng điệu gặp lại nhau sau một thời gian xa cách. Âm nhạc, ánh sáng và cảm xúc khi các bạn nhắc lại những chuyến đi xa cùng nhau. Biết bao là kỷ niệm.
Thường thì chỉ có các bạn đang sống ở Việt Nam, không chỉ ở Sài Gòn mà có bạn đến từ xa, như Từ Sâm đến từ Nha Trang, Liên Tâm, Trương Văn Đắc, Nguyễn Như Mây đến từ Phan thiết hay Trúc Hạ, Phan Trang Hy, Hồ Sĩ Bình đến từ Đã nẵng, Nguyễn Bảo Sinh, Văn Giá đến từ Hà Nội, Cao Thị Hồng đến từ Thái Nguyên hay Tịnh Thy bay vào từ Huế. Đôi khi cũng có những bạn văn đến từ Pháp, Đức, Bỉ và Ý hay từ Mỹ và Canada. Chúng tôi cũng đã từng gặp riêng một số bạn này, cùng họ đi ăn sáng hoặc ăn trưa ở nhà hàng. Phần lớn các bạn của Quán Văn thì ai cũng biết cà phê “Tắt Đèn” nằm ở đâu và họ thường nói là cà phê “sinh thái” khi nhắc đến bắp, khoai lang, củ mì, chuối sáp và đặc biệt là xôi của Dung thị Vân và đậu phộng luộc.
Chúng tôi sẽ gặp lại các bạn vào những bữa sáng cà phê bất tận, những bữa sáng bắt đầu từ 7:30 h đến buổi trưa, nhưng lúc nào những câu chuyện văn chương cũng đều rôm rả, có khi còn không muốn chia tay nên đột xuất bữa trưa với bánh nậm để tiếp tục cười đùa về mọi thứ, hạnh phúc khi ở bên nhau.
Nhiều hình ảnh lướt qua tâm trí tôi trong lúc này như trong một bộ phim được quay chiếu với tốc độ cao.
Mười năm ký ức, mười năm trôi qua mà như trong nháy mắt: khuôn mặt của một số người thoát khỏi trí nhớ vì tôi chỉ gặp họ một hai lần rồi sau đó mất hút; thế nhưng những khuôn mặt, thái độ, lời nói hay tiếng cười của những người bạn chẳng may không còn nữa vẫn thường hiện lên rõ nét. Những Huỳnh Kim Bửu, Chu Trầm Nguyên Minh, Nguyễn Ngọc Thơ, Trần Hữu Hội, Lộc Xuân, Nguyễn Chí Sơn, Nguyễn Dương Quang, Mang Viên Long… như những ánh sao băng xẹt qua bầu trời mà văn thơ ca nhạc bộ sưu tầm hội hoạ của họ vẫn còn để lại. Tôi thường nhớ về những người bạn ở xa đến những người thường gặp, nhớ những khoảnh khắc tốt đẹp và cả những lúc khó khăn, bởi vì với tôi họ không chỉ là bạn mà là anh em trong một gia đình.
Gia đình Quán Văn! Chúng tôi thường tự hào về điều ấy.
Tôi vẫn tiếp tục nhìn những chiếc áo dài của mình và bây giờ, không còn nghi ngờ gì nữa, tôi sẽ mặc chiếc áo dài màu đỏ vì đó sẽ là một ngày vui trọng đại.
&&&
Thời tiết ấm áp của những ngày cuối tháng 9 đã đánh lừa tôi là những ngày nắng đẹp sẽ kéo dài.
Tôi nhìn bầu trời xám xịt, đầy mây đen và những cơn mưa dai dẳng. Có quá nhiều thứ đã thay đổi vì Coronavirus và giờ đây nỗi sợ hãi, sự bất an và cả nhưng đau đớn đã khiến giấc mơ tốt đẹp của tôi tan biến. Khoảng cách, bằng một cách nào đó, thông qua internet, sẽ là một vấn đề có thể giải quyết. Nhưng những gì đã và đang xảy ra thực quá nghiêm trọng và xót xa. Chúng tôi lo lắng cho gia đình và cho tất cả những người thân. Mỗi tin tức đều như mù mờ và khoảng cách còn mang đến cho tôi sự bất lực vì không biết phải làm sao để cải thiện tình hình!
Những ngày cuối tháng 9 se lạnh này vừa cướp đi mãi mãi một người bạn thân yêu, nhạc sĩ Đoàn Đình Thạch, một tấm lòng nhân ái, thân thiện hoà đồng và giàu tình cảm.
Tôi ước gì mình có một cỗ máy thời gian để được sống lại những khoảnh khắc vui vẻ, và gìn giữ những người thân được ở bên tôi mãi mãi. Tôi muốn bắt thời gian phải dừng lại để những người tôi yêu quý được ở bên tôi như ngày nào.
Nhưng trong lúc này đây, sư xa xôi cùng những hoang mang chưa biết cuộc sống có thể quay lại như cũ hay không trong lòng tôi chỉ cảm thấy một niềm đau đớn vì vừa mất đi một người bạn quý và những ước mơ của tôi không bao giờ trở thành hiện thực.
Milano, 30 settembre 2021
Năm Covid thứ hai
Elena Pucillo Truong
( Nguyên tác tiếng Ý: QV, 10 anni in un istante )
Bản dịch của Trương Văn Dân