MÊ CHỢ PHẢI ĐỌC ĐỜI CHỢ
Tôi biết Lương Minh năm 2008, khi trường Tống bắt đầu có trang mạng. Cứ nghĩ đây là bạn học cũ làm nhà báo chứ không biết anh có nhiều tác phẩm để đời. Sau này, tôi và các bạn được anh tặng Chợ Tỉnh Chợ Quê, rồi Đời Chợ nhưng rồi có đọc đâu vì không có thời gian, mãi đến sau này khi đã về quê nghỉ hưu thì mới có thời giờ xem lại tác phẫm “Đời Chợ” của Lương Minh &Các Ngọc xuất bản từ năm 2000, có 173 trang, viết về 36 chợ và phố, ngoài 5 chợ tỉnh như chợ Vĩnh Long, Biên Hòa, Cao Lãnh, Mỹ Tho, và chợ Bò Quang Phú ở Vũng Liêm, còn lại là các chợ tiêu biểu của vùng đất Sài Thành cùng các phố bán những món hàng có thương hiệu, khi đọc qua bài ta cũng biết được để tìm mua ngay.
Bài viết về chợ Bến Thành chỉ vỏn vẹn hai trang rưỡi mà tác giả gói gọn đầy đủ chi tiết từ thiết kế đến các mặt hàng, mặt bằng chợ, biểu tượng phong cách người thành phố, người bán cùng khách mua của một ngôi chợ…
Tôi là người rất mê chợ, từ khi lớn lên, biết chiêm ngưỡng cái đẹp, cái văn minh của đời sống thiết thực hàng ngày, từ lúc còn nhỏ mẹ tôi thường dẫn chị em chúng tôi đi sắm đồ mặc tết mỗi lần có dip lên Sài Gòn, vui lắm cả ngày mẹ tôi dẫn chúng tôi đi rảo hết các phố chợ mà không biết mỏi chân, mua quần áo đẹp thật có phong cách thị thành, đồ chơi lạ mà ở huyện không có, rồi cũng không quên bánh mì Sài Gòn về làm quà cho bà con quê nhà.
Sau này, tôi đưa chị tôi từ Camphuchia qua, dạo chợ Bến Thành, hai chị em đi suốt cả ngày ngắm và mua các hàng hóa của chợ, tới một khu bán đồ lưu niệm, chị dừng lại đứng ngắm hoài, tôi biết ý chị không mua thì không rời khỏi quầy, nên để chị mua cho rồi, thỏa lòng người phương xa…, Chúng tôi lên xe Lam để ra bến xe, xe lam nhỏ hai bên ghế, khách ngồi đầy xe, tôi và chị cộ đồ lủ khủ, mọi người nhìn thấy không nhịn cười được, vậy mà chị còn nói với giọng thích thú: “ Chị già rồi mà sao còn mê chợ quá, thích xem đồ đạt, đi hoài mà không biết mỏi chân…”
Khách nước ngoài đến lưu trú tại khách sạn ai ai đều thích chợ Bến Thành, cũng hỏi thăm để đi cho được chợ Bến Thành.
Còn chợ Tân Bình, thật sung túc, có dịp đi chợ tôi không thể bỏ qua, một chợ bán quần áo giá sĩ, bán đủ các mặt hàng từ dao kéo vật dụng trong nhà, vải vóc, quần áo may sẳn, mặt hàng trang điểm, đồ trang sức, áo cưới cô dâu… Em gái thứ tư của tôi làm nghề uốn tóc, có một cửa hiệu cho thuê áo cưới tại huyện Tri Tôn cứ mỗi lần lên Sài Gòn là kéo theo tôi cùng đi mua hàng từ sáng đến chiều, mệt thì nghỉ chân vào gian hàng ăn uống. Em mua đủ thứ về về trang trí cho cửa hiệu của mình, nào là áo cưới nam, nữ, bộ tóc giả, mỹ phẩm, các dàn hoa trang trí cho buổi tiệc cưới; tới chợ Tân Bình là mua được tất cả, tôi cũng thĩnh thoãng mua quần áo giá sĩ về tặng bà con họ hàng, giảm được chi phí phần nào.
Cần mua những mặt hàng độc lạ, dành cho giới “sộp” có tiền phải nói đến chợ An Đông là nơi có bán tất cả các mặt hàng “xịn” cao cấp, tuy giá có hơi cao, nhưng khách hàng vẫn thích mua, vì được món hàng vừa ý, không sợ bị lầm, đó là sở trường của khách quen tôi khi đến ngụ tại khách sạn. Họ hỏi thăm tôi đường đi để mua, họ nói đi chợ này tuy giá có cao nhưng mua hàng không bị lầm.
Một chợ hàng bán sỉ nữa là Chợ Bình Tây, tác giả cho biết, đây là một chợ đầu mối bán hàng cho cả nước và có một thời là trung tâm thương mai của cả 3 nước Đông Dương, thật đúng, tôi nhớ lúc thời đi học, tôi và em tôi đã biết đi chợ này, giá cả ổn định, những năm của thời bao cấp, đời sống khó khăn, chị em chúng tôi phải tìm việc để làm thêm, tăng thêm thu nhập, chúng tôi đã đi Chợ Lớn, đến chợ Bình Tây để chị mua hàng chục cuồn chỉ len về móc áo, túi xách, thành phẩm đếm lại cho các shop bán hàng ở chợ Long Xuyên và chợ Tri Tôn. Sau này các bạn tôi ở Vĩnh Long cũng đến chợ này để mua sỉ các mặt hàng văn phòng phẫm về cho cửa hàng của mình tại quê nhà, riêng tôi thì mua các mặt hàng cho khách sạn như khăn tắm, nước lau sàn và các món khác…Đi thêm vài trăm mét là chợ Kim Biên, mua các hóa chất, để tẩy rửa nhà vê sinh, trừ mối, lau sàn của khách sạn, các hộp pin lớn nhỏ.
Chợ Thiếc, cũng độc đáo hấp dẫn không kém, lôi cuốn tôi, không những chuyên bán các mặt hàng khá đặc biệt, khi tôi đến chợ trong những ngày rằm tháng bảy, ngày cúng cô hồn, lần đầu đặt chân đến chợ này, tôi không khỏi ngạc nhiên, hai bên hong chợ có những xe đẩy chất đầy những đòn bánh ú, bánh giò treo lủng lẳn trông thật hấp dẫn người thích chợ như tôi, các bánh bao, bánh bò đầy màu sắc, những đồ dùng dành cho người cõi âm, cả trái cây, những mặt hàng dùng để cúng kiến bán cho ngày tết Đoan Ngọ, ngày tết truyền thống…Chợ còn có bán nhiều mặt hàng khác thật đẹp cung cấp cho mọi người đủ tầng lớp, quần áo nam nữ, nữ trang, người bán vui vẻ dễ giao dịch, tôi thấy khách Campuchia cũng rất ưu ái chợ này, không những họ mua những quần áo về dùng mà còn những mặt hàng nhan , đèn , đồ cúng kiến về nước họ bán lại. Thực tế và chợ tả trong sách đều không khác nhau, thậm chí có nhiều điều mà tôi chẳng biết.
Nhớ lại cũng buồn cười, nghe nói Chợ Tân Định bán nhiều mặt hàng quần áo rất đẹp, tôi cùng Bs Thanh Thủy cũng hiếu kỳ hai chị em phải đi cho được chợ này, thế nên chúng tôi hẹn ngày, tôi từ Ngô Quyền, quận 5, chạy xe honda đi đón Thanh Thủy ở Điện Biên Phủ rồi chở nhau đi chợ Tân Định để tìm mua quần áo đẹp cho mình để diện trong những ngày Tết, vào trong chợ có rất nhiều gian hàng bán quần áo, đúng như sách viết, tha hồ lựa, giá cả không thách lắm, người bán hiếu khách, mời mọc, dù không muốn cũng mua một thứ gì đó, chúng tôi đi rảo hết chợ, cả gian hàng bán vải thật đẹp, trên đường Hai Bà Trưng, rồi bên hông chợ bán trái cây, gian hàng ăn uống.
Nhớ lại những ngày Hoành Hà từ Đà Nẵng về Sài Gòn chúng tôi hẹn nhau tại quán caphe Trung Nguyên nhâm nhi caphe, từ lầu hai của quán nhìn xuống ngắm dòng người, xe cộ qua lại tấp nập trong không khí náo nhiệt, đời sống sinh hoạt của dân vùng này mới thích làm sao, một khung cảnh sống động, có thật mới thú vị biết dường nào.
Ngoài các chợ tôi đã đi, sách còn đề cập những phố như: phố kéo Triệu Quang Phục, trên lề trái của con đường một chiều, các cửa hiệu san sát nhau, mặt tiền trưng bày kèm, kéo đủ loại, tôi ghé vào một cửa hàng Nghĩa mua kéo cắt rau, cắt móng, kéo cắt vải cho thợ may, những cây dũa thật sắc xảo dùng hàng ngày bền và đẹp, loại hàng có thương hiệu thấy ở mọi nơi, và có cả tên cửa hiệu này trên con đường Lê Minh Ngươn, TP Long Xuyên quê tôi.
Nhớ năm ngoái , một em làm chung rủ tôi vòng qua đường Nhật Tảo xem các mặt hàng điện tử, em ấy mê lắm, đi hết cả ngày nghỉ mà chưa thấm, chao ôi, thật chói mắt, đủ mặt hàng để chọn phù hợp với túi tiền, nào đồng hồ đeo tay, máy nghe nhạc… đến rồi mà không muốn rời quầy hàng, nếu chưa mua được, bây giờ đọc lại Đời Chợ mới khâm phục tác giả đi nhiều quá!
Đọc đến bài “Chợ Bò Quang Phú” một bài viết tuy ngắn, nhưng rất kỳ diệu trong tôi, tác giả có tâm, lại cung cấp cho bạn đọc một món ăn thật lành, chân chất, ai biết cũng tìm đến mua, một chợ có nguồn gốc phát sinh từ nơi nhóm chợ của dân tộc Khmer, làm tôi liên tưởng một chợ bò, khi một lần đi ngang qua khu vực tỉnh Tà Keo Campuchia, y như trong bài viết của tác giả, trên đường đi, chị tôi nhắc hoài sợ xe chạy huốt không ghé vào mua được thịt bò về ăn, khi đến nơi ghé vào tôi thấy gian hàng bán y như tác giả đã viết trong bài của chợ Bò Quang Phú, một ấn tượng thích thú khi đọc bài viết.
Đọc qua “ Đời Chợ” của Lương Minh& Các Ngọc, tôi biết thêm đặc thù của từng ngôi chợ, cám ơn tác giả đã bỏ nhiều công sức trong những chuyến đi thực tế, dù thông tin các chợ đã trên 20 năm, có chợ còn , chợ mất do vậy mà tác giả đề tựa sách“Đời Chợ” thật phù hợp.
PHI ROM
23/11/2021
H1
H2