LÊ THÂN HỒNG KHANH VÀ NHỮNG ĐÓA HOA VĂN CHƯƠNG TRÊN “ KHU VƯỜN” TPH.VL.
Tôi và Lê Thân Hồng Khanh là bạn chung trường, chung lớp thời “ áo trắng Gia Long”. Tình bạn nầy kéo dài theo năm tháng, đến hôm nay dễ đến hơn nửa vòng thế kỷ. Chúng tôi, từ cô nữ sinh ngây thơ, nhìn đời qua khung cửa lớp, đến nay đã lên chức vợ, mẹ, bà nội, bà ngoại…Ngày bạn về Việt Nam năm 2014. Học trò Tống Phước Hiệp (TPH) vui mừng gặp lại người cô dạy Anh Văn mà các em hằng dấu ái. Hình ảnh cô trò hội ngộ trên f.b, trên trang nhà TPH-VL. Thời gian và sự cách chia dường như chịu thua trước tình cô trò dù qua bao năm tháng.
Thương học trò, quí cái tình từ ngôi trường bạn đã một thời đứng lớp. Bạn tôi nhận lời làm cố vấn cho trang TPH.VL.
Đây là khoảng thời gian tôi và bạn khắn khít nhau hơn, hiểu nhau hơn, nói không mắc cỡ, trong giai đoạn nầy tôi là đọc giả trung thành của cây viết Lê Thân Hồng Khanh (LTHK).
Với văn phong nhẹ nhàng, trong sáng, mạch lạc , mảnh đất trang nhà TPH-VL đã cho tôi học và hiểu cô bạn của tôi hơn
Học những món ăn từ Bếp ấm, những áng văn chương Anh qua cách phiên dịch trong sáng dễ hiểu. Những tác phẩm học từ năm đệ nhị đệ nhất ban C ( Văn chương )…khi rời trường tôi đã dần quên. Hiểu bạn hơn qua những trang hồi ký. thơ và những tản văn… tràn đầy tình cảm mà bạn tôi gửi vào .
Nói cần phải có dẫn chứng, xin mời bạn hãy cùng tôi “ tắt ngang “ qua khu vườn cuả LTHK
Nhìn chung, có lẽ lúc nầy LTHK đã dành rất nhiều thời gian cho Trang nhà TPH. Công sức đóng góp vun trồng của bạn vào nơi đây không hề nhẹ
1-Dịch thuật.
– Tình em dành cả cho anh ( Remember me- Liz Byrski )
“Ngôi nhà ngày xưa trên khu đất này, nay không còn nữa. Nơi đây, tại phòng khách ở tầng một, trong một chiều thứ bảy rả rích mưa, em quay lại khi nghe tiếng cửa mở và nhìn thấy anh. Mọi chuyện bắt đầu chính ở nơi này, trong một khoảnh khắc, tất cả mọi việc quanh chúng ta dường như biến mất để chỉ còn có anh với em mà thôi…”
Văn dịch như thế nầy thật lôi cuốn người đọc quá. Phải không ?
– CHỊ EM BRONTË – CHARLOTTE, EMILY, ANNE BRONTË
“Trong chúng ta, những ai trước 1975 khá Anh văn hoặc học chuyên về Anh văn chắc đều biết về chị em Brontë, nhất là Charlotte và Emily Brontë với hai cuốn truyện nổi tiếng trên thế giới là “Jane Eyre” và “Wuthering Heights”.
Lời giới thiệu của LTHK.
-Le Château de ma Mère là tiểu thuyết của nhà văn Marcel Pagnol (Pháp)
-Thời thơ ấu ở Provence
“Được cô Hồng Khanh chuyển ra Việt Ngữ từ Đức ngữ. Một câu chuyện mà cô đã đọc một cách say mê những kỷ niệm cực kỳ thú vị của một cậu bé trải qua kỳ nghỉ hè đầu tiên của mình trong vùng đồi núi miền Provence, Nam nước Pháp…”
Lời giới thiệu của Ban biên tập. và còn đây “Điều ước đêm Giáng Sinh. Người nô lệ của gia đình tôi. Toà lâu đài của Mẹ. Camille Claudel- Thiên tài gãy cánh…”
Đọc những tác phẩm nầy, điều gì đã lôi cuốn tôi ? Vì cái tựa đề ? Vì cách hành văn nhẹ nhàng trong sáng? Tâm lý nhân vật qua những câu chuyện tình yêu sâu sắc?
Sách dài nhưng được chia ra từng đoạn để người đọc dễ dàng theo dõi ?
Với tôi là tất cả. Tôi càng đọc càng bị lôi cuốn, cũng như LTHK đã bị lôi cuốn nên bỏ công dịch ra để chia sẻ cùng chúng ta.
Bên cạnh những tác phẩm dài là những bài thơ trữ tình như Lệ đổ tim tôi ( IL pleure dans mon Coeur) hay bài thơ
Dừng chân bên rừng trong buổi chiều tuyết đổ của Robert Frost ( 1874 – 1963) là một trong những nhà thơ nổi tiếng của Hoa Kỳ từ đầu đến giữa thập niên 60.
Ngoài ra H.K còn kêu gọi bạn đọc trang nhà cùng nhau dịch thơ.
-Yêu sao cho vừa
Dịch bài thơ “HOW DO I LOVE THEE? ” của ELIZABETH BARETT BROWNING.
-CHIM CON LỀ ĐƯỜNG – A bird came down the walk của Emily Dickinson
YOU GOT A BROOK IN YOUR LITTLE HEART.. Suối ngọt trong tim…
2- Hồi ký.
Những trang hồi ký của LTHK từ “ Tìm về kỷ niệm ấu thơ. Đà Lạt mờ sương. Tân Tây lan- những ngày tháng tha phương…” tôi hiểu bạn tôi hơn. Từ khi chia tay nơi trường TPH. Bạn về Đà Lạt. Tôi, sau đó cũng về Sài gòn.
Thuở đi học chăm chỉ học hành, cuộc đời trôi theo những giờ học bên thầy cô, bạn bè , chúng tôi vô tư, không tìm hiểu gia cảnh bạn mình, để so đo kết bạn. Bây giờ, tóc đã phai sương. Từ dòng chữ, lời tự tình của H.K như kết nối lại khoảng thời gian chúng tôi lạc nhau trên đường đời. Hiểu nhau thêm khi nhìn lại thời quá khứ.
Cho tôi thấy bức tranh gia đình quí tộc đất thần kinh, nơi Mẹ bạn lớn lên và sau nầy, may mắn, tôi được bạn gửi cho quyển ebook viết về kỷ niệm cuộc đời của Mẹ. Như một món quà tặng Mẹ. Tôi thấy bạn may mắn, lớn lên trong một gia đình hạnh phúc, có người Mẹ-Bà Thân Thị Khánh-quá đảm đang, quá tuyệt vời. Một tiểu thư khuê các của dòng họ Thân danh giá của Huế xưa và…những bước đi của gia đình từ Bắc vô Nam cam go theo vận nước.
Bạn đã sống và dạy học như thế nào ở xứ sở mù sương Đà Lạt. Mỗi giây, mỗi thời khắc sống là những trải nghiệm với cuộc đời .
Những ngày tháng tu nghiệp với tình bạn, tình người, cuộc sống du sinh lạ lẫm, mọi người nương tựa, giúp nhau nơi xứ lạ để hoàn tất học trình.
3- Bếp ấm
“Mỗi lần vào trang nhà, việc đầu tiên của tôi là để mắt xem Bếp Ấm có gì mới lạ hay không. Mang tiếng là được các em phong cho làm ” Bếp Trưởng ” nên phải chăm sóc làm sao để căn bếp nhỏ của mình luôn luôn ấm áp và lúc nào mùi thơm của các món ăn cũng ngào ngạt, có thế thì mới thu hút được khách vãng lai ghé thăm Bếp Ấm.” ( LTHK.)
Cùng với Hương Cau, Yên Dạ Thảo và một số đầu bếp TPH. những món ăn dân giã quê hương, đến cao lương mỹ vị xứ người đều có mặt nơi đây.Từ Bánh lá chả tôm, Mắm chưng. Bánh bắp chiên giòn. Bánh hỏi thịt luộc…Món ngon Mã Lai- Lạc xá .Bánh khoái Nguyệt Viên…MÓN NGON IRELAND ( ÁI NHĨ LAN)- IRISH STEW.MÓN NGON NƯỚC PHÁP – CASSOULET…v…v.
Nhiều lắm nhớ không hết. Đôi lúc tôi tự mình dạo bếp, đọc công thức , rồi làm cho chồng con ăn. Bạn hướng dẫn rõ ràng, tận tâm, nên cũng không khó cho tay mơ như tôi.
Nhớ có lần, tôi cũng học đòi góp mặt, gởi bài cho trang Bếp ấm…Bài viết dở, thiếu hình minh họa, công đoạn không rõ ràng…Bà bếp trưởng đã thẳng tay từ chối…không đăng. Nhắc lại để biết LTHK rất chỉnh chu với mục nầy.
4- Tản văn và thơ.
Tôi nghĩ, trên là 3 chuyên đề mà LTHK dùng rất nhiều tâm sức để đóng góp cho trang nhà.
Nhưng những tản văn và thơ như Mùa đông đã đến đây rồi. Mùa đông quanh tôi.Tản mạn về mùa xuân ở Đức quốc. Thu vàng qua khung cửa sổ. Tổ ấm. Mẹ tôi và quê ngoại. Tình tự quê hương. Quê mình quê người…cũng ít nhiều mang tâm tư người viết.
Tôi đã dành mấy hôm, chỉ vào trang TPH-VL, để chỉ đọc bài viết của bạn tôi.
Tôi thấy lại hình ảnh cô bạn nhỏ ngày xưa, tôi thấy lại cô GS Anh Văn nơi trường TPH. Tình cô như vòng tay ấm ôm trọn mọi đứa học trò của mình qua những lá thư của cô gửi cho học trò như: Trần Ngọc Nữ; gửi người chị lớn của trang Lưu Phương -. Thăm cựu học sinh TPH ở hải ngoại. Thư cô LTHK gửi Lê Liên. Sự giúp sức của mỗi người là một giọt nước làm đầy ly trống. Tình thân TPH trải khắp mọi nơi. Thư không tem gửi Nguyễn Thị Hạnh…
Tôi thấy lại hình ảnh, sự chăm sóc ân cần của vợ chồng bạn khi tôi từ Pháp qua Đức thăm nhau…Tôi thấy lại hình ảnh của bác Khánh, Mẹ Khanh, quí phái, đoan trang, đài các khi xưa.
4-
Nhớ lại một thời chúng tôi làm việc bên nhau.Tôi đi vào vườn hoa văn chương mà bạn tôi đã vun trồng nơi khu vườn tình thân TPH để tìm và bắt gặp tâm hồn, con người, cuộc sống của bạn tôi trên từng con chữ, câu văn, vần thơ. “Tôi hãnh diện vì bạn, cám ơn bạn đã đồng hành với tôi trên bước đường có kỳ hoa, dị thảo mang tên Tống Phước Hiệp. Ngôi trường xưa, nơi mà tôi cũng như bạn đã bắt đầu sự nghiệp “gõ đầu trẻ”, cũng như tinh thần tôn sư trọng đạo của các em cựu học sinh đã là nguồn cảm hứng giúp tôi và bạn dù đã ở lứa tuổi “thất thập cổ lai hy” vẫn còn hăng hái để tiếp tục sáng tác.”
Ơn trời…ở cái tuổi vào đông, chúng tôi vẫn còn liên lạc nhau. Thấy thương nhau hơn . Tôi càng trân quí những gì bạn đã đóng góp cho trang nhà TPH.Và cũng cám ơn mảnh đất nầy đã lưu giữ những đóa hoa văn chương mà bạn một thuở vun trồng , tưới tẩm.
Trầm Hương Ptt