ẤN TƯỢNG DIÊM LIÊN KHOA
Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của nhà văn Trung Quốc nổi tiếng thế giới Diêm Liên Khoa, ông đã dành một buổi sáng thứ hai ngày 8.4.2019 để nói chuyện tại trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM, với chủ đề: “Trung Quốc và văn học trong một thôn trang”. Buổi nói chuyện do Khoa Văn học Đại học KHXH và NV TPHCM chủ trì đã diễn ra trong bầu không khí cởi mở, chân thật với những câu hỏi đáp rất ấn tượng. Ông Diêm Liên Khoa là nhà văn Trung Quốc đa tài. Ông chuyên viết về văn xuôi. Các tác phẩm của ông bao gồm cả tiểu thuyết, truyện ngắn, tản văn, sách lý luận văn học… Do ông có những tác phẩm phản ánh hiện thực một cách sâu sắc, nhức nhối và tàn nhẫn, cho nên nhiều tác phẩm của ông không được in hay là bị kiểm duyệt nghiêm ngặt ở Trung Quốc. Ông có nhiều tác phẩm được xuất bản tại Việt Nam như: “Phong Nhã tụng”, “ Kiên ngạnh như thủy”, “Người tình phu nhân sư trưởng”, “Nàng Kim Liên ở trấn Tây Môn”, “Đinh Trang mộng”, “Tứ thư”.
Khán thính giả tham dự có lẽ đều có chung một cái nhìn về nhà văn Diêm Liên Khoa là: Ông là người rất thông minh, khôn khéo, hài hước nhưng không kém phần thẳng thắn khi nói về bản thân và những câu chuyện văn chương liên quan đến bản thân! Đặc biệt tinh thần tự giễu nhại của ông rất cao.
Nhìn ngoài đời thật, nhà văn Diêm Liên Khoa trẻ hơn đời thường với quần jean xanh, áo sơ mi đen, mái tóc điểm bạc. Nét mặt ông khá lạnh và rất ít cười, song những câu ông nói ra đều khiến các khán thính giả cười trong chua xót theo đúng kiểu tinh thần giễu nhại.
Mở đầu cuộc nói chuyện, nhà văn Diêm Liên Khoa thổ lộ: Ông là người may mắn nhất thế giới vì đã sinh ra tại một thôn trang đặc biệt nằm ở huyện Tung của tỉnh Hà Nam. Thời cổ, người Trung Quốc cho rằng mình là trung tâm của thế giới nên mới gọi nước mình là “Trung Quốc”. Ông sinh ra ở Hà Nam – thời cổ không gọi là Hà Nam mà là “Trung nguyên” – nên là trung tâm của Trung Quốc. Huyện Tung nằm ngay giữa Hà Nam. Nhà của ông ở trung tâm của huyện Tung. Từ đó ông phát hiện ra: Vì trái đất hình tròn nên trung tâm của trái đất chính là ở ngay điểm mà ta đang ở. Và cái cửa nhà ông là trung tâm của thôn trang, cái cây nhà ông là trung tâm của thế giới. Ông xem đó là một bí mật và giữ bí mật đó. Ông phấn khởi và cũng lo sợ trăn trở: Khi Thượng đế cho chúng ta ở trung tâm của thế giới thì cũng bắt ta gánh vác một nhiệm vụ lớn lao. Ông đặt câu hỏi: Không biết ông có nhiệm vụ gì và có gánh vác được không?
Khi Diêm Liên Khoa 15, 16 tuổi và bắt đầu viết văn, ông nghĩ rằng điều Thượng đế muốn mình làm chính là viết văn. Nếu ông có thể viết về thôn trang của ông thì có thể viết về thế giới. Diêm Liên Khoa quan sát cuộc sống ở thôn trang của ông. Khi ông hiểu điều Thượng đế muốn ông làm thì ông hiểu mối quan hệ của ông với thôn trang. Ông nói: “Khi tôi hiểu ra được ý định của Thượng đế thì tôi quyết định dành cả đời viết về thôn trang”. Thôn trang của ông mỗi khi xảy ra chuyện gì đều là sự kiện trọng đại của thế giới. Bất kỳ sự việc lớn lao nào của thế giới đều có trong thôn trang của ông. Mỗi khi có chuyện gì lớn trên thế giới thì đều có đối ảnh trong thôn của ông. Nó có những điều giống mọi thôn trang trên thế giới này, nhưng nhất định phải có điểm khác.
Sự lương thiện, tình yêu thương là điều khiến người thôn của ông giống với con người ở bất cứ đâu. Thời cách mạng văn hóa, có 2 điều: đói khát và cách mạng. Lúc còn đói khổ, ông đi lòng vòng khắp thôn. Người trong thôn dù đói cũng vẫn cho đồ ăn với những người lang thang. Có một cô gái ở nơi khác, nghèo đói, lang thang và thiểu năng trí tuệ đến xin ăn rồi tìm chỗ ở lại. Cô tìm được một chỗ ở trong đồng lúa mạch. Mỗi bữa cô đều đi xin ăn và người làng tuy nghèo khó vẫn cho cô, thậm chí đến mùa đông còn mang cho cô chăn và đồ ấm. Sau đó mọi người phát hiện ra cô đã có thai. Nhiều người trong thôn đã tức giận cầm gậy đi khắp thôn mắng kẻ đã làm cô ấy có thai, nhưng không biết là ai. Bụng cô cứ to lên. Mọi người mang gạo và màn thầu cho cô, còn tìm người đỡ đẻ cho cô. Cô đã sinh một bé gái. Người trong thôn đã giúp đỡ nuôi bé đến hai tuổi thì cô mang con bỏ đi mất. Mọi người trong thôn đều buồn vì đã xem cô là người nhà. Cô vẫn ở mãi trong ký ức của Diêm Liên Khoa. Lớn lên, Diêm Liên Khoa hiểu rằng ở độ tuổi đó, cô cần tình yêu. Tại sao lại không tìm cho cô một người đàn ông để cô ở lại thôn trang? Nhưng đó vẫn là một ký ức đẹp của thôn. Sau này, sự lương thiện, tình yêu ngày càng mất đi, mọi người ngày càng tham lam tiền bạc.
Diêm Liên Khoa có một người em họ, một hôm cậu ta nói đã mua được một chiếc xe tải kiếm sống. Nhưng trong ngày đầu tiên lái chiếc xe ấy, cậu đã đâm phải một phụ nữ đi xe đạp chở em bé ba tuổi. Đứa bé rơi xuống và chết tại chỗ. Em họ ông không nói về nỗi đau đớn khi làm chết một đứa trẻ. Cậu chỉ nghĩ đến số tiền bồi thường. Cậu nói bình thường người ta chỉ đền năm ngàn đến sáu ngàn tệ, nhưng trong vụ này người nhà đòi tới ba vạn tệ. Cậu thậm chí không có một chút đau lòng nào về việc làm cho em bé chết đi, mà chỉ đau lòng vì việc mất đi ba vạn tệ. Đó là chuyện em họ của ông, nhưng cũng là chuyện của mọi người trong thôn.
Khi Diêm Liên Khoa đến Việt Nam, ông thấy tươi đẹp vì nhiều cây xanh. Thôn trang của ông dù là nông thôn cũng không còn cây. Vì tiền, người ta đốn hạ hết cây xanh. Nhiều người đi chặt cây, thậm chí còn chặt ngay cả những cây trồng bên mộ nữa. Để khắc phục điều đó, chính phủ phải cho trồng cây dương là một loại cây biến đổi gien nên chỉ trong vòng hai năm là đã cao lớn rồi.
Đó là hai chuyện tiêu biểu, còn nhiều chuyện nói ra rất đáng sợ.
Thôn trang của ông bây giờ đã giàu lên, nhưng mọi người đều nghèo đi về mặt tinh thần. Thôn trang của ông ở trung tâm thế giới, nên nếu mọi người hiểu ra những chuyện ở thôn trang của ông, mọi người sẽ hiểu những điều ở Trung Quốc, ở thế giới. Có lẽ mỗi chuyện trong thôn đều là những tiểu thuyết vĩ đại. Có người nghèo đến nỗi không mua nổi một cái bánh chẻo, nhưng lại có những phú ông. Có người có thể mua cả máy bay. Thôn của ông có người mua được tới 2 chiếc máy bay- loại máy bay nhỏ mà mọi người gọi là con ong – để làm du lịch, với ý định là những người trong làng nếu muốn đi máy bay thì phải trả tiền. Nhưng khi máy bay đến thôn thì phải lắp ráp lại và một cái cánh đã rơi xuống.
Về chuyện Cách mạng thì càng có nhiều điều đáng nói. Khi thôn trang của ông cho bầu cử trưởng thôn, 2 người đều cạnh tranh chức thôn trưởng. 2 người đều hứa hẹn, thậm chí có 1 người đi đến từng nhà để phát tiền. Có người còn bao luôn cả 2 quán ăn để mọi người có thể đến ăn thoải mái. Do Trung Quốc tìm cách thể hiện sự dân chủ nên không chỉ chọn trưởng thôn mà còn bầu cả bí thư Đảng ủy. Diêm Liên Khoa có một ông anh là Đảng viên. Ông anh kể rằng: “Khổ nhất là mỗi mùa bầu bí thư. Mọi người muốn tranh cử đều đến nhà ông ấy cho thuốc lá và rượu. Thật chỉ muốn trốn đi cho rồi!”
Cách mạng là điều kỳ diệu nhưng phức tạp và nhạy cảm nên Diêm Liên Khoa cho rằng chúng ta không nên nói nhiều. Nhưng những người trong thôn của ông đều có quan tâm và hay hỏi: “Bao giờ giải phóng Đài Loan?”, “Bao giờ đánh được Mỹ?” Ông bảo với họ rằng: “Đài Loan rất dễ giải phóng. Nhưng nếu sau đó bao nhiêu người Trung Quốc đến Đài Loan thì người ở đó sẽ không còn đất để sống. Đánh nhau rất dễ nhưng sẽ tốn nhiều mạng người. Người Đài Loan cũng là đồng bào. Vì vậy, bây giờ chưa nên đánh. Về đánh Mỹ, chúng ta đánh rất dễ. Thả cho họ vài quả bom nguyên tử. Nhưng rồi họ cũng sẽ ném lại cho chúng ta vài quả. Hai bên đều bại trong cuộc chiến này, do vậy tốt hơn hết là không nên có chiến tranh, không nên đánh ai cả. Chủ nghĩa yêu nước không bao giờ có thể bằng chủ nghĩa hòa bình”. Mỗi khi có tranh cãi ở Điếu Ngư, người trong thôn lại bảo sao không ném cho Nhật vài quả bom nguyên tử! Vậy thì mỗi người trong thôn đều quan tâm đến chính trị. Họ là người Trung Quốc. Mỗi người trong thôn đều thể hiện đúng hình ảnh con người Trung Quốc.
Về văn học, có thể tìm thấy các nhân vật trong các tác phẩm văn chương ngay trong những người ở thôn trang của của ông. Những người trong sử thi Homere, những người trong Luyện ngục của Dante, những điều như Kafka viết: dị hóa, biến hình… trong thôn trang của ông đều có. Người trong thôn không cần đọc sách, vì những chuyện đó trong thôn đều có. Họ không cần đọc Lỗ Tấn vì đã có quá nhiều AQ, quá nhiều thím Tường Lâm trong thôn rồi. Những điều chúng ta thích thì họ không thích, và những điều họ thích thì chúng ta không thích. Họ tất nhiên không bao giờ đọc sách của Diêm Liên Khoa vì những điều ông viết là những điều đã có ở trong thôn rồi… Khi các em là sinh viên đại học ở thôn trang của ông kể về những tác phẩm của ông, họ nói là ông này viết còn không hay bằng những chuyện thật ở trong thôn. Họ quan tâm đến những cuốn sách kể về những cái gì không có trong thôn trang, đó là chuyện cung đấu, tài tử giai nhân…
Thôn trang của Diêm Liên Khoa là một kho báu lớn để khai thác văn học. Từ thôn trang của ông, ông hiểu thế giới diễn biến như thế nào, con người như thế nào. Nỗ lực của cả đời ông là viết về thôn trang của mình. Ở Trung Quốc đi làm nhà văn không bằng đi làm chính trị: làm cục trưởng, tỉnh trưởng thì đem lại được nhiều điều cho thôn. Ông thì không đem được gì cho thôn trang của ông. Người ở thôn trang cũng không đọc tác phẩm của ông. Tuy nhiên, người trong thôn trang cũng có đọc các tác phẩm nổi tiếng. Thôn trang của ông có 1 ông giáo sư về hưu đọc đi đọc lại “Hồng Lâu mộng” đến mức trầm cảm. Họ đọc “Anna Karenina” và “Thằng gù nhà thờ Đức Bà Paris”. Cuối cùng họ hỏi ông là người nước ngoài sống như thế này sao? Cách lý giải của họ khác chúng ta vì họ nghĩ rằng đó là chuyện đang xảy ra ở nước ngoài.
Về tôn giáo, Trung Quốc là 1 đất nước vô thần. Nhà văn Dostoyevsky trong cuốn “Anh em nhà Karamazop” miêu tả tôn giáo sinh động, chẳng hạn như chuyện phán quyết Giêsu. Nhưng thôn trang của ông có người tin đạo Cơ Đốc. Đó là 1 bà lão lớn tuổi, mù chữ. Thôn trang của ông từ lâu đã không còn nhà thờ. Tuy nhiên Thánh kinh thì vẫn có. Nhưng không thể hiểu nổi một bà lão mù chữ không thể đọc Thánh kinh lại kính tín đến như vậy. Bà không có thánh giá. Mỗi ngày bà lấy 2 cái đũa cột thành 1 cây thánh giá. Mỗi sáng bà đứng trước thánh giá cầu nguyện rồi mới đi ra khỏi nhà, mỗi tối lạy thánh giá rồi mới đi ngủ. Bà sống lương thiện. Bà không có chồng con nhưng luôn giúp đỡ mọi người. Vậy nên Diêm Liên Khoa tin rằng sức mạnh tôn giáo vẫn có ở thôn trang của ông.
Vậy thì thôn trang của ông không thiếu thứ gì: chính trị, văn học, tôn giáo.
Ông ở trong quân đội 26 năm, giữ chức đại tá. Khi ông rời quân đội, thành nhà văn, anh của ông hỏi: “Sao không đi làm nhà báo đi? Bất cứ nhà báo nào đến thôn thì đều được thôn trưởng mời ăn cơm, vậy thì làm nhà báo có địa vị, rồi cũng có thể đến Bắc Kinh làm cục trưởng gì đó. Sao không làm việc gì có ích cho thôn? Làm nhà văn thì có ích gì?”. Diêm Liên Khoa nói: “Thôn tôi không ai coi tôi là người vĩ đại cả”.
Rút cuộc Diêm Liêm Khoa và thôn trang của ông có mối quan hệ gì?
Thôn trang của ông là trung tâm thế giới. Thượng đế khiến ông trở thành nhà văn thì Người muốn ông phải làm gì? Ông suy nghĩ mãi về điều đó suốt mấy chục năm. Rút cuộc ông hiểu Thượng đế khiến ông trở thành nhà văn là để nói với mọi người rằng: “Thôn trang của ông là trung tâm thế giới”. Diêm Liên Khoa nghĩ rằng với tư cách nhà văn, ông không tài năng hơn nhà văn nào khác. Ông là một nhà văn may mắn vì đã được sinh ra ở thôn trang của ông.
Trong phần trao đổi với những người tham dự, nhà văn thể hiện mối quan tâm rất sâu sắc đến văn học Việt Nam. Nhà văn nhắc đến tác phẩm “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh và cho biết ông nghĩ người Trung Quốc viết về chiến tranh không có ai viết sâu sắc như vậy. Ông đã từng viết lời tựa cho cuốn “Nỗi buồn chiến tranh” khi được dịch ra tiếng Trung. Nhưng thời đó, sách của nhà văn Diêm Liên Khoa thuộc dạng nhạy cảm nên nhà xuất bản đã tránh tên ông, bỏ phần lời tựa này.
Trả lời câu hỏi của GS.TS Huỳnh Như Phương về ánh sáng và bóng tối trong tiểu thuyết của mình, nhà văn cho biết ông không chỉ viết về bóng tối, mà viết về ánh sáng le lói trong bóng tối ấy. Trong “Đinh Trang Mộng”, có quá nhiều tội ác, nhưng trong đó ông già họ Đinh là ánh sáng yêu thương
Trả lời câu hỏi của Hà Thanh Vân về tựa sách mà ông muốn giới thiệu tại Việt Nam, nhà văn tâm sự: “Tôi đã có 6 cuốn được xuất bản ở Việt Nam, nhà xuất bản nói chuyện mua bản quyền thêm 5 cuốn nữa. Tôi nói rằng 5 cuốn hay 50 cuốn tiểu thuyết không quan trọng. Tôi chỉ mong muốn có thể giới thiệu cuốn sách Lý luận văn học “Phát hiện tiểu thuyết” của mình ở Việt Nam.”
Về tác phẩm tiếp theo mà nhà văn sẽ xuất bản, nhà văn Diêm Liên Khoa cho biết: Ở Trung Quốc ngày nay, người ta không có đời sống tôn giáo. Không thể viết về tôn giáo, nhưng nhà văn luôn suy tư: “Hoài nghi tôn giáo đã khiến chúng ta trăn trở như thế nào trong cuộc sống?”. Đó là đề tài cho cuốn sách mà ông đang viết. Sách của ông ở Trung Quốc thuộc loại nhạy cảm, nhiều cuốn sách không được in hay bị kiểm duyệt. Cuốn “Đinh Trang Mộng” xuất bản ở Trung Quốc là bản đã bị kiểm duyệt. Nhưng khi dịch và in ở Việt Nam là bản đầy đủ. Và ông viết “Đinh Trang Mộng” trước khi tư tưởng “Trung Hoa mộng” ra đời từ rất lâu, cho nên ông không bị ảnh hưởng bởi tư tưởng “Trung Hoa mộng”.
Cuốn tản văn của ông viết về thế hệ của những người cùng thời với ông nhan đề “Tôi và cha chú” là sách bán chạy nhất của ông ở Trung Quốc, với số lượng hàng triệu cuốn. Tất nhiên Trung Quốc là một quốc gia đông dân và con số này cũng chưa nói lên được điều gì cả.
Ông mừng vì mỗi nhà văn Châu Á đạt giải Nobel, dù là Cao Hành Kiện hay Mạc Ngôn. Với ông, nhà văn châu Á có thể đạt những giải thưởng văn học nào đó, cũng làm cho ông tự hào, vì ông cũng là nhà văn châu Á. Ông đã hai lần vào chung kết 2 giải thưởng văn học, nhưng đều thua về tay một nhà văn Việt Nam và một nhà văn Hàn Quốc. Ông đều cảm thấy vui mừng thay cho họ.
Ông là người may mắn vì bây giờ ông có thể không quan tâm đến việc xuất bản sách của mình nữa, do ông vừa viết văn, vừa làm giáo sư ở hai đại học ở Bắc Kinh và Hồng Kông. Con cái của ông cũng đã trưởng thành. Ông không còn gánh nặng kinh tế nào. Do vậy, ông có thể muốn viết gì thì viết, không quan tâm đến việc được in hay không. Nhưng ông khuyên các bạn trẻ đừng nên học theo ông. Các bạn trẻ hãy lo cho cuộc sống của mình ổn định đã rồi hãy cầm bút viết. Như vậy sẽ tốt hơn.
Kết thúc buổi nói chuyện, Diêm Liên Khoa phát biểu một câu tổng kết lại quan niệm về cách viết văn của ông. Ông cho rằng dù cho Trung Quốc kiểm duyệt tác phẩm của ông, song điều đó không quan trọng. Ông mới chính là người kiểm duyệt tác phẩm của mình.
HÀ THANH VÂN
Tiến sĩ Hà Thanh Vân , quê Thái Bình. Giảng viên tại Đại học Thủ Dầu Một . Cô nghiên cừu đề tài Một số vấn đề về tư tưởng, tôn giáo, tín ngưỡng Sài Gòn. Các tác phẩm đã xuất bản
- So sánh loại tiểu thuyết “tài tử giai nhân” ở một số nước phương Đông thời kỳ trung đại. NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2010
- Văn học trẻ TPHCM 1975 – 2000. Tập 1. NXB Văn hóa Văn nghệ TPHCM, 2011.
- Đàn bà thì phù phiếm. Tản văn. NXB Phụ nữ, 2017. (Tác phẩm sáng tác). Riêng các bài viết in chung thì không kể hết.