VIẾNG CHÙA PHƯỚC HẬU
Ngày đăng: 14/10/2021 11:36:43 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)
Hôm nay vào dịp nghĩ lễ, chúng tôi tổ chức một cuộc “du lịch vườn” đến chùa Phước Hậu, toạ lạc tại ấp Đông Hậu, xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, dù tôi không phải tín đồ của Phật giáo, hay con chiên của Thiên Chúa, nhưng có máu hay sưu tầm, khám phá; Bất cứ tôn giáo nào dù Cao Đài Tây Ninh hay Tiên thiên, Phật giáo tiểu thừa hay đại thừa, Thiên Chúa hay Tin Lành trong giáo lý đều có cái chung là luôn khắc chế phần “con” và hoàn chỉnh phần “người” ở trong mỗi người chúng ta. Bên cạnh là phần kiến trúc – nghệ thuật – không gian yên tĩnh, mỗi tôn giáo có nét kiến trúc – nghệ thuật – không gian yên tĩnh đặc thù khác nhau, đó là điều đam mê khám phá của tôi và các bạn đi cùng.
Dọc tuyến sông Hậu dài hàng trăm cây số, chảy qua các Tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh rồi đổ ra biển Đông. Cũng như bao nơi khác, quá trình hình thành các Chùa chiềng ở vùng Miền Tây Nam Bộ thường xuất phát bên cạnh các dòng sông gắn liền với quá trình người dân Đàng Trong đi mở cõi Phương Nam, đồng nghĩa với quá trình lao động, khai phá gian khổ của các bậc tiền hiền đầu tiên đến nơi đây, với bản chất dũng cảm, giỏi võ nghệ, và cần cù lao động, đứng trước một vùng đất phì nhiêu, hoang sơ, rậm rạp, các loài thú dữ luôn rình mò, đe doạ đến tính mạng từng giờ, từng phút, nhưng không bao giờ bị khuất phục, hình tượng đó đã thể hiện trong những truyền thuyết dân gian kể lại ca ngợi những tấm gương dũng cảm của các bậc tiền hiền, để các thế hệ đời sau noi theo đến đây khai phá, lập nghiệp cho đến ngày hôm nay.
Theo lời kể của thầy Thượng toạ Thích Phước Cẩn (sinh năm 1951), quá trình hình thành Chùa Phước Hậu cũng thế:
Khoảng 1698 – 1868, có hai nhà sư vùng Thuận Quảng, võ nghệ siêu quần, vào cất chòi ở một thời gian ngắn.
Khoảng 1868 – 1885, một nhà sư dừng lại đây cất chòi ở khoảng 10 năm, người dân gọi là ông Đạo Sắn.
Những bậc tiền hiền này đã tạo thành chỗ dựa tâm linh cho những cư dân đến đây khai phá, lập nghiệp để tạo thành Xóm, thành Hương, thành làng.
Năm 1894, ông Hương cả làng Đông Hậu là Lê Ngọc Đán ( hỗn danh là ông cả Gồng) cất một mái chùa gia đình trong khuôn viên đất của mình cho vợ cả tu hành. Nền chùa chính là nền của cái am mà ông Đạo Sắn để lại.
Khoảng năm 1910, con gái thứ Tám của ông bà Hương cả là Lê Thị Huỳnh sửa sang ngôi chùa và chùa trở thành chùa làng Đông Hậu. Khoảng này, Hoà thượng Hoằng Chỉnh, quê Quảng Ngãi vào ở.
Năm 1940, Hoà thượng Hoằng Chỉnh mất. Bà chủ chùa là Lê Thị Huỳnh nhờ người mời Hoà thượng Khánh Anh về ở.
Hoà Thượng Khánh Anh chính thức về ở chùa Phước Hậu vào tháng 10 năm 1941 (Tân Tỵ) và biến Phước Hậu trở thành một Tổ đình hưng thịnh.
Chùa đã được công nhận di tích cấp quốc gia.
Phước: có nhiều cách giải thích; Chữ phước vốn là chữ phúc (người Bắc Bộ gọi) do kiêng húy vua chúa nhà Nguyễn, người Nam Bộ đọc trại phúc thành phước. Chữ phước vốn bắt nguồn từ Hán tự, được người Việt tiếp thu trong quá trình giao lưu văn hóa với người Hán. Phước được người Việt hiểu là những gì tốt đẹp, lý tưởng, huy hoàng, mỹ mãn nhất mà mỗi người đều mong muốn có được trong cuộc sống.”
Hậu là gì?: Ngôi chùa được hình thành trên nền tảng của cái “Phước” mà các bậc tiền hiền để lại, như vậy bản thân đã có cái hậu của các bậc tiền nhân, bên cạnh ngôi chùa nằm trên địa bàn ấp Đông Hậu, sát bên là dòng sông Hậu… Danh xưng chùa “Phước Hậu” thật có ý nghĩa rất sâu lắng.
Thầy Thượng toạ Thích Phước Cẩn tính tình vui vẻ, rất hiếu khách dẫn chúng tôi tham quan một vòng quanh chùa.
Khung viên chùa rộng trên 01 ha, hai bên tả – hửu là 2 con mương chảy ra sông Hậu; Mặt hậu tiếp giáp lộ, nơi giao nhau giữa Quốc lộ 54 và đường Tỉnh 507; đối diện với cổng chùa (bên kia lộ) là ngôi trường tiểu học của xã. Không phải ngẫu nhiên ngay trước hành lang cổng chùa trước mặt chúng tôi là những câu mang tính giáo dục thế hệ trẻ như: “Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy”, “trí tuệ – sức khoẻ”, “tôn sư trọng đạo”,… được khắc trên bia đá, tiếp đó là những khung viên bộ phận bào chế, cung cấp thuốc Nam cho người dân, khung viên cung cấp nước sạch… những hình tượng mẹ và con bằng đá, cảnh người bào chế thuốc khắc trên đá với tiêu đề: “cây thuốc cứu người”,…. Học sinh tan học bước khỏi cổng trường đã bắt gặp ngay những câu giáo huấn trên bia đá đến cả thuộc nằm lòng. Du khách trước khi bước vào cổng chùa đã tận mắt chứng kiến những hoạt động phước thiện,… Cũng như xưa kia cũng từ cái Phước mà chùa được hình thành và tồn tại phát triển cho đến ngày hôm nay. Ôi mặt “hậu” là như thế đấy, không cần lý luận chỉ nhìn là cảm nhận ngay.
Mặt tiền chùa tiếp giáp dòng sông Hậu hiền hoà chan chứa phù sa, có thể vì vậy mà người ta đã đặt tên cho khu dân cư ấp Đông Hậu, mặc dù nằm bên phần xói lở nhưng chùa đã xây dựng bờ kè kiên cố, rắn chắc và hình thành trên đó một hoa viên, mỗi loài hoa ở đây có thể là vị thuốc dùng để chữa bệnh, hoặc thể hiện tính thanh thoát, thanh cao như hoa nhái; Hoặc trong sạch như hoa sen “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, xen lẫn màu xanh của lá và sắc của hoa là những hình tượng bằng đá gợi nhớ công ơn đấng sinh thành. Vườn hoa ở đây không khoe sắc, nhưng đã thể hiện tấm lòng ân nghĩa của hậu nhân; Hai bên tả hữu có 2 cầu đúc nhỏ hình cầu vồng là lối đi vào cổng chính của chùa. Gió mát từ sông Hậu gợn vào làm cho khách hành hương lâng lâng quên đi bao mệt nhọc, những phiền muộn bổng chốc vơi đi, lòng trở nên thanh thản. Cái tiên, cái tiền là phải vậy, không cần tô son trét phấn, khách hành hương chỉ thấy “cảm” là tự thân “tìm”.
Lối đi vào cổng chùa (tôi đang đi từ phía cổng hậu – lý do đi xe bằng đường bộ thuận tiện miêu tả luôn) là con đường bê tông dẫn thẳng đến mé sông (cổng chánh), bên hửu của tôi là chánh điện dùng làm nơi thờ tự, nơi đón khách hành hương, dọc lối đi được đặt 9 cái đỉnh với khoảng cách đều nhau, một con số rất quen thuộc ở đồng bằng sông Cửu long, bên tả của tôi là quả tim Phước Hậu mang nhịp đập sung mãn, dẫn dòng nhiệt huyết nuôi nấng một công trình đang được thi công: “Vườn kinh đá” bao gồm 8 lá đa xếp theo hình bát giác (tôi chưa tiện hỏi mang ý nghĩa gì). Vĩnh Long không có núi, đá phải vận chuyển từ nơi xa đến hàng trăm Kí lô mét, với những kích cỡ khác nhau. Kinh ở đây không tính bằng trang, mà tính bằng phiến đá, mỗi phiến nặng đến 300Kg, bề mặt được khắc những câu thơ, câu đối, một đoạn văn ngắn ngủi dễ nhớ mà xúc tích, bao hàm những ý nghĩa giáo dục chúng sanh theo triết lý nhà Phật: “Đạo Phật là con đường đi đến quả Phật giác chơn” hay “Đạo Phật, là sự thực hành để thành Phật”. Cạnh đấy là những hàng cây sao lâu năm thẳng vút lên không, hiện thân của những bậc tiền hiền cao thượng không quản công mình đóng góp xây dựng chùa như hôm nay, đang hãnh diện ngẫng cao đầu cầu nguyện, che bóng mát cho hậu nhân được an lành. Đây là công trình của một quả tim bất tử, mang lối kiến trúc đặc trưng, hài hoà với không gian xanh của chùa, ẩn chứa những đức tính nhân văn: trong phước có đức, bên tiền có hậu, cạnh nhân có quả, cận hỉ có xả,…
Ngồi trên ghế đá, lặng người ngắm cảnh tôi chợt nhớ đến có lần được vào Tiểu chủng viện Vĩnh Long thăm các cha đang dưỡng lão, khi đi ngang thánh đường tiếng vọng bước chân nghe rõ mồn một, viên sỏi nhỏ rơi xuống cũng phát lên tiếng vang thật tĩnh lặng; Bất chợt một người khách ngồi kế bên nói khẻ với tôi:” nơi đây làm khu du lịch tâm linh hay biết mấy”. Tôi mỉm cười nghĩ bụng: “ Ông có ý tưởng rất hay, nơi đây có lợi thế thuỷ – bộ song hành, không gian mát mẻ, thanh tịnh để khách hành hương đển trút bỏ những sân, si, nộ, phiền do tác động bên ngoài, chỉ còn đợi công trình kiến trúc – nghệ thuật mang cả trái tim và trí tuệ của thầy Thích Phước Cẩn hoàn thành, phối hợp với không gian hiện có tạo nên một thể thống nhất thì đúng như ông đã ước.
Bùi Văn Hai
H1H2H3