NGHE THẤY TIẾNG NGƯỜI TRONG VĂN

Ngày đăng: 25/10/2021 09:51:47 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Đó là tiếng của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh về cuộc đời văn chương của mình từ đọc văn, học văn, dạy văn, viết văn cho đến đàm luận về văn chương trong cuốn sách cuối cùng của ông: Tiếng Người Trong Văn, Nhà xuất bản Phụ Nữ ấn hành, 2021. Trong 18 mảnh hồi ức văn chương, Nguyễn Xuân Khánh không ôn nghèo kể khổ, chỉ đơn giản là nhắc lại niềm đam mê như cái nghiệp mà ông theo đuổi từ khi còn là cậu bé ngây thơ cho đến khi trở thành một nhà văn dạn dày mưa chan nắng cháy của cuộc đời.

Mê đọc sách từ năm lớp ba, Nguyễn Xuân Khánh ngốn ngấu tất cả các thể loại truyện từ ta đến Tây, Tàu. Lớn lên, Nguyễn Xuân Khánh đọc sách tiếng Pháp của Daudet, G.Sand, Dostoyevsky, C.Dickens. Ông gọi họ là “những nhà văn nghiêm túc của thế giới”. Nhờ họ, ông “vỡ ra thế nào là văn học Tây phương và thế nào là thứ văn học nghiêm túc nhân đạo chủ nghĩa”. Mười sáu tuổi, Nguyễn Xuân Khánh đã chui vào chăn khóc lên rưng rức khi đọc đoạn văn Raskolnikov quỳ dưới chân Sonya và nói: “Không phải anh quỳ dưới chân em, mà là anh quỳ trước nỗi đau của nhân loại.” Từ bữa ấy, Nguyễn Xuân Khánh tự nhủ: “Mình sẽ là nhà văn và là nhà tiểu thuyết”.

Quan niệm về văn chương của Nguyễn Xuân Khánh cũng không có gì cao siêu, đại ngôn hay cao đàm khoát luận. Đó là những suy ngẫm từ trải nghiệm văn chương của chính mình. Rồi từ đó, chậm rãi và điềm đạm như vốn thế, ông tâm sự với người đọc về bản chất của văn chương.

Đọc “Lá thư rơi” của Tô Hoài, Nguyễn Xuân Khánh tìm thấy bài học vỡ lòng về văn học: “Văn học muốn thành công thì phải động chạm được vào tình cảm con người”. Đến khi viết được cuốn tiểu thuyết đầu tay vừa ngô nghê vừa đáng yêu có tên “Rạng đông”, ông hiểu rằng “viết tiểu thuyết khó nhất là tạo ra được không khí”. Xem vở tuồng “Nguyệt Cô hoá cáo” có sức lay động đến tận đáy thẳm tâm hồn con người, ông nhận ra “người nghệ sĩ, người sáng tạo chính là con người đam mê”; “đam mê là suối nguồn của sáng tạo”. Chiêm nghiệm về hành trình cầm bút của mình, Nguyễn Xuân Khánh bộc bạch: hiện thực “đi ngàn dặm” (đi thực tế) là “hiện thực bên ngoài”, hiện thực đi thực tế vào bên trong bản thân mình là “hiện thực bên trong”, “sự nội quan ấy rất quan trọng”, vì nó là khát khao ẩn ngầm bên trong bản thân ta và ngoài xã hội. “Người nghệ sĩ, nếu đúng là một nghệ sĩ, phải nói lên được những điều ẩn ngầm ấy mà vô thức xã hội đã mách bảo cho ta”. “Chỉ những ký ức vô thức mới là điều mà người nghệ sĩ phải cần dùng làm nguyên liệu cho tác phẩm của mình”…

Qua hồi ức của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, ta còn nghe thấy tiếng nói của các nhà văn khác đã từng chịu những “vết cắt” số phận như Trần Dần, Phạm Toàn, Nguyễn Dậu, Vũ Bằng, Dương Tường,… Tiếng nói của những người từng gánh chịu hoạn nạn văn chương vẫn ngang tàng, hồn nhiên, sâu sắc, thiết tha và luôn khao khát được gửi trao với nhân thế chữ nghĩa của mình.

Đã trải qua mọi vinh quang lẫn cay đắng của cuộc đời cầm bút, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh chân thành và thẳng thắn tâm sự như lời ký thác về nghề văn nghiệp chữ đối với bạn đọc và đồng nghiệp. Giản dị mà minh triết, cá biệt mà phổ quát, Tiếng Người Trong Văn, còn giúp người đọc nhìn nhận “khuôn mặt thực” của cộng đồng, của dân tộc mình trong một giai đoạn lịch sử tưởng chừng như bình lặng nhưng lại cuộn xoáy nhiều cơn sóng ngầm làm khốn đốn bao người.

  1. Tiếng người trong văn còn được thể hiện ở cuốn sách thứ hai, cũng do Nhà xuất bản Phụ nữ đồng thời ấn hành: NGUYỄN XUÂN KHÁNH MỘT NỤ CƯỜI MỈM MỘT NGHIỆP VĂN XUÔI. Ở cuốn sách này, người đọc không chỉ nghe thấy tiếng, mà còn nhìn rõ chân dung Nguyễn Xuân Khánh được khắc hoạ bởi các nhà văn, nhà nghiên cứu có uy tín. “Đường đời và đường văn – Tác phẩm và dư luận – Tư tưởng và phong cách” của Nguyễn Xuân Khánh qua 41 tiểu luận đã làm nổi bật chân dung và những đặc sắc văn chương của ông.

Đây là cuốn sách mà nhóm chủ biên và Nhà xuất bản Phụ nữ thực hiện để tri ân những đóng góp của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh cho văn học, cho đời sống tinh thần và văn hoá Việt Nam. Cuốn sách đầy sức nặng của tình cảm và sự tôn nghiêm của hồi ức, khoa học và nghệ thuật này đã chính thức khắc tạc nên tượng đài Nguyễn Xuân Khánh.

  1. Nhà văn Nguyễn Bình Phương từng nói: “Khi nhà văn nằm xuống, đồi núi của anh ta mới trồi lên”. Quả đúng như vậy. Nhưng thực ra, lúc còn tại thế, dẫu trải qua bao dâu bể, đồi núi của Nguyễn Xuân Khánh cũng đã trồi lên. Với sự đón nhận nồng nhiệt của độc giả, sự ghi nhận của nhà nước, ông đã qua cơn bĩ cực từ lâu và có một kết thúc có hậu cho những gian nan trong sự nghiệp văn chương của mình. Tuy vậy, việc ấn hành hai tác phẩm Tiếng Người Trong Văn, – Cuốn Sách Cuối Cùng và NGUYỄN XUÂN KHÁNH MỘT NỤ CƯỜI MỈM MỘT NGHIỆP VĂN XUÔI – Cuốn Sách Tri Ân khi nhà văn vừa nằm xuống là một khẳng định và ghi tạc sự vững chãi của đồi núi Nguyễn Xuân Khánh trong nền văn chương Việt. Từ sách, bạn đọc có thể nghe được tiếng người trong văn, nhìn thấy một nụ cười mỉm an nhiên và độ lượng, thưởng thức một nghiệp văn xuôi đồ sộ của cây bút luôn “muốn thấm đẫm mình trong nền văn hoá dân tộc”.

Cảm ơn sự ghi nhận kịp thời về đồi núi văn chương Nguyễn Xuân Khánh của Nhà xuất bản Phụ nữ và giám đốc Khúc Thị Hoa Phượng!

Hôm ra mắt hai cuốn sách với hình thức online nhân dịp 100 ngày mất của nhà văn, tôi thực sự xúc động bởi tình cảm, sự công bằng mà Nhà xuất bản và các vị khách mời dành cho ông.

Sách là văn hoá, văn hoá ấy không chỉ là hàm lượng chữ nghĩa trong tác phẩm, mà còn là cách ứng xử của người làm sách với nhà văn.

NGUYỄN THỊ TINH THY

Nguyễn Thị Tịnh Thy

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác