CƠM NGUỘI NẤU THÀNH CHÁO

Ngày đăng: 18/10/2021 09:10:10 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Nào giờ tui chỉ nghe ông bà mình nói ” Gạo nấu thành cơm ” khi phê phán mối quan hệ nam nữ nào đó đã vượt qua rào .Mãi về sau khi tui ba mấy tuổi , tui mới biết chuyện đời đem cơm nguội nấu thành cháo loãng cho con bệnh ăn là có thiệt . Mà cái cơm cháo nầy lại chẳng dính líu liên quan gì với ngữ nghĩa vì ngữ cảnh hai bên khác nhau xa lắc xa lơ .Chuyện cơm cháo của tui từ mối quan hệ với em Võ Thị Nhung , một đứa em gái bất hạnh đầy chướng duyên, chướng nghiệp với gia đình ruột thịt của mình đến nổi em phải bỏ nhà lên Sài Gòn tự lập nuôi thân với lời thề : Không thành đạt không về lại quê hương Sa đéc !

Coi như em với tui là bà con đầu ông trời cũng được vì họ Võ của em và họ Võ bên chồng tui chẳng có liên quan gì ráo trọi . Nhưng quê hương Đồng Tháp của em làm tui có cảm tình, vì Lai Vung, một xã bưng biền ở Đồng Tháp, nơi tui nhận công lệnh đi dạy …tiếng Anh đầu tiên khi mới ra trường Đại học . Em và tui học may cùng cửa hiệu tên Khánh Linh , cái tên dễ cảm bởi tui thích nhân vật nữ cùng tên -Tống Khánh Linh – trong lịch sử nước Tàu cận đại .

Hồi cuối thập niên 80, chút vốn ngoại ngữ của tui không thể kiếm tiền bằng lao động chân tay nên tui hạ quyết tâm tút lại cái khả năng may của mình cho có bài bản, tui mơ một tương lai giỏi nghề , mở tiệm may nổi tiếng ở Sài Gòn tầm tầm nhà may Thiết Lập bấy giờ . Tui đem …bán của hồi môn là miếng vàng trái núi để đóng học phí nhập môn cho bà chủ Khánh Linh dù cái ruột thiệt là đau .

Em Nhung cũng là một trong những học viên như tui, nhưng em khác tui ở chỗ em học nghề miễn phí . Em làm việc nhà như con ở cho bà chủ để có nơi ăn học , bà chủ đối xử với em là chủ tớ chớ không phải là thầy trò như đối xử với tui. Ngoài việc quét dọn, vệ sinh trong ngoài, hầu hạ cơm nước cho bà , em chưa bao giờ được ngồi học đàng hoàng dù em rất sáng dạ mê nghề . Biết tâm ý ham học mà không được học của em, có lần tui cố tình để tài liệu may vô cuốn tiểu thuyết đưa cho em. Bữa sau khi tui tới học , tui thấy mắt em sưng vù, bầm đen, tui hoảng hồn hỏi , em bảo ” Bà tát em do cái tội lén học tài liệu chị đưa !”

Máu Lục Vân Tiên của tui bổng sôi lên tới bảng họng, tui định dùng nhân quyền cự với bả một phen cho ra lẽ ngô khoai , nhưng em Nhung cản tui vì em vẫn còn lưu cư ở đó. Tui nuốt cục giận xuống tới ruột già và bao nhiêu tôn trọng của tui đối với bà thầy già vừa đơn thân không con cháu vừa độc ác như chằn, mất sạch . Từ đó, tui không còn xởi lỡi xã giao với bả nhưng vẫn để mắt tới em Nhung. Tui học cắt may ở nhà trước, em Nhung lui cui làm việc như người ở tận nhà sau , chỉ khi hết buổi học, em mới ra đóng cửa rồi có khi nhét vào giỏ đồ nghề của tui lá thư em viết cho tui từ tối hôm qua . Từ những lá thơ nhầu nát đó , tui biết bà đang mai mối gã chồng để em làm lẽ cho một ông già nhà giàu trong Chợ Lớn !

Mấy ngày trời tui đến học , không thấy em ra mở cửa , cửa tiệm cứ mở hờ ai đến tự vô, ai về tự đóng .Tui la cà làm bộ hỏi bâng quơ và biết em bệnh đang nằm trên gác xép .Nhân lúc bà Khánh Linh đi chợ, tui vờ đi xả nước cứu thân , lẻn lên gác tìm thăm em. Em nằm xẹp lép còn hơn bong bóng xì hơi , cả người nóng sốt phừng phừng mà tay chân thì lạnh ngắt . Em lã người như ngủ mê mê và rên ư ư trong cổ họng .Biết em cảm nặng lắm rồi , tui nhìn trên manh chiếu rách không thấy chai dầu gió, không viên thuốc cảm, không chai nước lọc, chỉ có chén cháo lợn cợn chưa nhừ , nguội ngắt để gần bên. Tui móc túi lấy chai dầu Nhị Thiên đường cạo người em thiệt mạnh cho em đổ mồ hôi, bay cảm lạnh !!! Em tỉnh lại , tui lau mình cho em, hỏi em ăn gì chưa để tui đi mua thuốc mà uống . Em bảo có cháo ăn với muối mà em ăn không nổi . Tui hỏi cháo gì , em nói bà chủ lấy cơm nguội nấu cháo cho em ăn ! Tui quậy chén cháo lạnh tanh lên dòm thì quả thật bà ta đã lấy cơm nguội mà nấu , miếng cơm cháy khét vàng còn hãy y nguyên .

Trời ơi! thứ cháo nầy tui đã biết từ hồi còn nhỏ từ bà nội, dì tư tui chỉ nấu cho heo ăn . Lần nầy, tui không thể cầm nước mắt vì cảm thương đứa con gái bụi đường đang bệnh, vì sự chướng duyên với gia đình ruột thịt mà bỏ nhà đi lập nghiệp mình ên. Tui căm giận bà chủ Khánh Linh hết sức; em nói khỏe lại em sẽ trốn đi vì bà chủ buộc em lấy chồng sau khi khỏi bệnh ! Trong đầu tui nảy ra ý tưởng phải giải cứu cho em càng sớm càng hay .

Bấy giờ, tui mới đỡ ngây thơ, tui mới tin điều ác trên đời là có thật. Buổi trưa tui đến vẫn thấy cửa tiệm khép hờ , bà chủ đã dẫn xe ra ngoài , học viên chưa ai đến nhưng cơ hội đã đến. Tui lên gác hối em trốn lẹ , em ra đi với tui với hành lý bỏ vô chưa đầy cái giỏ mây tre . Ngó trước ngó sau , thấy đủ an toàn , hai chị em lách ra cửa rồi chạy một mạch về thẳng nhà tui gần đó chưa đầy hai trăm thước . Cuộc đào thoát thành công , hai chị em về tới nhà cùng ngã lăn ra gường , mệt muốn xỉu !

Tui giấu em trong nhà hơn tháng, ngày ngày tui vẫn đi học may bình thường . Bà chủ nghi ngờ hết người nọ tới người kia, bà ‘ điều tra ‘ tui cũng dữ nhưng tui cứ chối phăng là yên chuyện !!! Một buổi chiều đứng trên gác ngó mông lung, tui thấy bà và mấy gã đàn ông mặt mày bặm trợn xăm xăm vào hẻm, đang hỏi thăm nhà tui . Tui dặn em Nhung ở trong phòng nín thở coi sao để tui ứng xử. Bà vào nhà tui , nói tới thăm cho biết. Hai bên chuyện vãn lơ là , không phát hiện được gì , bà dẫn họ ra về, tui khóa cửa quay vào, tui muốn xỉu lần hai !!!

Thời gian sau em Nhung biết anh xã tui đi công tác sắp về nhà , em cương quyết ra đi. Không thể cầm em lâu hơn nữa , tui tìm cho em chổ trọ đàng hoàng. Em kiếm việc làm sinh sống mình ên ; và sau đó nữa tui biết em tự nguyện lấy chồng chớ không bị .. ép ! Cuộc sống nghèo nàn của hai vợ chồng em tuốt ngoài xa lộ Hàng Xanh luôn làm tui áy náy mà lúc đó tui cũng nghèo muốn chết nên có giúp đỡ gì được cho em ngoài cái lần cho vợ chồng em vài tấm tôn cũ, cái tủ gãy chân và ba đồ xà bần nhà bếp em cần, chất lên chưa đầy nửa xe ba gác chở tới nhà mới dựng của em . Hai vợ chồng em sống ở đó được vài năm cho tới một ngày như là úm ba la hô biến , hai đứa mất tích mất tăm !!!

Vậy mà 20 năm sau em tìm lại tui khi vợ chồng em định cư ở Mỹ .Em đã ổn định cuộc sống bằng chính nghề may em học lóm, học chưa hề đến chốn đến nơi . Thi thoảng em gởi tiền làm quà cho bà giáo già tui như ân tình đền đáp. Em bảo hoàn cảnh gia đình em tốt đẹp hơn nhiều nhưng em không thể quên cái thời cơ nhở hàn vi, không quên lúc bệnh mềm xương mà em phải nuốt chén cháo lạnh tanh nấu từ cơm nguội từ bà chủ không có từ tâm .Em muốn bù đắp cho tui cái ân tình em mắc nợ với tui . Em vẫn biết không ai đòi nợ ân tình, bởi vì cái nợ ân tình không ai trả nổi, bởi vì đâu phải chỉ có em mắc , mà tui cũng mắc nợ tình ân ắp lẵm với người khác đây nè .

Thiệt tình, tui cũng là người mắc nợ ân tình như em , nợ tui mắc còn dữ dội hơn em nhưng tui chưa hề trả cho chủ nợ chút gì, mà chủ nợ cũng thừa biết kiếp nầy tui chỉ …..quỵt; còn em Nhung vẫn tiếp tục lúc nầy lúc khác, “trả nợ” cho tui . Hôm trước em gọi về nói sẽ ‘ truyền máu ‘ cho tui trong mùa dịch vì lo tui bị đói ! Tui bảo, chị vẫn ổn nên cương quyết không cần . Em bảo dù tui không cần nhưng em vẫn gởi, ai ngờ em gởi về tài khoản của con gái tui!!! Con gái đầy ngạc nhiên nhưng thú vị, ký ức hồi chưa đầy bốn tuổi của con lúc dì Nhung sống trong nhà chỉ mơ hồ, lãng đãng với mớ tuổi còn thơ. Tui thấy ở đời , những món nợ vần lân người nầy với người kia cứ luân hồi trong cuộc sống, cứ vay trả trả vay .Nợ tiền còn trả được chớ mắc vào cái nợ ân tình thì muốn trả nợ cho người ta rất khó , có khi điều đó mãi mãi là những giấc mơ làm tâm hồn bao kẻ tình chung cứ hoài tưởng tiếc, bâng khuâng .

(17.10.2021)

 NGUYỄN NGỌC HẠNH

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác