NHỮNG CÁNH CHIM BAY QUA VÙNG HỎA TUYẾN
Buổi sáng lạnh, hương thơm thanh khiết, dìu dịu và ngọt của đoá trà mi lấp lánh những giọt sương mai. Cảm giác như hương thơm đặc quánh, vườn cây sớm mai yên lành, tôi nghe tiếng ai hát một điệu nhạc quen, quen lắm nhưng không nhận ra bài gì. Có lẻ do tiếng hát lạ, có lẻ do lâu lắm tôi chưa nghe bài hát này. A ! “Thiên thai”, trí nhớ mở tung cánh cửa mê đắm thuở nào, tiếng hát rất lạ. Ai dám với tới “Thiên thai”. Tôi nhủ thầm rồi trở vào nhà. – Ca sĩ nào dám đụng đến Thiên thai vậy em ? – Thu Vàng, cô này em chưa nghe tên, giọng hát nam châm – chữ của anh – mà có vẻ trí tuệ nữa. – Thu Vàng, người Quảng Trị đó em. – Anh cứ thấy sang bắt quàng làm họ! Cô này người Tam Kỳ, hiện ở Quảng Ngãi. – Vậy hả ! Hồi nhỏ từ Huế về quê, mấy người bạn có nói đến Thu Vàng – Tiếng hát lừng lẫy của Trường TH Nguyễn Hoàng – Anh tưởng người Quảng Trị. Tiếng hát tràn ngập căn phòng, như lạ, như quen. Như có nam châm hút hồn tôi vào từng tiếng, từng lời. “…..Âm ba thoáng rung cánh đào rơi Nao nao bầu sương khói phủ quanh trời Lênh đênh dưới hoa chiếc thuyền nan Quê hương dần xa lấp núi ngàn Bâng khuâng chèo khua nước Ngọc Tuyền Ai hát trên bờ Đào Nguyên …..” Cứ thế, tôi miên man với dòng tâm tưởng riêng tôi, một ca sĩ chưa hề quen, nhưng tiếng hát rất gần, rất thân thiết như đã từ bao giờ.
Nghe nhạc với tôi không phải là cái thú, cái đam mê, mà âm nhạc là một phần đời sống, nó nuôi nấng, dỗ dành tuổi thơ, nó vỗ về tâm hồn tôi trong thời niên thiếu, nó đi cùng tôi trên mọi ngóc ngách đời, chiến trường, núi rừng thâm u, biển khơi hiu hắt và ngay cả khi ở trong tù, nó cân bằng nhận thức, ủi an tôi những khi tuyệt vọng, nó đem tôi về với tình yêu, nó cho tôi niềm tin vào cuộc sống. Bây giờ, nghe hát là cách xóa nhoà mọi biên cương, là trộn chung thời gian với không gian làm một. Tôi có tất cả những điều này trong tiếng hát Thu Vàng. Tiếng hát đặc trưng của một miền đất nước. Ngày xưa, ngày mà Thu Vàng mang Ngũ Hành Sơn, sông Thu Bồn nhập vào Hồng Lĩnh, Hiền Lương để tạo nên đặc tính Thu Vàng hôm nay. Dòng Thạch Hãn trong như lọc, tiếng Quảng Trị rõ như trăng rằm và nói đúng theo chữ viết. Thổ nhưỡng và tập quán chắc chắn có ảnh hưởng đến cá tính con người, nhất là trong tiếng nói. Ở Thu Vàng, đặc tính do thổ âm pha trộn thành ra chất giọng riêng, một chất giọng có tên Thu Vàng chứ không thể nói khác đi được. Tiếng hát Thu Vàng tự nhiên như bờ dậu, nương dâu. Không phải trau chuốt, uốn nắn là do tố chất Quảng Nam – Quảng Trị mà có và chỉ có một. Tố chất đó cùng với tài hoa, trong tiếng hát của Thu Vàng nghệ thuật, kỹ năng không còn là thử thách, mà chỉ là sự phô diễn lối sống, là một cách thể hiện bản thân mình, là phong cách của một ca sĩ, một phong cách trí tuệ và tiềm ẩn một khả năng thiên phú, lâu dài. Trong đam mê, Thu Vàng còn tự tin và tự biết tiếng hát mình là chân chất, trong tiếng hát mình có cái lạ, cái làn hơi nam châm biến thành tiếng hát. Khi chọn dòng nhạc tiền chiến là Thu Vàng đã tự khẳng định về mình. Tự trèo đèo, vươn lên những đỉnh núi cao chót vót Thái Thanh, Lệ Thu, Hà Thanh ….. để đến một cõi riêng, cõi Thu Vàng. Một nơi mà con đường rất dài, có loài hoa nở muộn, có cả ngày mai. Như những dòng sông bồi đắp phù sa cho quê hương, tiếng hát Thu Vàng là dòng chảy, chảy vào lòng người thưởng ngoạn một làn hơi phong phú, một tiếng hát đậm đà, thân thiết. Tiếng hát khi ra về vẫn còn vang vọng trong hồn ta như đâu đó làn điệu quê hương, có con đò dọc, cánh buồm trắng in lên nền trời xanh, giọng hò khoan nhặt từ dòng sông xưa vọng lại. Cám ơn một tiếng hát từ trái tim, một trái tim đã tinh lọc thành dòng máu đắm say, để hoà vào dòng nhạc cổ điển Việt Nam, tiếng Việt đẹp, ngôn ngữ Việt đẹp dấy lên từ tiếng hát Thu Vàng.
Ngày xưa, hình như xưa lắm, con chim từ phương Nam về đậu trên cổ thành Quảng Trị, con chim bay, con chim hót dưới mái trường Nguyễn Hoàng. Ngôi trường trơ trọi chưa có những cây xanh, lớp học 10 C , có chàng cổ lụy mơ màng tập làm thi sĩ, con chim thành nàng thơ. Xa xa đâu đó, tiếng súng vọng về, tiếng máy bay trực thăng gầm thét ùa vào lớp học. Con chim bây giờ là thiếu nữ, cô thiếu nữ đất giồng trồng khoai ‘loang’ nay là học sinh lớp 10-C. Lớp học đậm đặc tình thầy, tình bạn. Lớp học có khi điểm danh thầy chảy nước mắt. Đất khó, đất khổ, đất chiến tranh đem đứa học trò đi đâu. Cảm xúc từ tiếng hát đưa tôi vào chốn suy nghĩ mung lung. Nếu như thanh bình, nếu như không có Đại lộ Kinh hoàng, nếu như không có mùa hè đỏ lửa. Con chim hót giữa trời cao, chiến tranh kìm hãm những tài năng. Phố nhỏ vùng hỏa tuyến thành ra oan nghiệt, một chuỗi oan nghiệt thành ra định mệnh, định mệnh lấy đi tuổi xanh, lấy đi những cơ hội cho tài năng phát triển. Chiến tranh cuốn đi chiếc lá dưới trời lửa đạn, bão bùng và khổ lụy, để rồi hôm nay chiếc lá là Thu Vàng, lá vẫn bay, bay vào diễm mộng, xa lắm và cao lắm. Quảng Trị vẫn giữ lại Thu Vàng cổ lụy, vẫn còn đậm nét trong người học trò thi sĩ xưa, vẫn còn nuối giấc mơ anh đàn em hát, thay vì nhà văn thành người viết nhạc. Mà đâu chỉ riêng trường hợp ấy, Thu Vàng vẫn còn trong người Quảng Trị, trong bạn học Nguyễn Hoàng. Tiếng hát Thu Vàng tưới mát cho cây trên Ngũ Hành Sơn xanh và nước sông Trà trong. Tiếng hát thênh thang Sài Gòn, Mênh mông Hà Nội và sững sờ thành quách sông Hương. Tiếng hát vươn qua Đại dương, ấm lòng người Việt hải ngoại. Thương cho và tiếc cho một tài năng quá muộn. Rồi ra văn học sẽ mở thêm trang sách, kho tàng văn hoá sẽ ghi thêm một tài sản lớn làm vốn cho nhân gian.
ZULU DC