ĐI TRẨY NƯỚC NON CAO BẰNG.
Cao Bằng là đất vùng biên giới, là đất tiền đồn, cho nên trong thời phong kiến nhiều binh lính đã được phái lên trấn thủ vùng đất này. Cao Bằng cũng là đất dung thân trăm năm (chính xác là 85 năm), truyền được vài đời của triều đình nhà Mạc, sau khi bị nhà Lê – Trịnh đánh đuổi khỏi Thăng Long. Vậy nên ca dao xưa có câu rằng:
tác giả ở Thác Bản Giốc
Cái cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non
Nàng về nuôi cái cùng con
Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng.
Tháng 7, miền Bắc oi nồng, tôi đi lên cung đường Đông Bắc với hy vọng tiết trời mát dịu hơn. Tôi bắt đầu khởi hành từ buổi sáng. Trời vẫn nóng, vẫn oi. Những đoạn đường quanh co nắng chói chang. Tôi đi ngang qua đèo Giàng, đèo Gió. Những cung đường Đông Bắc không thể so vẻ đẹp với những cung đường Tây Bắc thăm thẳm núi rừng. Nhưng dù sao vẫn đủ sức làm du khách thích thú. Trên con đường này, mấy trăm năm về trước, từng đoàn lính thú đã dắt díu nhau trẩy lên miền biên ải và thấp thoáng hình ảnh những người thiếu phụ, người vợ gánh lương theo chồng. Những núi đá bên đường đã chứng kiến bao cảnh chia ly đứt ruột, bao cảnh chiến trận. Mấy trăm năm qua, bể dâu đã thay đổi. nhưng có lẽ cảnh vật thì vẫn như ngày nào, như ngày xưa.
Tôi dừng chân nghỉ lại lưng đèo một cách bất đắc dĩ vì xe hỏng. Cố giữ vẻ mặt tươi cười cho lái xe bớt căng thẳng. Lại là một cơ may để được hít thở khí trời, và để dừng chân ngắm một phương tiện chuyên chở cũ kỹ nhưng ngày nay vẫn còn thông dụng ở các vùng cao, đó là ngựa thồ. Thỉnh thoảng tôi lại bắt gặp một chiếc ô tô đi ngược chiều.
Gặp một sự cố nhỏ dọc đường. Chiếc xe xúc hất một đống đất to tướng ra chặn đường, chẳng rõ lý do. Chiếc xe tải đi trước bị lún bánh xuống đống đất, kênh hẳn bánh xe lên, không đi được. Tôi nghe bảo nếu dúi một ít tiền cho những người lái máy ủi, máy xúc, thì được giải cứu ngay. Tự nhiên lại nghĩ đến chuyện mãi lộ ngày xưa, chắc đây cũng có thể được xem là hình thức mãi lộ hiện đại. Xe hỏng, rồi tắc đường, vì vậy chiều tối tôi mới lên tới Cao Bằng. Thị xã nhỏ hẹp và buồn. Đường vắng, người thưa. Lang thang ngoài đường đến hơn 9 giờ tối, vài hàng quán nhỏ lèo tèo, vài ánh mắt nhìn tôi ngơ ngác.
Sáng hôm sau, việc đầu tiên của tôi là lên sân thượng khách sạn để ngắm Cao Bằng từ trên cao. Sương mù còn bảng lảng, khuất mờ nhiều cảnh vật, khuất cả con sông Bằng Giang.
Năm 1978 -1979, trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, sau khi bị Trung Quốc chiếm, thị xã Cao Bằng chỉ còn là những đống gạch vụn đổ nát hoang tàn. Cao Bằng ngày nay không còn dấu vết gì của trận chiến hơn 30 năm về trước, chỉ có dòng sông Bằng Giang vẫn chảy lững lờ, uốn khúc giữa biên giới Việt Nam – Trung Quốc như một chứng nhân thầm lặng. Hẳn dòng sông này trong suốt chiều dài lịch sử, đã chứng kiến biết bao cảnh đầu rơi, máu chảy, chứng kiến nhiều tham vọng xâm lăng và cũng chứng kiến nhiều thất bại của giặc ngoại xâm bên kia biên giới. Sông Bằng Giang cũng là con sông từ Việt Nam chảy sang Trung Quốc, tuy bắt nguồn từ tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, chảy vào đất Cao Bằng, nhưng lại đổ ngược về đất Quảng Tây.
Tôi lên đường đến thác Bản Giốc. Nhớ một câu thơ của Hoàng Việt:
Chưa lên cao đã gặp Cao Bằng
Chưa thấy gió đã đèo Giàng đèo Gió…
Chưa đi hết Ngườm Ngao, Bản Giốc
Đã sóng soài đèo Mã Phục dồn chân…
Lỡ để lại nhà những cái cùng con
Tôi đi cho hết nước non Cao Bằng!…
Thác Bản Giốc cách thị xã Cao Bằng 91 km, thuộc huyện Trùng Khánh. Trùng Khánh trùng tên với một thành phố lớn và giàu có của Trung Quốc, thành phố Trùng Khánh với hơn 30 triệu dân. Trùng Khánh có nghĩa là “niềm vui nhân đôi”. Huyện Trùng Khánh của Cao Bằng thì ngược lại, còn rất nghèo, chỉ được biết đến qua hai thắng cảnh nổi tiếng: Thác Bản Giốc và động Ngườm Ngao.
Trên đường đến thác Bản Giốc, tôi dừng nghỉ chân ở chợ Trùng Khánh. Một phiên chợ nửa quê nửa tỉnh, ồn ào, náo nhiệt. Tôi ghé vào một hàng chè. Vị chè ngon lạ lùng. Cô bán hàng xởi lởi, vui vẻ.
Thác Bản Giốc, còn được gọi là thác Đuây Bắc, Lầy Sản, Ngà Moong, Thoong Áng, ở phía bên Trung Quốc gọi là thác Đức Thiên – Bản Ước, là một cặp thác chính và phụ, hay còn gọi là thác thấp và thác cao. Phần thác phụ và nửa phía Nam của thác chính thuộc về Việt Nam theo hiệp định biên giới năm 1999 ký kết với Trung Quốc. Trung Quốc chiếm nửa thác chính phía Bắc. Thác Bản Giốc từng là một trong những điểm tranh cãi quyết liệt giữa Việt Nam và Trung Quốc trong quá trình đàm phán để ký kết hiệp định. Những cư dân lâu đời ở vùng biên giới nhạy cảm này cho đến bây giờ vẫn khăng khăng một mực khẳng định rằng vào cái ngày xưa không xa xôi gì cho lắm, toàn bộ thác Bản Giốc vẫn thuộc về Việt Nam và rằng cái cột mốc hiện tại, ngày xưa nằm ở chỗ khác.
Thôi thì câu chuyện của lịch sử, của biên giới, thì để cho lịch sử và các chính trị gia giải quyết. Chỉ có điều nhìn thác nước đẹp, hùng vĩ, nay lại được phía Trung Quốc bầu là thác nước đẹp nhất Trung Quốc trong một cuộc bình chọn do tạp chí Địa lý Quốc gia của họ tổ chức năm 2005, tự nhiên vẫn cứ thấy khó chịu, vướng vất trong lòng. Ở cạnh một quốc gia lớn, đông dân, nhiều tham vọng bành trướng, chưa bao giờ là điều tốt cho bất kỳ đất nước nào trên thế giới.
Đi trên đường đã có thể nhìn thấy thác từ phía xa xa. Phải đi bộ theo một con đường mòn khá dài mới đến tận chân thác. Đường đến thác còn phải đi qua một chiếc cầu gỗ khá sơ sài, nghe nói do người dân tự làm. Ngày trước nơi đây có thu lệ phí để qua cầu. Nhưng khi tôi đến thì không gặp ai thu lệ phí cả. Mặt nước sông bình yên, phẳng lặng, trái với dòng thác đang gầm réo ồn ào phía trước. Thác chính, tức là tháp thấp, nước chảy từ độ cao chia thành nhiều nhánh khác nhau. Trung Quốc đang khai thác du lịch ở đây. Họ sử dụng những chiếc thuyền du lịch, chở du khách ra tận chân thác ngắm cảnh. Còn ở phía Việt Nam thì lưa thưa khách viếng thăm, dù rằng cũng có một số dân địa phương chở mảng thuê, ngoài ra chỉ thấy lèo tèo vài hàng quán.
Dòng sông Quây Sơn bắt nguồn từ Trung Quốc, chạy qua đất Việt lại quay về Trung Quốc. Đúng ở đoạn chảy qua đất Việt, dòng sông đột ngột hạ thấp, tạo thành thác Bản Giốc. Nước sông mùa này trong vắt. Thác chính chia thành nhiều tầng nhìn từ xa, bị chia cắt làm hai bởi một dải đất giữa dòng. Ngắm mãi mà chưa thấy được sắc cầu vồng huyền ảo thỉnh thoảng xuất hiện trên mặt thác do ánh nắng chiếu xuống lẫn với hơi nước bốc lên tạo thành. Thác cao chảy xuống, ầm ầm tung bọt trắng xóa, chia thành hai nhánh và nhiều dòng chảy. Lại gần chân thác, bụi nước đủ sức làm ướt người. Hơi nước mát lạnh, làm dịu đi cái nóng oi ả của ngày hè. Ngay gần chân thác chính, có một cột mốc đánh dấu lãnh thổ.
Nói theo ngôn ngữ địa lý thì thác nước là một hiện tượng thiên nhiên khi dòng sông hạ thấp độ cao, hay khi có độ nghiêng lớn, tạo thành sóng nước và xoáy nước. Nhưng theo con mắt nhìn của tôi, thác chỉ là sự thay đổi cảm xúc của dòng sông, từ buồn chuyển sang vui, hay từ dịu dàng chuyển sang giận dữ, tùy theo tâm trạng. Con người có đời sống, có tâm trạng, thì thiên nhiên cũng có đời sống, có tâm trạng của riêng mình. Nằm giữa biên giới hai nước, thác Bản Giốc như một cô gái đẹp, chênh vênh giữa hai dòng tình cảm, nhưng chắc chắn nặng tình hơn về phía Việt Nam.
Sau này tôi còn trở lại Cao Bằng thêm nhiều lần nữa. Ở gần thác Bản Giốc đã có thêm một ngôi chùa Phật Tích Trúc Lâm đồ sộ, uy nghi. Theo những bậc thang bước lên chùa, toàn cảnh của thác Bản Giốc trải ra trước mắt. Ngoài thờ Phật, chùa còn thờ Mẫu, thờ Việt Nam Triệu Tổ Hùng Vương, thờ đức Thánh Trần Hưng Đạo. Đặc biệt có đền thờ anh hùng Nùng Trí Cao, một nhân vật lịch sử tiêu biểu của Cao Bằng trong thời phong kiến, có công lớn trong việc giữ biên cương phía Bắc. Cao Bằng còn níu bước chân tôi bằng những lần viếng thăm khu di tích Pác Bó, thăm mộ nhân vật lịch sử Kim Đồng đã đi vào văn chương nghệ thuật Việt Nam, thăm động Ngườm Ngao, một trong những động đẹp nhất Việt Nam. Ngườm Ngao theo tiếng dân tộc Tày có nghĩa là Hang Hổ. Động được hình thành cách đây 400 triệu năm và được xem là động lớn nhất vùng Đông Bắc Việt Nam với chiều dài 2.144m. Những ai không quen đi bộ xa có thể sẽ khá mệt khi khám phá hang động này. Tuy nhiên những nơi này du khách đều có thể đến khá dễ dàng, chỉ có một nơi mà tôi nghĩ là ít ai đến được. Trong chuyến lên Cao Bằng lần thứ 4 tôi được một đôi vợ chồng thổ địa miền đất này dẫn đi chơi. Hai em đã đưa tôi đi Phja Đén ngắm ruộng bậc thang ở Cao Bằng và lên đỉnh Phja Oắc, nóc nhà của vùng Đông Bắc.
Đỉnh Phja Oắc nằm ở huyện Nguyên Bình, Cao Bằng. Với đỉnh cao 1.931m so với mực nước biển, cao hơn thị trấn du lịch Sa Pa 450m, cao hơn Ba Vì, Tam Đảo gần 1.000m, ngần ấy cũng đủ để Phja Oắc là nóc nhà của tỉnh Cao Bằng và cả miền Đông Bắc Việt Nam. Đỉnh núi này cùng với Sa Pa và đỉnh Mẫu Sơn ở Lạng Sơn là có những mùa đông có băng tuyết. Nghe nói có năm trên đỉnh đóng băng đến 12 ngày liên tục.
Đường lên núi hai bên là khu rừng ôn đới với cây xanh mọc rêu và những cây dương xỉ, cây thông. Trên đỉnh núi có cột ăng ten phát sóng quốc gia, vốn cao nhất Đông Nam Á nhưng đã bị đổ. Sau này tôi nghe nói cột ăng đen đã được dựng lại.
Con đường lên đỉnh núi được đặt tên là Kolia. Cách đây gần một thế kỷ, những người Pháp đã đến đây khai phá nơi này. Kolia là tên một nữ kỹ sư đã bỏ mạng vì nanh vuốt chúa sơn lâm trong khi đi khai phá. Tên của bà được đặt cho nơi này làm kỷ niệm và gần đấy cũng có một nhà hàng tên là Kolia.
Con đường lên núi dài gần 20 km, chỉ đủ cho một ô tô loại nhỏ đi lọt. Do đường đi rất khó, dốc rất cao, có đoạn đang làm, nên không xe sedan nào lên được. May mắn là tôi và những người bạn chuyển sang đi chiếc xe bán tải nên mới leo lên đến đỉnh núi. Riêng cung đường đi đã là một trải nghiệm thú vị. Có lúc dốc cao quá, tôi và những người bạn phải nhảy xuống xe cho nhẹ bớt, xe mới lên được đỉnh dốc.
Ở trên đỉnh núi Phja Oắc, có một cây cổ thụ rất đẹp, nhưng nay đã chết khô. Lên đỉnh cao Phja Oắc, hướng tầm mắt ra bốn phía, chỉ thấy thăm thẳm núi rừng. Nghe còn một số biệt thự bỏ hoang của người Pháp ở nơi đây từ đầu thế kỷ XX, tuy nhiên nằm khuất lấp trong rừng cây. Phja Oắc còn rất hoang sơ, có rất ít dấu chân người. Nhiều người ở Cao Bằng bảo rằng nơi này là một cảnh quan rất đẹp để khai thác du lịch, nhưng bị bỏ phí. Tôi thì không nghĩ vậy. Lên đến đỉnh Phja Oắc ngắm trời xanh, mây trắng rồi, tôi chỉ mong nơi này còn mãi hoang sơ. Xét cho cùng, những lữ khách luôn cần những khung cảnh thiên thiên chưa nhuốm màu tục lụy trần gian.
HÀ THANH VÂN